Thiền sư Pháp Loa (1284 – 1330)

Thiền sư Pháp Loa (1284 – 1330)

Thông tin cơ bản

Cuộc đời và hành trạng

(Tổ thứ hai phái Trúc Lâm) 

Thiền sư Pháp Loa (1284 – 1330), theo sách Tam tổ thực lục thì Sư sinh giờ Mão, ngày 7 tháng 5 năm Giáp Thân tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, bên bờ sông Nam Sách. Cha là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Một đêm nọ mẹ Sư nằm mộng thấy có người trao thanh kiếm thần, bà thích lắm nhận lấy và từ đó mang thai Sư. Do sinh liên tiếp 8 người con gái nên bà có ý hủy thai, nhưng uống thuốc phá thai đến bốn lần vẫn không thực hiện được ý định của mình, đến khi sinh Sư, bà mừng lắm đặt tên là Kiên Cương.

Pháp Loa sinh ra trong gia đình có truyền thống theo đạo Phật, từ bé đã có khi chất hơn người, tư chất thông minh, thiên tư đĩnh ngộ, không nói lời ác, thích ăn chay lạt. Niên hiệu Hưng Long thứ mười hai (1304), Điều Ngự Giác Hoàng (Nhân Tông) dạo đi các nơi,  phá dâm từ và ban pháp dược, đến mạn sông Nam Sách. Sư đến lễ bái xin xuất gia, năm này Sư được hai mươi mốt tuổi. Điều Ngự trông thấy bằng lòng nói: “Kẻ này có đạo nhãn, sau ắt làm pháp khí, vui vẻ tự đến đây.” Ngài bèn cho hiệu là Thiện Lai, dẫn về liêu Kỳ Lân ở Linh Sơn cạo tóc và thụ giới Sa-di. 

Sau đó Sư đến tham vấn hòa thượng Tính Giác ở Quỳnh Quán. Tại đây Sư tìm đủ mọi cách thưa hỏi mà không được khai ngộ. Sư quyết chí tham cứu Kinh Lăng nghiêm, một hôm đến đoạn “Bảy lần gạn hỏi tâm, cuối cùng đến ví dụ khách trần” (Thất xứ trưng tâm, hậu khách trần dụ) thì tâm tư có chỗ sở ngộ. Sư từ tạ Hòa thượng Tính Giác trở về tham yiết với Điều Ngự. 

Gặp lúc Điều Ngự thượng đường, Sư ra thưa hỏi liền được tỉnh, thấy vậy Điều Ngự bèn cho Sư đi theo hậu hạ. Một hôm, Sư trình cả ba bài tụng, bị Điều Ngự chê cả. Sư thưa thỉnh mấy phen, Điều Ngự dạy phải tự tham. Về tới phòng, lòng Sư nặng trĩu, Sư tự tham cứu đến quá nửa đêm, bỗng nhiên trông thấy bông đèn tàn rụng xuống lòng tỉnh giác. Hôm sau Sư trình lên Điều Ngự, Ngài thầm nhận khả ấn. Từ đó trở về sau Sư nguyện trọn đời tu theo khổ hạnh ( hạnh Đầu Đà). 

Đến niên hiệu Hưng Long thứ mười ba (1305), Điều Ngự đem Sư lên liêu Kỳ Lân cho thọ giới Tỷ Khâu và giới Bồ Tát. Đến khi thấy Ngài ngộ đạo, đủ tư cách làm lợi cho chúng sinh, Điều Ngự cho hiệu là Pháp Loa. Chữ Loa có nghĩa là con ốc lớn mỗi khi có tiệc lễ người ta dùng con ốc để thổi giống như cái tù và, để cho tất cả biết hiệu lịnh mà tụ đến. Như vậy Pháp Loa là cái loa thổi ra chính pháp. 

Năm 1307 cùng với 6 vị đệ tử khác của Trúc Lâm, ông được Trúc Lâm dạy cho bộ Ðại Tuệ Ngữ Lục trên am Quán Trú. Tháng năm năm đó, trên am Ðình Trú, vào ngày rằm, ông được Trúc Lâm trao y bát và tâm kệ. Như vậy là ông được đắc pháp chỉ sau hơn 3 năm tu học.

Năm Hưng Long thứ mười sáu (1308) vào này mùng một tháng riêng, Sư được Điều Ngự làm lễ nối pháp trụ trì ở chùa Báo Ân huyện Siêu Loại và giữ chức vụ là vị tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm, trước sự chứng kiến của vua Anh Tông và thần dân tham dự. Tại đây Sư thuyết Pháp độ sinh, được Điều Ngự trao cho hơn hai trăm bộ kinh sử và bảo vua Anh Tông sung cúng vào chùa cả trăm khoản ruộng. 

Sư mất năm 1330, thọ 47 tuổi. Tuổi đạo là 26 năm với 23 năm giữ chức vụ trong giáo hội. Trong những năm Pháp Loa hành đạo, số lượng chùa và tu viện tăng lên đáng kể, các tầng lớp từ trí thức tới bình dân xin được theo học và quy y rất đông. Phật giáo phát triển rộng rãi. Đến đây ta có thể khẳng định rằng tầm quan trọng của Pháp Loa không kém gì người thầy Trúc Lâm của mình.

Tư tưởng thiền học của thiền sư Pháp Loa

Đối với hệ tư tưởng Thiền học của đức đệ nhị tổ Thiền phái Trúc Lâm hành giả tu tập cần phải nhận thức bản thể, bản tính của bản thân mình, tâm luôn tin tưởng vào Phật pháp, kiên trì tịnh tu giữ gìn giới luật, Ngài dạy “giữ gìn tịnh giới chính là phương pháp thực tiễn nhất để nhiếp phục tâm ý”.

Ngài còn dạy rằng “trong khoảng mười hai thời khắc của một ngày, bên ngoài tắt lặng mọi nhân duyên, bên trong tâm không xáo động (ngoại tức chư duyên, nội tâm vô đoạn)” nghĩa là: tâm không còn xáo động thì cảnh bên ngoài cũng như không hoàn toàn vắng lặng.

Như vậy tịnh giới theo đức nhị tổ Pháp Loa là cho tâm yên, cảnh lặng, lục căn không vì thức mà hướng ra ngoài, thức không bị cảnh níu kéo mà hướng vào trong, căn trần tự tại, dừng như không phải bất động. Đó là tư tưởng cao siêu thâm thúy chỉ có người đạt đạo mới có được. Ở đây trong tĩnh có động, động hướng tới tĩnh, tĩnh đến quán động rõ hơn. 

Ngoài ra đức nhị tổ còn cho rằng pháp định giới này từ vị tiểu tăng đến vị đại tăng ai ai cũng có thể duy trì, an trú trong đó được. Nhờ duy trì tịnh giới mà vững vàng không lay động. Từ đó mới tu tập thiền định buông xả thân tâm.

Những đóng góp của Pháp Loa cho sự tiếp nối và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm. 

Trong sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm công lao cũng như hệ tư tưởng của đức đệ nhị tổ Pháp Loa vô cùng lớn, chúng ta có thể nhận thấy rõ rằng thời kỳ nhà Trần, Phật giáo phát triển một cách mạnh mẽ, đặt biệt các vị vua thời nhà Trần am hiểu và rất giỏi về Phật học cũng như ứng dụng triết lý nhà Phật trong công cuộc cai trị cũng như dẫn dắt đất nước như vua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông và Anh Tông điều có căn bản vững chắc về Phật học, có thể nói Phật giáo thời kỳ này phát triển hưng thịnh một cách cực độ.

Thiền sư Pháp Loa cũng dành nhiều tâm huyết cho việc đào tạo Tăng tài, đào tạo đệ tử, độ Phật tử. Sách Tam tổ thực lục viết: “Những đệ tử đắc pháp của Pháp Loa Thiền sư có hơn 3.000 trong số đó có rất nhiều vị là quan trong triều đình, chính những vị này đã đóng góp nhiều tiền của  để hỗ trợ Pháp Loa xây, mở mang chùa tháp, tự viện, dựng tượng Phật, tượng Thánh tăng, in kinh sách,…  để Pháp Loa có thể hoằng dương Phật pháp tiếp nối sư phụ của mình là Phật hoàng Trần Nhân Tông. 

Đương thời, Thiền sư Pháp Loa rất chú trọng đến việc in ấn, xuất bản, giảng dạy kinh điển và ấn phẩm Phật giáo để truyền bá và phát triển chính pháp. Theo tác giả Nguyễn Minh Tường viết:  “Trong thời kỳ đứng đầu Giáo hội Trúc Lâm, Pháp Loa rất chú trọng việc giảng dạy kinh điển Phật giáo. Ngoài sự giảng dạy các Kinh phổ thông (như: Kìm Cương, Lăng Nghiêm, Viên Giác và các bộ lục như Tuyết Đậu ngữ lục, Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục, Đại Tuệ ngữ lục), Pháp Loa còn giảng các Kinh Niết bàn, Lăng Già, Pháp hoa và nhất là Hoa nghiêm…

Có thể nói Thiền sư Pháp Loa chính là một ánh sao sáng trên bầu trời Thiền Trúc Lâm đời Trần. Bên cạnh các vị tổ Trúc Lâm, Ngài – đệ nhị Pháp Loa với hạnh nguyện của bậc chân tu không ngừng hoạt động hết mình vì Phật pháp. Sự lựa chọn để trao truyền y bát và kế vị tiếp nối sự nghiệp quản lý Thiền phái Trúc Lâm, cho thấy sự dự đoán tinh tường và cách nhìn sâu sắc của vị đệ nhất tổ Trần Nhân Tông. Xuôi dòng lịch sử dân tộc, Lịch sử Phật giáo Việt Nam mãi ghi nhận trong trang sử vàng khắc tên một bậc Thiền sư chân chính, có nhiều đóng góp cho Thiền phái Trúc Lâm, Phật giáo đời Trần và tiếp nối tinh thần nhập thế riêng biệt cho Phật giáo Việt Nam. Ngài mãi mãi là ngọn hải đăng soi đường chính pháp cho mỗi bước đi của hàng hậu học, là giá trị và tấm gưong phản chiếu vì một Giáo hội, một nền Phật giáo dân tộc phát triển, ốn định và bền vững với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội.
  2. Nguyễn Minh Tường (2016), Đóng góp của Pháp Loa đổi với Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 6 
  3. Thích Thanh Từ, Thiền sư Việt Nam, Nxb tôn giáo. 
  4.  Kỷ yếu hội thảo khoa học, Thiền sư Pháp Loa: Sự nghiệp tu hành, thiền học và dấu ấn lịch sử, Đại học Quốc gia Hà Nội. 
  5. Thích Phước Sơn, Tam tổ thực lục, Nxb viện nghiên cứu Phật học Việt Nam. 
5/5 (16 bình chọn)
Chia sẻ
Thiền Sư Pháp Loa (2)

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)