Hòa thượng Thiết Kiến – Liễu Triệt (1702-1764)

Hòa thượng Thiết Kiến – Liễu Triệt (1702-1764)

Thông tin cơ bản

Thân thế

Hòa thượng Thiệt Kiến – Liễu Triệt là đệ tử đích truyền của Hòa thượng Minh Giác – Kỳ Phương với pháp danh Thiệt Kiến hiệu Liễu Triệt, thuộc Lâm tế chánh tông đời thứ 35. Trụ trì đời thứ 3 tại Sắc tứ Thập Tháp Di Đà tự, Bình Định và Sắc tứ Linh Mụ tự, Huế)

Hòa thượng sanh vào giờ Tý ngày 18 tháng 7 năm Nhâm Ngọ (1702), xuất gia tu học tại Tổ đình Thập Tháp, chẳng bao lâu làu thông tam tạng Kinh điển, giới luật tinh nghiêm, xa gần ai cũng nghe danh, kính ngưỡng.

Trong khoảng thời gian từ năm 1725 đến 1740, Bổn sư là Hòa thượng Minh Giác – Kỳ Phương phải rời Tổ đình Thập Tháp ra trụ trì chùa Thiên MụQuốc Ân, Hòa thượng Liễu Triệt phải thay thế Bổn sư giữ gìn chùa viện và tạm thời xử lý mọi công tác Phật sự tại Tổ đình.

Quá trình hoạt động Phật giáo

Năm Kỷ Mùi (1739), sau khi Hòa thượng Minh Giác – Kỳ Phương trở về lại Tổ đình Thập Tháp, chúa Nguyễn Phước Khoát cho triệu Hòa thượng Thiệt Kiến – Liễu Triệt ra Xuân Kinh nhậm chức Tăng cang, trú trì chùa Thiên Mụ. Nơi đây Hòa thượng thường xuyên thuyết giảng kinh điển đem lại lợi lạc cho nhiều người. Với trí tuệ và đạo hạnh tỏa sáng nên Quốc Chúa và các quan lại thường xuyên mời Hòa thượng vào nội cung thuyết giảng giáo pháp, khiến cho mọi người trong triều đình ai nấy cũng qui kính Tam bảo.

Đến năm Giáp Tý (1744), Hòa thượng Minh Giác – Kỳ Phương viên tịch, Hòa thượng Thiệt Kiến – Liễu Triệt được cử trở về trú trì Tổ đình Thập Tháp, chính thức thừa kế sự nghiệp của Bổn sư để lại. Lúc bấy giờ Hòa thượng vừa đương vị trú trì Tổ đình Thập Tháp vừa kiêm trú trì chùa Thiên Mụ.

Năm Kỷ Tỵ (1749), được sự hỗ trợ rất lớn của chúa Nguyễn Phước Khoát, Hòa thượng đứng ra tổ chức Đại trùng tu tái thiết ngôi Chánh điện Tổ đình Thập Tháp một cách nguy nga đồ sộ để lại cho đến ngày nay. Hòa thượng là một người thâm ngộ Phật pháp, luôn luôn để tâm đến việc giáo dục và đào tạo Tăng tài, trực tiếp hướng dẫn tăng chúng tu học tại Tổ đình và thường xuyên đi thuyết giảng kinh điển nhiều nơi khác.

Chư Tăng khắp nơi xa gần nghe danh Hòa thượng nên qui tụ về Tổ đình tu học rất đông, trong đó có một vị mà về sau rất nổi tiếng là Hòa thượng Pháp Chuyên – Luật Truyền (1738 – 1810) xuất thân tại chùa Phước Lâm thuộc Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đệ tử của Hòa thượng Liễu Triệt lúc bấy giờ rất nhiều nhưng nổi bật hơn hết là Tế Đoan – Hạo Nhiên, Tế Trí – Hữu Phỉ, Tế Chơn – Nhược Ngu, Tế Trừng, v.v… Trong thời gian trú trì Tổ đình Thập Tháp, Hòa thượng đứng khai sơn một ngôi chùa tại làng Nhơn Thọ, nay thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, đặt tên là Diêu Quang Tự. Ngôi chùa nầy được Hòa thượng giao cho vị đệ tử là Hòa thượng Tế Trừng, Lâm tế tông đời thứ 36 trú trì và sự truyền thừa được tiếp nối liên tục cho đến ngày hôm nay. Sau khi khai sơn chùa Diêu Quang, Hòa thượng Liễu Triệt thường đến đó giảng kinh thuyết pháp, hướng dẫn mọi người tu học. Vì vậy mà lúc bấy giờ Hòa thượng còn có tên gọi là Diêu Quang – Liễu Triệt Pháp sư, hoặc còn gọi là Diêu Quang Pháp sư[1].

Sau khi khai sơn chùa Diêu Quang một thời gian, Hòa thượng lại trở ra Thuận Hóa để tiếp tục chăm lo Phật sự tại chùa Thiên Mụ. Hòa thượng Liễu Triệt là một bậc đạo hạnh tinh nghiêm, lúc ở Thiên Mụ, thường ra vô thuyết giảng trong nội triều, có người cho rằng Hòa thượng có quan hệ tình cảm với một cung phi. Trước dư luận như vậy, Hòa thượng vẫn cứ an nhiên, cho đến trước khi viên tịch, Hòa thượng mới vân tập đồ chúng dạy dỗ lần cuối và đưa ra lời bảo chứng rằng: Ta một đời tu hành thanh tịnh, sau khi xả bỏ báo thân nầy, Tháp của ta cũng sẽ luôn luôn tinh bạch.

Thap To Thiet Kien Lieu Triet 03

Bảo tháp Trắng – nơi lưu giữ nhục thân của đức Tổ sư Thiệt Kiến – Liễu Triệt, trụ trì đời thứ 3 tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định

Quả nhiên, cho đến ngày nay tháp của Hòa thượng vẫn cứ trắng phau và mọi người quen gọi đó là Tháp Trắng. Với đạo hạnh và đức độ như vậy cho nên tại Tổ đình Thập Tháp, Hòa thượng đã cảm hóa một con Hổ lông trắng đến chùa nghe kinh, sau khi chết, được Hòa thượng lập một tháp nhỏ thờ phía sau lưng chùa mà mọi người quen gọi là tháp Bạch Hổ.

Trong tác phẩm Toàn Nhật Thiền Sư toàn tập, tác giả Lê Mạnh Thát cho rằng Hòa thượng Liễu Triệt còn để lại một bài thơ chữ Nôm, nằm trong bản chép tay với nhan đề  Cổ Ngữ, được tìm thấy ở chùa Triều Tôn tỉnh Phú Yên. Bài thơ được chép lại như sau:

Phân Ly Từ
Anh đi làm sãi tâm vô nhất vật
Gởi cho em sáu chữ Di Đà
Chí chuyên cần chẳng nệ xuất gia
Sau cũng thoát luân hồi lục đạo.
Khuyên nhớ lời Phật xưa truyền giáo
Giữ lo mình để độ thân sau
Nước non kia thủy lục thẳm sâu
Mặc thuở ý toan phương lặn lội.

Thời kỳ viên tịch

Đến năm Giáp Thân (1764) nhằm vào giờ Mão ngày 14 tháng 11, Hòa thượng Thật Kiến – Liễu Triệt an nhiên thị tịch tại chùa Thiên Mụ. Vấn đề nầy được đề cập trong tập Sự Tích Nhân Do Xuất Thế của Diệu Nghiêm thiền sư do Hòa thượng Chơn Thuật – Đạo Nghĩa chép lại.

Trong đó ghi lại rằng: Quốc Vương thỉnh Pháp Sư Liễu Triệt trở ra Thuận Hóa trụ trì chùa Thiên Mụ. Cho đến ngày 14 tháng 11 năm Giáp Thân (1764) Pháp Sư viên tịch, đến tháng 2 năm Ất Dậu (1765) đồ chúng đệ tử nghinh rước Linh Cửu của Pháp sư trở về chùa Thập Tháp an nhập Bảo Tháp. Như vậy là Linh cửu của Hòa thượng được hoàn lưu tại Thiên Mụ ba tháng rồi mới cung nghinh về Tổ đình Thập Tháp an nhập bảo tháp.

Long vị thờ tại Tổ đường Thập Tháp ghi rằng: “Tự Lâm Tế Chánh Tông tam thập ngũ thế Di Đà đường thượng, Thiên Mụ trú trì, thượng Liễu hạ Triệt húy Thiệt Kiến lão Hòa thượng giác linh liên tòa”.

Ghi chú:

1. Căn cứ theo tài liệu “Từ Quang Tự sa môn Pháp Chuyên – Luật Truyền Diệu Nghiêm thiền sư xuất thế nhân do sự tích chí”. Bản chép tay chữ Hán của Hòa thượng Chơn Thuật – Đạo Nghĩa, Bính Thân  – 1896)

Nguồn: Thích Viên Kiên, Chùa Thập Tháp và Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, 2019, NXB Hồng Đức.

5/5 (3 bình chọn)
Chia sẻ
Hòa Thượng Thiết Kiến – Liễu Triệt (1702 1764)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)