Tên gọi
Nhiên Đăng Cổ Phật (tiếng Phạn là Dipankara) là vị Phật thứ tư trong danh sách 28 vị Phật. “Nhiên Đăng” nghĩa là ngọn đèn tự cháy trong tự nhiên. “Cổ Phật” là vị Phật có từ thời rất xa xưa. Đức Nhiên Đăng Cổ Phật là một trong những hóa thân đầu tiên của khối ánh sáng trọn lành vi diệu cội Đạo, khởi nguyên của vạn loại, vạn linh nên mới có tôn danh như thế.
Các tôn danh của Ngài: Nhiên Đăng Cổ Phật, Nhiên Đăng Đạo Nhân, Hỗn Độn Tôn Sư, Đính Quang Phật, Đính Quang Như Lai, Nhiên Đăng Phật.
Ngoại hình
Ngài thường thị hiện thân ảnh nam nhân dạng với gương mặt thanh thoát trẻ trung, khoảng chừng hơn ba mươi tuổi, đầu tóc búi cao thành quả đào trên đỉnh đầu gọn gàng. Toàn thân khoác đạo bào màu trắng, trên tay cầm xâu chuỗi từ bi và một chiếc chuông đồng nhỏ tròn giống như chiếc bát.
Ngay giữa ngực của Ngài có một chữ Vạn, là biểu tượng của vòng xoay luân hồi nhân quả, hình tượng quen thuộc trong văn hóa Phật Giáo. Toàn thân Ngài phát ra ánh sáng ngũ sắc linh diệu. Từ trong đạo hào quang ấy liên tục xuất hiện những nụ hoa tươi thắm đơm chồi rồi nở rộ mãn khai, lại nhanh chóng tiêu biến trong ánh sáng ngũ sắc để những chồi non khác nở rộ không ngừng nghỉ.
Truyền thuyết
Nhiên Ðăng Phật chính là vị cổ Phật từng sống cách thời đại chúng ta vô lượng kiếp. Ðức Phật Nhiên Đăng là vị Phật đầu tiên của 24 vị Phật trước Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Tương truyền dưới thời Nhiên Ðăng Phật thì đức Thích Ca là một nhà sư khổ hạnh tên là Thiện Huệ. Với thiên nhãn thông, Nhiên Ðăng Phật nhận ra Thiện Huệ sẽ thành Phật dưới tên Cồ-Đàm và thụ kí cho Thiện Huệ. Phật Nhiên Ðăng được xem là vị Phật quan trọng trong các vị trước Thích Ca. Ngài là vị đại diện cho Phật quá khứ.
Trong truyền thuyết Phật Giáo có kể rằng: Khi Phật Thích Ca còn sống trong đời quá khứ, tên tiền kiếp của ngài gọi là Nho Đồng. Khi ấy Phật Nhiên Đăng đang làm giáo chủ tại thế. Một hôm Nho Đồng gặp một người con gái tên gọi Cù Gi, trong tay nàng cầm bảy bông sen xanh. Nho Đồng thích lắm liền lấy 500 tiền vàng nài nỉ xin được mua lại năm bông. Cù Gi thấy anh ta trả giá quá cao thì cho là kỳ quái bèn tò mò hỏi:
– Anh mua sen xanh làm gì thế?
Nho Đồng đáp:
– Để đi cúng Phật!
Nghe rồi Cù Gi cũng hoan hỷ lắm liền buộc riêng hai bông rồi nhờ Nho Đồng mang đi cúng Phật giúp mình. Nho Đồng đến nơi Phật Nhiên Đăng cúng dâng Phật hai bó sen xanh, lại thây đường đi lầy lội dễ làm vấy bẩn chân Phật mới vội vàng cởi áo trên mình trải lên vũng lội nhưng vẫn chưa đủ phủ kín, Nho Đồng bèn cắt tóc phủ hết chỗ lội để Phật bước đi khỏi lấm. Phật Nhiên Đăng thấy sự thành kính của Nho Đồng bèn bảo:
– Bởi ngươi đã có công đức kính Phật như vậy, nên sau này trải qua 91 kiếp tứ (hay còn gọi là Kiếp ba. Nghĩa thực là sự hiện diện của một con sóng nước. Nghĩa bóng để ví với một kiếp người – Nghĩa là đời người cũng chỉ như con sóng nước, còn lại tan biến trong khoảnh khắc để nhường chỗ cho đợt sóng sau. Phật giáo quan niệm kiếp gồm nhiều năm tháng, có phân ra đại kiếp, trung kiếp và tiểu kiếp) ngươi nhất định thành Phật tên hiệu là Thích Ca Văn Như Lai!
Thờ phụng
Ở các chùa Việt Nam và Trung Quốc, Nhiên Đăng Cổ Phật thường được thờ chung với Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Di Lặc trong bộ tượng Tam thế Phật, nghĩa là các vị Phật thời quá khứ, hiện tại và vị lai (trong đó Phật Nhiên Đăng đại diện cho chư Phật trong quá khứ, Phật Thích Ca là vị Phật thời hiện tại và Phật Di Lặc tượng trưng cho chư Phật thời vị lai).
Tham khảo
- Nhiên Đăng Cổ Phật, Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Nhi%C3%AAn_%C4%90%C4%83ng_C%E1%BB%95_Ph%E1%BA%ADt
- Vị Phật quá khứ hay Nhiên Đăng Cổ Phật là ai?, https://phatgiao.org.vn/vi-phat-qua-khu-hay-nhien-dang-co-phat-la-ai-d36056.html
- Nhiên Đăng Cổ Phật, Facebook, https://www.facebook.com/Mythsandmore/posts/1946219455636037/
- Nhiên Đăng Cổ Phật – Vị Phật quá khứ, http://daophatmuonmau.com/duc-phat/nhien-dang-co-phat-vi-phat-qua-khu/
- NHIÊN ĐĂNG PHẬT, https://vuonhoaphatgiao.com/tu-dien-phat-hoc/nhien-dang-phat/