Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan

Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan

Thông tin cơ bản

Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan hay Nguyên Phi Ỷ Lan tên chính là Lê Thị Khiết, còn có tên là Lê Thị Yến, sinh năm Giáp Thân, Thiên Cảm Thánh Võ thứ nhất (1044), tháng 3 ngày 7 nguyên quán ở trang Thổ Lỗi, thuộc hương Thổ Lỗi (Siêu Loại), con gái ông Lê Công Thiết và bà Vũ Thị Tĩnh. Cha là một vị quan nhở ở Trường An, nay là xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, mẹ làm ruộng trồng dâu nuôi tằm.(1)

Năm bà 12 tuổi, mẹ mất; 2 năm sau Lê ông lấy một người con gái họ Đổng làm vợ kế. Năm bà 16 tuổi, Lê ông cũng qua đời. Nhờ dì ghẻ nuôi dạy, khi khôn lớn Ỷ Lan thành người con gái thông minh, xinh đẹp và khôn ngoan phi thường.

Nguyên Phi Ỷ Lan đã có nhiều đóng góp đối với đất nước cả về mặt kinh tế, văn hóa và chính trị. Bà đã có 2 lần đăng đàn nhiếp chính, thay vua giải quyết vẹn toàn việc nước. Bên cạnh đó, bà cũng đóng góp nhiều vào sự phát triển của Phật giáo nước nhà. Bà được rất nhiều sử gia khen ngợi và tán dương về sự đức độ và tài năng trị nước ấy.

Thần tích Mẫu Ỷ Lan

Trong hơn nửa thế kỷ (năm 1063 – 1117), bà là Nguyên phi, rồi tới Hoàng hậu, Nhiếp chính triều Lý, Ỷ Lan Nguyên phi đã tỏ rõ là bậc nữ lưu kiệt xuất, có tài kinh bang tế thế phò vua giúp nước, người hai lần nhiếp chính, giúp vua đánh thắng giặc, coi trọng nông tang, thương dân nghèo khó, giữ nghiêm phép nước, trừng trị bọn lộng quyền, tham nhũng, được xưng tụng là “Lý Đại Mẫu nghi”.

Về việc bà nhập cung, theo cuốn Đại Việt Sử Ký toàn thư có chép:

“Tục truyền rằng vua (Lý Thánh Tông) cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp chùa quán. Xa giá đi đến đâu con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy chỉ có một người con gái hái dâu cứ đứng tự vào bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu phong làm Ỷ Lan phu nhân” .(2)

Về đời vua Lý thứ 3 – Lý Thánh Tông (1054 – 1072) đã nhiều tuổi mà chưa có con trai, vua và Hoàng hậu đi cầu tự nhưng không thành, đình thần nhà Lý mở hội cầu duyên tuyển hiền ở hương Thổ Lỗi. Chỉ dụ đến chùa Dâu, Keo, Ghênh, Sủi, Dương, Ná, Khám mở lễ hội và thông sức cho thần dân các nhà có con gái xinh đẹp phải cho ăn mặc chỉnh tề đi lễ hội.

Một hôm Vua ngự giá về trang Thổ Lỗi, khi vua đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), qua hương Thổ Lỗi, khi giá tới đoạn Cổng Giầu – Bi Kiều Dịch ở đầu làng, vua vén rèm nhìn ra, thấy từ xa có người con gái tựa vào cây lan và cất tiếng hát du dương mà hiển hách. Vua truyền lệnh gọi hỏi, người con gái đó đối đáp tinh thông. Vua truyền lệnh tuyển làm cung phi cho rước về Lan cung thuộc đất làng Kim Cổ, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long.

Cũng theo bộ Đại Việt Sử Ký toàn thư này, Vua Lý Thánh Tông đã gần 40 mà chưa có quý tử nối dõi tông đường bèn sai hậu nội nhân là Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Một thời gian sau, Ỷ Lan phu nhân quả mang thai, chín tháng mười ngày sinh cho vua một hoàng tử. Ngày hôm sau, vua lập hoàng thái tử Lý Càn Đức và phong mẹ là Thần Phi. Năm Mậu Thân (1068), bà lại sinh ra Sùng Hiền Hậu(3). Nhân niềm vui, Thần Phi sinh cho vua 2 người con trai, vua Lý Thánh Tông cho đổi hương Thổ Lỗi (quê hương của Nguyên Phi Ỷ Lan) thành Siêu Loại. Đồng thời phong Ỷ Lan phu nhân làm Nguyên Phi, chức vụ đứng đầu các phi tần trong hậu cung, chỉ sau Dương Hoàng Hậu.

Năm 1069, Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành, trao quyền điều khiển chính sự triều đình cho Nguyên Phi Ỷ Lan. Cùng với sự giúp sức của Thái sư Lý Đạo Thành, Nguyên Phi xử lý thỏa đáng vẹn toàn việc trong và ngoài nước, lòng dân cảm hóa hòa hợp. Lúc ấy, vua Lý Thánh Tông đánh mãi không được quân Chiêm Thành, định lui binh, nhưng khi đến châu Cư Liên thì nghe tin Nguyên Phi tài giỏi trị việc nước, việc dân vẹn toàn thì vua nói: 

“Nguyên Phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!”

Nói đoạn, vua bèn quay binh lại đánh tiếp. Cuối cùng cũng chế ngự được quân Chiêm Thành.

Tháng Giêng năm 1072, vua Lý Thánh Tông lâm bệnh nặng rồi băng hà ở tuổi 48. Hoàng thái tử Càn Đức lúc ấy mới được 7 tuổi lên kế vị, hiệu Lý Nhân Tông. Mẹ đích là Dương Hoàng Hậu được tôn làm Thượng Dương Hoàng Thái Hậu và để cho Hoàng Thái Hậu cùng vua dự việc triều chính với sự giúp sức của thái sư Lý Đạo Thành. Lúc ấy, mẹ đẻ của vua là Nguyên Phi Ỷ Lan được tôn làm Linh Nhân Hoàng thái phi.

Sự kiện này chính là mốc đánh dấu việc nảy sinh vết đen trong cuộc đời Nguyên Phi Ỷ Lan. Vết đen mang tên Nguyên Phi Ỷ Lan và Thượng Dương Hoàng Hậu. Sử viết, Linh Nhân Hoàng thái phi có tính ghen ghét, cho rằng mình là mẹ đẻ của vua mà không được dự chính sự, mới nói với vua rằng:

“Mẹ già này khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, toàn để mẹ già này vào đâu?”.

Với lợi thế là mẹ đẻ của Hoàng đế, cùng với sự liên kết với Thái úy Lý Thường Kiệt, bà dễ dàng khiến vua ra chiếu chỉ phế truất Thượng Dương Thái Hậu. Rồi sai giam hoàng thái hậu cùng 76 thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi ép phải chết, cho chôn theo lăng Lý Thánh Tông. Lúc đó, vị quan đầu triều là Lý Đạo Thành đã bị vua điều ra trấn thủ tại Nghệ An, nên cũng không ai can gián được.

Về việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn:

“Nhân Tông là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích Thái hậu, hãm hại người vô tội, tàn nhẫn đến thế ư?”.(4)

Sau này, Hoàng thái hậu Ỷ Lan hối hận về việc sát hại vô tội Thượng Dương thái hậu và các thị nữ đã công đức và làm hàng trăm chùa thờ Phật để sám hối rửa tội.

Hai lần nhiếp chính giúp vua

Lần nhiếp chính đầu tiên

Lần nhiếp chính đầu tiên bắt đầu từ sự kiện vua Lý Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành năm 1069. Trước khi vua đi đã trao quyền xử lý triều chính lại cho bà. Không phụ lòng vua đã tin tưởng, bà xử lý vẹn toàn mọi việc đối nội đối ngoại đâu vào đấy khiến lòng dân an ổn, yên vui. Chính điều này trở thành động lực thúc đẩy trận chiến của Vua Lý Thánh Tông với địch chuyển từ bại thành thắng trong chốc lát. Có thể nói, trong sự nghiệp chấn hưng đất nước của vua Lý Thánh Tông, Nguyên Phi Ỷ Lan đóng một vai trò không nhỏ trong sự thành công ấy.

Lần nhiếp chính thứ hai

Lần nhiếp chính thứ hai của Nguyên Phi Ỷ Lan là vào năm 1072, khi vua Lý Thánh Tông mất, Thái Tử Càn Đức lên ngôi nhưng mới có 7 tuổi nên chưa đủ khả năng để tự lo việc nước. Do đó, Nguyên Phi Ỷ Lan phải buông rèm nhiếp chính giúp vua xử lý mọi công vụ nước nhà. Bà đã nhiếp chính giúp vua rất nhiều năm, trở thành một nhân vật nổi bật trong đời sống cung đình. Thực tế, thời Lý Nhân Tông được đánh giá là thời kỳ hưng thịnh của đất nước. Lúc ấy, đất nước thái bình, nhân dân có của ăn của để, cuộc sống ấm no.

  • Đối ngoại thì nước lớn nể sợ, nước nhỏ mến phục.
  • Về đối nội, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan đã ban hành nhiều chính sách tốt đẹp, theo dõi, chăm lo cho nông dân và nghề nông với mối quan tâm sâu sắc, lấy tiền trong ngân khố vương triều để chuộc thân cho nô tỳ, tha cung nữ, giảm tô thuế, cấm giết trâu cày và dạy dỗ con trai thành một ông vua anh minh, nhân từ.

Nhà Phật học gia nổi tiếng

Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan theo đạo Phật và là nhân vật quan trọng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy Phật giáo nước nhà trở nên thịnh hành trong nhân dân. Bà truyền bá giáo lý của đạo Phật, xây dựng nhiều chùa tháp, khuyến khích học hành, khao thưởng tăng ni, làm nên những sự kiện lịch sử có tâm hồn Phật giáo. 

Tại quê hương, bà cũng xây nên ngôi chùa Tứ Kính nguyện ý gửi lại lâu dài cho quê hương mình. Tại đền thờ bà ở thôn Như Quỳnh còn lưu giữ đôi câu đối của danh sĩ Cao Bá Quát:

“Nhất bát thượng tiền duyên, trường ký cố hương Từ Kính tự
Bát lăng thành quá mộng, bất tri hà xứ Thượng Dương cung”. 

Bà được đánh giá là người có sự am hiểu sâu sắc về Phật học. Các thư tịch cổ còn ghi lại cuộc tọa đàm về Phật học giữa bà Ỷ Lan với các vị Đại sư tại Thăng Long năm 1096. Trong buổi tọa đàm, bà Ỷ Lan đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về Phật học nói chung và Phật học ở nước ta nói riêng cho các Đại sư uyên bác ứng giải. 

Nhân gian còn ghi lại một bài kệ nổi tiếng của Nguyên Phi Ỷ Lan :

“Sắc thị không, không tức sắc
Không thị sắc, sắc tức không
Sắc không câu bất quản
Phương đắc khế chân tông”.(5)

Nguyên Phi Ỷ Lan là một nhân vật lịch sử, được quần chúng đương thời ca ngợi nhờ những công lao và những đóng góp to lớn của bà cho nền văn hóa nước nhà. Bà lại cũng là một nhân vật được hóa thân thành nàng Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám. Và đồng thời bà còn là một “Đức Phật Quan Âm” theo sự ngưỡng mộ của nhân dân. Ba hình tượng ấy hòa quyện với nhau để bà trở thành một vị thánh với danh hiệu là Ỷ Lan Thánh Mẫu. 

Tại đền Ghềnh, Ngọc Quỳnh, Phật đạo tuyên phong bà là:

Như Lai xuất thế, Thánh tổ diên sinh giáng phàm trần,
Vi Lý Thái hậu, ư Lý triều thiên nam đệ nhất.

Các triều đại vua phong sắc cho bà: 

  • Thục đức phương nghi: Nhã hành ý phạm
  • Khoan hoà túc mục, Tư quốc chiêu nhân
  • Quảng đại từ hoà, Ôn nhu thuần tĩnh(6)

Thờ phụng

Đền Bà Tấm: Đền thờ Quốc Mẫu Nguyên Phi Ỷ Lan hay còn gọi là chùa Bà Tấm bên quốc lộ 5 thuộc địa phận xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Đền Ghênh: tọa lạc tại thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ngôi đền được xây dựng từ năm 1115 (thời nhà Lý) và trở thành nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử của Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, người phụ nữ Việt Nam đã hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước.

Chùa Sủi (Đại Dương Sùng Phúc Tự): Làng Sủi, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, theo chiết tự Hán Nôm thì chữ Thổ và chữ Lỗi ghép với nhau thành chữ Sủi. 

Khánh tiệc Mẫu Ỷ Lan vào ngày 6/8 âm lịch hàng năm tại đền Ghênh.

Chú thích

  1. Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, Bảo tàng Thông sử Hải Hưng 1993.
  2. Đại Việt Sử Ký toàn thư
  3. Về sau được phong là Minh Nhân vương
  4. Đại Việt Sử Ký toàn thư
  5. Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, Bảo tàng Thông sử Hải Hưng 1993.
  6. Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, Bảo tàng Thông sử Hải Hưng 1993.
5/5 (3 bình chọn)
Chia sẻ
Ỷ Lan

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)