Hòa thượng Thích Đức Niệm (1937-2003)

Hòa thượng Thích Đức Niệm (1937-2003)

Thông tin cơ bản

Thân thế

Hòa thượng họ Hồ, húy Đắc Kế, Pháp danh Nguyên Công, tự Đức Niệm, bút hiệu Thiền Đức, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ bốn mươi bốn, sinh năm Đinh Sửu (1937) tại làng Thanh Lương, phủ Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận, nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Cơ duyên tu hành

Nhờ túc duyên tiền kiếp, nên mặc dù không ai khích lệ thúc đẩy, Ngài vẫn một mình cố công tìm đường hướng về với đạo lý giác ngộ. Khởi đầu, Ngài xin xuất gia với Hòa Thượng Thích Minh Đạo tại chùa Long Quang, Phan Rí năm 13 tuổi. Sau đó, trên đường tầm sư học đạo, Ngài cầu học với Hòa thượng Trí Thắng chùa Thiên Hưng và Hòa Thượng Viện chủ chùa Trùng Khánh ở Phan Rang, Hòa Thượng Thiện Hòachùa Ấn Quang, Sài Gòn, và Hòa Thượng Trí Thủ ở Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang. Vào năm 1962, Ngài tốt nghiệp Cao Đẳng Phật giáo tại Phật Học Đường Nam Việt chùa Ấn Quang Sài Gòn.

Song song với Phật học, Ngài cũng chú tâm đến thế học. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn khoa Đại Học Vạn Hạnh năm 1966, Ngài được học bổng du học Đài Loan năm 1969. Từ năm 1966 đến 1969 trước khi đi du học, thể theo lời mời của Giáo Hội, Ngài đảm nhiệm các chức vụ:

  • Hiệu trưởng trường Trung học Bồ Đề quận Chợ Mới tỉnh Long Xuyên;
  • Chánh Đại Diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Gia Định;
  • Chánh thư ký Phật Học Vụ, Giáo Hội PGVNTN
  • Giám Đốc Trường Trung Học Bồ Đề tỉnh Bình Dương

Tại Đài Loan, Ngài đỗ Cao học năm 1972 và Tiến sĩ Quốc gia về Văn Triết Học năm 1978. Trước thảm nạn của đồng bào vượt biển, Ngài được đồng bào và sinh viên Việt Nam mời đảm nhiệm: Chủ tịch Hội Cứu Trợ Thuyền Nhân Vượt Biển Tỵ Nạn (tại Đài Loan)

Năm 1979, đáp lời mời của Hòa thượng Thích Thiên Ân, Viện trưởng Viện Đại Học Đông Phương, Ngài rời Đài Loan đến Los Angeles, Hoa Kỳ đám nhiệm chức vụ: Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Đông Phương kiêm Giám Đốc Phật Học Viện Quốc Tế. Đóng góp cho công cuộc truyền bá đạo pháp và văn hóa truyền thống của dân tộc trên đất mới này.

Tại đây và ngay trong thời gian đầu, Ngài đã xúc tiến thành lập ấn quán Ananda để in kinh sách Phật giáo, bắt đầu đi thuyết pháp và lập đạo tràng khắp nơi.

Quá trình hành đạo

Tháng 6 năm 1981, Ngài chính thức tạo lập cơ sở Phật Học Viện Quốc Tế để đào tạo tăng tài, truyền bá chánh pháp, bảo tồn và phát triển niềm tin vào truyền thống văn hóa dân tộc.

Năm 1983, quan tâm đặc biệt cho tương lai của Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại, trong đó giới luật là căn bản, Ngài đã tổ chức lần đầu tiên ở hải ngoại Đại Giới Đàn Thiện Hòa với đúng như nghi thức truyền thống thiền môn.

Năm 1988, đáp ứng với tình hình Phật sự lúc bấy giờ, Ngài đảm nhiệm chức vụ: Chủ tịch Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ;

Năm 1992, khâm thừa giáo chỉ Viện Tăng Thống của Giáo Hội ở trong nước, Ngài đã cộng tác toàn tâm toàn lực với chư Tôn đức Tăng Ni và cư sĩ để thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ và sau đó được cung thỉnh giữ chức vụ: Chánh Văn Phòng Hội Đồng Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ;

Tuy luôn luôn bận rộn với những công tác Phật sự của Giáo Hội, giảng dạy đồ chúng và thuyết pháp khắp nơi, Hòa Thượng Đức Niệm vẫn luôn luôn quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống của dân tộc ở xứ người mà chính yếu là nền văn học Phật giáo Việt Nam được chuyên chở qua kinh điển, sách báo Phật giáo bằng chữ Việt. Do đó, ròng rã suốt 20 năm kể từ khi đến Hoa Kỳ, Ngài đã thực hiện các công tác ấn hành kinh sách, xuất bản các tập san định kỳ, dịch thuật và biên soạn Kinh, Luật, Luận.

1- Ấn hành kinh sách: Đáp ứng với tình trạng thiếu kinh sách Việt ngữ để tu học một cách nghiêm trọng cho cộng đồng Phật tử khắp nơi ở hải ngoại, đặc biệt trong giai đoạn chưa có sự giao lưu giưa Việt Nam và thế giới bên ngoài, cơ sở ấn hành Phật Học Viện Quốc Tế đã kịp thời in và phát hành nhiều kinh sách Phật giáo. Tính cho đến nay, đã có khoảng 235 kinh sách đủ loại đã được in và phát hành.

2- Xuất bản các tập san định kỳ: Nhằm phổ biến tin tức và giáo lý đến các cộng đồng Phật tử Việt Nam sống rải rác khắp nơi trên thế giới, Hòa Thượng Đức Niệm đã liên tục cho xuất bản các tập san định kỳ mà danh xưng tùy hoàn cảnh tổ chức của sinh hoạt Giáo Hội có khác nhưng nội dung vẫn trước sau như một.Liên tục từ năm 1980 đến năm 2000, đã có những tập san như sau:

  • Tập san Phật Học Viện Quốc Tế ( từ năm 1980 đến 1984)
  • Tập san Phật Học ( từ năm 1985 đến 1988)
  • Tập san Phật Giáo Thống Nhất ( từ năm 1988 đến 1993)
  • Tập san Phật Giáo Hải Ngoại ( từ năm 1994 đến 2000)

3 – Dịch thuật và biên soạn:Ngoài những bài viết đăng trên các tập san Phật giáo, Hòa Thượng Đức Niệm còn dịch thuật và biên soạn những Kinh, Luật,Luận để Tăng Ni và Phật tử có tài liệu tu học và nghiên cứu, tham khảo:

  • Phật Pháp Yếu Nghĩa (Biên soạn-1988)
  • Câu Xá Luận Cương Yếu ( Dịch- 1985)
  • Kinh Bảo Tích Giảng Giải (Dịch và giải – 1986)
  • Tại Gia Bồ Tát Giới ( Soạn dịch – 1989 )
  • Lược Truyện Tiền Thân Đức Phật ( Soạn dịch – 1988 )
  • Tịnh Độ Đại Thừa Tư Tưởng Luận ( Soạn dịch – 1989 )
  • Kinh Thắng Man Giảng Giải ( Dịch giải – 1990 )
  • Phương Pháp Cải Đổi Vận Mạng ( Soạn dịch – 1991)
  • Pháp Ngữ Lục ( Biên soạn – 1991)
  • Kinh A Nan Vấn Phật Cát Hung ( Dịch giải – 1994)
  • Kinh Kim Cang Bát Nhã Giảng luận ( Dịch – 1997)
  • Tâm Kinh Yếu Giải ( Dịch – 1998)
  • Thiện Tài Cầu Đạo ( Dịch – 1998)
  • Người Muôn Thuở ( Sáng tác – 1996)
  • Những Mùa Vu Lan (Sáng tác – 1996)
  • Cho Trọn Mùa Xuân ( Sáng tác – 1996)
  • Nghi Thức Hồng Danh Sám Hối ( Soạn – 1990)

Viên tịch

Sau gần 70 năm hoằng hóa độ sinh, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức; hạnh đã tròn, nguyện đã mãn, Hòa thượng thuận thế vô thường thâu thần thị tịch lúc 1 giờ sáng ngày 21 tháng 3 năm 2003 nhằm ngày 19/2 năm Quý Mùi: Trụ thế 67 – Lạp thọ 47.

Trước khi viên tịch Cố Hòa Thượng đã để lại LỜI TỪ BIỆT gửi đến Chư Tôn Đức Tăng Ni và toàn thể quý Phật tử.

Tôi lâm trọng bệnh, ngày giờ về hầu Phật cũng đã gần kề. Tôi để lại những giòng này, để khi ra đi, thay thế cho những lời từ biệt.

1- Đối với Chư Tôn Đức lãnh đạo các Giáo Hội Phật Giáo ở hải ngoại, tôi thành tâm nguyện cầu Tam Bảo gia hộ quý Ngài than tâm thường an lạc, Phật sự viên thành, tiếp tục những nỗ lực giúp đưa Phật giáo trong nước vượt thoát cơn Pháp nạn hiện nay để góp phần xây dựng Đất nước và Dân tộc được tự do, thịnh vượng.

2- Đối với Huynh Đệ Tăng Ni, tôi thiết tha kêu gọi quý vị phát huy sơ tâm xuất gia,lấy giới luật làm đầu, cố hàn gắn những rạn nứt do bất đồng quan điểm, để luôn sống trong Lục Hòa và xứng đáng là rường cột của Phật Giáo Việt Nam ở hải ngoại trong tương lai.

3- Đối với toàn thể Phật tử, cầu nguyện tất cả quý vị tâm Bồ Đề không thối chuyển, tinh tấn một đời tu hành, một đời làm việc thiện và tích cực giáo hóa gia đình sống theo chánh pháp.

Trên bước đường hoằng pháp mấy chục năm qua, nếu tôi có điều gì sơ xuất lỗi lầm, tôi xin thành tâm sám hối, cầu xin Chư Tôn Đức Tăng Ni và toàn thể Phật tử hoan hỹ tha thứ cho. Nếu tôi có làm được chút gì có lợi cho Đạo, chắc chắn là do sự tận tình giúp đỡ của Chư Tôn Đức Tăng Ni và toàn thể Phật tử. Giờ đây tôi xin thành tâm thâm tạ tất cả và xin hồi hướng công đức đến tất cả chúng sanh để cùng giải thoát.

Trọng bệnh Tỳ kheo Thích Đức Niệm

Phật Học Viện Quốc Tế, ngày 10 tháng 1 năm 2003, Phật lịch 2546.

Sự ra đi của Cố Hòa Thượng để lại sự thương tiếc cho nhiều người và vắng đi một hình bóng hoằng pháp, lợi sinh của Phật giáo. Trước hào quang Tam Bảo thành kính nhất tâm cầu nguyện Giác linh Cố Hòa Thượng Sa – Bà báo mãn, Cực -lạc hoa khai. Sinh tử băng tiêu, chân thân tự tại, pháp giới chúng sinh đồng thành Phật đạo.

Nguồn: Lược Sử Phật Giáo Bình Thuận, trang Facebook Chùa tôi Bình Thuận

5/5 (3 bình chọn)
Chia sẻ
Hòa Thượng Thích Đức Niệm (1937 2003)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)