Thiền sư Thích Nguyên Uẩn

Thiền sư Thích Nguyên Uẩn

Thông tin cơ bản

Thân thế


Tổ Nguyên Uẩn sinh giờ Hợi ngày mồng 8 tháng 10 năm Giáp Tý (1864) (6/11/1864 Dương Lịch) ở thôn Trí Chỉ, xã Tri Trung, hiện nay cùng huyện Phú Xuyên, gia đình bần nho thanh bạch, thân phụ là Nguyễn Viết Quý, tự Phúc Khiêm, thân mẫu là Ngô Thị Vàng, hiệu Từ Kim.

Thuở nhỏ tên là Nguyễn Chí Nhu, xuất gia năm Bính Tý (1876) khi mới , thầy nghiệp sư là tổ An Lạc – vị tổ thứ ba tổ đình Đa Bảo (thôn Vĩnh Ninh, xã Tri Thủy, hiện nay thuộc huyện Phú Xuyên), được ban Pháp danh Thích Nguyên Uẩn, đạo hiệu Trí Nhu. Thầy giới sư đàn đầu là tổ sư Thích Tâm Viên (Chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang), thụ giới tỷ khiêu năm Quý Mùi (1883), thụ giới Bồ Tát năm Ất Dậu (1885), từng sam học nơi tổ Bồ Đề (Đại sư Nguyên Biểu). nhận chùa Viên Minh năm Canh Tý (1900), chuyển và xây lại chùa năm Nhâm Dần (1902). Khoảng năm Bính Ngọ (1906), cùng các pháp lữ Nguyễn Loan (ở chùa Cảnh Phúc), Nguyên Mỹ (ở chùa Linh Quang) thành lập Pháp hội Viên Minh.

Tổ viên tịch ngày 16 tháng Chạp năm Giáp Dần (30/1/1915), hưởng thọ 51 tuổi. Sau khi viên tịch được tôn tháp hiệu là Bảo Quang. (Dân làng Tri Chỉ quen gọi ngài là “cụ Nhu”) (trích tư liệu bên dưới) 

“Vào năm 2015, khi viết bài nghiên cứu đăng trên tạp chí tôn giáo, tôi được cụ cho tiếp cận một văn bản chữ Hán, bản chép tay nói về tăng chỉ pháp hội Viên Minh như sau:

Viên sự minh lý, viên lý minh tâm,
Viên tâm đạo đạt, minh đạo thành công;
Viên công lập đức, minh đúc thành nhân,
Viên nhân thành Phật, thành Phật độ sinh;
Viên Minh như thị, mục đích đạo tràng.

Tạm dịch:

Tròn việc rõ lý, tròn lý rõ tâm;
T
ròn tâm tới đạo, rõ đạo thành công.
Tròn công lập đức, sáng đức thành người;
Đạo người viên mãn, thành Phật độ sinh;
Viên Minh như thế, nên lập đạo tràng”.

Sự nghiệp làm chùa, khắc ván và viết kinh


Trong cuộc đời hành đạo của mình, thiền sư Nguyên Uẩn có tài viết chữ Hán đẹp, vẽ tranh đẹp nên đã thực hiện viết chữ để khắc ván các bộ kinh.

Bài văn bia công đức chùa Trung Đồng làng Tri Chỉ có ghi lại công đức ngài như sau: 

“Tôn sư từ ấu thơ đã tỏ đạo, tựa con nước nhập vào nguồn Đa Bảo, sáng nhuần nhưng náu ngọc trân châu, để rồi nương vào non Thái mà chiêm ngưỡng vậy. Đến tuổi trai tráng thì dốc sức đẽo gọt đá núi Vĩnh Nghiêm mà dùi mài nên ngọc.

Kế đó lại nương vào Tổ đức Bồ Đề, thừa mệnh mà nối dõi tông phong trụ trì chùa Lâm Du. Khi thì ngầm giao ước với Đông Pha mà giao cảm với thần núi Voi, lúc thì phỏng mượn bút tích của Hữu Quân và Chung Do, mà thẹn xưng múa kiếm, mà riêng kéo cung cong. Phàm những lời của Bách gia chư tử, một liếc mắt mà mười hàng thông suốt. Từng phụng mệnh viết chữ để thợ khắc ván các bộ Hoa Nghiêm kinh gồm tám mươi mốt quyển, Pháp Hoa kinh bảy quyển, Thụ giới nghi phạm ba tập, Bồ Đề Nhật tụng hai quyển, cùng khắc chép Vô lượng nghĩa kinh một quyển, Phật Tổ tam kinh một tập, Khởi tín luận giải một quyển, Cảnh sách cú thích một tập, Trúc song luận ba quyển, kiêm viết đỡ cho Tổ đình Tế Xuyên cuốn Quy nguyên trực chỉ ba quyển. Chữ chữ đính ngoa, chăm chăm chẳng mỏi. Đó cũng chính là thời gian gửi hồn nơi bút mực, công đức chép kinh của sư trải bốn mươi năm, ngày nào cũng như ngày nào. 

Ngoài ra, khi thì bóng chim nhạn Tầm Khê, lúc thì gót ngựa ô Tri Thủy, hôm thì trăng trong Quang Lãng, bữa thì gió mát Lâm Du. Đến kỳ thì dòng Truy hòa hợp, cùng nhau mổ xẻ huyền vi, đó chính là Pháp hội lập ra thay Phật mà tuyên dương giáo pháp vậy. Còn về công đức kết Hạ, tính trải mười hai khóa đều không một lần ngưng nghỉ.

Kế đó, lại tu tạo các ngôi bảo sái gồm chùa Nguyệt Quang, Viên Minh, Thiên Ân, Ngọc Quan. Riêng với ngôi Phạm vũ Trung Đồng trong bản xã thì thủy chung chưa từng quên lãng. Đến đầu tháng Đông năm Tân Mão (1891) thì ngài từ Đa Bảo quảy dép về trụ trì, mới hiệp sức cùng toàn dân làng mà gộp ba chùa thành một. Đến tháng đầu Xuân năm Canh Tý (1900) thì tu tạo Phật điện Tăng đường, tô thếp lại tượng cùng hoành phi câu đối. Rạng rỡ mọi chuyện trước kia cứ như đang ở trong tai mắt mọi người, khôn có bút mực nào có thể miêu tả hết được! Duy có một
tòa Tổ đường thì sư ủy thác cho Pháp tử là Giác linh Quảng Truyền vâng theo nếp mà tu sửa, đến năm Mậu Ngọ (1918) thì mới hoàn tất. Mọi nhân duyên đầu đuôi trải dài hơn ba mươi năm, Tam Bảo đều cùng chứng giám.”

Trong khoa cúng tổ của thiền sư cho biết, thiền sư đã: “Tả kinh Thập bộ” (Viết mười cuốn kinh). Hiện nay tại chùa Ráng vẫn còn một vài trang giấy bản viết tay của thiền sư với nét chữ gọn gàng sắc sảo, chuẩn chỉ theo thể Tống tự. Thiền sư Nguyên Uẩn đã xây dựng, trùng tu 5 chùa (Ngũ tự kinh doanh): Chùa Tri Chỉ, chùa Đa Bảo, Chùa Khai Thái (Phú Xuyên), chùa Mĩ Lâm (Thường Tín), … lập 7 chùa mới (Thất am sáng thủy), trong đó có chùa Thạch Cầu (Nam Định), chùa Viên Minh… Chùa Viên Minh trước ở Bờ đê sông Hồng, năm 1903 đã dời chùa về vị trí trong đê như hiện nay.

Hòa thượng Phổ Tuệ kể: Thầy tôi (tổ Quảng Tốn) thường nói lại: Tổ Bồ Đề (Nguyên Biểu) khi in kinh thường qua thỉnh tổ Nguyên Uẩn viết chữ. Tổ ngồi vắt chân chữ ngũ, giấy dó kê trên đùi, tay trái giữ giấy, tay phải cầm bút viết. Vậy mà những hàng chữ thẳng đều tăm tắp được hoàn thành. Khi đủ số lượng, Tổ Bồ Đề lại cho người xuống lấy hoặc Tổ Nguyên Uẩn cho người mang lên để in thành những bộ kinh như Nhật Tụng, Hoa Nghiêm. Khi ở Ráng, lần đầu tiên tôi được nhìn vài tờ giấy nháp, hoặc tờ viết lỗi còn nguyên những nét chữ của tổ Nguyên Uẩn. Nhìn những nét chữ đẹp không khác gì chữ được in ra, quả là bút công của Tổ thật thâm hậu.

Ngoài hoa tay viết chữ, Tổ Nguyên Uẩn còn có khả năng sáng tạo vẽ tranh. Cụ kể: Những bức cửa võng trên Tam Bảo chùa Viên Minh là do tổ Nguyên Uẩn căn cứ vào kinh Hoa Nghiêm vẽ thành những bức lọng báu, có rèm châu ngọc rủ xuống. Những bức vẽ đã được đục vào gỗ, sơn thếp treo trên chùa. Đấy là dấu ấn tổ khai sáng Viên Minh.

Cụ kể: Tổ Nguyên Uẩn còn cho vẽ những bức họa đồ trong kinh Hoa Nghiêm, đặc biệt những bức tranh vẽ tháp Thập Pháp Giới nhìn rất rõ nét. Sau này, Cụ đã cho xây tháp “Thập Pháp Giới” đúng với bản vẽ trong kinh.

Trên Tam bảo chùa Viên Minh trước kia còn có những bức họa La Hán trên tường nhìn rất sinh động. Cụ bảo: Những bức vẽ này là do tổ đệ nhất trước đây uống trà tầu, trên những phong trà tầu có in hình những bức họa La Hán. Tổ liền cho vẽ lên vách Tam Bảo. Khi xây chùa lên tầng 2, những bức họa này được chụp và in lại thành ảnh treo về vị trí cũ.

Trên Tam bảo chùa có một gian nho nhỏ thờ tượng Mẫu. Các Tổ xưa cho đến đời Cụ vẫn khiêm tốn thờ Mẫu như vậy. Bên cạnh gian nhà Mẫu là gian để các bức ván in kinh. Với Cụ, đây là niềm tự hào và là tài sản trân quý của chùa nên được Cụ trân trọng, giữ gìn dẫu chiến tranh loạn lạc.

Cụ rất trân trọng và lưu giữ những dấu ấn đặc biệt của Tổ khai sáng còn lưu lại trên những nét chữ Hán, văn câu đối thờ trong chùa. Thể “Chữ Đỉnh” trên cột đồng trụ cũ đã bị rêu phủ mờ hết chữ, khi xây dựng chùa hai tầng, bộ chữ này vẫn còn nguyên ở hai cột đồng trụ. Những bộ chữ xưa nhấn trực tiếp vào tường gạch, khi xây lại chùa, Cụ đều cho dập lại rồi đục vào gỗ thờ đúng vào vị trí cũ. Những văn câu đối này Cụ đều thuộc lòng.

Kế đăng trụ trì chùa Viên Minh

Cụ kể: Đệ tử Tổ Nguyên Uẩn gồm ba vị: Đệ tử trưởng là Quảng Truyền, kế đăng trụ trì chùa Tri Chỉ – nơi sinh quán của Tổ; Sa môn Quảng Thành trụ trì chùa Bìm; Sa môn Quảng Tốn kế đăng chùa Viên Minh. Tổ Nguyên Uẩn về trụ trì chùa quê Tri Chỉ cũng tạc tượng tôn thờ trên Tam Bảo khá giống tượng pháp, đồ thờ ở chùa Viên Minh.

Sư phụ của Cụ là Tổ Quảng Tốn kế đăng từ năm 1914 đến năm 1961. Thời gian này các hoạt động Phật sự của chùa chỉ cầm chừng bởi chiến tranh, loạn lạc, Sư phụ mắt kém. 

Cụ kể: Vào những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), các xã xung quanh đều có bốt Pháp đóng quân, họ đồng hóa dân theo đạo và thỉnh thoảng đi càn quét khu vực lân cận. Có lần, chúng vào chùa càn quét, hai thầy trò phải chạy chốn ra góc vườn. Mỗi thầy trò ẩn nấp một góc mương. Cụ phải ẩn mình trong bụi rậm, khi chúng đi sát qua phải nằm im, nếu nhúc nhích là bị phát hiện, bị bắt. Chúng đi qua mới thở phào nhẹ nhõm.

Tham khảo

  1. Nguồn: Theo ghi chép của Sa môn Thích Di Sơn về lời kể của Hòa thượng Thích Phổ Tuệ 
  2. Tài liệu: Bài văn bia công đức chùa Trung Đồng làng Tri Chỉ (Cư sĩ Nguyễn Văn Quyền – Cư sĩ Lê Quốc Việt)
5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
Tổ Nguyên Uẩn

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)