Chầu Tám Bát Nàn

Chầu Tám Bát Nàn

Thông tin cơ bản

Chầu Tám Bát Nàn là ai?

Chầu Tám Bát Nàn là Chầu Bà thứ tám trong Tứ Phủ Chầu Bà, trước Chầu Chín và sau Chầu Bẩy nổi tiếng linh thiêng, phù hộ độ trì, ban phước lành cho dân chúng. Bà được mệnh danh là Đại tướng Đông Nhung – một vị nữ tướng tài ba, anh dũng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đầu thế kỷ 1 (năm 40-43).

Chầu Bát có tên khác là Chầu Tám Bát Nàn, Chầu Bát Thượng Ngàn hay Bát Nàn Đại tướng Đông Nhung.

Thần tích Chầu Tám Bát Nàn

Thời Tô Định Đông Hán chiếm đóng, Phượng Lâu thuộc châu Bạch Hạc. Dân trang Phượng Lâu chuyên nghề nông, bắt cá, cua và bẫy thú. Hào trưởng của trang Phượng Lâu là ông Vũ Công Chất được giao quyền trông coi 12 trang, gia đình khấm khá. Ông lấy vợ là Hoàng Thị Mầu là người cùng làng, cùng tuổi, thương yêu nhau hết mực. Vũ Công biết nghề thuốc nên thường đi xa nhà để săn tìm các loại thảo dược để chữa bệnh cho nhân dân.

Một lần đi hái thuốc ở Mãn Châu, Ông tình cờ ghé ngang một ngôi cổ miếu siêu vẹo, cũ kỹ, rêu đóng quanh thềm. Hỏi thăm sự tình thì biết rằng đó chính là miếu thờ Sơn Tinh Công chúa, huý là Ngọc Hoa, vợ Sơn Thánh Tản Viên. Miếu xưa nay được tiếng linh thiêng, nhưng do trải qua nhiều phen biến loạn, dân chúng tản cư nên miếu không còn được người săn sóc nữa. Vũ Công đến gặp người trang trưởng và các cụ trong trấn ngỏ ý muốn trùng tu lại ngôi miếu, ông bỏ tiền, góp sức, cùng với người trưởng trang trùng tu xây lại miếu, không quên cho cho tạc lại pho tượng của Sơn Tinh Công Chúa để thờ. 

Mùa đông đến, Vũ Công dời Mãn Châu về lại trang Phượng Lâu, Vũ phu nhân cùng dân làng vui mừng đón ông trở về bình an trở về lại hái được nhiều thảo dược. Vũ Công kể cho vợ nghe về việc trùng tu lại miếu Sơn Tinh công chúa ở Mãn Châu, vợ ông rất vui và bảo rằng:

“Công chúa tên huý là Ngọc Hoa, là con gái của Đức Hùng Duệ Vương, vợ của Tản Viên Sơn Thánh – thần núi Ba Vì, có công lớn xây dựng đất nước.”

Trong lúc đang mải trò chuyện, bất chợt ngoài cổng có tiếng gọi cửa, người đưa tin sang sảng nói cả hai vợ chồng nên ra bến sông nhận bè gỗ, tự xưng mình là Bộ Hạ của Sơn Tinh công chúa, đích thân đem đến tạ ơn Vũ Công bằng bè gỗ quý và người con gái tài sắc hơn người. Chưa hết lạ lùng thì Vũ phu nhân thấy trước cửa có tiếng nói thỏ thẻ “Mẹ ơi… cho con vào với”, bóng người tiên nữ hiện ra trong làn hoa rơi, nhào vào lòng bà rồi biến mất.

Ít lâu sau, đến giờ Dần, ngày rằm tháng Tám năm Đinh Sửu, bà hạ sinh cô con gái trắng trẻo, xinh xắn, đặt tên là Vũ Thị Thục Nương. Thục Nương càng lớn càng xinh, thông minh, sắc sảo, năm 16 tuổi biết múa roi, đi quyền, sách đọc đâu thuộc đấy. Nàng thích du thuyền dọc theo sông Lô, cũng mở lưới quăng chài, khi hát đùa với các bạn gái, nàng thích hát đối, mỗi khi cất giọng vạn vật phải ngẩn ngơ lắng nghe. Tuy Thục Nương tài giỏi nhưng Vũ Công cũng không nuông chiều, luôn nghiêm nghị dạy nàng không nên cao ngạo, để ý khiêm tốn, thành thật hơn.

Tiếng lành đồn xa, năm 18 tuổi, Phạm Danh Hương đánh tiếng hỏi, gia đình họ Phạm đem cơi trầu, bầu rượu đến cầu hôn Thục Nương. Đôi bên tâm đầu ý hợp, ngỏ lời ước hẹn qua buổi hát đúm. Từ ngày đính hôn, Thục Nương ở nhà dệt vải, chăn tằm, thêu áo, chờ mùa thu sang sông làm vợ Phạm Hương. 

Thế nhưng sự đời chẳng bao giờ được toại nguyện, có một lão hào mục họ Trần năm ấy tuổi đã 40, nhà giàu nổi tiếng ở châu Bạch Hạc, nghe tiếng Thục Nương tài giỏi, cậy mình có của đánh tiếng hỏi nàng, dẫu biết Thục Nương đã đính hôn. Bị từ chối, họ Trần cho đó là điều sỉ nhục nên oán hận tìm cách trả thù. Hắn làm thân với Thái Thú Giao Châu lúc bấy giờ là Tô Định rồi hết lời tâng bốc Thục Nương khiến hắn nổi lòng tham chiếm đoạt. Sau khi giả làm lái buôn đến trang Phượng Lâu, hắn bảo quyết đón nàng về phủ, ra lệnh mời Vũ Công vào phủ nhằm dùng vật chất ép buộc Vũ Công gả con gái cho. Khi Vũ Công từ chối, Tô Định nổi trận lôi đình, đánh chết ông, sau đó bèn sai người giết hại cha bà cùng với lang quân của bà là Phạm Danh Hương.

Được tin nhà tướng phủ Thái Thủ đem bình về vây đóng Phượng Lâu, hòng bắt cóc Thục Nương đưa về Thành Phủ. Cùng một lúc được tin bố, chồng và cha chồng bị giết chết, Thục Nương cùng mẹ khóc ngất, cô phá vòng vây quân thù, vượt sông Hồng về Tiên La ẩn náu và chờ đợi cơ hội.

Để ẩn dấu thân phận, Thục Nương xin cải trang thành một ni cô, nương náu nơi cửa Phật. Cô vẫn luôn nhớ thù nhà nợ nước, nung nấu ý định trả thù, muốn xây dựng một đội quân riêng. Trong thời gian đó, để ổn định kinh tế, cô chỉ cho dân chúng cách làm ăn, buôn bán, sản xuất, Tiên La nhờ vậy mà trở nên khấm khá, sầm uất  hẳn lên, trở thành nơi quy tụ các anh hùng thập phương. Ngôi chùa bấy lâu cô hương khói bỗng chốc trở thành chỉ huy sở của nghĩa quân Thục Nương. Đến mùa thu năm ấy, nghĩa binh Thục Nương lên đến hơn ngàn quân, tiếng tăm lan truyền khắp nơi. Thục Nương đứng lên phất cờ khởi nghĩa, danh xưng là Bát Nạn đại tướng quân.

Cùng lúc ấy, vào năm 40 (sau công nguyên), cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nổ ra, nghe danh Bát Nạn đại tướng quân anh tài, đã nhiều lần đánh đuổi giặc Hán nên 2 bà viết hịch gửi cho Bát Nạn. Nhận hịch và tham khảo ý kiến của các bô lão, bà đầu quân cho Hai Bà Trưng. Sau khi gia nhập, nghĩa binh của Thục Nương nhận nhiệm vụ làm tiến quân dẹp giặc Hán. Với tài thao lược, đa mưu hơn người cùng bình lực tốt, quân của bà đánh đâu thắng đó, đem lại bình yên cho nhân dân. 

Tuy nhiên, chỉ sau một năm, quân Hán lại cử quân sang đánh chiếm lại. Lần này địch mạnh gấp vạn phần so với trước. Quân nhân cùng các vị tướng sĩ của Hai Bà Trưng lại vác vũ khí lên đường chống giặc. Song, lần này giặc Hán hung hãntàn ác, Thục Nương cùng quân sĩ quay về Tiên La cố thủ hòng giữ làng xóm nhưng cũng thất bại. Biết đã thất thế, Thục Nương rút gươm tuẫn tiết ngay dưới gốc cây tùng. Nơi bà mất, mối đùn lên đắp thành mộ. Người dân xung quanh vùng vì biết ơn và cảm nhớ nên đã lập miếu thờ bà ngay dưới gốc tùng đó.

Sắc phong

Vào thời Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông mang quân đi đánh chiêm thành có dừng lại ở Tiên La. Sau khi hỏi han sự tình, ngài phong Thục Nương làm Vạn Cổ Phúc Thần để tưởng nhớ công ơn nữ anh hùng một đời hy sinh cho đất nước. Theo thần tích thời Hậu Lê do Hàn Lâm Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn, Thục Nương được phong thần 4 lần theo thứ tự sau:

  • Lần 1: thời Trung Vương sắc phong Bát Nạn Đại tướng quân Trinh Thục công chúa
  • Lần 2: thời Vua Lê Thánh Tông sắc phong Ý Đức Đoan Trang Trinh Thục công chúa
  • Lần 3: đời vua Minh Mạng sắc phong bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Chi Thần
  • Lần 4: đời vua Khải Định sắc phong bà là Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Thượng Đẳng Thần

Thờ phụng

Đền Tiên La

Đền thờ Chầu Tám Bát Nàn có ở rất nhiều nơi, nổi tiếng nhất có Đền Tiên La thuộc thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đây là nơi nhân dân chịu ơn Chầu và cũng là nơi di thể chầu trôi về, nên ở đây chầu còn được tôn xưng là Mẫu Tiên La.

Đền Tám Gian

Đền Tiên La (đền vọng) hay còn gọi là Đền Tám Gian tại đường Lê Lợi, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng cũng là nơi di hài Chầu Tám trôi về, tại đây bà còn được tôn xưng với tên Chúa Bát Nàn.

  • Đền Chầu Tám Đồng Mỏ thuộc thị trấn Đồng Mỏ, tỉnh Lạng Sơn tương truyền là nơi chầu hóa. 
  • Đền Tân La ở Dốc Lã thuộc tỉnh Hưng Yên là nơi chầu Bát đóng quân. 

Ngoài ra còn rất nhiều đền khác trong tỉnh Thái Bình và nơi quê nhà của Chầu Tám ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngày khánh tiệc của Chầu Bátngày 15 tháng 8 âm lịch (đây là ngày đản nhật của Chầu)

5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
Ảnh Chụp Màn Hình 2023 09 09 Lúc 14.47.36

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)