Thiền sư Tánh Đề – Đạo Nguyên (1656-1716)

Thiền sư Tánh Đề – Đạo Nguyên (1656-1716)

Thông tin cơ bản

Thân thế

Hiện nay vẫn chưa tìm thấy một sự ghi chép gì về thân thế và hành trạng của Thiền sư Đạo Nguyên. Nhưng chiếu theo long vị thờ tại tổ đình Thập Tháp, thì ta thấy Thiền sư húy Tánh Đề hiệu Đạo Nguyên, sanh năm Bính Thân (1656). Như vậy, ta có thể xác định rằng Thiền sư thuộc dòng thiền Lâm Tế được truyền thừa theo kệ pháp của Thiền sư Trí Bảng – Đột Không:

Trí tuệ thanh tịnh
Đạo đức viên minh
Chân như tánh hải
Tịnh chiếu phổ thông.

Quá trình hoạt động Phật giáo

Theo dòng kệ Pháp được biết có một thời được truyền bá tại đất Thuận Hóa trở vô qua các Thiền sư như: Viên Cảnh – Lục Hồ, Viên Khoan – Đại Thâm rồi đến Minh Châu – Hương Hải. Nhưng đến năm Nhâm Tuất niên hiệu Chánh Hòa thứ 3 (1683), Thiền sư Minh Châu – Hương Hải dẫn hơn 50 đệ tử và môn hạ vượt biển bỏ ra Đàng Ngoài. Tuy nhiên một số Thiền sư đệ tử của dòng kệ pháp nầy vẫn còn ở lại Đàng Trong.

Tại Bình Định, ngoài Thiền sư Tánh Đề – Đạo Nguyên, ta còn thấy có Thiền sư Tánh Ban – Giám Huyền hành đạo tại chùa Linh Phong, còn gọi là chùa Ông Núi thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Thiền sư Tánh Đề – Đạo Nguyên là vị cao tăng đương thời, đang hành đạo tại vùng đất Qui Ninh, nay là Bình Định, khi Tổ sư Nguyên Thiều đến lập chùa Thập Tháp, nghe danh Thiền sư Đạo Nguyên nên thỉnh mời về Thập Tháp hỗ trợ Tổ sư trong quá trình xây dựng chùa, đồng thời dạy dỗ Tăng chúng tại Tổ đình.

Đến năm Nhâm Tuất (1683), chùa Thập Tháp xây dựng được hoàn thành. Tổ sư Nguyên Thiều liền phải lên đường ra Thuận Hóa hoằng dương Phật pháp theo lời mời của chúa Hiền – Nguyễn Phước Tần (1648-1687).

Chúng đệ tử của Tổ sư Nguyên Thiều lúc bấy giờ phần nhiều còn nhỏ tuổi, chưa đủ khả năng thừa đương Phật sự. Vì vậy mà Thiền sư Tánh Đề – Đạo Nguyên phải thay thế Tổ sư, tiếp tục gánh vác Tổ nghiệp, đào tạo Tăng chúng tại Tổ đình Thập Tháp. Nơi đây, Thiền sư Đạo Nguyên đã khai mở cánh cửa nhiệm mầu, làm cho chánh đạo được rạng rỡ, lợi ích quần sanh.

Bảo Tháp Thiền Sư Tánh Đề – Đạo Nguyên, Tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định

Bảo tháp Thiền sư Tánh Đề – Đạo Nguyên, tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định

Hiện nay còn lại một bài thi tụng của Thiền sư sáng tác vào năm Ất Dậu (1705). Bài thi tụng này được khắc lên vách đố phía trên gian cửa trước của Chánh điện:

Nguyên âm chữ Hán

十座愈於多寶塔
門前不用設三車
只今淨土成如是
應似重來聽法華

Phiên âm

Thập tòa dũ ư Đa Bảo tháp
Môn tiền bất dụng thiết tam xa.
Chỉ kim Tịnh Độ thành như thị
Ưng tợ trùng lai thính Pháp Hoa.

Tạm dịch

Mười tòa tháp sánh hơn tháp Đa Bảo
Trước cửa không cần thiết đặt ba xe.
Cảnh Tịnh Độ hôm nay như thế đó
Cũng như nghe giảng Pháp Hoa nhiều lần.

Bên phải bài thi tụng đề: “Ất Dậu đông nguyệt đề ư Thập Tháp tự, Đạo Nguyên thiền tọa hoa đình ngộ cảo”. Bên trái đề: “Kỷ Tỵ niên trùng khắc”.

Thời kỳ viên tịch

Đến ngày mùng 3 tháng 6 năm Bính Thân (1716), Thiền sư an nhiên thị tịch. Tăng chúng xây bảo tháp ngay góc sân Phương trượng và Tổ đường để thờ Thiền sư.

Long vị thờ tại Tổ đường ghi rằng: “Phụng vì quy tịch Bổn sư tỳ kheo húy Tánh Đề, hiệu viết Đạo Nguyên thiền tọa giác linh vị”. Thiền sư Tánh Đề trụ trì chùa Thập Tháp suốt 33 năm cho đến khi viên tịch (1716).

Bảo tháp Thiền sư Tánh Đề – Đạo Nguyên, tại Tổ đình Thập Tháp, Bình Định

Nguồn: Thích Viên Kiên, Chùa Thập Tháp và Tổ sư Nguyên Thiều – Siêu Bạch, 2019, NXB Hồng Đức.

5/5 (3 bình chọn)
Chia sẻ
Thiền Sư Tánh Đề Đạo Nguyên (1656 1716)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)