Tổ sư Thông Ân Hữu Đức (1812-1887)

Tổ sư Thông Ân Hữu Đức (1812-1887)

Thông tin cơ bản

Thân thế

Nguyên quán Tổ ở làng Bạc Má, quận Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay là huyện Tuy An, Phú Yên) và sinh ra trong một gia đình quý tộc. Thân phụ ngài Trần Thái Công, thân mẫu bà Nguyễn Thị Từ là những bậc hiền đức từ tâm. Tổ với tục danh Trần Hữu Đức sinh vào giờ Tý, ngày mùng 8 tháng 2 năm nhâm Thân thời Gia Long thứ 11 (tức năm 1812).

Thời thơ ấu, ngài đã phát lộ tư chất thông minh lạ thường. Trong các bữa cơm chỉ một ít có mùi cá thịt là ngài không bao giờ đụng đến. Những suy nghĩ đầy trí tuệ, nhân hậu đến người lớn tuổi cũng phải trầm trồ thán phục. 

Cơ duyên tu hành

Năm lên 10 tuổi, ngài được song thân cho theo thầy học tập. Với trí khôn trời phú, đức tính hiền từ, ngài sớm am tường thi lễ. 

Vào năm 17 tuổi, song thân lần lượt qua đời, sau 5 năm lo việc cư tang báo đề chữ hiếu, Ngài quyết chí rời mái ấm, từ bỏ sản nghiệp của gia đình xuôi vào nam tìm đường tu tập. Tuy còn trẻ nhưng ngài sớm nhận ra nỗi trầm luân, cảnh bi thương sinh ly tử biệt của kiếp người luôn đọng lại trong tâm tưởng cùng hoàn cảnh xã hội đương thời bao chuyện nhiễu nhương đã thôi thúc ngài thực hiện ý nguyện thoát tục để bắt đầu hành trình đạo pháp từ đó.

Trên mảnh thuyền nan lướt sóng theo mùa gió suốt 3 ngày liền, thiền sư Hữu Đức cập bến Phan Thiết, tìm đến chùa Phước Hưng bái yết sư trụ trì là ngài Trí Chất đại sư xin thọ giáo. Thiền sư Hữu Đức nói lên lòng phát nguyện xuất gia cầu học diệu pháp của Như Lai, coi đó là con đường cứu độ lấy bản thân và phổ hóa cho mọi người hầu đền trả ơn dày nghĩa nặng của song thân. Thiền sư Hữu Đức được nhận làm môn đồ và đặt pháp danh là Thông Ân. Từ đây ngài hết dạ chuyên tâm tu học, tròn việc ở cửa thiền môn tịnh thất. Ngài tập trung vào việc dồi mài kinh điển, giữ nghiêm giới luật suốt 13 năm trời không bao giờ tỏ ra xao lãng.

Quá trình hành đạo

Sau đó bổn sư trụ trì tịch, ngài lo xong việc cư tang lại ra đi tìm nơi thanh tịnh để suy nghiệm với hoài bão đạt được cội phúc vô ưu, giải thoát kiếp người. Rời chùa Phước Hưng ngài đến làng Kim Thạnh, xứ Bầu Trâm (nay thuộc xã Hàm Minh – Hàm Thuận Nam) dựng nên ngôi thảo am vừa tu thiền , vừa bốc thuốc tế độ dân làng. Tiếng đồn về đức trọng tài cao của vị thiền sư trẻ (lúc ấy ở tuổi 31) lan dần khắp nơi gần xa. Dân làng góp nhau dựng lập ngôi chùa là Kim Quang tự để sư Hữu Đức hành đạo.

Sau 30 năm, sư Hữu Đức nghĩ đến bước đường hoằng pháp lợi sanh không đành tự tại. May duyên lành lại đến, Hòa thượng Bữu Tạng người cùng quê trên đường đi hóa đạo ghé ngang xứ Bầu Trâm, nhà sư Thông Ân được tin liền đến lãnh lễ cung thỉnh hòa thượng về chùa và được truyền đại giới (250 giới). Thấy đường tu tập là phải ẩn mình, có nơi tịnh niệm, sư Hữu Đức lại ra đi. Đến một nơi có tên gọi là Bầu Siêu, mà theo dân địa phương nói có lúc ngài còn tu trong gộp đá trên bờ biển Khe Gà.

Không lâu sau, thiện nam tín nữ được tin lại kéo đến xin thọ giáo ngày càng đông, nhưng với tuổi đời đã cao mà tâm nguyện tu tịnh chưa thành nên ngài lặng lẽ băng ngàn lên núi Tà Cú. Nơi đây rừng thiêng nước độc đầy thú dữ không dấu chân người. Sư Hữu Đức đến được Đá bàn Hạ rồi tiếp tục lên Đá Bàn Thượng tạm dừng chân làm nơi khổ luyện. Chỉ được mấy tháng, ngài lại đưa mình lên tận núi cao rồi chọn được một hang đá sâu thẳm, cạnh gốc cây đại thụ vừa tĩnh lặng vừa bí ẩn làm tịnh thất tọa thiền.

Giữa hoàn cảnh núi cao, khí hậu khắc nghiệt, cách biệt với dân cư thì tổ sư sẽ sống ra sao? Điều này đã được lý giải từ những môn đồ kế tục. Nhờ pháp thuật cao siêu mà tổ thuộc dòng Lâm tế chính tông thứ 40 đạt được sức mạnh chuyển hóa vạn vật xung quanh. Pháp thuật SIDDHI mà Tổ tu luyện có khả năng biến tư tưởng (MANAS) hạ tiện thành bảo vật, biến than thành kim cương sáng chói, biến thuốc độc thành thuốc trường sinh (nói theo Govinda trong les Fondements de La Mystique tibétaine) .

Biết bao huyền thoại về tổ Hữu Đức suốt 16 năm khai sơn với sự nhiệm màu của trí tuệ, đại hùng: Theo nhiều người truyền tụng có một bạch hổ luôn phủ phục bên hang tổ, quấn quýt theo chân tổ bất cứ đâu. Mãi cho đến ngày Tổ tịch thì cũng chết theo. Trên cánh rừng chùa núi có cặp chim Hồng hoàng cao cát với bộ lông rất đẹp, xuất hiện từ khi có Tổ. Tiếng chim hót lên cũng là báo hiệu có khách thập phương dưới núi sắp lên rồi bay lượn dẫn đường không sai một bước.

Bữa ăn hàng ngày của Tổ là lá rừng ở vách núi bên hang, nước uống lấy từ khe đá trong hang. Có người kể về sự linh ứng của tổ còn đến sau này, đó là khi xây dựng pho tượng phật nằm dài 49m, nhu cầu vận chuyển sắt, thép, xi măng lên núi rất khó khăn trong khi khối lượng cát xây phải cần đến gấp chục lần, lại giữa địa hình sườn núi đá phủ kín mà không phải đưa từ dưới núi lên. Trước ngày thi công, tùy theo thời gian của thợ hồ, sư trụ trì lúc ấy cho trữ nước dùng vào các mái chứa rồi bịt kín các lỗ mạch nổi đã trào ra những đụn cát nhuyễn dùng được cho công trình.

Vào năm Tự Đức thứ 33 (1880), Hoàng Thái Hậu là bà Từ Dũ lâm trọng bệnh, hai mắt mù lòa. Các ngự y tài giỏi danh tiếng trong triều đều bất lực, nhà vua kêu gọi thần dân khắp cả nước ai cứu được mẫu hậu sẽ trọng thưởng. Được biết về danh đức, pháp thuật của tổ từ lâu, quan thủ hiến đầu tỉnh Bình Thuận lập tức viết biểu tâu lên vua. Vua Tự Đức hạ chiếu sai sứ mang dâng, xin rước tổ về triều chữa bệnh cho Hoàng Thái Hậu. 

Vì đã nguyện không bao giờ xuống núi nữa, không thể về triều theo chiếu chỉ của vua, tổ trao cho sứ thần các chú chuẩn đề cùng thảo dược và cách sử dụng. Quả là linh nghiệm, sau khi uống hết các chú chuẩn đề và thuốc, Hoàng Thái Hậu vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, nhanh chóng bình phục là điều không ai tưởng đến. Vua Tự Đức tỏ lòng khâm phục và ban sắc phong cho ngôi chùa bốn chữ “Linh Sơn Trường Thọ”.

Tương truyền có một ông Bạch Hổ và chim Hoàng Anh vào chầu. Bạch Hổ luôn ở bên cạnh Ngài quyến luyến và không quấy nhiễu mỗi khi Ngài tụng kinh thiền quán. 

Viên tịch

Đại lão Hòa thượng Tổ sư Trần Hữu Đức viên tịch vào ngày mùng 5 tháng 10 năm Đinh Hợi (1887) thọ 76 tuổi, Tăng lạp 59. Tổ biết trước ngày hóa thân của mình nên họp đồ chúng báo việc phó chức cho đệ tử thay Tổ trông nom chùa, tiếp dẫn hậu lai.

Tham khảo

  1. Bia tại chùa Núi Tà Cú
  2. Trang Facebook Chùa tôi Bình Thuận
5/5 (3 bình chọn)
Chia sẻ
Tổ Sư Thông Ân Hữu Đức (1812 1887)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)