Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Thông tin cơ bản

Tên gọi và ý nghĩa

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát tiếng Phạn gọi là Mạn Thù Sư Lợi (Manjushri) dịch là Diệu Cát Tường, Diệu Âm, Phổ Thư, Nhu Thư, Kính Thư,… trong Hiển giáo thường cùng với Phổ Hiền Bồ Tát thành đôi, thường thị giả bên tả và bên hữu Phật Thích Ca Mâu Ni.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là biểu tượng của trí tuệ uyên bác, ngài còn có tên gọi khác là Diệu Đức, với ý nghĩa mọi đức hạnh đều tròn đầy.

Ngoại hình

Tương tự với Phổ Hiền Bồ Tát thì Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cũng không phân biệt là nam hay nữ. Ngài đã trải qua hằng hà sa kiếp số mới tu thành chánh quả. Vì thế nên hiện thân của Ngài trên thế gian cũng không nói rõ được điều này.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát được miêu tả với dáng dấp trẻ trung, tay phải cầm lưỡi gươm bốc lửa. Nó mang hàm ý rằng chính lưỡi gươm vàng trí tuệ này sẽ chặt đứt tất cả những xiềng xích trói buộc của khổ đau và bất hạnh, của vòng sinh tử luân hồi bất tận, đưa con người đến trí tuệ viên mãn. 

Trong khi đó, tay trái của Ngài đang cầm giữ cuốn kinh Bát nhã trong tư thế như ôm ấp vào giữa trái tim. Đây là biểu trưng cho tỉnh thức, giác ngộ. Đôi khi, chúng ta cũng thấy tay trái của Ngài cầm hoa sen xanh, biểu thị cho đoạn đức. Có nghĩa là dùng trí tuệ để dứt sạch mọi nhiễm ô tham ái, như hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. 

Chiếc giáp Văn Thù Sư Lợi Bồ tát mang trên người gọi là giáp nhẫn nhục. Nhờ nó nên các mũi tên thị phi không xâm phạm vào thân. Nó có thể che chở cho Ngài vẹn toàn tâm từ bi do đó bọn giặc sân hận oán thù không thể nào lay chuyển được hạnh nguyện của Bồ tát. Bồ tát không bao giờ rời chiếc giáp nhẫn nhục bởi vì nếu thiếu nó thì họ không thể nào thực hiện được tâm Bồ đề.

 

Sự tích

Đức Văn Thù Sư Lợi, khi chưa thành đạo thì Ngài là con thứ ba của vua Vô Tránh Niệm, tên là Vương Chúng Thái Tử. Nhờ phụ vương khuyên bảo, nên Ngài phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và Tăng chúng trọn ba tháng.

Lúc ấy, có quan Đại Thần là Bảo Hải thấy vậy thì khuyên rằng: “ Nay Điện hạ đã có lòng làm sự phước đức, tạo nghiệp thanh tịnh, nên vì hết thảy chúng sanh mà cầu đặng các món trí huệ, và đem công đức ấy hồi hướng về đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thì tốt hơn là mong cầu mọi sự phước báu nhỏ nhen”.

Đức Bảo Tạng Như Lai nghe mấy lời nguyện rồi, liền thọ ký cho Vương Chúng Thái Tử rằng: “Hay thay! Hay thay! Ngươi là người Đại Trượng phu, trí huệ sáng suốt, tỏ biết mọi lẻ, phát nguyện rất lớn và rất khó khăn, làm những việc công đức rất rộng sâu, không thể nghĩ bàn đặng. Chính ngươi là bậc trí huệ nhiệm mầu, mới làm đặng mọi sự như vậy.

Bởi ngươi vì hết thảy chúng sanh mà phát thệ nguyện rất nặng lớn và cầu đặng cõi Phật rất trang nghiêm như thế, nên ta đặt hiệu ngươi là: Văn Thù Sư Lợi. Trải vô lượng hằng sa số kiếp về sau, ngươi sẽ thành Phật hiệu là: Phổ Hiền như Lai ở thế giới rất đẹp đẽ, tên là Thanh Tịnh Vô Cấu Bảo Chi, thuộc về bên phương Nam. Tất cả mọi sự trang nghiêm của ngươi ước ao thảy đều thỏa mãn.

Này Văn Thù Sư Lợi, từ rày sắp về sau, trải hằng sa kiếp, ngươi tu Bồ Tát đạo, trồng các căn lành, và tâm trí thanh tịnh. Ngươi hằng vì chúng sanh mà giáo hóa cho chúng nó đều dẹp trừ được các món tâm bệnh, vậy nên chúng nó đều xưng người là một ông Thầy thuốc hay, có một món thuốc thần để chữa lành được bệnh phiền não.

Vương chúng Thái Tử thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu sự thệ nguyện của tôi đặng như lời Ngài thọ ký đó, thì tôi xin cả thế giới đều vang động và các Đức Phật mười phương đều thọ ký cho tôi nữa”.

Vương chúng Thái Tử thưa rồi, đương cúi đầu lễ Phật, tự nhiên giữa hư không có các thứ tiếng âm nhạc vang rền diễn ra các pháp mầu nhiệm, và có các thứ bông tươi tốt thơm tho rải xuống như mưa.

Các vị Bồ Tát ở các thế giới khác xem thấy như vậy, liền hỏi các Đức Phật rằng: “Do nhân duyên gì mà có điềm lành như thế?”. Các Đức phật nói rằng: “Nay Chư Phật ở mười phương đều thọ ký cho Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát sau sẽ thành Phật, nên hiện ra điềm lành ấy”.

 

 

Vương chúng Thái Tử thấy vậy, lòng rất vui mừng, liền lễ Phật rồi ngồi nghe thuyết Pháp.

Từ đó sắp sau, Thái Tử mạng chung, bào thai ra các thân khác và đời khác, kiếp nào cũng giữ gìn bản thệ, quyết chí tu hành, học đạo Đại thừa, làm hạnh Bồ tát, hóa độ chúng sanh đều thành Phật đạo, mà cầu cho thỏa mãn những sự cầu nguyện của mình.

Thờ phụng

Hằng năm cứ vào ngày 4/4 âm lịch chính là ngày vía của Đức Văn Thù Sư Lợi. 

Ngài là một trong những vị Bồ Tát được thờ nhiều nhất tại các chùa Việt Nam và tại nhà riêng.

Tham khảo

  • Văn Thù Bồ Tát là ai? Ý nghĩa và cách thỉnh tượng, https://buddhistart.vn/van-thu-bo-tat-la-ai/#:~:text=V%C4%83n%20Th%C3%B9%20S%C6%B0%20L%E1%BB%A3i%20B%E1%BB%93,l%C3%A0%20V%C4%83n%20Th%C3%B9%20S%C6%B0%20L%E1%BB%A3i.
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là ai?, https://phatgiao.org.vn/van-thu-su-loi-bo-tat-la-ai-d39646.html
  • Tượng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và những điều Phật Tử nên biết, https://phatgiao.org.vn/tuong-van-thu-su-loi-bo-tat-va-nhung-dieu-phat-tu-nen-biet-d43799.html
  • Sự tích Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, https://www.vienchuyentu.com/su-tich-bo-tat-van-thu-su-loi/
  • ĐÀN LỄ VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT, https://chuavannien.vn/dan-le-van-thu-su-loi-bo-tat/
  • Lễ vía Đức Văn Thù Bồ Tát, https://chuaduocsu.org/le-via-duc-van-thu-bo-tat/

 

Chấm điểm
Chia sẻ
Van Thu Su Loi Bo Tat

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)