Hòa Thượng Thích Minh Chiếu (1932-2020)

Hòa Thượng Thích Minh Chiếu (1932-2020)

Thông tin cơ bản

Thân thế

Ngài họ Thái, húy Văn Sung, pháp danh thượng NGUYÊN hạ QUẢNG, tự MINH CHIẾU, hiệu HẢI  N, sinh ngày 5 tháng 3 năm Nhâm Thân (nhằm ngày 10 tháng 4 năm 1932) tại làng Vạn Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Thân phụ Ngài là cụ ông Thái Văn Minh, bán thế xuất gia với Hòa Thượng Thích Ngộ Chí, trú trì chùa Long Sơn – Nha Trang, được ban pháp danh Trừng Chánh, hiệu Từ Minh, đạo hiệu Thích Chánh Hóa; và đã kế thừa Bổn Sư giữ chức vị trú trì chùa Long Sơn – Nha Trang giai đoạn 1936-1957; nơi sau đó trở thành cơ sở đào tạo Tăng tài cho Phật Giáo miền Trung với tên Tăng Học Đường Trung Việt (Nha Trang). Thân mẫu là cụ bà Đoàn Thị Tuất. Trong gia đình có 5 người con, 2 trai 3 gái; đứng đầu là người chị cả, còn Ngài là người con trai lớn.

Năm 1942, sau khi thân mẫu quá vãng, các chị em Ngài được đón vào chùa Long Sơn – Nha Trang theo học chương trình Yếu lược tại trường Khánh Hòa. Tại đây Ngài gặp Hòa Thượng Thích Chí Tín – vị kế thế trú trì đời thứ 3 chùa Long Sơn – kết làm thiện hữu tri thức với nhau, tình thâm như thủ túc.

Năm 17 tuổi (1949), Ngài được Hòa Thượng thượng Tâm hạ Thông hiệu Quảng Nhuận, trú trì Tổ đình Từ Quang Huế cho thế phát xuất gia tại chùa Linh Quang – Đà Lạt, ban Pháp danh thượng Nguyên hạ Quảng, tự Minh Chiếu, cùng với các pháp huynh là các Ngài Thích Minh Cảnh (trú trì chùa Linh Quang – Đà Lạt), Thích Minh Tánh (trú trì chùa Nguyên Thỉ – Long An), và sư đệ là các Ngài Thích Minh Thể (chùa Đạo Quang – Tam Kỳ, Quảng Nam), Thích Minh Tuấn (Bồ Đề Thiền Viện – Đà Nẵng).

Cũng năm này, Ngài theo học lớp Phật học tại chùa Linh Sơn – Đà Lạt do Hòa Thượng Thích Thiện Minh mở và tuyển sinh từ các tỉnh Nam Trung Phần. Ngài nổi tiếng là thông minh xuất chúng, được Bổn Sư trao cho giới Sa-di tại chùa Linh Sơn – Đà Lạt.

Năm 19 tuổi (1951), Ngài được Bổn Sư cho ra Huế theo học tại Tăng Học Đường Báo Quốc. Một năm sau, chính tại Tổ đình này, Ngài được thọ Cụ-túc giới.

Năm 1954, Ngài tốt nghiệp Đại học Phật Giáo tại Tăng Học Đường Báo Quốc – Huế, được ghi nhận là một trong những học trò xuất sắc của Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Giám viện Phật Học Viện Trung Phần, khai kiến Quảng Hương Già Lam – Sài Gòn.

Thời kỳ hành đạo

Sau khi tốt nghiệp tại Tăng Học Đường Báo Quốc – Huế, năm 1956 Ngài được phân công về làm Chi hội trưởng Chi Hội Phật Giáo kiêm Giảng sư tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và trú trì Tổ đình Thiên Phước – Ninh Hòa.

Cùng năm ấy tại địa phương này, Ngài khai sơn chùa Đức Hòa, rồi giao lại cho Hòa Thượng Thích Viên Nhơn. Sau khi Hòa Thượng Viên Nhơn viên tịch, đệ tử của Hòa Thượng là Hòa Thượng Thích Ngộ Tánh đã kế thừa trú trì cho đến ngày nay.

Năm 1959, theo nhu cầu mở thêm chi nhánh Phật Học Viện Trung Phần tại Đà Nẵng, Ngài được mời về làm Phó giám viện Phật Học Viện Phổ Đà – Đà Nẵng kiêm Giảng sư tại tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.

Trong Pháp Nạn Phật Giáo năm 1963, 1966, 1967, Ngài cùng Chư Tôn Đức tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lãnh đạo phong trào tranh đấu bảo vệ Đạo Pháp của Tăng-Tín Đồ Phật Giáo tại tỉnh nhà.

Khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập năm 1964, Ngài được cung thỉnh làm Chánh đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thành phố Đà Nẵng. Cũng năm này, Nha Tuyên Úy Phật Giáo thành lập, Ngài được cung thỉnh làm Chánh sở Nha Tuyên Úy Phật Giáo Vùng I Chiến Thuật cho đến năm 1966.

Sau Pháp Nạn 1963, thuận theo chủ trương Giáo Hội, Ngài vận động thành lập trường Trung Học Bồ Đề – Đà Nẵng làm cơ sở giáo dục phổ thông cho các học chúng xuất gia và tại gia con em đồng bào Phật Tử trong tỉnh. Để Phật sự được chu toàn tốt đẹp, Ngài đã mời Hòa Thượng Thích Minh Tuấn từ Long An về làm Hiệu trưởng và mời Hòa Thượng Thích Từ Mẫn, Giáo thọ Phật Học Viện Phổ Đà – Đà Nẵng làm Trưởng Ban Quản Trị. Trường khai giảng vào năm 1964, hoạt động liên tục cho đến sau năm 1975 mới đình chỉ trong hoàn cảnh xã hội mới.

Để tạo nền kinh tế tự túc cho Phật Học Viện Phổ Đà – Đà Nẵng, năm 1964 Ngài đã khai khẩn một thửa đất rộng lớn hơn 3ha nằm bên bờ biển, gần chân núi Sơn Trà để trồng dương liễu và rau-củ-quả nhằm cung cấp chất đốt, thực phẩm, đồng thời làm nơi nghĩ dưỡng cuối tuần cho Tăng sinh Phật Học Viện Phổ Đà.

Năm 1965, Ngài mở Trung Tâm Từ Thiện – Xã Hội gồm phòng khám Đông y – châm cứu, quán cơm chay Bồ Đề Hoa Sen tại đường Ông Ích Khiêm, sát bến xe Chợ Cồn; khai khẩn một vùng đất khoảng hơn 1.000m2 bên cạnh nhà thờ Tin Lành ở Ngã Ba Cây Lan (trước công viên 29/3 ngày nay) và một khu đất hàng chục mẫu ở Hòa Khánh có chiều dài hàng trăm mét, chạy dọc quốc lộ 1A để xây dựng chùa Minh Phước, trường Tiểu Học Bồ Đề Hòa Khánh. Đây là những cơ sở kinh tế tạo nguồn tài chánh tự túc phục vụ cho việc đào tạo Tăng tài của Phật Học Viện Phổ Đà và tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Ngài đã dùng phần đất bên cạnh Phật Học Viện Phổ Đà để thành lập Cô Nhi Viện Diệu Định, nuôi dưỡng các con em gia đình nạn nhân chiến tranh mồ côi.

Năm 1970, Ngài thành lập chùa Từ Tâm tại Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa Đà Nẵng để có nơi cho bệnh nhân lễ Phật và mời Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo làm trú trì. Đến năm 1976 chùa bị chính quyền trưng dụng.

Năm 1972, Ngài cùng Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo lập một trang trại tại Long Thành – Đồng Nai để ẩn tu. Đến 1975, khi cả hai Ngài đi “học tập cải tạo” thì cơ sở này đã bị người quản lý sang nhượng cho người khác. Vì vậy năm 1981, “học tập cải tạo” trở về, Ngài được Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo mời về tạm trú tại chùa Hưng Long – đường Ngô Gia Tự, phường 4, quận 10, Sài Gòn. Đến 1993 Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo đi định cư tại Hoa Kỳ, Hòa Thượng dời về tạm trú tại chùa Phú Hòa của Hòa Thượng Thích Mỹ Quang tại quận Tân Bình, Sài Gòn. Ba năm sau Ngài lại chuyển đến tạm trú tại chùa Báo  Ân – phường 4, quận Tân Bình, Sài Gòn.

Xây dựng không biết bao nhiêu cơ sở, nhưng lòng Ngài chẳng có chút riêng tư, cuộc sống không ràng buộc một chỗ nào. Từ năm 1981, mặc dù không có nơi tạm trú, không một giấy tờ tùy thân, nhưng với tinh thần “tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức”, Ngài đã nhận lời mời về giảng dạy cho Tăng chúng tại các tự viện như chùa Báo  n (Tân Bình, Sài Gòn), chùa Phật Ân (Long Thành, Đồng Nai) v.v…

Năm 2000, được Hòa Thượng Thích Minh Tâm, viện chủ chùa Phật Ân cung thỉnh, Ngài về an trú tại chùa Phật Ân – Long Thành, Đồng Nai. Ngài ẩn tu tại đây, dành hết thời gian tại đây để biên soạn giáo lý và dạy dỗ học chúng.

Năm 2003, tại Đại Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức ở Tu Viện Nguyên Thiều – Bình Định, Ngài được cung thỉnh đăng lâm pháp tịch thành viên Hội Đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Năm 2008, trước hoàn cảnh chướng duyên vây bủa tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam truyền thống, Hòa Thượng đã hoan hỷ hứa khả đăng lâm pháp tịch Thành Viên Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, và Chư Tôn Đức trong Hội Đồng cung thỉnh ngài đăng lâm pháp tịch Đệ I Phó Thượng Thủ Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Năm 2012, Hội Đồng Cố Vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam cử hành Tăng nghị tại tu viện Quảng Đức, Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Đức Chơn thay mặt Tăng-già công bố Bản Thệ Tăng Già làm nơi nương tựa, tu học cho tứ chúng, Hòa Thượng được cung thỉnh đăng lâm pháp tịch Đệ I Phó Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ.

Năm 2017, Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Đệ I Thượng Thủ Thích Đức Chơn viên tịch, Chư Tôn Đức trong hai Hội Đồng cử hành Tăng nghị, cung thỉnh Hòa Thượng đăng lâm pháp tịch Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ cho đến ngày viên tịch.

Với chí nguyện “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, Trưởng Lão Hòa Thượng đã hoan hỷ vị tác Giới Sư cho các Giới Đàn:

– Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ, Hội Đồng Giáo Giới Gia Đình Phật Tử Việt Nam kiến lập Giới Đàn Đức Nhuận năm 2013 tại chùa Bửu Lâm; Giới Đàn Thiện Minh năm 2017 tại chùa Phật  n, truyền trao Sa-di, Tỳ-kheo, Bồ-tát giới cho Chư Tăng. Tại hai Giới Đàn này, Trưởng Lão là vị tác Giáo Thọ A-xà-lê.

– Trưởng Lão Hòa Thượng đã hoan hỷ vị tác Đường Đầu Hòa Thượng, Yết-ma A-xà-lê, Giáo Thọ A-xà-lê truyền trao giới Thập Thiện, Bồ-tát Tại Gia cho hàng đệ tử tại chùa Phật Ân, tu viện Quảng Hương Già Lam do Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới, Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam tổ chức.

Biên soạn giáo lý

Suốt cuộc đời hành đạo, dẫu phải đảm trách và chu toàn rất nhiều Phật sự trong các hoàn cảnh khác nhau, Hòa Thượng vẫn dành thì giờ và tịnh tài để biên soạn, rồi ấn tống các bộ sách giáo lý, các bài giảng, dùng làm tư liệu tu học cho Tăng Ni, Phật Tử. Ngay cả những năm tháng cuối đời, từ 2012, thân thể mang nhiều bịnh mãn tính, Ngài vẫn không xao lãng chí nguyện này. Hể tích góp được chút ít tịnh tài, Ngài liền ấn tống các bài giảng để cúng dường cho các trường Trung Cấp Phật Học và đồng bào Phật Tử các giới.

Những tác phẩm được Hòa Thượng biên soạn từ những năm 1950 của thế kỷ trước đến nay gồm có:

1) Truyện: Truyện Cổ Phật Giáo (gồm 295 truyện).

2) Nghi lễ:

  • Nghi Tiến Giác Linh – Việt văn.
  • Nghi Tiến Linh – Việt văn.
  • Văn Tác Bạch Cúng Dường…
  • Các Đạo Từ…

3) Các bài giảng:

  • Đạo Phật.
  • Đạo Phật Với Dân Tộc.
  • Đạo Phật Với Đạo Đức.
  • Vu Lan – Hiếu.
  • Tâm.
  • Bố Thí.
  • Trì Giới.
  • Nhẫn Nhục.
  • Tinh Tấn.
  • Từ Bi.
  • Sám Hối.
  • Thiện Ác Nghiệp Báo.
  • Luân Hồi.
  • Vu Lan Nhớ Mẹ.
  • Vô Thường.
  • Niệm Phật Cầu Sanh Tịnh Độ.

4) Về sưu tầm thơ:

  • Ngàn Năm Giọt Nước Có Còn Không (3 tập).
  • Mãn duyên hóa độ
  • Hiện thân giữa cuộc đời theo tinh thần của một “Thích Tử” thiền môn:
  • Nhứt bát thiên gia phạn
  • Cô thân vạn lý du
  • Kỳ vị sanh tử sự
  • Giáo hóa độ xuân thu.

Viên tịch

Mãn duyên hóa độ, Hòa Thượng đã xã bỏ báo thân, an tường về với Phật lúc 14 giờ 50 phút ngày 15 tháng 4 năm Canh Tý, Phật lịch 2564 (nhằm ngày 7 tháng 5 năm 2020), trụ thế 89 tuổi với 69 năm hạ lạp.

Thế là từ nay Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ vắng bóng một bậc cao đức; Hội Đồng Giáo Giới Gia Đình Phật Tử Việt Nam mất đi một bậc biên soạn giáo trình Phật học cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam; và Gia Đình Phật Tử Việt Nam mất đi một bậc  Ân Sư lân mẫn từ hòa; Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mất đi một bậc đống lương lãnh đạo đức độ và tài năng qua các thời kỳ; Tăng Ni, Phật Tử mất đi một bóng đại thọ trong chốn tòng lâm; Môn Đồ Pháp Quyến mất đi một vị Tôn Sư khả kinh, giàu lòng từ bi.

Thật tuyệt vời thay một đời đạo hạnh! Thật tuyệt vời thay một trang sử đẹp của bậc xuất trần thượng sĩ!

Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tứ Thế Húy Thượng Nguyên hạ Quảng Tự Minh Chiếu Hiệu Hải Ân Thái Quý Công Trưởng Lão Hòa Thượng Giác Linh Mẫn Từ Chứng Giám.

Nguồn: Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ cẩn soạn, Quang Mai, Tiểu sử cố Hòa thượng Thích Minh Chiếu, Thư viện GĐPT. 

5/5 (3 bình chọn)
Chia sẻ
Hòa Thượng Thích Minh Chiếu (1932 2020)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)