Thân thế
Tổ Giác Quang thế danh là Dương Văn Thêm sinh năm 1895 tại Làng Tân Sơn Nhì – tỉnh Gia Định, trong một gia đình trung lưu tại Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Ngài từng giữ các chức vụ quan trọng như Hương Hào, Hương Quản và Xã Trưởng xã Tân Sơn Nhì (nay là quận Tân Bình và Tân Phú thuộc TP. Hồ Chí Minh).
Cơ duyên tu hành
Từ thuở nhỏ cho đến lúc trưởng thành, Ngài đã hấp thụ nền giáo dục đậm nét Nho phong cổ kính có đức tính vị tha, từ ái bao dung. Mặc dù có một tương lai đầy hứa hẹn trong đời, nhưng Ngài đã sớm giác ngộ lẽ vô thường, khổ đau nhân thế. Nhờ nhân duyên lành gặp các vị Hòa thượng Hộ Tông và Hòa thượng Thiện Luật, ngài đã phát tâm tu học đạo pháp từ năm 1939.
Năm 1940, ngài qua Campuchia học đạo và xuất gia trong 5 năm, được Hòa thượng bổn sư đặt pháp danh là Giác Quang, sau đó, ngài về nước cùng chư Tăng Phật giáo Nguyên Thủy xây chùa để hoằng pháp. Sau ngôi tổ đình Bửu Quang, chùa Giác Quang trở thành ngôi chùa thứ hai của Hệ phái Phật giáo Nam Tông Việt Nam .
Những đóng góp cho Phật giáo
Đến năm 1945 Ngài trở về Sài Gòn và lập chùa Giác Quang ở Bình Đông – Chợ Lớn, đây là một trong những ngôi chùa có uy tín trong hệ phái Phật Giáo Nam Tông Việt Nam. Tại đây Ngài đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni Phật tử cho hệ phái Nam Tông.
Ngài đã cùng với các Ngài Bửu Chơn, Hộ Tông, Thiện Luật, Tối Thắng, Giới Nghiêm thành lập Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam. Tham gia giảng dạy tại đây có đức Ngài Nàrada, Cố vấn tối cao Tổng hội Phật giáo Thế giới WFB (Word Followship of Buddhist), đức Tăng Thống Bửu Chơn, đức Khai Tổ Hộ Tông, v.v.
Năm 1957, Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam chính thức ra đời, ngài đã được suy tôn vào chức vụ Cố vấn Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam.
Năm 1959, Hòa thượng đã tổ chức trùng tu, mở rộng ngôi chùa để chư Tăng có chỗ cư ngụ và đông đảo Phật tử đến lễ bái, tụng niệm. Hòa thượng đã giữ mối quan hệ chặt chẽ với Tăng đoàn Campuchia, thường mời các vị trưởng lão Campuchia qua tham dự những buổi lễ lớn tại chùa.
Đối với đạo pháp Ngài đã thực hiện hai nhiệm vụ trong buổi sơ khai của lịch sử Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam vô cùng khó khăn gian khổ. Đó là xây dựng cơ sở tự viện đầu tiên của Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam và hoằng pháp độ sanh.
Nhiều nhà sư Nam Tông đã trưởng thành từ chùa Giác Quang này, hiện họ đã đóng góp nhiều công sức trong việc truyền bá Phật Giáo Nguyên Thủy ở Việt Nam.
Thời kỳ viên tịch
Việc du nhập Phật Giáo Nguyên Thủy vào Việt Nam của Ngài là một công đức vô cùng to lớn. Ngài đã viên tịch vào năm 1967, hưởng thọ 72 tuổi, với 27 năm hành đạo.
Tuy Ngài mất đi, nhưng vầng hào quang sự nghiệp đạo pháp của Ngài vẫn rực rỡ huy hoàng đến muôn sau.
Tham khảo
- Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, TT. Thích Đồng Bổn, thành hội Phật giáo TP. HCM. 1995