Thiền sư Định Không (730 – 808)

Thiền sư Định Không (730 – 808)

Thông tin cơ bản

Thân thế


Thiền sư Định Không (730-808) họ Nguyễn, là người hương Cổ Pháp, thuộc dòng vọng tộc. Thiền sư là một trong 3 thiền sư thuộc thế hệ thứ 8 thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, tu hành ở chùa Thiện Chúng, hương Dịch Bảng, phủ Thiên Đức.

Thiền sư am hiểu về thế số, những hành động của Sư đều hợp pháp tắc, người trong làng quý kính gọi Sư là Trưởng Lão. Lúc tuổi đã lớn, Thiền sư đến pháp hội Long Tuyền ở Nam Dương nghe pháp, Ngài liền lãnh hội ý chỉ, nhân đây Sư phát tâm xuất gia theo Phật.

Sự nghiệp


Đời Đường khoảng niên hiệu Trinh Nguyên (785-804), Thiền sư lập ngôi chùa Quỳnh Lâm tại quê nhà. Khi đào đất đắp nền chùa gặp được một quả hương đề và mười cái khánh. Thiền sư sai đem xuống nước rửa, một cái khánh lăn đến tận đáy ao mới dừng. Thiền sư giải rằng:

Chữ thập, chữ khẩu hợp thành chữ cổ. Chữ thủy, chữ khứ hợp thành chữ pháp.
Thổ là chính chỗ chúng ta ở, tức chỉ đất này.

Nhân đây, Ngài đổi tên làng là Cổ Pháp (trước tên Diên Uẩn), lại làm bài tụng:

Đất dâng pháp khí Một món thuần đồng.
Ấy điềm Phật pháp hưng long
Đặt tên làng là Cổ Pháp.

(Địa trình pháp khí Nhất phẩm tinh đồng.
Trị Phật pháp chi hưng long Lập hương danh chi Cổ Pháp.)

Sư lại nói:

Pháp khí hiện ra mười cái chung đồng Họ Lý làm vua ba phẩm thành công.

(Pháp khí xuất hiện thập khẩu đồng chung Lý hưng vương tam phẩm thành công.)

Chữ “tam phẩm” hiện được cho là Lý Công Uẩn đang ở chức hàm Tam phẩm mà lên ngôi vua. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng “Tam phẩm thành công” là 3 đời họ Lý mới nên nghiệp. Nếu hiểu vậy thì đây là ứng với chuyện từ Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông ẩn họ Lê, tới Lý Thánh Tông mới chính thức xưng vương và lấy quốc hiệu Đại Việt.

Trong sách Thiền Uyển tập anh cho rằng, ngay từ thời điểm năm 785 đến 804, tức hơn 200 năm trước khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, thiền sư Định Không đã dự cảm được việc triều nhà Lý xuất hiện trong lịch sử nên đã làm mấy bài thơ tụng. Câu chuyện mang màu sắc huyền bí này lại gắn liền với ngôi chùa Quỳnh Lâm (tức chùa Đài hay còn gọi là chùa Lục Tổ, ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) nổi tiếng đất Kinh Bắc:

Thập, khẩu, thủy, thổ, khứ
Danh hiệu làng Cổ Pháp.
Gà ở sau loan nguyệt
Chính là Tam Bảo thạnh.

(Thập, khẩu, thủy, thổ, khứ
Cổ Pháp danh hương hiệu.
Kê cư loan nguyệt hậu
Chánh thị hưng Tam Bảo.)

Câu “Kê cư loan nguyệt hậu” hiện dịch là “Gà ngồi lưng loan phượng” và cho rằng đây là lời sấm chỉ sự kiện Lý Công Uẩn lên ngôi năm Kỷ Dậu (1009). Tuy nhiên, câu sấm này trong một vài tài liệu lại lý giải rằng: “Gà” (Kê) vẫn là chỉ họ Lý. “Nguyệt” là mặt trăng, chỉ hướng Tây, đối lập với mặt trời chỉ hướng Đông.

Phía Tây thời kỳ này là đất Tĩnh Hải hay gọi là Đinh Bộ. Thời kỳ này có đồng tiền Thuận Thiên đại bảo mặt sau có chữ Nguyệt 月, và đồng tiền Đại Hưng bình bảo có chữ Đinh丁 ở mặt sau. Nguyệt và Đinh cùng có nghĩa là phần đất phía Tây, là vùng Tĩnh Hải quân.

“Loan” là chỉ triều đại của nước Đại Hưng từ Lưu Cung. “Kê cư loan nguyệt hậu” có thể hiểu là “Họ Lý ở vùng đất phía Tây sau thời Lưu Cung”, chỉ sự lên ngôi của nhà Lý ở vùng đất Tĩnh Hải sau thời kỳ nước Đại Hưng.

Sau, Thiền sư trụ trì tại chùa Thiền Chúng ở làng Dịch Bảng, phủ Thiên Đức (nay là làng Đình Bảng, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh).

Trước khi qua đời, sư truyền lời tiên tri về hậu vận đất nước cho học trò như sau:

Ta muốn mở rộng làng xóm, nhưng e nửa chừng gặp tai họa, chắc có kẻ lạ đến phá hoại đất nước ta. Sau khi ta mất, con khéo giữ pháp này, gặp người họ Đinh thì truyền, nguyện ta đã mãn.

Nói xong, Thiền sư cáo biệt mà tịch, thọ bảy mươi chín tuổi, nhằm đời Đường niên hiệu Nguyên Hòa thứ ba (808) năm Bính Tý. Thông Thiện xây tháp thờ Thiền sư Định Không ở phía tây chùa Lục Tổ và ghi lời phó chúc rành rõ

Hơn 60 năm sau, lời của ông đã linh ứng. Nhà Đường cử Tiết Độ Sứ Cao Biền sang cai trị, bóc lột nhân dân ta. Thâm độc hơn, chúng còn đến nhiều vùng đất, thế núi linh thiêng, nơi sẽ sinh người tài giỏi, trấn yểm triệt phá long mạch, trong đó có đất Cổ Pháp của sư Định Không. Một thế kỷ sau đó Đinh Tiên Hoàng (924 – 979) chấm dứt tình cảnh loạn lạc, sáng lập ra nhà Đinh và nước Đại Cồ Việt, mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ của người Việt.

 

Tham khảo


  • Thiền Uyển Tập Anh – Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học, 1990.
  • Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, DL 1999 – PL2543
Chấm điểm
Chia sẻ
Thiền Sư Định Không

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)