Quan Triệu Tường là ai?
Quan Triệu Tường được cho là hình ảnh của Quan Lớn Đệ Thập – một trong mười vị tướng của Vua Cha Bát Hải Động Đình trong tín ngưỡng Tứ Phủ. Ông được tôn là Quan thứ 10 trong hàng Lục Phủ Tôn Ông và hay được thỉnh đến sau hàng Ngũ Vị Tôn Quan.
Về thân thế Nguyễn Hoàng được cho là hiện thân của Quan Hoàng Triệu, là người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tổng Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa. Ngài sinh ngày Bính Dần, tháng Tám, năm Ẫt Dậu (1525), là con trai thứ hai của Ngài Nguyễn Kim (Cam) – người có công tôn lập Trang Tông Dụ hoàng đế, húy là Ninh lên ngôi vào năm 1533 mở đầu thời kỳ nhà Lê Trung Hưng, được vua Lê tôn là Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công, chưởng nội ngoại sự, sau này được triều Nguyễn suy tôn là Triệu Tố Tĩnh Hoàng đế.
Thần tích Quan Triệu Tường
Theo tiểu sử và công tích
Ngài là vị Nhân thần có nhiều công lao trong sự nghiệp xây dựng và mở mang bờ cõi mở đầu cho việc hùng cứ phương nam của 9 chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc thành lập Vương triều bao gồm 13 vua nhà Nguyễn.
Khi anh trai bị hãm hại, nghe tiếng Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm là người giỏi về thuật số, từng làm tới chức vị Thái Bảo trong triều Mạc, Ngài Nguyễn Hoàng liền bí mật sai người tới hỏi về kế sách giữ mình thì được Trạng khuyên:
“Hoành Sơn nhất đái
Vạn đại dung thân”
Nghĩa là một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời. Hiểu ý, Ngài nhờ chị gái là Ngọc Bảo nói với Trịnh Kiểm tâu lên vua Lê để xin vào trấn đất Thuận Hóa.
Mùa Đông, tháng Mười, năm Mậu Ngọ (1558), Ngài vâng mệnh vua Lê, Ngài đem theo những người bộ khúc đồng hương ở Tống Sơn và những người nghĩa dũng xứ Thanh Hoa lên đường vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Ngài vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường được gọi là chúa Tiên. Nghiệp đế dựng nên, thực là xây nền từ đấy.
Tháng 5 năm Nhâm Thìn (1592), Ngài đem binh quyền ra Đông Đô yết kiến vua Lê, được phong làm Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự Thái úy Đoan quốc công. Ngài đã có nhiều công lao giúp nhà Lê trong việc tiễu trừ nhà Mạc. Tháng 5 năm Canh Tý (1600), Ngài đem cả tướng sĩ thuyền ghe bản bộ đi đường biển trở về Thuận hóa. Từ đấy Ngài và các thế hệ con cháu kế tiếp liên tục mở rộng bờ cõi về phía Nam, xây dựng nên một đất nước thống nhất dưới quyền của Vương triều Nguyễn. Tháng 6, ngày Canh Dần, năm Quý Sửu [ngày 03 tháng 6 ÂL năm 1613, Ngài yếu mệt, cho triệu hoàng tử thứ 6 và các thân thần đến trước giường căn dặn rằng:
“Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời”.
Ngày ấy Ngài băng hà, hưởng thọ 89 tuổi. Ban đầu thì an táng ở núi Thạch Hãn (xã thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị), sau cải táng ở núi La Khê (xã thuộc huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế; năm Minh Mệnh thứ 2, phong núi ấy làm núi Khải Vận).
Trong suốt 55 năm cai trị Thuận – Quảng, nhẫn nhịn để chờ thời cơ, lập chí lớn, gây dựng cơ nghiệp lâu dài để lại cho con cháu mai sau, Ngài vừa là một vị tướng mưu lược, vừa là một vị Chúa khôn ngoan lại có lòng nhân đức, thu phục hào kiệt, vỗ về dân chúng và lo phát triển kinh tế, mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương nam của 9 chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc thành lập Vương triều nhà Nguyễn bao gồm 13 vua.
Ngài là người có tầm nhìn của một nhà chiến lược xuyên thế kỷ: Ngài hướng ra Bắc mong khôi phục nhà Lê, hướng vào Nam để mở mang bờ cõi; hướng ra các đảo trên biển Đông xác lập chủ quyền quốc gia; mở mang giao thương quốc tế, lập nên các khu thương mại tự do để làm cho Đàng Trong giàu mạnh; tin dùng người hiền tài, vỗ về khoan thư sức dân cho nên Ngài được dân chúng Thuận Quảng cảm mến, thường gọi Ngài là Chúa Tiên.
Khi sinh thời Ngài là một vị tướng lĩnh, một vị quan lớn, một vị Chúa tài năng, đức độ, trí dũng song toàn có nhiều công lao to lớn và căn bản với đất nước. Khi mất Ngài là một vị Nhân thần anh linh luôn phù hộ cho nhân dân và xã tắc, đó là Quan Hoàng Triệu Tường – ngài Nguyễn Hoàng, đức Thái tổ Gia dụ Hoàng đế, vị Chúa và là vị Nhân thần mãi trường tồn trong đời sống tâm linh của nhân dân và luôn được khắc ghi những công lao to lớn của Ngài trong lòng dân tộc Việt Nam.
Theo góc độ tín ngưỡng dân gian
Hiện nay Quan hoàng Triệu Tường được thờ ở hai nơi là Đền Hoàng ở Hà Nội và Đền Quan hoàng Triệu Tường ở Thanh Hóa. Ngoài ra khi hầu bóng ở nhiều phủ, đền người ta cũng hay thỉnh Quan hoàng Triệu Tường về trong các giá hầu các Quan hoàng thuộc hệ thống Tứ phủ trong Đạo Mẫu Việt Nam.
Giải mã lời văn trong bản văn mà các cung văn thường hát khi hầu giá Quan hoàng Triệu Tường trong hệ thống Tứ phủ, chúng ta thấy: Quan hoàng Triệu Tường là con trai thứ hai Ngài Nguyễn Kim, người Thanh Hóa. Ngài là Quan trấn thủ ở phương Nam, là trung thần phù Lê diệt Mạc, có công đầu tiên trong việc khai phá, xây dựng và mở mang bờ cõi tạo nên sự nghiệp lớn, khởi đầu từ dải Hoành Sơn. Ngài được vua Lê phong công và cho đem binh về đóng ở đất Triệu Tường thuộc Tống Sơn. Khi mất, Ngài được ban tặng và cho lập đền thờ ở đất Triệu Tường để lưu truyền cho hậu thế.
Với việc giải mã lời hát của bản văn hầu giá Quan hoàng Triệu Tường, đối chiếu với các tư liệu lịch sử có trong “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Đại Nam thực lục”, chúng ta nhận thấy Quan hoàng Triệu Tường trong hệ thống Tứ Phủ của tín ngưỡng Đạo Mẫu Việt Nam chính là Ngài Nguyễn Hoàng.
Có một vấn đề được đặt ra là Ngài Nguyễn Hoàng có kéo quân về đóng ở đất Triệu Tường, Tống Sơn như trong bản văn hầu giá Quan hoàng Triệu Tường nói đến hay không?
“Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn:
“Bình An Vương (Trịnh Tùng) sai Thiêm đô ngự sử Gia Lộc tử Lê Nghĩa Trạch đem thư cho Thái úy Đoan quốc công Nguyễn Hoàng ở Quảng Nam…. Thư có đoạn “Đến khi kinh thành đã lấy lại, thiên hạ đã yên Cậu mới ung dung theo về. Triều đình ưu đãi, cho coi một phủ Hà Trung và bẩy huyện miền trên trấn Sơn Nam, trao cho chức Hữu tướng”. (1)
Theo như nội dung thư, trong thời gian Ngài Nguyễn Hoàng ra Bắc để giúp vua Lê đánh nhà Mạc (1593 – 1600), do có công lao nên được vua Lê phong công và giao cho cai quản một phủ Hà Trung và bảy huyện miền trên của trấn Sơn Nam. Khi đã nhận cai quản vùng đất này thì đương nhiên Ngài phải đưa quân về trấn giữ, trong đó có cả quân bản bộ của Ngài, và có lẽ khu vực mà Ngài chọn để đóng quân lúc này không đâu hơn vùng đất Triệu Tường, Tống Sơn. Vùng đất có ruộng vườn tươi tốt, có núi đồi rộng lớn và hiểm trở, tiến thì dễ theo đường bộ và đường thủy đi khắp nơi, lui thì dựa vào núi rừng để phòng ngự chờ thời, hơn nữa vùng đất này là quê hương bản quán của Ngài, Ngài về trong sự chở che và giúp sức của những người đồng hương và họ hàng ruột thịt.
Do vậy, việc Ngài Nguyễn Hoàng đem quân về đóng ở đất Triệu Tường, Tống Sơn trong thời gian Ngài cai quản phủ Hà Trung và bảy huyện miền trên trấn Sơn Nam là hoàn toàn có thể.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học
Trong tham luận của Giáo sư viết cho một hội thảo về vua Gia Long dự kiến tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996, do liên quan đến quan điểm chính trị lúc bấy giờ nên hội thảo này cuối cùng đã không thể tổ chức được, Cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã viết:
“Từ thế kỷ XVII – XVIII trên đường hình thành Đạo Mẫu Việt Nam …, Nguyễn Hoàng đã được thờ ở khắp xứ Đàng Ngoài dưới tên gọi “Quan lớn Triệu Tường” (2)
Trong quá trình nghiên cứu về Đạo Mẫu Việt Nam, Giáo sư Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh đã sưu tầm và hoàn chỉnh các bản văn mà các cung văn thường hát khi hầu giá các Mẫu, các Quan, các ông Hoàng và các Cô các Cậu, trong đó có bản văn hát về Quan hoàng Triệu Tường trong hệ thống Tứ phủ như đã nêu ở trên, đồng thời ông cũng xác định Quan Hoàng Triệu Tường là người có công mở rộng bờ cõi đất đai.
Quan Triệu Tường được đồng nhất với Quan Lớn Đệ Thập?
Trong vùng Thanh Hóa, một số nơi đồng nhất Quan Triệu Tường là Ông Hoàng Đôi (Quan Hoàng Đôi). Điều này đã được một số tài liệu chứng minh là không đúng với các yếu tố sau:
- Quan Hoàng Đôi là vị tướng giáng trần cùng thời với Quan Hoàng Bảy Bảo Hà vào khoảng thời gian 1740 – 1786 và hai Ông cùng chinh chiến với nhau như những người anh em. Trong bản văn ông Hoàng Đôi cũng nhắc đến địa danh Bảo Hà. Trong khi đó Quan Triệu Tường lại góp công đánh giặc Mạc phù nhà Lê vào những năm 1620 -1677.
- Theo tín ngưỡng Tứ Phủ, Quan Hoàng Đôi thuộc Nhạc Phủ còn Quan Triệu Tường thì không. Người ta hay thỉnh Quan Triệu Tường như một vị thuộc hàng Quan Lớn. Vì vậy, với tài năng đức độ và những công lao to lớn trong việc xây dựng nước nhà, Quan Triệu Tường được đồng nhất hình ảnh với Quan Lớn Đệ Thập thời Hùng Vương.
Địa điểm thờ tự
Hiện nay ở miền Bắc chỉ còn thấy 2 nơi có đền thờ Quan Hoàng Triệu Tường:
- Đền Hoàng ở xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Tương truyền đền được xây lên để thờ Ngài ngay trên đất Ngài đóng quân khi Ngài ở Đông Đô giúp vua Lê đánh nhà Mạc.
- Đền Quan Hoàng Triệu Tường ở đất Triệu Tường xưa (nay là làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).
Khánh tiệc của Ngài được tổ chức vào ngày 13 tháng 7 âm lịch hằng năm
Chú thích
- Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ tục biên, quyển XVIII – Kỷ nhà Lê, tr.1
- Giáo sư Trần Quốc Vượng, Mấy vấn đề về Vua Gia Long, phần 03.7. https://nghiencuulichsu.com/2013/01/16/may-van-de-ve-vua-gia-long/
Tham khảo
- Đạo mẫu tứ phủ: http://daomautuphu.com/Than-tich/Hang-Thanh-Quan/Hoi-dong-Thong-phu-Ton-quan.htm
- Mấy vấn đề về Vua Gia Long: https://nghiencuulichsu.com/2013/01/16/may-van-de-ve-vua-gia-long/
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư