Giới thiệu
Thiền sư Tịnh Giới (?-1207) họ Chu tên là Hải Ngung, người đất Giang Mão. Xuất thân trong gia đình hàn vi, nhưng tánh tình Sư rất thuần hậu, lúc nhỏ theo học Nho. Đến năm hai mươi sáu tuổi, Sư mang bệnh nặng, mộng thấy thần nhân cho thuốc. Tỉnh giấc, bệnh được lành, Sư bèn quyết chí xuất gia. Theo một vị kỳ túc trong làng, Sư được thọ giới Cụ túc và chuyên nghiên cứu về Luật tạng.
Cơ duyên tu tập
Nghe ở vùng Lãng Sơn thanh u vắng vẻ, tiện cho sự tu học, Sư chống gậy đi về phương đông. Trải qua bảy năm tham học, Sư gặp được Thiền sư Bảo Giác ở chùa Viên Minh, qua một câu nói, Sư liền khế hội.
Khoảng niên hiệu Chính Long Bảo Ứng (1163-1173), lúc Thiền sư Bảo Giác sắp tịch có nói:
– Sanh già bệnh chết là việc thường của người đời, riêng ta há lại khỏi sao?
Sư liền hỏi:- Ngày nay Tôn đức thế nào ?
Bảo Giác cười nói kệ:
Muôn pháp về không không thể nương,
Chân như lặng lẽ hiện tỏ tường,
Thấu tột nguồn tâm không chỗ chỉ,
Nước tâm bóng nguyệt bặt nghĩ lường.
(Vạn pháp qui không vô khả y,
Qui tịch chân như mục tiền ky,
Đạt ngộ tâm viên vô sở chỉ,
Thủy tâm thủy nguyệt dẫn tâm nghì.)
(Câu này nguyên văn “thủy thủy tâm nguyệt dẫn tâm nghì”, hai chữ thủy viết lộn nên đổi lại.)
Nói kệ xong, Bảo Giác truyền tâm ấn cho Sư.
Từ đây, tùy phương giáo hóa, dần dần đến chùa Quốc Thanh trên núi Linh Bí ở An Phủ, Sư bèn dừng lại trụ trì. Sư ở đây cấm túc sáu năm chuyên tu hạnh đầu-đà. Quan Châu mục tên Phạm Từ nghe danh đức rất quí mến, đến ra mắt và kính lễ, ông phát tâm thỉnh Sư đúc hồng chung để tại sơn môn.
Sau, Sư trở về làng cũ trùng tu lại ngôi chùa Quảng Thánh và quyên tiền đúc chuông, mua trống, dựng bia. Sư trụ luôn ở đây thu nhận môn đồ giáo hóa.
Có vị tăng hỏi:- Thế nào là Phật lý ?
Sư đáp:- Ngươi, ta.
Sư thường bảo:
– Tánh của tâm chính là tánh của Như Lai tạng tâm. Thế nên tự tánh tâm thanh tịnh vậy.
Đến ngày 7 tháng 7 niên hiệu Trị Bình Long Ứng thứ ba (1207), sắp tịch Sư nói kệ. Nói kệ xong, Sư ngồi kiết già thị tịch.
Kệ tịch
Sau đây là bài kệ thị tịch của Ngài :
Thử thời thuyết đạo hãn tri âm
Chỉ vị như tư tán đạo tâm.
Hề tợ Tử Kỳ đa sảng sấm,
thính lai nhất đạt Bá Nha cầm.
Thu lai lương khí sảng hung khâm,
Bát đấu tài cao đối nguyệt ngâm.
Kham tiếu thiền gia si độn khách,
Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm.
Dịch :
Thời nay giảng đạo hiếm tri âm,
Chỉ bởi vì người mất đạo tâm.
Nào khác Tử Kỳ giỏi nghe nhạc,
Nghe qua suốt cả Bá Nha cầm.
Thu về mát mẻ thích trong lòng,
Tám đấu tài cao hát thong dong.
Cửa thiền những thẹn người si độn,
Biết lấy câu gì để truyền tâm.
“Thử thời thuyết đạo hãn tri âm, chỉ vị như tư tán đạo tâm”. Thời nay giảng đạo hiếm tri âm, chỉ bởi vì người mất đạo tâm. Đây là lời Ngài than, thời của Ngài giảng đạo ít có người thông cảm, vì tâm của người quá tán loạn. Thời Ngài cách thời chúng ta gần tám trăm năm, mà Ngài còn than như vậy nếu Ngài sinh nhằm thời bây giờ chắc Ngài còn than hơn nữa. Nhưng tôi thì lạc quan hơn, vì tôi thuyết pháp quí vị còn chịu nghe, nên tôi đổi lại “Thử thời thuyết pháp đa tri âm”.
“Hề tợ Tử Kỳ đa sảng sấm, thính lai nhất đạt Bá Nha cầm”. Nào giống Tử Kỳ giỏi nghe nhạc, nghe qua suốt cả Bá Nha cầm. Giống như Tử Kỳ ngày xưa nghe nhạc giỏi, chỉ cần nghe qua một bản nhạc của Bá Nha đàn là thông suốt hết ý nghĩa của bản nhạc. Sách Địa Tử có chép rằng : Khi Bá Nha đánh đàn, nếu tâm ý ông hướng lên cao, thì Tứ Kỳ nghe đàn liền biết ý chí ông cao vòi vọi như núi Thái Sơn. Khi ông nghĩ tới dòng nước chảy mà đánh đàn, thì Tử Kỳ nghe tiếng nhạc biết tâm tư ông cuồn cuộn như Hoàng Hà Trường Giang. Tử Kỳ nghe tiếng nhạc biết được tâm tư của Bá Nha như vậy không phải tri âm là gì ? Khi Tử Kỳ chết Bá Nha đem cây đàn đến bên mộ của Tử Kỳ đập bể nát, vì ông cho rằng từ nay về sau không còn người nghe đàn và hiểu được lòng mình nữa. Ngài dẫn câu chuyện này có ý trách thời đó Ngài thuyết pháp ít có người cảm thông.
“Thu lai lương khí sảng hung khâm, bát đấu tài cao đối nguyệt ngâm”. Thu về mát mẽ thích trong lòng, tám đấu tài cao hát thong dong. Nghĩa là mùa thu trong lòng mát mẽ, những nhà thơ giỏi làm thơ hay để ngâm. “Tám đấu tài cao” dẫn từ câu nói của Tạ Linh Vận là một nhà thơ Trung Quốc: “Làm thơ trong thiên hạ có mười đấu mà Tào Tử Kiến (Tào Thực) đã chiếm hết tám đấu, riêng mình ta chiếm được một đấu, người trong thiên hạ chỉ còn một đấu chia nhau thôi”. “Tám đấu tài cao” chỉ cho tài làm thơ của Tào Tử Kiến. Nếu Tào Tử Kiến gặp thu về mát mẽ, ông vui thích trong lòng thì sẽ sáng tác những bài thơ hay ngâm cho thiên hạ nghe. Còn phần Ngài thì :
“Kham tiếu thiền gia si độn khách, hà vi tương ngữ dĩ truyền tâm”. Của thiềng những thẹn người si độn, biết lấy câu gì để truyền tâm. Ngài tự nói mình là người si độn. Si độn ở người đạt đạo như Ngài không phải là không biết gì, mà là ở thế gian những thi sĩ có tài, thu về lòng họ vui nên làm thơ ngâm cho người nghe. Trong nhà thiền người ngộ đạo nhận ra thể chân thật của mình cũng rất thích thú, nhưng không thể dùng ngôn ngữ để nói với người khác. Vì nếu dùng ngôn ngữ để nói cho người khác biết thì mất tông chỉ.
Tóm lại bài thơ này bốn câu đầu Ngài than thời Ngài giảng đạo thì hiếm người thông cảm. Bốn câu sau Ngài than, Ngài nhận ra thể chân thật rất vui thích mà không biết dùng câu gì để nói cho thiên hạ nghe.
Tham khảo
- Sách “Thiền uyển tập anh”, Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học năm 1990.
- Sách Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, DL 1999 PL 2543.
- http://www.thientongvietnam.net