Vua Cha Bát Hải Động Đình là ai?
Đức Vua cha Bát Hải còn được gọi là Vua Cha Bát Hải Động Đình là con trai của Lạc Long Quân, là vị vua đứng đầu Thủy phủ, chúa của muôn loài thuỷ tộc trị vì tám cửa biển nước Nam, ngự miền đại dương sâu thẳm. Ngài là cha của Thánh mẫu Xích Lân Long Nữ, là nhạc phụ của Kinh Dương Vương (Kinh Xuyên), thủy tổ của Bách Việt.
Theo truyền thuyết lưu truyền, ông là một trong tứ vị vua cha của Việt Nam, dinh cơ là hồ Động Đình – một vùng đất ven biển Đông của nước ta, chứ không phải Đầm Vân Mộng (cũng có tên Động Đình Hồ) ở bên Trung Quốc. Vì hồ là do tám hồ hợp thành: Đông Động Đình (trước còn có Tây Động Đình), Vạn Tử, Mục Bình, Đại Thông, Hoành Lĩnh, Lộc tạo thành nên tương ứng với “Bát hải”. Theo Lĩnh Nam chích quái, dưới đáy hồ có một vị long vương uy quyền, tương truyền là ông ngoại của Lạc Long Quân và chính là đầu mối huyết thống của chữ “Rồng” trong “con Rồng cháu Tiên” của dân tộc ta.
Vì sao gọi là Bát Hải Động Đình?
Theo cuốn Biên cương nước Việt và cả trong các bản đồ xa xưa, dân tộc Bách Việt bắt nguồn từ đây. Thời kỳ đó, có người đứng đầu thống lĩnh tất cả tên là Kinh Dương Vương, đặt tên nước là Xích Thuỷ, lấy biểu tượng chim lạc lạc (nghĩa là an lạc, an vui) là biểu tượng dân tộc nên còn gọi là tộc Lạc Việt. Trong một lần thăm thú người dân, Kinh Dương Vương vô tình gặp được một người con gái là Long Nữ (con gái ruột của Long Vương hồ Động Đình, mang trong mình huyết thống của loài rồng), hợp ý nên kết duyên vợ chồng, sinh hạ con trai, đặt tên là Lạc Long Quân.
Như vậy, Vua Cha Bát Hải Động Đình chính là vị Long Vương cai quản hồ Động Đình tám trăm dặm. Cũng vì thế mà trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu thì Thoải Phủ có Quan Lớn Đệ Tam, Quan Lớn Đệ Ngũ hay Đệ Tam Thoải Phủ đều là con của Vua cha Bát Hải là vì thế.
Thời kỳ đầu Văn Lang, dân tộc Lạc Việt theo chế độ Mẫu hệ (tức: coi trọng người mẹ, người phụ nữ trong nhà). Về huyết thống, huyết thống Rồng của Long Nữ quả thực rất cao quý. Vì vậy, theo suy đoán của các nhà nghiên cứu lịch sử, Đức Vua cha ở đây là lời mà Kinh Dương Vương gọi bố vợ – tức Long vương cai quản hồ Động Đình.
Thần tích Vua Cha Bát Hải Động Đình
Xưa kia, vào thời Hùng Vương có cặp vợ chồng họ Phạm và họ Trần ở vùng Thụy Anh – Thái Bình, họ nhặt được cô gái nhỏ bên bờ sông và mang về nuôi nấng nhận làm nghĩa tử, đặt tên Quý Nương. Khi tròn 18 tuổi, Quý Nương rất xinh đẹp, đoan trang nhưng không nhận lời cầu hôn của ai cả. Ông bà Phạm Túc bị bệnh rồi lần lượt qua đời. Quý Nương lưu lại An Cổ để hương khói báo hiếu cho bố mẹ nuôi.
Năm Quý Nương tròn mười tám, cô ra dòng sông tắm gội, tứ dưới thủy triều nổi lên một con Hoàng Long toàn thân vàng rực, mình dài tám trượng bơi đến quấn lấy nữ nhân. Sau đó thì bà thụ thai và có mang suốt mười ba tháng, đúng ngày mồng 10 tháng giêng thì sinh ra một cái bọc lấp lánh trăm thứ hào quang. Quý Nương hoảng sợ mang bọc ấy vứt xuống sông, đêm hôm đó có người ngư phủ kéo lưới mà cứ mắc phải bọc trứng dù đã vứt đi nhiều lần, hiếu kỳ nên ông rạch ra xem. Từ trong bọc bò ra ba con Hoàng Xà, đầu rồng mình rắn, vẩy sáng ánh kim.
Lúc ấy một con bò vào giếng nước, hai con còn lại bơi ra hướng dòng Vĩnh Giang. Giữa đêm khuya mà sấm chớp vang dội, từ không trung cất tiếng nói:
“Ta là con của vua cha Lạc Long Quân, sau này sẽ giúp vua Hùng diệt giặc!”.
Sáng hôm sau dân làng biết được đã có thần linh giáng ngự, họ cùng nhau lập miếu phụng thờ. Con rắn chui vào giếng nước đó là giếng thiêng của Đền Đồng Bằng ngày nay.
Lại nói, lúc bấy giờ triều chính rối ren, vua Hùng hết sức đau đầu vì ông đã một mực không chịu gả Mỵ Nương cho Thục Vương mà lại chọn Sơn Tinh làm con rể khiến hắn vô cùng tức giận, luôn dòm ngó bờ cõi nước ta. Vài năm sau đó, vua Hùng ngày càng già yếu lại không có con kế vị, các nước Ai Lao, Vạn Tượng, Chiêm Thành phối hợp cùng phương Bắc muốn thôn tính Lạc Việt, chúng cho thủy quân bao vây cả tám cửa biển. Lo lắng thế giặc quá mạnh, vua Hùng gọi Sơn Tinh đến giúp. Sơn Thánh từ vùng Tản Viên trở về Kinh Đô, nhìn thấy Người ung dung, không hề lo lắng với giặc dữ nên vua Hùng có lời than phiền. Sơn Tinh chỉ bảo rằng xưa nay nước Lạc Việt có mười bảy đời vua Hùng đều là bậc minh quân vì vậy lần này Trời đã phái người tài đến hộ quốc cứu dân.
Sơn Thánh còn cho biết:
“Họ có ba người, chính là Long Cung Hoàng Thái Tử thác sinh, văn võ song toàn, khí phách hơn người, Trời lại phái thêm nhân tài hạ phàm cùng với chư vị Sơn Thủy Bách Thần linh thiêng. Ngài cứ giao cho Long Cung Hoàng Thái Tử trấn giữ vùng giang môn yếu hải còn thần sẽ trị vùng bộ chiến, yên tâm rằng vài hôm là giặc sẽ tan”.
Nghe vậy, vua Hùng lập đàn cầu Trời ứng trợ, tức thì Thanh Y Tiên Ông vân du bay đến báo rằng người tài ấy hiện đang ở Hoa Đào Trang. Vua cử sứ thần đến nơi, tại đây dân làng vẫn nhớ như in câu nói trong không trung ngày trước nên dẫn sứ giả đến Giếng Thần. Tức thì Hoàng Xà nổi lên tỏa ra kim quang sáng rực, hóa thân thành nam nhân cao to lực lưỡng, tuấn tú phi phàm. Ngài báo với sứ giả rằng sẽ triệu lệnh hai em trở về, tuyển mười tướng tài, chiêu binh trong mười ngày rồi sẽ lĩnh quân đi đánh tan giặc biển Nam, nhất định trong ba ngày sẽ xong chiến sự. Kể từ đó dân nhớ ơn gọi Ngài là Vĩnh Công.
Sau khi chiêu đủ mười tướng, một quân sư và hai mươi tám nội tướng, Ngài xuất quân lên đường. Hai hướng trị giặc là cửa sông Cái và sông Bạch Đằng, Vĩnh Công và Quan Lớn Đệ Nhất sẽ chặn giặc ở cửa sông Cái, Quan Lớn Đệ Tam cùng Quan Lớn Đệ Ngũ và Quân Sư Nuồi sẽ ứng chiến ở Bạch Đằng Giang, Quan Điều.
Đúng hẹn 3 ngày, Vĩnh Công cùng tướng sĩ đánh tan giặc dữ trên cả 8 cửa biển. Thấy cánh quân đường thuỷ hùng mạnh của phương Bắc bị đại bại, nhiều cánh quân xâm lược đường bộ do các bộ lạc của Bách Việt, được sự giúp sức của các nước Ai Lao, Vạn Tượng…đang cố quyết chiến cùng quân Lạc Việt do Sơn thánh chỉ huy, nghe tin đều hoảng sợ, vội vã rút nhanh về nước. Trở về Kinh Đô, vua Hùng sắc phong là: “Vĩnh Công Nhạc Phủ Thượng Đẳng Thần”.
Vĩnh Công xin vua cho lui về quê nhà chăm sóc thân mẫu Quý Nương, chiêu dân lập ấp, dạy dân mọi sự và chăm lo tám cửa bể. Mười vị tướng cũng theo ông về, riêng Quan Điều Thất thì về Trời ngay khi đánh giặc xong, Vĩnh Công cho lập ban thờ ông tại Dinh Công Đồng. Các hàng Quan đều nhậm chức tại cái thủy khu, Quan Lớn Đệ Tam ngự tại cửa sông Cái đến phía Bắc Lạc Việt, Quan Lớn Đệ Thập ở tại Cửu Chân, Quan Lớn Đệ Tứ đi khai khẩn vùng Bắc Sơn Nam, năm vị Nội Tướng thì ở lại Hoa Đào Trang chăm dân. Vĩnh Công dùng bổng lộc vua ban mà phân phát cho dân bản hạt, miền duyên hải từ đó mà ấm no sung túc. Hằng năm đúng ngày lúc xưa đánh thắng giặc, Ngài sẽ cùng chư tướng tề tựu tại Hoa Đào Trang.
Một ngày kia, ông gọi dân bến bảo:
“Nay ta đến hạn phải về chầu vua cha Lạc Long, nếu muôn dân nhớ đến ta thì nhà ta đây là miếu sở, ngày ta đi là ngày giỗ”.
Lúc này trời đất tối sầm, mây mưa sấm chớp kéo đến, thoáng chốc chỉ còn lại xiêm y của Người. Ngày mai mươi lăm tháng tám năm Bính Dần là ngày ông hồi quy, dân tấu lên, vua Hùng ban phong: “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng Đại Vương”.
Theo truyền thuyết, khi Hùng Vương thứ mười tám cáo chung và Thục Phán lên ngôi, dân Bách Việt ta dĩ nhiên là ngoại tộc, Vĩnh Công lúc này đã đã hóa thần và luôn linh ứng phù hộ bảo hộ dân ta, trăm dân nhớ ơn gọi là Vua Cha Bát Hải Động Đình.
Thờ phụng
Đền Đồng Bằng
Tọa lạc tại thôn Đồng Bằng, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền Đồng Bằng là một bảo tàng mỹ thuật điêu khắc gỗ tuyệt đẹp, một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Thái Bình.
Đền Mẫu Sinh
Thuộc quần thể di tích đền Đồng Bằng, nơi thờ Đức Mẫu Quý Nương, người mẹ đã sinh ra Vua Cha Bát Hải Động Đình. Tương truyền thì từ xa xưa đền Mẫu Sinh được xây dựng trước cả đến thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình.
Tương truyền trong thời kỳ chống quân Nguyên Mông, Phạm Ngũ Lão cùng với Hưng Đạo Đại Vương đã ghé thăm đền Mẫu Sinh và đề một bài thơ, hiện nay bài thơ vẫn còn lưu lại ở đền.
Thời gian khánh tiệc
Khánh tiệc Vua Cha Bát Hải Động Đình vào 22 tháng 8 âm lịch hàng năm.