Thiền sư Đạo Trung Thiện Hiếu (1743 – 1799)

Thiền sư Đạo Trung Thiện Hiếu (1743 – 1799)

Thân thế


Thiền sư Đạo Trung Thiện Hiếu (1743 – 1799), thường được tôn gọi là Tổ Đỉa, thuộc phái thiền Lâm Tế ở Đàng trong thế hệ thứ 38.

Hiện chưa biết rõ tên tục, quê quán và hành trạng, chỉ biết rõ Tổ Đỉa là vị khai sơn chùa Linh Sơn trên núi Bà Đen (Tây Ninh) và chùa Long Hưng (thường được gọi là chùa Tổ) ở tỉnh Sông Bé.

Theo truyền thuyết, Thiền sư Thiện Hiếu từ chùa Bà Tang (?) đi qua chùa núi Bà Đen (Tây Ninh), thường ghé nghỉ tạm dưới một gốc cây trâm ở ven “Bưng Đỉa”, thuộc Cầu Định (tỉnh Thủ Dầu Một ngày xưa). Gọi là Bưng Đỉa vì vùng bưng này đất phì nhiêu nhưng có rất nhiều đỉa. Nông dân ở Bưng Đỉa nghèo nàn vì thiếu ruộng trồng lúa trong khi bưng lại bỏ hoang vì đỉa. Dù nghèo nhưng nông dân ở đây thấy Sư thường nghỉ đêm ở gốc cây trâm ven bìa Bưng Đỉa nên phát tâm dựng cho Sư một am tranh để nghỉ ngơi trên đường vân du hoằng hóa. Trong lúc đó, Sư thấy dân ở địa phương có được một vùng đất bưng phì nhiêu và rộng lớn nhưng lại phải bỏ hoang vì nạn đỉa nhiều. Một hôm, Sư ra giữa Bưng Đỉa ngồi thiền để cầu nguyện cho các con đỉa ở đó được vãng sanh, cho bưng bớt đỉa hầu giúp dân chúng có thể làm ruộng trồng lúa được.

Khi Sư ngồi thiền, đỉa bu quanh và bò lên mình Sư rất nhiều, nhưng Sư vẫn an nhiên tiếp tục ngồi như không. Trong các con đỉa bám vào mình Sư, có một con đỉa trắng rất to (có lẽ là đỉa chúa) bò lên nằm ngay trên đỉnh đầu của Sư. Sư vẫn tiếp tục ngồi thiền, con đỉa trắng to từ đỉnh đầu Sư rơi xuống nước và chết, một số đỉa nhỏ khác quanh đó cũng tự nhiên chết. Sau đó, vùng Bưng Đỉa, số đỉa giảm dần và người dân địa phương bắt đầu xuống bưng làm ruộng được và dần dần vùng Bưng Đỉa bị bỏ hoang trở thành một vùng ruộng lúa phì nhiêu, người dân địa phương trồng trọt được, làm ăn phát đạt và sung túc hơn. Từ đó dân địa phương tôn gọi Sư là “Tổ Đỉa”. Năm Giáp Dần (1794) dân địa phương bỏ am tranh của Tổ Đỉa, lập thành một ngôi chùa lớn, được Tổ đặt tên là Long Hưng, nhưng dân địa phương ít gọi tên chùa Long Hưng mà thường gọi là chùa Tổ.

Theo lời truyền Tổ Đỉa lập tất cả bảy ngôi chùa (hiện chúng ta chỉ biết hai chùa: Linh Sơn và Long Hưng).

Ngày 20 tháng 12 năm Kỷ Mùi vào giờ Mùi, Tổ Đỉa viên tịch tại chùa Long Hưng. Đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa.

Hoạt động Phật sự


Tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu có công lớn trong việc truyền bá chánh pháp nơi đây. Sư là bậc long trượng của chốn thiền môn, là vị khai sơn và trùng tu nhiều ngôi chùa như: Linh Sơn trên núi Bà Đen ( Tỉnh Tây Ninh); Long Hưng ( ấp 4 xã Tân Định, Bến cát); Hội Hưng (xã Trung An, Củ Chi, TP.HCM);  Hội  Lâm còn gọi là chùa Bà Tang (xóm Chùa xã An Phú).  Ngài từng đền hành đạo tại các chùa:  Hội Khánh (Thủ Dầu Một); Long Thọ (Thủ Dầu Một); Hội Sơn (Thủ Đức) và  Bửu An (Bến Gỗ – Biên Hoà).

Tổ Đỉa thiền sư đã cùng nhân dân địa phương lập thành một ngôi chùa lớn, được Tổ đặt tên là Long Hưng, nhưng dân địa phương ít gọi tên chùa Long Hưng mà thường gọi là chùa Tổ Đỉa. Tổ Đỉa Thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu có công lớn trong việc truyền bá chánh pháp và hộ quốc an dân, giúp cho nhân dân nơi đây được an cư lạc nghiệp. Do có công lao làm cho ruộng lúa không còn đỉa để cho dân chúng cấy cày, dân địa phương vì tôn quý ngài, nên gọi ngài là Tổ Đỉa, ngài không cho và dạy khi nào ngài tịch đem thiêu, nếu còn để lại xá lợi một bàn tay để làm tin thì hãy gọi là Tổ. Quả nhiên khi ngài viên tịch đem thiêu còn lại xá lợi một bàn tay, việc này đã làm cho đồ chúng và nhân dân càng vững tin ngài là một vị chân tu đã đắc đạo.

Tổ Đỉa thiền sư có công khai lập nhiều ngôi chùa, trong đó có chùa Linh Sơn ở núi Điện Bà Tây Ninh. Lúc này, Bà Đen núi Tây Ninh thường hiện ra thành các cô gái đẹp trêu chọc, quyến rũ các chàng trai và nhiều vị thiền sư đến đây tu hành. Khi Tổ đến đây, như thường lệ, Bà hiện ra trêu chọc nhưng được Tổ cảm hóa, nguyện qui y theo Phật pháp và sẽ không quấy phá các bậc tu hành nữa. Sau khi quy y với Tổ Đạo Trung – Thiện Hiếu thì Bà Đen trở nên hiền lành, hộ trì dân chúng được bình an, lạc nghiệp. Dân chúng quanh vùng tin tưởng và phụng thờ Bà Đen và tôn bà là Linh Sơn Thánh Mẫu.

Truyền thừa


Ngài Đạo Trung không có đệ tử truyền thừa nên sau khi Ngài viên tịch, vị kế thế trụ trì là Hoà Thượng Tiên Đề – Chơn Phẩm thuộc thế hệ thứ 37 theo dòng “Đạo Bổn Nguyên”. Ngài là huynh đệ với Thiền Sư Tiên Huệ – Tịnh Nhãn và là học trò của Hoà Thượng Tổ An – Mật Hoằng. Thiền sư Tổ Ấn – Mật Hoằng phái Thiền Lâm Tế đời 36 (1735 – 1835). Tổ Mật Hoằng từng được vua nhà Nguyễn cữ làm Tăng Cang trụ trì chùa Thiên Mụ vào năm Gia Long thứ ba ( 1804 ). Sau một thời gian hoằng pháp làm hưng thịnh nơi đây, Ngài Tiên Đề – Chơn Phẩm thị tịch vào ngày 18 tháng 4 năm Nhâm Tý (1852). Đồ chúng lập tháp thờ trong khuôn viên chùa. Tiếp các vị trụ trì là Thiền sư Minh Lịch thế hệ 38, Thiền sư Như Sơn – Thới Cư, thế hệ 39, Thiền sư Nguyên Tô thế hệ 44 (dòng Thiền Liễu Quán), Hoà thượng Quảng Phúc, Nhuận Đức, Đức Trường.

Tham khảo


  • Sách “Thiền sư Việt Nam”, Thích Thanh Từ, DL 1999 – PL 2543

  • https://phatgiao.org.vn/
Chấm điểm
Chia sẻ
Thiền sư Đạo Trung Thiện Hiếu

Nội dung chính

Hình ảnh
Địa điểm liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *