Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn là ai?
Chầu Đệ Nhị là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn kề cận bên cạnh Mẫu, vị Thánh thống soái trong các hàng Châu, cai quân vùng núi non, sơn cước:
Vốn dòng công chúa thiên thai
Giáng về hạ giới quản cai Thượng ngàn
Quản cai các lũng các làng
Sơn tinh cầm thú hổ lang khấu đầu…
– Văn Chầu Đệ Nhị –
Thần tích Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn
Sự tích được lưu truyền
Theo thần tích của dòng mo họ Hà coi việc giữ đền và tế tự chép thì Đông Quang Công Chúa (Chầu Đệ Nhị) tên húy là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên là người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên cũng là hậu duệ của trại chủ Quy Hóa – Hà Đặc, Hà Bổng và hi sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai (là Ông Hoàng Báo Đông Cuông). Khi Ông Thiên tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đông Cuông. Họ dạy dân lập ấn lập bản, dạy dân bách nghệ, trồng trọt chăn nuôi và chữa bệnh cứu người.
Sau này khi tạ thế, Bà hóa thánh là Chầu Đệ Nhị hiển linh giúp dân vả phù giúp những người lái buôn ngược xuôi sông Thao gặp hoạn nạn. Dân lập miếu thờ Ông bên Ghềnh Ngai ở hữu ngạn sông Hồng. Còn miếu thờ hai mẹ con Bà được lập tại bên tả ngạn đối diện, sau này được sang sửa và mang tên Đền Đông Cuông.
Trong nhân dân hai xã Đông Cuông và Ngòi A lưu truyền một huyền thoại: ở xóm Đá Ôm thôn Đồng Dẹt xã Đông Cuông có một giếng nước sâu trong vắt. Giếng ở chân gò, nơi chúa họ Cầm ở (tù trưởng bộ tộc Tày). Một hôm, con gái tù trưởng là Cầm Thị Lả (Cầm Thị Lê) ra giếng gội đầu. Lỡ tay đánh rơi lược xuống giếng, nàng vội nhào theo vớt lược. Lược chẳng thấy chỉ thấy đáy giếng lộ ra một con đường rộng, sâu hút. Nàng theo đường ấy, đi mãi đến Thuỷ Cung rồi gặp Long Vương lấy làm chồng và sinh hạ được một trai. Nhớ nhà, nàng bế con trở lại dương thế và hứa với Long Vương hàng năm sẽ xuống thăm chồng một lần và chỉ đi một mình không đem con đi cùng. Giếng Đồng Dẹt trở thành giếng thần. Tháng Giêng ngày mão, xã chọn thanh niên chưa vợ đi tát sạch giếng để lọc lấy nước trong thanh khiết cúng lễ.
Theo ghi chép từ Bách Thần Lục
Trong Bách thần lục, thần tích của Chầu Đệ Nhị lại đồng nhất với thần tích của Thánh Mẫu Thượng Ngàn ở vùng Lạng Sơn, Bắc Lệ. Đó chính là công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh, được phong là Thượng Ngàn công chúa cai quản 81 cửa rừng ở cõi Nam Giao.
Trong ghi chép của sử Lê Quý Đôn
Trong Kiến Văn Tiểu Lục, mục “Linh tích” thời Hậu Lê, cụ Lê Quý Đôn viết:
Văn Châu, một người thuyền hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba (nay thuộc địa phận Lâm Thao – Phú Thọ) là học trò Hiệu như Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 – 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Bến sông này có miếu thờ Đông Quang Công Chúa vẫn nổi tiếng anh linh. Tục truyền Công Chúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp, huyện Sơn Vi (sau đổi là huyện Lâm Thao). Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người từ trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ, gọi tên mình và bảo rằng: “Khi thuyền nhà ngươi trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại vương, Chúa bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về báo để Đại vương biết.” Nói xong liền biến mất. Đường thủy mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba, bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm mà đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này núi đá mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm). Văn Châu theo lời thầy dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại, rồi đi.
Thời gian khánh tiệc Chầu Đệ Nhị
Ngày 2/11 âm lịch (ngày Mão đầu tiên của năm) là ngày khánh tiệc của Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn
Hầu giá Chầu Đệ Nhị
Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn là vị Chầu hay giáng đồng nhất trong hàng Chầu. Từ đồng tân đến đồng cựu ai cũng thỉnh Chầu về ngự để ban tài tiếp lộc sơn lâm sơn trang. Khi văn thỉnh Chầu cất lên: Dâng văn tiên thánh thượng ngàn Đông Cuông Tuần Quán giáng đàn hôm nay….
Khi Chầu về nhận lễ nhận đồng chứ không sang khăn: khai quang và làm lễ bằng quạt múa song đăng, múa mồi, chứng vàng thoi núi, múa tay tiên, đai thắt màu xanh và kiềng bạc, hoa tai, dao quay, túi vóc. Ngài ngự đồng hiến thánh thủy hoặc chứng hoa quả, lương thực, lễ vật và ban phát cho mọi người.
Chầu cũng hay ngự về trong các đàn mở phủ để chứng đàn Sơn Trang, kể cả với người không mở đủ bốn tòa. Ngoài ra, khi đồng tân lính mới vào hầu cũng thường thỉnh chầu về sang khăn cho đồng mới.
Trang phục
- Chầu ngự về đồng ra tay dấu hai ngón tay phía bên phải
- Mặc y phục màu xanh lá cây giống người dân tộc, chít khăn buồm
Bản văn
Bản văn 1
Dâng văn chầu đệ nhị trên ngàn
Đông Cuông Tuần Quán giáng đàn chứng đây
Trên ngàn gió cuốn rung cây
Dưới khe cá lặn chim bay về ngàn
Cảnh khuya nguyệt lặn sao tàn i i i
Chiếc thoi bán nguyệt khoan khoan chèo vào
Gập ghềnh quán thấp lầu cao i i i
Khi ra núi đỏ khi vào ngàn xanh
Thượng ngàn đệ nhị tối linh i i i
Ngôi cao công chúa quyền hành núi non
Anh linh đã khắp tiếng đồn í ì i a ớ a à i i a
Sấm ran mặt về mưa tuôn đầu ghềnh
Da ngà mắt phượng long lanh i i i
Mặt hoa tươi tốt tóc xanh rườm rà
Nhị hồng tuyết điểm màu da i i i
Cổ tay tựa ngà đầu vấn tóc mai
Vốn dòng công chúa Thiên thai i i i a i i
Giáng sinh hạ giới quản cai thượng ngàn
Quản cai các lũng các lang i i i a
Sơn tinh cầm thú hổ lang khấn đầu
Khắp hòa tam thập lục ngàn châu i i i a
Chín từng khe suối một bầu tiêu dao
Rong chơi ngàn quế ngàn đào i i i
Khi ra thác cái lúc vào thác con
Chim kêu vượn hót véo von i i i
Chớp bể đôi đoạn mưa nguồn từng cơn
Khi nương gió lúc thác gièm i i i
Khi bẻ cành quế khi vin cành hồng
Vui chơi nước nhược non hồng i i i
Phố Cát Đại Đồng sông Cả sông Thao
Lân rờn vượn múa thấp cao i i i
Ngàn mây thấp thoáng trăng sao lững lờ
Nón buồn vai quảy lẵng hoa i i i
Đền khi phủ nọ vào ra chơi bời
Khi thanh vắng lúc lại êm trời
Ngồi trên đỉnh núi ghẹo người Hằng nga
Tang tình thôi múa lại ca i i i
Bẻ bai giọng Xá ê a giọng Mường
Tiếng Kinh tiếng Mán tỏ tường
Lục châu quan hỏa líu lường líu lo
Rong chơi bát cảnh ngũ hồ i i i
Đua chèo bắt lái hồ dô lại về
Khi chơi ngàn mái ngàn me i i i
Ngàn giang ngàn nứa trúc tre ngàn vầu
Đôi cô Thổ Mán theo hầu i i i
Cô xe chỉ thắm cô xâu hạt vàng
Sơn lâm dọn quán bán hàng i i i
Non xanh đủng đỉnh tuyết sơn reo hò
Khăn xanh áo lục nhởn nhơ i i i
Khi vào ba dội lúc vô đường đèo
Môi son má phấn mỹ miều
Miệng cười hoa nở mọi chiều mọi nơi
Đèn trăng quạt gió ngàn mây
Bóng thông che tán bóng mai tựa hình
Đi suốt lúc lại về ghềnh
Đua chèo tiếng phách tiếng sênh reo hò
Chè tàu ba chén tính ưa
Thanh bông hoa quả ngự thừa lại ban
Yêu ai tài lộc chầu ban
Ghét ai chầu quở khôn ngoan được nào
Xem trang sự tích tân la
Vậy nên phúc đẳng hà sa vô cùng
Đệ tử dốc một lòng thành kính
Dâng bản văn trình chầu ngự giáng lâm
Mời chầu giáng phúc từ trung
Khuông phủ đệ tử tăng long thọ trường
Bản văn 2
Chúa tiên loan giá phượng đình
Hộ phù luyện phép cứu sinh cho đời
Đấng anh linh nơi nơi ngưỡng phục
Chúa ban hành ngũ phúc cho dân
Tối tuần tối tú anh linh
Chúa thường giáng ngự trăng thanh bốn bề
Cảnh non xanh đi về hoa đón
Núi trập trùng vời vợi ngôi cao
Đông Cuông Tuần Quán ra vào
Lắng nghe suối chảy thấp cao đổ nguồn
Dạo bốn phương qua đền Trái Hút
Qua Bảo Hà thánh thót nhạc rung
Phố Lu dạo cảnh công đồng
Lào Cai ,Phố Mới ,Đầm Hồng dạo chơi
Mẫu Đông Cuông soi đời vời vợi
Tấc lòng thành vạn tội Mẫu Thương
Lòng thành thắp một tuần hương
Có Chầu Tuần Quán Đông Cuông giáng thế
Lầu gác khuê áo đào ngắn vạt
Vẻ long lanh kiềng bạc trâm cài
Anh linh dậy bốn phương trời
Có Chầu Tuần Quán giáng nơi điện tiền
Chầu về lai giáng bản đền
Khuông phù đệ tử thiên niên thọ trường.
Địa điểm thờ tự
Đền Chầu Đệ Nhị nổi tiếng bốn phương chính là đền Đông Cuông, tọa lạc tại thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Tham khảo
- Đạo Mẫu: https://daomau.fandom.com/vi/wiki/
- Hình ảnh đại diện: Tranh vẽ Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, thuộc dự án Divine Portraits – Thánh Nhan. Hoạ sĩ Camelia Pham