Thân thế
Cố Ni trưởng Đệ Tam – Thanh Liên, thế danh là Huỳnh Thị Mạnh sanh năm 1925 tại xã Mỹ An Phú nay thuộc tỉnh Long An. Sanh trưởng trong một gia đình nề nếp gia phong, có truyền thống Phật giáo nhiều đời sâu sắc. Cha là Huỳnh Văn Sa, mẹ là Nguyễn Thị Tường, cả hai đấng song thân đều đã qua đời khi Ni trưởng còn thơ bé, Ni trưởng ở với bà Ngoại cho đến ngày khôn lớn. Nhờ theo mẹ sớm chiều kinh kệ nên Ni trưởng thâm nhiễm Phật pháp từ thuở thiếu thời.
Ni trưởng Thích Nữ Thanh Liên
Cơ duyên tu học
Đến năm vừa tròn 22 tuổi Ni trưởng đã xin phép bà ngoại xuất gia tu học với thầy Bổn sư là Hòa thượng Thích Hoằng Thông tại chùa Sắc Tứ, Long An cùng tu chung với Đệ Nhị Ni trưởng và bà Bửu Liên.
Một ngày nọ nghe tin Tổ Sư Minh Đăng Quang về làng Phú Mỹ (Mỹ Tho) hành đạo và trú ngụ tại chùa Linh Bửu. Ban ngày Ngài đi khất thực quanh vùng, chiều tối Tổ Sư thuyết pháp giảng kinh cho bà con dân làng đến nghe tại chùa Linh Bửu. Vốn có túc duyên nhiều đời, sau vài buổi nghe pháp của Tổ Sư, Ni trưởng Đệ Nhất nắm được lý đạo bừng ngộ được cơn mê luân hồi và muốn thoát ly đời sống thế tục, xuất gia tu học theo con đường Khất sĩ của Tổ Sư.
Quá trình phụng sự Phật pháp
Đệ Nhất Ni trưởng với chí nguyện xuất gia cao cả nên đã đến chùa Sắc Tứ, Long An rủ thêm Đệ Nhị và Đệ Tam Ni trưởng cùng đi xuất gia với mình. Thế là cả ba vị cùng đi đến gặp Tổ vào một chiều hạ tuần Xuân Đinh Hợi (1947). Sau khi được Tổ chấp thuận cho nhập đạo với đầy đủ điều kiện là phải 4 vị sắp lên và phải có người nhà bảo lãnh (sau đó 3 vị Ni trưởng có rủ thêm bà Bửu Liên ở chùa Sắc Tứ, Long Hội).
Tổ Sư đã chính thức truyền giới và y bát khất sĩ cho bốn vị Ni trưởng làm Tỳ kheo ni vào ngày mồng 01 tháng 04 năm 1947 (Đinh Hợi) tại Linh Bửu Tự, làng Phú Mỹ, Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang.
Tổ Sư đặt pháp danh cho Đệ Nhất Ni trưởng là Huỳnh Liên, Đệ Nhị Ni trưởng là Bạch Liên, Đệ Tam Ni trưởng là Thanh Liên và vị thứ tư là Bửu Liên.
Ni trưởng Đệ Tam cũng từ đó kề vai gánh vác với Ni trưởng Đệ Nhất và Đệ Nhị lèo lái con thuyền Ni giới Khất sĩ, nối gót Tổ Thầy vượt khỏi sông mê lần về bến giác. Ni trưởng Đệ Tam đã lần lượt thay phiên nhau cùng với Ni trưởng Đệ Nhất và Đệ Nhị đi hành đạo khắp hai miền Nam, Trung đất Việt. Đi đến đâu đạo tràng được thành lập đến đó, giáo pháp Khất sĩ ngày một lan rộng.
Đến năm 1955, duyên lành hội đủ Ni trưởng về hành đạo và trú tại Tịnh xá Ngọc Bửu, Biên Hòa độ được nhiều chúng Ni đệ tử và rất nhiều những thiện nam tín nữ vì mến mộ Phật pháp, mến mộ đạo hạnh của Ni trưởng mà quay về quy y và hộ trì Tam Bảo. Được biết, những vị trưởng tử của Tam vị Ni trưởng lúc đó là Ni trưởng Giới Liên, Sư cô Định Liên và Sư cô Huệ Liên. Nhưng sau này chỉ còn lại Ni Sư Giới Liên là tiếp tục con đường tu học cho đến hôm nay. Những vị đệ tử kế tiếp của Ni trưởng Đệ Tam là: Ni trưởng Minh Liên, Ni trưởng Ngôn Liên, Ni trưởng Thẩm Liên… Bên cạnh đó, Ni trưởng Đệ Tam có hạnh nguyện siêng làm từ thiện cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh như vào trong bệnh viện tâm thần, trại dưỡng lão, cô nhi viện… ban rải lòng từ giúp đỡ tinh thần lẫn vật chất mà không màng đến tấm thân yếu đuối bịnh hoạn của mình đang ngày một suy kiệt.
Thời kỳ viên tịch
Rồi ngày qua tháng lại cứ mải mê theo hạnh nguyện độ sanh, chong đèn tuệ giác, thân tứ đại đến hồi tan rã do căn bịnh tim mạch trầm kha dù thọ mạng còn rất trẻ; Ni trưởng đã vội vã đăng trình, xả báo thân an tường cõi đài sen bất diệt vào ngày 11 tháng Giêng năm Mậu Thân (1968).
Kết thúc hai mươi hai năm hành đạo độ sanh nơi trần thế, nhưng gương hạnh và đức độ của Người mãi mãi để lại trong lòng người đệ tử và quần chúng Phật tử thời xưa cũng như thời nay một hình ảnh đức hạnh thanh cao sáng ngời.
Hiện nay, tháp mộ của Ngài được an trí tại Tịnh xá Ngọc Bửu – Biên Hòa, Đồng Nai; nơi lưu dấu một thời Ngài đã hành đạo cứu độ nhơn sanh.
– Ni trưởng Thanh Liên
– Thế danh: Huỳnh Thị Mạnh
– Sanh năm: 1925 tại xã Mỹ An Phú, tỉnh Long An
– Xuất gia năm: 1947 tại Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
– Viên tịch: 1968 tại Biên Hòa, Đồng nai
– Trụ thế: 44 năm
– Hạ lạp: 22 năm
Để tưởng nhớ công hạnh của Cố Ni trưởng Đệ Tam Thanh Liên, Ni trưởng Đệ Nhất Huỳnh Liên đã viết bài Văn Tế như sau:
Văn tế
NI TRƯỞNG THANH LIÊN
Hỡi ôi!
Bồ Đề rụng lá,
Dương liễu xủ mành
Hoa rơi lả tả,
Bình vỡ tan tành.
Ngày thấm thoát, tợ bóng câu cửa sổ,
Đời mỏng manh như bọt nước đầu gành.
Biết đường đạo đức,
Hồi tuổi xuân xanh.
Tươi sáng mặt mày mỹ tú,
Mảnh mai dáng dấp kiều thanh.
Nhà Đạo vững bền,
nương bóng mẹ kiên trì kinh kệ:
Đường tu sẵn chí,
nối gót thầy phổ độ chúng sanh.
Chị em ta:
Lời Thầy có dặn,
Tình bạn phải bền.
Ba chân đỡ vạc,
Một buổi phát nguyền.
Từ thuở ấy ba chị em mình:
Đường giải thoát cần cù giong ruổi,
Điệu thâm tình gần gũi tương liên.
Bởi chúng ta:
Tình đời cắt dứt,
Nghĩa đạo nối liền.
Đem thân nhược chất
Cùng bạn hiệp duyên.
Nhành dương liễu dâng lên vùng lạc cảnh,
Đóa Liên Hoa kết lại hội Kỳ Viên.
Người xuôi sông Hậu,
Kẻ ngược sông Tiền.
Khi về Trung thổ,
Lúc vượt Cao nguyên.
Lãnh nhiệm độ sanh cùng chốn,
Phân công hành đạo khắp miền.
Một đuốc huệ chong cao ánh sáng,
Mấy đài hoa nở đẹp tòa sen.
Thương là thương bịnh hoạn liên miên,
sức yếu kém nhưng cam gánh nặng;
Cảm là cảm tánh tình sốt sắng,
việc xa gần vẫn cứ lòng bền.
Nhân duyên thành lập Trấn Biên,
thuật lãnh đạo càng ngày càng tiến;
Công đức phát huy từ thiện,
việc cứu nguy càng lúc càng siêng.
Hai hai năm lẻ đồng hành,
cơn phong võ lúc linh đinh,
tay chống tay chèo thuyền Giáo hội;
Tám vạn pháp dư hoằng hóa,
kẻ trụ trì người du thuyết,
công bồi công dưỡng cõi Đài Liên.
Đến hôm nay thì ôi thôi thôi!
Đem thân tứ đại,
Về cõi tam thiên.
Để thương để nhớ,
Để thảm để phiền.
Cảnh còn đây mà theo thầy cách bạn,
Nghĩa còn đây mà vắng cá bặt chim.
Có ngờ đâu,
tình liên kết bỗng ra gián đoạn.
Khiến cho nên,
nợ chúng sanh đã dứt nghiệp duyên.
Ôi thôi thôi!
Đường đời quẳng gánh,
Mối đạo buông giềng!
Sao vội mất giữa thời náo loạn;
Không chờ xem kết cuộc bình yên?
Xin cầu cho bạn:
Căn kiếp nhẹ nhàng đường nghiệp chướng,
Phước duyên thọ hưởng cõi siêu nhiên.
Có linh xin chứng!
Nguồn: Môn đồ pháp quyến, Báo Ni Giới Khất Sĩ, Tiểu sử Ni trưởng Đệ Tam Thanh Liên, 11/04/2019.