Minh Mệnh Hoàng Ðế (1820-1840)

Minh Mệnh Hoàng Ðế (1820-1840)

Thông tin cơ bản

Tiểu sử 

Vua Minh Mạng (chữ hán 明) hay Minh Mệnh tên thật là Nguyễn Phước Đảm còn có tên khác là Nguyễn Phúc Kiểu ông sinh ngày 25 tháng 5 năm 1791 tại làng Tân Lộc, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh) và mất ngày 20 tháng 1 năm 1841. Ông là con trai thứ tư của vua Gia Long và mẹ là hoàng hậu Trần Thị Đang, thời điểm ông sinh ra là đang diễn ra chiến tranh Tây Sơn – Chúa Nguyễn (1787). 

Từ nhỏ ông hay theo cha là vua Gia Long ra trận, vốn thông minh nên vua cha rất chú trọng việc học hành của ông và cử người giám sát hàng ngày, năm 1815 ngài được phong làm Hoàng Thái Tử và sống tại điện Thanh Hoà. 

Năm 1820 vua Gia Long qua đời, Hoàng Thái Tử lên nối ngôi và lấy niên hiệu là Minh Mạng, lúc này ông 30 tuổi, vì được tiếp xúc với chính trị và vốn thông minh, siêng năng  nên ông rất am hiểu việc triều đình. Ngài là vị vua thứ hai dưới triều đại Nguyễn, cai trị nước Đại Nam. 

Theo cuốn Kể Chuyện Vua Quan Nhà Nguyễn vua Minh Mạng được ứng với câu thơ: “Nhất dạ hữu giao tam hữu dựng” tức là một đêm ngủ với 5 vợ thì 3 vợ có thai. Như những gì ghi chép thì Vua Minh Mạng có rất nhiều vợ, có 142 người con gồm 78 hoàng tử, 64 hoàng nữ, vợ chính thất của ông là Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu – Hồ Thị Hoa, bà là một người hiền thục và cũng là con của một công thần nên Bà đã được Vua Gia Long và Thuận Thiên Hoàng Hậu tuyển chọn đưa vào cung Tiềm để hầu hạ. Vua Minh Mạng là vị vua có nhiều vợ nhiều con nhất trong số 13 vị vua triều Nguyễn.  

Trong suốt thời gian trị vì ông thay đổi rất nhiều việc nội trị, ngoại giao hay cải cách xã hội, từng bước hoàn thiện bộ máy hành chính tại trung ương và các địa phương trong cả nước, với nhiều công lao như cải cách hành chính, mở rộng đất nước. Vua Minh Mạng còn nổi tiếng với việc cấm đạo, xét xử công thần lập quốc, đổi quốc hiệu. 

Sau khi ông mất, nơi thờ ông là Lăng Minh Mạng còn có tên gọi khác là Hiếu Lăng, tọa lạc trên ngọn núi Cẩm Kê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Triều đại nhà Nguyễn chọn Huế làm kinh đô

Năm 1802 sau khi đánh bại và lật đổ đế chế nhà Tây Sơn, vua Gia Long chính thức thống nhất đất nước và sử dụng quốc hội Việt Nam, ông quyết định đóng kinh đô tại thủ phủ cũ của các Chúa Nguyễn là Phú Xuân – Huế. Đây là vị trí an nghỉ của 9 vị vua chúa thời Nguyễn từ thế kỷ XVI, XVII, XVIII. 

Thừa Thiên Huế là một tỉnh ven biển nằm ở cực nam của vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung, Việt Nam. Huế ở giữa miền Trung Việt Nam, Huế là cây cầu nối liền hai bờ Bắc Nam đất nước, Đây là nơi tụ họp núi sông bao quanh, con người gần gũi, thiên nhiên hùng vỹ. 

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa miền Nam và miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng. Đường thuỷ có cửa Thuận, cửa Tư Hiền sâu hiểm, đường bộ có Hoành Sơn, ải Hải Vân chặn, sông lớn giăng phía trước, núi cao giữ phía sau, rồng cuộn, hổ ngồi, hình thế vững chãi, ấy là do trời đất sắp đặt, thật là thượng đô của nhà vua”.

Cuốn Gia tộc họ Nguyễn có ghi lại: “Thời điểm cực thịnh của họ Nguyễn Phúc là việc lên ngôi năm 1802 của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long (trị vì 1802-1819), đóng đô tại Phú Xuân, cai trị một đất nước rộng lớn nhất so với các triều đại trước, từ Lạng Sơn đến Cà Mau”. 

Theo sách Cố đô Huế xưa và nay ở Huế có những nét đặc trưng riêng biệt đầy đủ yếu tố:

  • Yếu tố tự nhiên (địa hình và hệ sinh thái): Huế có đầy đủ các địa hình hệ sinh thái đa dạng bao gồm: vùng đồi núi, vùng cồn rẫy, vùng ruộng vườn, vùng trằm bàu, vùng bãi, vùng sông suối, vùng chiêm trũng, vùng biển. Về hệ sinh thái thực vật có nhiều loại thực vật quý hiếm như: Tảo, rong, thảo mộc quý và động vật quý hiếm như chim, muông, côn trùng. Sách Đại Nam nhất thống chí đã liệt kê được rất nhiều thực vật và động vật quý hiếm. 
  • Yếu tố dân tộc- cư dân: Huế có đủ các nhóm dân tộc như: nhóm dân tộc Mã Lai- Đa Đảo (tộc Chăm), nhóm Môn- Khmer (tộc Cà Tu, Tà Ôi, Vân Kiều), nhóm Việt Mường (kinh), nhóm Hán- Tạng Kiều Cư. Đây là các dòng văn hoá lớn có điều kiện giao lưu hội nhập làm nên nền văn hoá truyền thống. 
  • Yếu tố xã hội nhân văn: Phú Xuân – Huế là trung tâm thành lập sớm nhất, có điều kiện tiếp nhận các giá trị về Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo và tín ngưỡng dân bản địa. 

Có thể thấy dựa vào vị trí, phong cảnh hữu tình sự hưng thịnh của triều Nguyễn, sinh tồn và phát triển của dân tộc và nhận thấy ở Huế đây là nơi đô hội bậc nhất Việt Nam, nên vua Gia Long đã chọn Huế làm kinh đô.

Chính sách thay đổi đối với nhà Nguyễn và lịch sử phong kiến Việt Nam của vua Minh Mạng 

Tên Quốc hiệu 

Sau khi Vua Minh Mạng lên ngôi, vào năm 1839 ông chính thức công bố đổi tên quốc hiệu từ Việt Nam sang quốc hiệu Đại Nam. 
Sách “Đại Nam thực lục Chính biên đệ nhị kỷ” vua Minh Mạng giải thích việc đặt quốc hiệu là Đại Nam như sau:“…Nay bản triều có cả phương Nam, bờ cõi ngày càng rộng, một dải phía Đông đến tận biển Nam, vòng qua biển Tây, phàm là người có tóc có răng đều thuộc vào trong bản bản đồ, bờ biển rừng sâu khắp nơi đều theo về cả. Trước gọi là Việt Nam, nay gọi là Đại Nam thì càng tỏ nghĩa lớn… Chuẩn từ nay trở đi, Quốc hiệu phải gọi là nước Đại Nam, hết thảy giấy tờ xưng hô phải chiếu theo đó tuân hành. Giả hoặc có nói liền là nước Đại Việt Nam về lẽ vẫn phải, không được nói hai chữ Đại Việt. Còn Hiệp kỷ lịch năm nay trót đã ban hành thì không phải thay đổi hết thảy… Lấy năm Minh Mạng thứ 20 bắt đầu đổi thành chữ Đại Nam mà ban hành để chính tên hiệu cho các nơi xa gần đều biết”. Tuy nhiên quốc hiệu Đại Nam chỉ tồn tại đến năm 1945, sau đó cuối thế kỷ XIX và đầu thế Kỷ XX quốc hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến hơn, và ngày 2 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh nước Việt Nam. 

Cải cách Trung Ương, địa phương

Dưới triều Gia Long, vua đặt ra 3 cơ quan: Thị Thư Viện, Thị Hàn Viện, Nội Hàn Tỵ. Nhưng ngay sau khi vua lên ngôi, Năm canh thìn (1820) vua cải cách chuyển đổi làm Văn Thư Phòng, nhằm phân phát và coi giữ các văn thư, biên chép các lời phê đáp, tấu văn và là nơi cất giữ các ấn quan phòng của triều đình. 

Đến năm 1822 vua cho lập Hàn Lâm Viện có nhiệm vụ soạn các chế cáo, từ hàn. 

Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), vua đổi làm Nội Các, lấy quan tam tứ phẩm ở các bộ, viện, vào quản lĩnh mọi việc.

Năm 1831 Vua Minh Mạng cho  xoá bỏ dinh, trấn để thành lập các tỉnh , miền, Việt Nam chia làm 3 miền, Bắc, Trung, Nam, mỗi miền lại được chia thành các tỉnh khác nhau. Trên cơ sở đã có từ thời Gia Long, nay Minh Mệnh củng cố và hoàn thiện hơn bộ máy quản lý đất nước.

 Minh Mệnh cho tiến hành cải cách hành chính trên quy mô lớn, chia cả nước ra làm 31 tỉnh. Từ đây, tỉnh là đơn vị hành chính thống nhất trong cả nước, có cương vực và địa hình khá hợp lý. Mỗi tỉnh có Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, án sát để trông coi công việc. Các châu miền núi được chia theo đơn vị hành chính thống nhất với miền xuôi.

Bắc kỳ:  có 13 tỉnh: Hà Nội, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên.

Trung kỳ:  có 11 tỉnh và phủ Thừa Thiên, 11 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Nam kỳ: có 6 tỉnh: Phiên An (năm 1836 đổi tên thành Gia Định), Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.

 Năm 1834, vua Minh Mạng quyết định thành lập Cơ Mật Viện theo mô hình của Khu Mật Viện nhà Tống và Quân Cơ xứ nhà Thanh, nhằm tăng cường trách nhiệm và hiệu quả trong quản lý quân đội. Các quan đại thần tại viện này được trang bị đầy đủ: 4 viên, văn võ từ tam phẩm trở lên, và chỉ được sử dụng trong các tình huống quan trọng. Các chức vụ như viên ngoại lang, chủ sự, tư vụ, biên tu đều được phân chia và giữ trong các bộ viện để đảm bảo sự chuyên nghiệp và hiệu quả. Đặc biệt, quan đại thần ở Cơ Mật Viện được hướng dẫn sử dụng kim bài để phân biệt danh tính, tạo nên một hệ thống đặc biệt và có tổ chức.

Quân đội

Vua biết rõ việc trị nước cần phải có võ bị, cho nên thường thường ngài vẫn có dụ truyền bảo các quan phải luyện tập binh mã để phòng khi hữu sự. Ở những nơi hiểm yếu thì lập đồn ải, ở các cửa bể và các đảo thì lập pháo đài. Và lại làm tàu đồng, tập thủy quân để phòng giữ mặt bể. 

Quân đội dưới triều Minh Mạng được tổ chức rất quy củ, trang bị vũ khí đầy đủ, vua Minh Mạng cho cải cách lại tất cả các bộ máy bao gồm: bộ binh, thuỷ binh, tượng binh, kị binh. Bộ binh thì chia ra làm doanh, vệ, đội, hoặc để đóng giữ ở Kinh thành, hoặc đóng giữ các tỉnh. 

Tượng quân chia ra thành đội, mỗi đội là 40 con voi. Số voi ở Kinh thành 150 con, ở Bắc thành 110 con, ở Gia Định thành 75 con, ở Quảng Nam 35 con, ở Bình Định 30 con, ở Nghệ An 21 con, ở Quảng Bình, Quảng Nghĩa, Thanh Hóa mỗi nơi 15 con, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Bình mỗi nơi 7 con.

Bên cạnh đó ông cho lập pháo đài ngoài biển, các vùng hải đảo đều được đánh mốc giúp cho sự lưu thông dễ dàng. Vua cho đặt nhiều thuỷ quân ở các địa phương ven biển, vua còn cử binh lính kinh đô ra nước ngoài học tập hàng hải biển để đề phòng khi cần thiết. 

Giáo dục và văn hoá

Quan niệm của Minh Mạng là tất cả mọi người cần phải có nền giáo dục và giáo hoá, như vậy mới có thể xây dựng, phát triển xã hội có văn hoá, đạo đức và trật tự, kỷ cương nề nếp. Ngài thường nói với các quan rằng: “Đạo trị nước thì trước hết cần phải gây lấy nhân tài”(theo sách việt nam sử lược). Vua dùng những người có văn học, cho các hương cống vào làm hành tẩu ở trong lục bộ, để học tập việc chính trị. 

Vua Minh Mạng là người thông minh, ham học hỏi vì vậy ông rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, thường xuyên cho tổ chức các cuộc thi cử để tuyển chọn nhân tài phục vụ cho đời sống nhân dân và cho đất nước. Ông dựng quốc tử Giám, đặt chức Tế tửu và Tư nghiệp năm Tân Tỵ (1821), mở lại hội thi Đình năm Nhâm ngọ (1822) để lấy tiến sĩ. Ở thời vua cha trước thì tổ chức 6 năm một khoa, bây giờ ông rút xuống còn 3 năm, vua ban cho Nguyễn Trọng Vũ người Nghệ An làm phó đốc học để khuyến khích dân Nam Bộ học tập. 

Vốn dĩ nhà vua là người rất yêu thích thơ ca, ông khuyến khích nhân dân biên soạn các loại sách sử, nhất là các sách sử, địa. Những ai soạn sách mới, dâng sách cũ đều được nhà vua ban thưởng. 

Theo thông tin cuốn Gia tộc họ Nguyễn có ghi lại: “Thời điểm cực thịnh của họ Nguyễn Phúc là việc lên ngôi năm 1802 của Nguyễn Phúc Ánh tức vua Gia Long (trị vì 1802-1819), đóng đô tại Phú Xuân, cai trị một đất nước rộng lớn nhất so với các triều đại trước, từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Các vua Nguyễn rất đông con nên ngoài việc lập Tôn nhân phủ như các triều đại trước để quản lý người trong hoàng gia, vua Minh Mạng (trị vì 1820-1840) còn làm một bài đế hệ thi và mười bài phiên hệ làm chữ lót cho con cháu Nguyễn Phúc để phân định thứ bậc các hệ phái từ con cháu của Gia Long trở xuống”.

Tầm quan trọng của việc thượng tôn pháp luật đất nước của Minh Mạng 

Vào năm minh mệnh thứ 1 tức năm 1820 thời gian mới lên ngôi,  ông đã xét xử nghiêm minh trường hợp của Hoàng Công lý (ông được vua Gia Long ban chức Phó tổng trấn Gia Định thành), bị kết tội chết do tham lam vơ vét tiền bạc, hại người dân, cuối cùng bị đem đi giết và tịch thu lại toàn bộ tài sản trả lại cho nhân dân. 

Đầu năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) tỉnh Hà Tiên bị quân Xiêm chiếm đánh, lúc này Trịnh Đường giữ chức Tuần phủ Hà Tiên, thay vì chống trả lại giặc bảo vệ đất nước thì hắn lại trộm hơn 1000 quan tiền công ở kho rồi bỏ trốn. Khi bỏ trốn hắn bị án sát Đặng Văn Nguyên trông thấy nhưng không dám tâu vua,  sau đó Trịnh Đường quay trở về và tâu với vua rằng tiền công của kho bị giặc cướp mất. 

Tới tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 15, việc đánh cắp của Trịnh Đường mới bị phát giác, vua Minh Mạng lập tức cắt chức và bắt giam và tìm chứng cứ đối chất. Sau khi có đủ bằng chứng kết tội vua xét rằng:  “Tên Đường xâm lạm tiền công lại  bức bách biền binh, khai man là vứt xuống sông. Đã bị người tham hặc, còn dám vin cớ đó mà cãi, sao nó gian dối đến thế”. Vua xử tội giảo quyết (thắt cổ cho chết ngay), còn Đặng Văn Nguyên cũng bị xử tội trảm giam hậu. 

Các triều đại trước thời Minh Mạng thì những thân vương hay họ hàng của vua, họ hàng của cha mẹ vua nếu có phạm tội cũng không bị xử phạt. Nhưng đến thời vua Minh Mạng, ngài rất nghiêm minh, nếu mắc tội nhẹ ông khiển trách, còn phạm tội nặng thi vua trừng trị thích đáng. 

Về các tội ăn trộm và tham nhũng vặt vua cũng để mắt tới, để kịp thời ngăn chặn những tội lớn xảy ra, những tội nhỏ có thể bị cắt chức, xét theo phạm tội nặng thì sẽ bị siết cổ hoặc chặt bàn tay treo cửa. 

Trong việc dùng người Minh Mệnh đặc biệt chú trọng đến học thức. Chế độ tiền lương cho quan lại cũng được quy định khá chi tiết, từ Chánh nhất phẩm đến tòng Cửu phẩm cách nhau chừng 18 bậc, tiền lương cũng chênh nhau khoảng 18 đến 20 lần. Ngoài ra, Tri phủ, đồng Tri phủ, Tri huyện, Tri châu còn có khoản tiền “dưỡng liêm” từ 20 đến 50 quan tuỳ theo cương vị khác nhau, nhà vua nghiêm trị bọn quan lại tham nhũng. Có viên quan không dùng thước để gạt đong thóc thuế, thường dùng tay để dễ bề lạm dụng, biết chuyện nhà vua lập tức sai chặt tay tên lại đó.

Đối với vua Minh Mạng tất cả mọi người đều có sự bình đẳng, đều có pháp luật trừng trị nếu phạm tội. Qua những lần vua Minh Mạng xét xử ta thấy rõ được sự nghiêm minh và nghiêm khắc của vua, chính sách thượng tôn pháp luật được vua Minh Mạng áp dụng, kiên quyết, nêu gương tuyên truyền tạo ra tính giáo dục pháp luật từ bộ máy nhà nước quân chủ. 

Cho đến hiện nay Đảng và nhà nước đã áp dụng quan tâm diệt trừ những trường hợp phạm tội, noi theo gương vua Minh Mạng khơi sáng, các cán bộ, quân đội, nhân dân cả nước đều đồng tình và ủng hộ. 

Những hoạt động xét xử theo pháp luật của vua Minh Mạng thời Việt Nam quân chủ có ý nghĩa to lớn, có tính tác động mạnh mẽ đến tư duy thay đổi chế độ cũ, là cơ sở để cai quản đất nước lớn vững mạnh, mang lại những giá trị bài học lịch sử quý giá truyền lại cho đất nước sau này, quốc gia vững mạnh, yên bình đều là do cách sống và làm việc của nhân dân.  

Lăng Minh Mạng 

Lăng Minh Mạng (Minh Mệnh) hay còn gọi là Hiếu Lăng, tọa lạc trên núi Cẩm Khê thuộc xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế 12km.  Đây là nơi an nghỉ của vị vua thứ hai triều Nguyễn (1802-1945), thời vua trị vì được coi là thời kỳ thịnh vượng nhất, lăng Minh Mạng được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành. 

Diện tích tổng thể quanh lăng là 475 ha, còn riêng phần lăng mộ của vua chiếm 18ha, trong quần thể lăng bao gồm: Tam quan, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức môn, điện Sùng Ân (thờ vua Minh Mạng và Hoàng hậu), hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt (trăng non), cổng tam quan Quang Minh Chính Trực, Trung Đạo kiều và cuối cùng là Bửu thành (mộ vua Minh Mạng), xung quanh được trồng rất nhiều cây cối tạo không gian thoáng mát,  lăng Minh Mạng là một kiến trúc quan trọng của Quần thể Di tích Cố đô Huế. 

Tài liệu tham khảo

  1. Lê Tuấn Đạt, Nghiên cứu tôn giáo số 4 2007.
  2. Đại Nam nhất thống chí kinh sư – Tu Trai Nguyễn Tạo.
  3. Kiến trúc việt nam qua các thời đại. 
  4. Phạm Khắc Hòe, Kể Chuyện Vua Quan Nhà Nguyễn (Nxb Thuận Hóa 2001).
  5. Xây dựng tuyến phòng thủ ven biển dưới Triều Nguyễn
  6. Bất Tiếu Nguyễn Quốc Bảo, Gia tộc họ Nguyễn.
  7. Quan điểm của vua Minh Mệnh xử án, khoa học xã hội Việt Nam, số 4-2020. 
  8. Trần Trọng Kim (1999), Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
Chấm điểm
Chia sẻ
vua Minh Mạng

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)