Thiền sư Nguyện Học (? – 1174)

Thiền sư Nguyện Học (? – 1174)

Giới thiệu


Thiền Sư Nguyện Học (? – 1174), đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông.

Thiền sư họ Nguyễn, quê ở làng Phù Cầm. Thuở nhỏ, Sư thọ pháp với Thiền sư Viên Trí ở chùa Mật Nghiêm, đã lãnh hội yếu chỉ. Thiền sư Nguyện Học thọ pháp với thiền sư Viên Trí thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông. Thiền sư Viên Trí khuyết danh vì tiểu sử bị thất lạc do chiến tranh, là đời thứ 9 của thiền phái Vô Ngôn Thông.

Cơ duyên tu tập


Ban đầu, Sư ở ẩn trên núi Vệ Linh chuyên tu phạm hạnh mười hai năm. Mỗi khi nhập Thiền quán đến ba ngày mới xuất. Sư thường trì Hương Hải Đà-la-ni nên các môn trị bệnh, cầu mưa rất được linh nghiệm.

Vua Lý Anh Tông cảm nhận sự linh nghiệm của Sư, cho Sư được ra vào cung vua tự do.

Sau Sư viện cớ già bệnh về trụ trì chùa Quảng Báo làng Chân Hộ, Như Nguyệt,

Tăng chúng đến tham học thường có mặt không dưới một trăm người.

Đến ngày 11 tháng 6 niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo năm đầu (1174), sắp thị tịch, Sư bảo chúng. Nói xong, Sư ngồi kiết-già thị tịch.

Kệ dạy chúng


Bài kệ thứ nhất:

Đạo không hình tướng,

Trước mắt chẳng xa,

Xoay lại tìm kiếm,

Chớ cầu nơi khác.

Dù cho cầu được,

Được tức chẳng chân.

Ví có được chân,

Chân ấy vật gì?

Vì thế,

Chư Phật ba đời,

Lịch đại Tổ sư,

Ấn thọ tâm truyền,

Cũng nói như thế.

(Đạo vô ảnh tượng

Xúc mục phi diêu

Tự phản suy cầu

Mạc cầu tha đắc.

Túng nhiêu cầu đắc

Đắc tức bất chân

Thiết sử đắc chân

Chân thị hà vật.

Sở dĩ

Tam thế chư Phật,

Lịch đại Tổ sư,

Ấn thọ tâm truyền,

Diệc như thị thuyết.)

“Đạo vô ảnh tượng, xúc mục phi diêu”. Đạo không hình tướng trước mắt chẳng xa. “Xúc mục” là chạm mắt, tôi dịch là trước mắt. “Phi diêu” là chẳng xa. Đạo ở ngay trước mắt chớ chẳng ở đâu xa. Ở trước mắt tại sao chúng ta không thấy chỉ thấy toàn sự vật ? Đạo ở trước mắt là đạo có sẵn ở nơi chúng ta, chúng ta muốn nhận ra thì đối cảnh liền biết, biết mà không phân biệt, đó là đạo, đạo không ở ngoài mình. Cho nên hai câu kế Ngài:

“Tự phản thội cầu, mạc cầu tha đắc”. Xoay lại tìm kiếm chớ cầu nơi khác. Tuy nói đạo ở trước mắt, nhưng phải xoay lại mình tìm, chớ tìm ở bên ngoài thì mới nhận ra đạo. Ví dụ như quý vị ngồi nghe tôi giảng, tiếng tôi giảng ở ngoài tai quý vị, nhưng cái hay nghe và nhận biết của quý vị về tiếng của tôi giảng ở đâu ? Tiếng giảng của tôi là âm thanh ở bên ngoài, nếu quý vị muốn thấy đạo mà cứ chạy theo tiếng của tôi thì không bao giờ thấy. Quý vị phải xoay lại coi cái gì đang nghe ? Cái đang nghe và biết được tiếng không phải ở bên ngoài quý vị. Quý vị có nhận ra không ? Tổ Lâm Tế cũng nói: “Các ngươi hiện nay biết nghe pháp chẳng phải là thân tứ đại của các ngươi, cái biết ấy hay dùng tứ đại”. Cái biết nghe pháp không phải thân tứ đại, cũng không phải ngoài thân tứ đại này mà có cái biết nghe pháp riêng biệt. Do đó ở đây Ngài nói muốn tìm đạo thì phải xoay lại mình, chớ chạy tìm bên ngoài, tìm bên ngoài suốt kiếp vẫn còn xa đạo.

“Túng nhiêu cầu đắc, đắc tức bất chân, thiết sử đắc chân, chân thị hà vật”. Dù cho cầu được được tức chẳng chân. Ví có được chân chân ấy được gì ? Đạo nếu cầu nơi khác mà được thì cái được từ nơi khác không phải là cái chân thật. Ý Ngài dạy, đạo là tâm thể chân thật sẵn có nơi mình, tùy duyên ứng hiện ở các căn, có tiếng thì nghe tiếng, có hình ảnh thì thấy hình ảnh, có xúc chạm sự vật thì biết có xúc chạm sự vật… Tuy nhiên, muốn nhận ra nó thì phải xoay lại mình chớ chạy theo ngoại cảnh. Nếu chạy theo ngoại cảnh mà được thì không phải chân. Thế nên pháp tu thiền của đạo Phật khác hơn pháp tu thiền của ngoại đạo. Pháp tu thiền của đạo Phật nhằm soi sáng lại chính mình (phản quan tự kỷ) chớ không cầu ở bên ngoài. Pháp tu thiền của ngoại đạo đặc nặng việc cầu sự hiển linh bên ngoài mà quên mình, như cầu một vị thần nào đó điểm quang cho mình sáng đạo. Tu mà được kết quả mầu nhiệm do bên ngoài đem đến, hay người khác truyền cho đều không khế hợp thể chân thật. Muốn trở lại thể chân thật thì phải xoay lại mình là thiết yếu. Thế nên kết thúc bài kệ này Ngài nói :

“Sở dĩ tam thế chư Phật, lịch đại Tổ Sư ấn thọ tâm truyền, diệt như thị thuyết”. Vì thế chư Phật ba đời, lịch đại Tổ Sư ấn thọ tâm truyền, cũng nói như thế. Chư Phật ba đời, các vị Tổ Sư chỉ ấn chứng và truyền tâm, chớ không nói không chỉ ra được. Người lanh lợi thì nhận ra ngay. Tóm lại chư Phật chư Tổ truyền tâm ấn chứng đều bảo xoay lại mình, đừng chạy theo những hư ảo tạm bợ bên ngoài, vì càng chạy theo những cái hư ảo tạm bợ thì càng xa đạo.

Bài kệ thứ hai:

Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở,

Biến hóa linh thông bày tướng báu.

Đi đứng ngồi nằm riêng vững vàng,

Hóa thân ứng hiện đâu tính được.

Mặc dầu đầy dẫy cả hư không,

Xem ra nào thấy có tướng gì.

Thế gian không có vật để sánh,

Thường hiện linh quang sáng khắp nơi.

Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn,

Không có một lời cho thỏa đáng.

(Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn,

Biến hóa linh thông hiện bảo tướng.

Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên,

Ứng hiện hóa thân bất khả lượng.

Tuy nhiên sung tắc biến hư không,

Quan lai bất kiến như hữu tướng.

Thế gian vô vật khả tỷ huống,

Trường hiện linh quang, minh lãng lãng. T

hường thời diễn thuyết bất tư nghì,

Vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng.)

“Liễu ngộ thân tâm khai tuệ nhãn, biến hóa linh thông hiện bảo tướng”. Thân tâm liễu ngộ mắt tuệ mở, biến hóa linh thông bày tướng báu. Khi thân tâm liễu ngộ thì mắt trí tuệ mở sáng, mắt tuệ mở sáng rồi thì biến hóa linh thông và tướng bàu hiện. Ý hai câu này nói khi thân tâm người tu đã liễu ngộ, thì có thần thông biến hóa diệu dụng khôn lường. Ở đây Ngài nói bày tướng báu, tướng báu chỉ cho thể bất sanh bất diệt. Thân sanh diệt là cái tầm thường, thể bất sanh bất diệt đối với thân sanh diệt thì quý hơn nên nói là tướng báu. Trong kinh Pháp Hoa đức Phật dụ tướng báu là hạt minh châu. Như vậy người học đạo muốn mắt trí tuệ mở sáng không cần tìm ở đâu xa, mà phải xoay lại mình, ngay nơi thân tâm này mà ngộ được thể tánh thì trí tuệ mở sáng. Người thế gian cũng có trí tuệ, nhưng trí tuệ thế gian khác với trí tuệ Phật. Trí tuệ thế gian là trí thông minh biết được nhiều việc, nhưng không biết các pháp đúng như thật. Còn trí tuệ Phật là trí tuệ thấy biết đúng như thật, biết rõ tướng sanh diệt của các pháp, nên không bị mê hoặc lôi cuốn. Nhận ra thể bất sanh bất diệt thì không chạy theo ảo ảnh tạm bợ bên ngoài.

“Hành trụ tọa ngọa độc trác nhiên, ứng hiện hóa thân bất khả lượng”. Đi đứng nằm ngồi riêng vững vàng, hóa thân ứng hiện đâu tính được. Nghĩa là khi ngộ được thể chân thật rồi thì trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, thể chân thật hiện tiền không thiếu vắng, nên nói là vững vàng. Và, khi ngộ được thể chân thật thì ngang đây chẳng phải không còn gì cả, mà tùy duyên ứng hóa thân để làm lợi ích cho chúng sanh, có duyên với chúng sanh ở đâu thì ứng hiện đến đó giáo hóa.

“Tuy nhiên sung tắc biến hư không, quan lai bất kiến như hữu tướng”. Mặc dù đầy dẫy cả hư không, xem ra nào thấy có tướng gì. Mặc dù thể chân thật  đầy cả hư không nhưng nhìn xem thì không có tướng mạo. Tại sao đầy cả hư không mà không có tướng mạo ? Hư không thì không hình tướng, thể chân thật trùm cả hư không cũng không có hình tướng. Nếu có hình tướng thì không thể trùm cả hư không. Ví dụ như chúng ta thắp một ngọn đèn để trong nhà, ánh sáng của ngọn đèn trùm hết khoảng hư không trong nhà. Vì ánh sánh không có tướng mạo bằng sắc chất nên trùm hết khoảng hư không trong nhà, nếu ánh sáng có hình tướng sắc chất như cái tử cái bàn, thì chỉ chiếm một khoảng hư không bằng cái tủ cái bàn mà thôi. Cũng vậy, tâm thể thanh tịnh không tướng mạo nên trùm cả hư không, vì không tướng mạo nên không thấy tướng.

“Thế gian vô vậy khả tỷ huống, trường hiện linh quang minh lãng lãng”. Thế gian không vật để so sánh, thường hiện linh quang sáng khắp nơi. Ở thế gian không có vậy gì để so sánh với tâm thể chúng ta hết. Tại sao ? Vì tất cả sự vật ở thế gian đều có hình tướng, hễ có hình tướng là do duyên hợp thành bị vô thường chi phối, nên không so sánh được với tâm thể bất sanh bất diệt. Tuy không có gì so sánh được, nhưng ánh sáng nhiệm mầu của tâm thể thường hiển hiện ở khắp mọi nơi không giới hạn.

“Thường thời diễn thuyết bất tư nghì, vô đắc nhất ngôn dĩ vi đáng”. Luôn luôn diễn nói không nghĩ bàn, không có một lời cho thỏa đáng. Tức là nghĩa lý luôn luôn diễn nói nhưng không thể nghĩ bàn, nói nhiều mà không một lời để nói. Vì tất cả ngôn ngữ đều không thật, nên không thể nói đến được. Do đó hỏi thế nào là Phật? Chỉ ngồi im là thỏa đáng nhất, còn nói ra lời gì cũng chỉ là tạm mượn phương tiện ngôn ngữ để nói vậy thôi.

Tóm lại, bài kệ này Ngài nhắc người tu phải khéo nhận ra ngay nơi thân tâm này có cái thể chân thật. Nhận ra tạm gọi là ngộ đạo, và trong mọi oai nghi nó đều hiện tiền. tâm thể này không có hình tướng nên trùm cả hư không, khi hằng sống với nó thì tùy duyên ứng hóa làm lợi ích chi chúng sanh. Ở thế gian không có vật gì để so sánh, không có ngôn ngữ nào diễn tả nó được. Tuy nhiên ánh sánh nhiệm mầu của thể chân thật tỏa khắp mọi nơi.

Tán thán công hạnh


Mật Nghiêm thiền tự dưỡng nguồn thiền
Viên Trí thầm trao yếu chỉ huyền
Ẩn núi xa trần tu phạm hạnh
Nhập thiền ở định quán nhân duyên
Đà-ni mật ngữ trì miên mật
Thần chú chơn ngôn niệm chú chuyên
Ứng nghiệm linh mầu vua kính trọng
Chân tăng công hạnh sáng thiền viên

                                                                                                          (Thượng tọa Chúc Hiền )

Tham khảo


  • Sách “Thiền uyển tập anh”, Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học năm 1990.
  • Sách Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, DL 1999 PL 2543.
  • http://www.thientongvietnam.net/
Chấm điểm
Chia sẻ
Thiền sư Nguyện Học

Nội dung chính

Hình ảnh
Địa điểm liên quan
Nội dung đang được cập nhật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *