Thiền Sư Huyền Chân

Thông tin cơ bản

Huyền Chân Thiền sư trong tư liệu Hán Nôm

Trong văn bản Quang Minh tự sự tíchcổ tích Phật Tổ truyền đăng thực lục 光明寺事跡 古跡佛祖傳燈寔錄 bản chữ Hán lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.1546 cho biết: Tháp 永銘寶塔 Vĩnh Minh thờ xá lợi: Tổ Ma Ha Sa Môn tên tự là Phổ Giác Hòa thượng, húy Đức, tự Huyền Chân Thích Viên Minh Luật Thiền sư – Hoàng Tông Thánh Tổ, Đương cảnh chúa tể Thành Hoàng đại vương, Trung Quốc đại đế: 永銘寶塔摩訶沙門字普覺和尚, 諱德, 字玄真, 釋圓明律禪師皇宗聖祖當境主宰城隍大王,中國大帝.  Người làng Dương Liễu, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay thuộc thôn Dương Liễu, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), sinh vào thời Tiền Lê, tu hành và hiển Thánh tại chùa Bóng vào thời Lý”? (Người dân làng Hậu Bổng lệ thường xưa nay kiêng húy chữ Chân – thay bằng tên gọi Cẳng, gọi chân là hông, như nồi chân là nồi hông).

Sách Công Dư tiệp ký của Tiến sĩ Vũ Phương Đề cho biết: Thiền Sư Huyền Chân trụ trì chùa Hậu Bổng. Sau thời gian tu hành giới luật nghiêm túc cả hành thiền lẫn tu theo pháp môn Tịnh Độ, bỗng một hôm nghỉ ở hậu phòng nằm mơ thấy Đức Phật A Di Đà triệu đến chính điện bảo cho Ngài: “Ngươi dày công với Phật sự đã lâu, lòng từ bi của ngươi đã được Phật Tổ thấu hiểu. Vì thế, đến kiếp sau, ngươi sẽ được làm đại đế ở phương Bắc”, sau quả nhiên ứng nghiệm.     

Sách Hải Dương phong vật chí, mục nhân vật thiền sư, Lịch triều hiến chương loại chí cũng đều ghi về câu chuyện của nhà sư Huyền Chân chùa Quang Minh (Chùa Quang Minh ở xã Hậu Bổng, huyện Gia Phúc). Tương truyền có nhà sư tên tự là Huyền Chân tu ở đây, ai cũng khen là bậc cao tăng. Đến tuổi già, sư nằm mộng thấy Phật Di Đà giáng xuống bảo rằng: “Nhà ngươi có công với đạo pháp tấm lòng đã đạt tới huyền giám, kiếp sau sẽ được giáng sinh làm vua Trung Quốc”. Đến khi sư hóa, đệ tử theo lời di chúc, lấy son viết 10 chữ vào vai. Sau sứ thần nước ta là Nguyễn Tự Cường sang sứ nhà Minh, vua Hy Tông nhà Minh triệu vào bảo cho biết những chữ ở trên vai mình. Vua cho rằng mình từng là sư ở chùa Quang Minh giáng sinh. Rồi sai về lấy nước giếng ở chùa ấy đem sang rửa, nét chữ mới hết.

Còn văn bản Đại Nam cao tăng truyện 大南高僧傳, bản chữ Hán, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHb.313 có ghi chép về Thiền sư Huyền Chân 玄真禪師 như sau: 海陽嘉祿縣, 厚俸社有光明寺, 住僧號玄真 xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc, Hải Dương có chùa Quang Minh, Tăng trụ trì tên hiệu Huyền Chân.

Văn bản thần tích xã Hậu Bổng, tổng Hậu Bổng, huyện Gia Lộc, Hải Dương (海陽省嘉祿縣厚俸總厚俸社神蹟), bản chữ Hán lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AE.A6/12 chép 苾蒭高僧,字玄真,住持于此,誦念佛,不管世間事 利欲都忘.Cao tăng Bật Sô, tên tự là Huyền Chân, trụ trì ở nơi này, chỉ tụng niệm Phật, không quản chuyện thế gian, không màng lợi lộc. Theo Đại Nam nhất thống chí cho biết: “ Xưa Thiền sư Huyền Chân trụ trì ở đây, người ta khen là cao tăng trong thiền uyển. Khi thiền sư tuổi già, mộng thấy Phật Di Đà bảo rằng: “Người có công với Phật giáo đã lâu năm, tấm lòng từ thiện đã được soi xét, kiếp sau sẽ được làm đại đế ở Bắc quốc”. Khi tỉnh dậy, dặn bảo đệ tử rằng: “Sau khi thầy siêu tịch, các con nên dùng son viết mười chữ vào vai là An Nam quốc Quang Minh tự Sa Việt tỉ khâu安南國光明寺沙越比丘”. Đến lúc thiền sư hóa, tăng đồ làm theo lời dặn làm lễ hỏa táng, cấp xá lị trong tháp đá. Đời Lê Hoằng Định, Nguyễn Tự Cường, người xã Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại, phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, vua Minh Thế Tông triệu vào triều hỏi rằng: “nhà ngươi có biết chùa Quang Minh ở trong nước không?” Tự Cường tâu là chưa biết. Nhà vua nói: “Lúc trẫm mới sinh ra, trên vai có chữ viết bằng son, dấu vết rõ ràng, có lẽ tiền thân trẫm là sư ở chùa ấy, nay muốn rửa sạch vết chữ ấy thì dùng cách nào?”. Tự Cường tâu rằng: “thần nghe nói nhà Phật có nước công đức để tẩy trần, nếu bệ hạ đã là hậu kiếp của thiền sư chùa ấy, thì nên dùng nước giếng chùa ấy mà rửa”. Nhà vua nói: “khi nhà người trở về nước, nếu dò hỏi được thì lấy tiến dâng”. Tự Cường trở về, đem việc này tấu lên triều đình, nhân đấy, tìm hỏi các châu huyện mới thấy được chùa Quang Minh, đem nước tiến dâng, vua nhà Minh lấy nước ấy rửa, quả nhiên vết chữ tiêu hết. Nhà vua khen thưởng, giao cho 300 lạng vàng đem về sửa chữa chùa quán, để tỏ rõ sự anh linh ở nước Nam. [ ĐNNTC, tr 507- 508]

Sách Đồng khánh dư địa chí cũng ghi: Chùa Quang Minh ở xã Hậu Bổng [tổng Hậu Bổng. Cây cối nghìn lớp tươi tốt, bốn bề sông xanh sóng biếc, đúng là danh thắng ở chốn rừng Thiền. Xưa, nhà sư Huyền Chân đến trụ trì ở chùa này. Đến khi tuổi già, sư mộng thấy Phật bảo rằng: “Ngươi đã nhiều năm có công với Phạn giáo, thiện tâm soi thấu cõi huyền, kiếp sau ngươi sẽ được làm hoàng đế ở Bắc quốc”. Sư tỉnh mộng, bảo tăng chúng rằng: “Khi ta siêu tịch rồi hãy lấy son viết lên vai ta 10 chữ là “An Nam quốc Quang Minh tự Sa Việt tì khưu” (Tì khưu Sa Việt chùa Quang Minh nước An Nam). Tăng chúng chùa Quang Minh làm đúng theo lời dặn. Khoảng năm Lê Hoằng Định đời Lê (1600-1619), người xã Tiền Liệt là Nguyễn Tự Cường vâng mệnh sang sứ Bắc quốc [Trung Quốc]. Vua Thế Tông nhà Minh triệu kiến, hỏi rằng: “Ngươi có biết chùa Quang Minh bên nước Nam ở vùng nào không?”. Tự Cường đáp: “Thần không biết rõ”. Vua Minh nói: “Trẫm từ khi sinh ra trên vai đã có dòng chữ son, ý chừng kiếp trước của trẫm là nhà sư ở chùa ấy. Nay trẫm muốn rửa cho mất vết chữ ấy đi, không biết phải làm thế nào?”. Tự Cường thưa: “Thần nghe nói nhà Phật có nước công đức (công đức thủy) dùng làm phép tẩy trần. Nhà vua là kiếp sau của vị sư chùa Quang Minh thì nên dùng nước giếng chùa ấy mà rửa thì chắc sẽ hết vết chữ”. Vua Minh nói: “Vậy ngươi hãy trở về múc nước giếng chùa ấy đem sang cho trẫm”. Tự Cường đi sứ về, tâu việc ấy lên, triều đình cho người đi tìm được chùa Quang Minh. Sau đó Tự Cường lại được giao đi sứ, cho lấy nước giếng chùa đưa đi để dâng vua Minh. Vua Minh dùng nước ấy lau rửa, quả nhiên mất hẳn vết chữ trên vai. Vua Minh rất ngợi khen, ban thưởng cho Tự Cường ba trăm lạng vàng đem về nước để tu sửa chùa Quang Minh để tỏ rõ sự linh dị. [ĐKDĐC tr 87]

Theo sách Đại Nam Thiền uyển kế đăng lược lục cho biết: Thiền sư Huyền Hoàng ở chùa Quang Minh và chép lại câu chuyện tương tự như trong Công dư tiệp ký chỉ khác chỗ là khi Nguyễn Tự Cường đi sứ lại gặp vua Khang Hy nhà Thanh, và tên của Thiền sư lại là Huyền Hoàng chúng tôi ngờ rằng văn bản này có nhầm chỗ này, bởi lẽ chữ Chân 真 và chữ hoàng 黃có tự dạng gần giống nhau.

Thần tích làng Hậu Bổng, bản lưu tại Viện TTKHXH, kí hiệu TTTS009496  cho biết: Thánh Tổ Huyền Chân tu hành tại chùa Bóng vào thời Lý, hiển Thánh vào thời Lý Thánh Tông. Vua phong là Linh Ứng Đại Vương. Thời Trần sắc phong Ngài là Linh Ứng Phúc Thiện Đại Vương. Nhà Lê gia phong là Thượng Đẳng Phúc Thần. Triều Nguyễn vua Đồng Khánh phong là Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần; vua Duy Tân phong là Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần; vua Khải Định phong là Đôn Ngưng Tôn Thần.

Về câu chuyện nước giêng thiêng tẩy trần được ghi chép trong Công dư tiệp ký theo quan niệm của nhà Phật tức là nước tám công đức ( bát đức thủy八德水) đầy đủ có tám tính chất như sau: “1. Trừng tịnh: lắng gạn trong sạch; 2. Thanh lãnh: trong trẻo mát lạnh; 3. Cam mỹ: mùi vị ngon ngọt; 4. Khinh nhuyễn: nhẹ nhàng mềm mại; 5. Nhuận trạch: thấm nhuần tươi mát; 6. An hòa: yên ổn hòa nhã; 7. Trừ được đói khát và vô số khổ não; 8. Trưởng dưỡng thân tứ đại, tăng trưởng các thiện căn”.  Quang Minh tự sự tích chép người dân vẫn ra lấy nước ở tháp để rửa vết chàm, nốt ruồi cho trẻ sơ sinh. 這塔上圓下方如貳石榴果, 上覆下載內刻深一寸四分, 圓廣約四寸, 積水貳南鉢,四辰不涸, 至今民間初生有朱黑痕取水回洗即去, 至今猶有靈驗). (Tháp này trên tròn dưới vuông như hai quả lựu, bên trên che, bên dưới nâng bên trong khắc sâu 1 thước 4 phân, tròn rộng khoảng 4 tấc, chứa được 2 bát Nam (bát đàn xưa) bốn mùa không cạn, đến nay trẻ sơ sinh trong dân gian có nốt ruồi đỏ, đen thì lấy nước về rửa thì hết, đến nay vẫn còn linh nghiệm).

Theo Thần tích làng Hậu Bổng cho biết việc thờ Ngài trước kia là ở đình và miếu (đình làng vốn trước là ở ngoài bãi còn miếu thì ở trước chính điện của chùa). Hiện nay ở đình còn giữ được câu đối cổ sơn son thếp vàng ở vách hậu cung, trước cung cấm:

Nguyên văn chữ Hán

佛法王靈民沐德
一神兩化五居中

Phiên âm:

Phật pháp vượng linh dân mộc đức,
Nhất thần lưỡng hóa ngũ cư trung.

Dịch nghĩa:

Phật pháp ngự trị cõi tâm linh, nhân dân được nhờ ơn gộị đức,
Là một vị thần hai lần hóa, nơi đâu cũng là chính vị.

Ngoài ra bên giữa đình còn có bức đại tự và câu đối ca ngợi Ngài.

Nguyên văn chữ Hán

佛以見性君以行道神化以儀民三生香火
鄉之禪祖國之靈神天下之盛帝萬古英聲

Phiên âm:

Phật dĩ kiến tính, quân dĩ hành đạo, thần hóa nghi dân, tam sinh hương hỏa,
Hương chi thiền tổ, quốc chi linh thần, thiên hạ chi thịnh thế, vạn cổ anh thanh.

Dịch nghĩa:

Kiến tính ở cửa Phật, hành đạo lúc làm vua, khuôn mẫu cho dân khi làm thần, ba đời hương hỏa,
Là thiền tổ của làng, thần linh của nước, minh quân thiên hạ, muôn thưở tiếng thơm.

Còn việc tế lễ Ngài vào ngày sinh nhật và hóa nhật hiển thánh thì tế riêng ở ngoài miếu, lễ vật bằng cỗ chay. Còn ngày tế lễ chung ở đình hàng năm chỉ có ngày sóc, vọng và tết Nguyên đán. Ngoài ra thì vào ngày 11 tháng giêng thì dân làng có lễ cầu phúc. Về đồ tế lễ thì từ sau ngày cải lương đến nay thì duy chỉ có ngày khánh nhật ở đình mới có xôi gà, tết Nguyên đán cúng chè oản, còn các tuần thượng thì đều dùng hoa quả.

Như vậy, qua một số tư liệu nêu trên có thể hình dung diện mạo chùa Quang Minh và Thiền sư Huyền Chân trong lịch sử và tâm thức người Việt. Vì vậy mà biết bao lần xảy ra binh đao lửa đạn, chùa nhiều lần bị phá hủy nhưng ngay sau đó đều được thập phương thiện tín và nhân dân địa phương phát tâm trùng tu xây dựng. Đó cũng là góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ những giá trị lịch sử văn hóa của tiền nhân. Là sợi dây gắn kết đời xưa với đời nay, là vang vọng của mạch nguồn quá khứ, để không phụ những tấm lòng tiền nhân đã gửi vào thiên cổ.

Viên Quang khám khắc tên những người công đức ruộng để trùng tu xây chùa vào năm Vĩnh Trị thứ 4 (1679)

Hình ảnh tháp đá được vẽ lại trong văn bản Quang Minh tự sự tích và hiện vật tháp đá còn lưu tại chùa

Gạch Thu Vật huyện tha ẩm hương và một số tượng vật bằng đá hiện còn lưu tại chùa

Tài liệu tham khảo

  1. Quang Minh tự sự tích, bản chữ Hán lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.1546
  2. Đinh Khắc Thuân (Cb) 2009, Địa phương chí tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán Nôm, NXB Khoa học Xã hội, HN.
  3. Phan Huy Chú (2007), Lịch triều Hiến chương loại chí (tập 1), bản dịch Viện sử học, NXB Giáo Dục, HN.
  4. Trang Thanh Hiền (2006) Cửu phẩm liên hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam, NXB Tôn giáo.
  5. Ngô Đức Thọ (Cb) Đồng khánh dư địa chí, tỉnh Hải Dương, sách bản điện tử.
  6. Đại Nam Thiền uyển kế đăng lược lục, bản chữ Hán.
  7. Tổng tập văn học Hán Nôm Việt Nam (tập 1), 1997, NXB Thế Giới.
  8. Nguyễn Văn Quang (2003) Về những viên gạch thời Trần ở Thu Vật (Yên Bái) dùng xây chùa Quang Minh (Hải Dương), Những phát hiện mới về khảo cổ học.
  9. Đại Nam cao tăng truyện 大南高僧傳, bản chữ Hán, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHb.313.
  10. Thần tích làng Hậu Bổng, bản lưu tại Viện TTKHXH, kí hiệu TTTS009496. 

Nguyễn Văn Thinh
Chùa Linh Ứng, thôn Cao Dương, xã Gia Khánh, TT Gia Lộc, Hải Dương
ĐT: 0862055582

4.5/5 (8 bình chọn)
Chia sẻ
Thien Su Huyen Chan

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)