Văn bia Phú Thị Đại Dương tự bi (chùa Sủi – Hà Nội)

Văn bia Phú Thị Đại Dương tự bi (chùa Sủi – Hà Nội)

Thông tin cơ bản

  • Vị trí: trước nhà Tam bảo
  • Chất liệu: đá
  • Niên đại: Bảo Đại (1933)
  • Kích thước: chiều cao 2,27 mét; chiều rộng 1,2 mét; chiều cao lòng bia 2 mét; độ dày 0,32 mét

Mô tả:

MẶT 1: PHÚ THỊ ĐẠI DƯƠNG tự bi

Trong khoảng phía Bắc sông Hồng vài dặm, có một ngôi chùa cổ là Đại Dương – Phú Thị. Người thầy chùa có tên là Tiến là chỗ giao du với ta vậy. Thời gian gần đây ngài bận việc viết sách và kiểm duyệt, thực đủ có công đức lớn với kinh điển nhà thiền.

Khách vào mùa Đông có đến thăm ta và có lời rằng: từ năm Canh Ngọ, ấp ta có thỉnh mời Tăng đến thăm chùa. Hết thảy những trao đổi hỏi đáp, xin được theo thứ tự tạc vào đá, chẳng phải là tự ý sắp bày đâu vậy. Lưu truyền cho đời sau, có tư liệu mà khảo cứu vậy. Đốc thúc tôi đến thăm chùa, ý muốn đích thân quan sát vậy. Tôi lên đường đến nơi và đi quanh thăm chùa.

Bên trong có một bia tiết nghĩa, phía trước có một miếu thờ dương thần, bên trái có miếu thờ âm thần đều do tăng trụ trì thờ cúng. Hành lang đầu hồi có cửa nách  liền thông với một ngôi chùa trang nghiêm. Bia và kí may mắn đều còn.

Xét rằng, ngôi chùa do vị Hoàng hậu thứ ba triều nhà Lý, là Ỷ Lan phu nhân cho khởi xây dựng vậy.

Tiết nghĩa thì người ở bản ấp, Niên hiệu Cảnh Hưng thời lê thi đỗ Tiến sỹ, có họ Nguyễn, tự là Đức Ninh [1], lãnh Đốc đất Cao Bình [2], tù trưởng ở đất ấy xâm phạm vào miền đất Thuận, ngài ra sức chiến đấu, và bị tử trận, người thân trong nhà [3] cả thảy hai mươi tám người đều tuẫn tiết và được thờ tại chùa. Dương thần thì thờ cụ có họ Đào tướng quân là công thần của vua Đinh, bình định mười hai sứ quân, quan đầu triều thống nhất quốc gia một thời.  

Miếu thờ âm thần ở bên trái, tức là Ỷ Lan phu nhân vậy. Mỹ đức trầm tiềm, giúp người nghèo đỡ người cô quả, các bậc già cả đương thời ca tụng là Quan Âm, sự ấy tỏ tường trong lịch sử nữ lưu vậy. Chính khí hùng phong, là mẫu nghi nơi cung khuyết, nghìn năm phong nhã, việc thành tựu thống quát ở tại chùa này mà được. Còn như chùa sở dĩ là chùa, ấy là tông thiền vậy. Thời nhà Trần có người thực như thế vậy. Khi còn đồng ấu đã có thiện niệm, phát lồ Phật tính [4]. Trưởng thành thì thụ trì giới hạnh, sáng rõ thiền chỉ. Bốn mươi năm thuyết pháp, bảy mươi định thần [5] ấy chính là Đông Sơn hòa thượng. Tốt lành nối đạo thống, thụ trì y bát của Đông Sơn hòa thượng, đề một chữ vàng, ơn vua cảm ngộ ban cho hiệu là Chính Tín Thiền sư. Cho đến khi bản ấp có ngài họ Nguyễn, húy là Văn Quế đem Nho đạo gia huấn làm Phật giáo truyền tông tu sửa chùa, đặt ruộng công ấy thực lớn đối với nhà thiền. Được đội ơn phong là Tiến công lang, Phổ tế thiền sư. Các vị tôn quý ấy, trong Thiền uyển [6] có nói rõ vậy.

Nay ngài Tiến trụ trì ở đây. Có thể kết nối được uy phong nức tiếng, tích nghiệp lớn lao ấy không?

Rằng, chưa biết được, nhưng lấy hiện tượng mà xét những việc ngài ấy làm, cũng đủ để làm làm rạng rỡ cái đẹp ấy cho đương thời và mai sau.

Tôi biểu dương mà nêu tỏ việc ấy. Hoặc cũng có người nói với tôi: thuyết của Phật và của Nho khác nhau, vả lại thời đại văn minh, thần Phật hoàng đản, người nhà Nho ai là người mẫn tiệp tinh nhanh, vì dòng nhà Phật mà bàn tán chìm đắm trong dòng thiền đây? Tôi ứng lại rằng: chìm đắm trong dòng thiền có thể bổ túc thêm cho Nho vậy. Nước ta gần đây, Nho học chẳng giảng cứu, chính vì thời thế mà thôi. Phong trào Âu tây lan tỏa đến cõi Đông dương, vật chất khoa học, tuy nói là thượng tiến, mà mới cũ giao thoa, lòng người, phong tục trễ nải chẳng thể hỏi bàn vậy. Phật giáo là môn ngành cấp vụ để cứu đời một thời chăng! Người kia [7] đoạn lục căn [8], tịnh lục trần [9], giới thủ tham, sân, si; dứt tuyệt tà dâm, sát sinh, trộm cắp, thân tray tịnh, miệng ăn tray, ấy là chay miệng ăn, tịnh bụng đói để dứt trừ phẩm vật, là tùy duyên hỷ xả. Còn như có người đánh mất liêm sỉ mà chạy theo danh lợi được chăng! Khoác y tu, bận áo vá, lánh thanh âm đoạn sắc tướng. Ấy có áo gấm xa hoa, hơn cả thiên tai, hương nức huân vùi làm hoen ố đối với nhân đạo đó chăng! Lại nữa, luân hồi họa phúc, địa ngục quả báo, những thuyết ấy cũng đủ để rung động lòng người mà cảnh tỉnh phong tục, tột cùng đến tự do bác ái, thương xót tứ sinh, côn trùng thảo mộc chẳng dám làm hủy thương, nhìn thịt mềm miễn cưỡng ăn, bia đá trải gió mưa khói tỏa, thây nằm trăm vạn, máu chảy muôn dặm. Lại còn như Đỗ Dự thời Tấn đúc chuông, Bùi Độ đời Đường xây chùa, cho đến nước ta thì có ngài Trạng nguyên Huyền Quang xuất gia đầu Phật, ngài Thám hoa ở Đọi sơn xuất gia, cả Nho hay Phật thực khó mà nêu ra chỗ cứu cánh. Các bậc hiền giả có lẽ cũng ưu tư về chỗ này chăng!

Công việc của ngài Tiến, tôi vui mừng điều ấy mà ghi chép lấy, bia đá của ngài Tiến, tôi tán thán mà vui làm, để mà dâng lên chùa. Hiệu duyệt bia này, hoặc có chỗ xem mà rung cảm, tham quan Phật pháp mà ngay chính lòng người, kéo vãn phong hóa suy đồi mà bảo tồn quốc túy. Suy ngẫm điều ấy, thì ngài họ Nguyễn tuẫn tiết vì việc nước cũng giống như Đức Như Lai xả thân vậy, ngài họ Đào bình định thống nhất cũng giống như Mục Kiền Liên đốc tướng quân vậy. Nữ giới như ngài Lý Thái hậu từ bi cứu khổ cũng giống như Phật Quán Âm vậy. Ngưỡng trông kính cẩn mà trông chùa này, bia đá này có thế gửi vào đá hoặc cũng có thể dùng làm bằng cứ vậy.

Hoàng Thúc Hội – Cúc Hương cư sỹ – Yên Sơn – Cử nhân khoa thi năm Bính Ngọ, An Quyết – Từ Liêm – Hà Nội kính soạn.

Năm thứ tám niên hiệu Bảo Đại – Ngày rằm tháng 8 năm Quý Dậu.

Trụ trì chùa này, tăng Nguyễn Duy Tiến kính khắc.

[1] Bản Hán văn không ghi đích xác tên tự hay tên hiệu là Đức Ninh.

[2] Tức là Cao Bằng.

[3] Nguyên văn là quyến và thuộc: thực nghĩa đều là người trong nhà, còn như thực tế có thể là người ruột thịt, hay bộ hạ của ngài thì căn cứ vào chữ trong bia chưa đủ để xác quyết. Người dịch xin dịch là người thân.

[4] Nguyên văn là dốc ống tre thả con vắt.

[5] Chưa rõ định thần là nhập tịch ở tuổi 70 hay là định thần ở 70 chỗ.

[6] Có lẽ là Thiền uyển tập anh.

[7] Chỉ ngài Tiến.

[8] Lục căn: ngôn ngữ nhà Phật: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

[9] Sáu trần: sáu đối tượng của lục căn: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần.

MẶT 2: Bản tự nguyên nhân hợp kỷ

Nói về cuộc đời, công trạng của sư họ Nguyễn tự là Duy Tiến, người phủ Lý Nhân tỉnh Hà Nam.

MẶT 3: CHÚ TƯỢNG CHÚ CHUNG TÙY HỈ CÔNG ĐỨC

5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ

Hình ảnh văn bia

Nội dung chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)