Thân thế
Thiền sư Tín Học (? – 1190), đời thứ 10, Thiền Phái Vô Ngôn Thông.
Thiền sư họ Tô quê ở làng Chu Minh, phủ Thiên Đức. Gia đình chuyên nghề khắc bản kinh. Thuở nhỏ Sư theo học với thầy Thành Giới, không thích giao du.
Cơ duyên tu tập
Năm ba mươi hai tuổi, Sư đến Thiền sư Đạo Huệ ở núi Tiên Du thọ giáo. Ở đây hầu thầy ba năm, Sư nhận được tông chỉ Thiền tông một cách sâu sắc. Sau đó, Sư một mình chống gậy du phương, đến chùa Quán Đảnh núi Không Lộ huyện Thạch Thất, Sơn Tây dừng lại trụ trì.
Sư ở trước Phật đốt ngón tay cúng dường và phát nguyện lớn:
Con đã nhiều kiếp trôi lăn trong trần lao, nay nguyện dứt hẳn không còn tạo lại.
Sư chuyên tu Tam quán theo trong kinh Viên Giác, ngày chỉ ăn một bữa, đến hình dung tiều tụy, trải nhiều năm như thế mà chẳng thối chí. Do đây, thâm đắc Chánh định tam quán. Công khanh sĩ thứ ngưỡng mộ phong thái cao nhã của Sư đua nhau đến học hỏi rất đông.
Một hôm Sư tự bảo:
Có lợi ắt có nhiễm, có nhiễm ắt có lợi; có lợi có nhiễm, Bồ-tát chẳng làm; không lợi không nhiễm, Bồ-tát mới làm.
Đến ngày 9 tháng giêng năm Thiên Tư Gia Thụy thứ năm (1190) đời Lý Cao Tông, Sư cáo bệnh nói kệ:
Núi rừng cọp beo,
Vằn vện lẫn lộn.
Nếu muốn phân rành,
Con kêu, mẹ mổ.
(Sơn lâm hổ báo,
Hoành văn ban bác.
Nhược dục chân biệt,
Tử thốt mẫu trác.)
Nói kệ xong, Sư thị tịch.
Kinh Viên Giác
Thiền Sư Tín Học đã chọn tu theo pháp môn Tam Quán của Kinh Viên Giác. Kinh Viên Giác có 12 phẩm, mỗi phẩm có một vị Bồ Tát thỉnh hỏi Đức Thế Tôn cho một pháp tu.
Phẩm 1: Bồ Tát Đại Trí Văn Thù
Phẩm 2: Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền
Phẩm 3: Bồ Tát Phổ Nhãn
Phẩm 4: Bồ Tát Kim Cang Tạng
Phẩm 5: Bồ Tát Di Lặc
Phẩm 6: Bồ Tát Thanh Tịnh Tuệ
Phẩm 7: Bồ Tát Oai Đức Tự Tại
Phẩm 8: Bồ Tát Biện Âm
Phẩm 9: Bồ Tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng
Phẩm 10: Bồ Tát Phổ Giác
Phẩm 11: Bồ Tát Viên Giác
Phẩm 12: Bồ Tát Hiền Thiện Thủ
Tán thán
Không thích giao du quyết học thiền
Xuất gia chí nguyện gắng tinh chuyên
Thiền tông yếu chỉ soi tâm tuệ
Pháp Phật nghĩa mầu chiếu cội nguyên
Ba quán ròng tu khơi bến giác
Sáu thời thúc liễm hướng bờ thiêng
Công khanh sĩ thứ mến nương học
Thiền mạch khai thông sáng đạo huyền
(Thượng Tọa Chúc Hiền)
Tham khảo
- Sách “Thiền uyển tập anh”, Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học năm 1990.
- Sách Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, DL 1999 PL 2543.
- https://quangduc.com/