Chùa Sủi – Đại Dương Sùng Phúc Tự (Gia Lâm, Hà Nội)

Chùa Sủi – Đại Dương Sùng Phúc Tự (Gia Lâm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Giới thiệu chung

Nằm trong quần thể di tích đình – đền – chùa Sủi, Đại Dương Sùng Phúc tự có tên nôm là chùa Sủi hay chùa Phú Thị, xưa thuộc trang Thổ Lỗi, hương Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Đây được xem là một trong những ngôi danh lam cổ tự đẹp nhất xứ Kinh Bắc.

Lược sử

Tương truyền chùa được xây vào thế kỷ thứ II (STL). Đây là giai đoạn đầu Phật giáo du nhập vào vùng Luy Lâu, tạo nên một cụm di chỉ Dâu, Keo, Sủi. Tuy nhiên chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào ghi chép về giai đoạn này. Còn theo các cứ liệu lịch sử thực tế hơn thì chùa được xây dựng từ thời Đinh, rất nhiều các công trình nghiên cứu đã khẳng định điều này:  

“Xưa chùa Sủi thuộc thôn Thổ Lỗi, hương Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc, nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Tương truyền, chùa được khởi công xây dựng từ thời nhà Đinh, do tướng công Đào Liên Hoa hưng công. Ban đầu ngôi chùa chỉ là am thờ Phật làm bằng thanh tre, nứa lá, sau dần khung làm bằng gỗ và ngày nay là tường xây, mái ngói. Tên Chùa Ban đầu của chùa là Đại Dương, với ý nghĩa ánh sáng Phật Pháp rộng lớn như nước biển Đại Dương[1]

Tuy nhiên phải đến thế kỷ thứ XVI mới có thông tin được khắc trên bia. Theo tấm bia được khắc năm Đoan Thái thứ 4 (1589) hiện còn lưu tại chùa viết: “Hương lão xã Phú thị Nguyễn Phi, tự Trường Thọ cùng vợ, con gái, con rể cúng 5 sào vào chùa Đại Dương thờ bà Ỷ Lan Hoàng Thái hậu.[2] Đến thế kỷ thứ XX tấm bia khắc năm Bảo Đại thứ 8 (1933) còn lưu tại chùa chép rằng:“đệ tam đế Lý triều Hoàng Thái hậu sở sáng dã”. Có nghĩa là thời hoàng đế thứ ba, triều Lý, có bà Hoàng Thái hậu kiến tạo nên. Hoàng Thái hậu thời hoàng đế thứ ba triều Lý tức là Ỷ Lan.

Từ những cứ liệu trên cho thấy vào thời Lý chùa được tu bổ với quy mô lớn đẹp và khang trang hơn. Việc này được được nhắc trong báo cáo của Sở Văn hoá Hà Nội năm 1988 đề nghị Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử chùa Sủi viết: “Ngay từ khi mới ra đời, chùa Đại Dương đã nổi tiếng là ngôi chùa đẹp, sau lần bà Ỷ Lan về chùa, chùa càng nức tiếng. Suốt từ đó về sau, nhiều Vương Hầu, Vương Phi thường về thăm và công đức…”

Đến thế kỷ thứ XVII chùa được xem là chốn danh lam cổ tự đẹp nhất vùng Kinh Bắc xưa với thế đất đắc địa. Trong tấm bia Cúng Phật sản bi được khắc năm Đức Long năm thứ 5, Triều Lê hiện còn lưu tại chùa khắc nội dung như sau:

“Trời đất rộng vô cùng, rộng không có gì là không che chở, mặt trời mặt trăng sáng vô cùng không có gì là không chiếu tới trong khoảnh trời đất. Đất này là nơi cổ tích danh lam rất đẹp. Chùa Đại Dương Sùng Phúc phía trước có hình chim chu tước, có đường thiên lý thông xuống phía Nam; Phía sau có hình chim Huyền Vũ, có thôn gồm muôn nhà trấn bên ngoài; Bên trái có hình rồng xanh trùng trùng hướng về; Bên phải có hình bạch hổ cuồn cuộn chầu tới. Thực là thắng cảnh bậc nhất của nước Việt Nam vậy.”[3]

Ngày nay, Đại Dương Sùng Phúc tự vẫn được sử dụng đúng chức năng là công trình tôn giáo phục vụ đời sống tâm linh, là nơi sinh hoạt văn hóa của đông đảo người dân địa phương nói riêng và người dân trong cả nước nói chung.

Dấu ấn thiền phái Thảo Đường tại Đại Dương Sùng Phúc tự

Phật giáo du nhập và phát triển ở Việt Nam có lẽ tương đương với chiều dài lịch sử của dân tộc. Trước thời kỳ độc lập tự chủ (938) Phật giáo đã từng bước bén rễ với tư cách là một tôn giáo du nhập. Chỉ sau khi đất nước xác định vị trí độc lập của mình thì về cơ bản các giá trị văn hóa của chúng ta mới từng bước định hình một cách có hệ thống. Vào thời nhà Lý và nửa đầu nhà Trần, Phật giáo mặc nhiên được lựa chọn là Quốc giáo với những lý do hoàn toàn hợp lý của sự vận động lịch sử xã hội. Phật giáo lúc này trở thành “bó đuốc tư tưởng” và phát triển đạt tới sự cực thịnh trong suốt triều đại lịch sử. Sự phát triển của Phật giáo thời Lý kéo theo nhiều hệ phái sinh ra, trong đó Lý Thánh Tông với tư cách là hoàng đế và là tổ thứ hai của thiền phái Thảo Đường đã tiếp nối, hoằng dương và vận dụng tư tưởng của thiền phái này vào chính sự. Trong quá trình vận động đó, Phật giáo được lan tỏa rộng khắp; Đại Dương Sùng Phúc tự in đậm dấu ấn của Thiền phái Thảo Đường. Nơi đây, không chỉ đánh dấu sự phát triển của thiền phái Thảo Đường, mà thực sự trở thành một trong những ngôi cổ tự hiếm hoi kế thừa căn bản nhất tư tưởng của thiền phái Thảo Đường.

Lý Thánh Tông (1023- 1072), với tư cách là vị vua thứ 3 của triều đại nhà Lý đồng thời là tổ thứ 2 của thiền phái Thảo Đường. Ông từng đến đất Thổ Lỗi, gặp người con gái Lê Thị Khiết (1044-1117), lấy làm vợ, lập làm Nguyên phi Ỷ Lan, 40 tuổi vẫn chưa có con về chùa cầu tự. 

Sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi:

Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh Hoàng tử Càn Đức tức Nhân Tông”.

Năm 1066, Nguyên Phi Ỷ Lan hạ sinh Thái tử Càn Đức. Để tạ ơn trời Phật, vua Lý Thánh Tông cho xây lại ngôi chùa rồi đổi tên gọi là Sùng Phúc Tự.

Sự kiện vua Lý Thánh Tông cùng Nguyên Phi Ỷ Lan đến chùa, đã đánh dấu bước đầu cho sự bén rễ của thiền phái Thảo Đường tại Đại Dương Sùng Phúc tự. Được chúng tôi khảo qua các tư liệu tư liệu cổ, cùng văn bia và hoành phi câu đối còn lưu tại chùa.

Về tấm hoành phi của chùa

雲門啟聖

Phiên âm: Vân môn khải thánh

Dịch nghĩa: Tông Vân môn mở ra bậc thánh

 “Vân môn” được hiểu theo các nghĩa như sau:

  1. Chỉ một điệu múa trong 6 điệu múa thời cổ (thời nhà Chu) lễ này dùng trong lễ tế thiên thần, tương truyền do Hoàng Đế chế ra.
  2. Chỉ cửa cổng cao to rộng lớn, phiếm chỉ nhà quyền quý,
  3. Chỉ sơn môn tông phái, cũng để chỉ chùa miếu.
  4. Chỉ một tông phái phật giáo (Vân môn tông). Hai chữ khải thánh. Có hai cách hiểu: Mở ra/sinh ra bậc thánh. Cách hiểu thứ hai là chỉ bậc sinh ra bậc thánh. ở đây hiểu theo cách thứ nhất.

Như vậy, Vân môn khải thánh 雲門啟聖 ở đây, được chúng tôi hiểu là một tông phái Phật giáo, cụ thể là Vân Môn tông. Trong Ngũ gia Thất tông của Trung Quốc thì Vân Môn tông đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển Phật giáo tại Trung Hoa. Thiền sư Thảo Đường đã kế thừa phần nhiều tư tưởng của thầy mình là Tuyết Đậu, và bởi vậy một phần không nhỏ tư tưởng của thiền phái Thảo Đường mang sắc thái của Vân Môn tông.

Từ những căn cứ trên, ta có thể khẳng định Thiền phái Thảo Đường tại Việt Nam có liên hệ mật thiết với Vân Môn tông tại Trung Hoa. Như vậy, Vân Môn tông rõ ràng là căn nguyên cho sự ra đời của các thiền phái sau này, trong đó phái Thảo Đường là một ví dụ điển hình.

 Về câu đối

院名崇福自是草堂開教地;
道衍超類當三李后問疑時

Phiên âm:

Viện danh Sùng Phúc tự thị Thảo Đường khai giáo địa;
Đạo diễn Siêu Loại đương tam Lý hậu vấn nghi thời

“Viện danh Sùng Phúc” ý chỉ Đại Dương Sùng Phúc. Đây là nơi khai mở ra thiền phái Thảo Đường. Ở câu thứ 2, chỉ ra rằng thiền phái Thảo Đường được mở ra ở vùng Siêu Loại (nay thuộc huyện Gia Lâm) Hà Nội thời vua Lý Thánh Tông.

Ngoài ra, trong quá trình khảo cứu và điền dã trong cụm di tích Đình – Đền – Chùa Sủi, chúng tôi phát hiện tại gian chính tẩm của Phụng Tổ đường có tượng thờ Thiền sư Thảo Đường (không rõ năm tạc), tượng thờ Nguyên Phi Ỷ Lan và các văn bia nói về công đức của bà tại chùa.

Tiếp theo là câu đối được trụ trì Thích Thông Tiến đề chữ hồi đầu thế kỷ XX:

演派聯方脉引大揚彰祖教
雲門列燭覺華崇福欝心宗

Phiên âm:

Diễn phái liên phương mạch dẫn đại dương chương tổ giáo.
Vân môn liệt chúc giác hoa sùng phúc uất tâm tông.

Nghĩa rằng: pháp mạch diễn biến của tổ tới chùa Đại Dương thì khởi sáng Tông

Ngoài ra trong cuốn Lạp nhật cúng Phật tổ nghi được Giáo sư Lê Mạnh Thát cùng phái đoàn phát hiện được tại Nam Định có chi tiết nhắc về hệ phái Thảo Dường. Từ trang 40a đến trang 60b, chép rằng: “Khai Quốc Thảo Đường thiền sư, Viên Thông Đại Điên pháp sư…., Gia Lâm Tuệ Chiếu danh sư”. Đây đều là các danh tăng thuộc hệ phái Thảo Đường, trong đó có nhắc đến Viên Thông Đại Điên pháp sư. Vào thời Lý ông thường lui tới chùa và được dân làng xem là trụ trì của chùa. Đây được xem là phát hiện mới của Giáo sư Lê Mạnh Thát khi bổ sung Viên Thông Đại Điên pháp sư vào hệ phái Thảo Đường.

Từ những dẫn cứ đã được chúng tôi nêu trên, có thể khẳng định rằng Thiền phái Thảo Đường vào thời vua Lý Thánh Tông đã phát triển cực thịnh và để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử Phật giáo nói chung và Đại Dương Sùng Phúc tự nói riêng.

Kiến trúc

Cụm di tích đình – đền- chùa Sủi toạ lạc trên địa thế cao ráo, rộng rãi và bằng phẳng của làng Phú Thị. Ngõ chùa cùng các cửa của ngôi đền và đình làng đều mở ra sân chung, các gian nhà chính bên trong cũng thông nhau bằng những ngách nhỏ.

Chùa được xây dựng theo hướng phía trước có hình chim Chu Tước, có đường thiên lý thông xuống phía Nam, phía sau có hình chim Huyền Vũ, có thôn gồm muôn nhà trấn bên ngoài, bên trái có hình rồng xanh trùng trùng hướng về, bên ngoài có hình hổ cuồn cuộn chầu tới.

Chùa lối chữ Đinh. Tòa Tam Bảo có kết cấu hình chuôi vồ nối 7 gian tiền đường với 3 gian hậu cung. Dọc sân nhỏ phía sau đình là hai hành lang đối xứng nhìn nhau, ở hai đầu giáp tiền đường lại có hai lầu tám mái. Lầu bên tay trái treo một quả chuông đồng lớn mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800). Chuông ghi lại các cá nhân, địa phương đã cúng tiền để đúc lại chuông. Trên bia có ghi rằng:

“Bản chùa vốn có chuông nhưng bị thất lạc. Nên vào tiết Đoan dương năm Canh Thân hội chủ hưng công cúng tiền đúc chuông. Chuông đúc xong nặng 500 cân, hoàn thành viên mãn. Do đó ghi lại các Hội chủ hưng công tín thí đầy đủ khắc lên chuông đồng để lưu lại về sau”.

Chuông đúc đến ngày lành tháng Trọng Thu năm Cảnh Thịnh thứ 8 thì xong.

Lầu phía tay phải treo khánh đá có niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 21 (1725). Do chịu sự tác động của thời tiết cùng khí hậu mà chữ và họa tiết trên khánh đã mờ nhiều, viền cạnh hao mòn không còn sắc nét.

Phía dưới hai lầu tám mái là hai dãy hành lang dải vũ 7 gian xây gạch với kiến trúc làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Ngay đầu dãy nhà dải vũ bên nhà khánh là ba bức tượng hậu, 3 bức này đều là tượng đất có niên đại từ thế kỷ XVII, nay, tình trạng tượng đều khá nguyên vẹn. Trong hai dãy hành lang còn để tượng 18 vị La hán, mỗi bên 9 bức. Nối hai dãy nhà là sân gạch nhỏ chạy suốt năm gian chùa. Trên sân là một kiến trúc hình tháp có tám mái cong nhỏ, trong dựng tấm bia 3 mặt, trán bia hoa văn triều nguyễn, hình tượng mặt rồng ôm lấy chữ Thọ. Chân bia họa tiết đài sen, trang trí viền bia là hoa văn tùng cúc trúc mai. Mặt bia phía trước là Phú Thị – Đại Dương tự bi được khắc năm thứ tám niên hiệu Bảo Đại năm Quý Dậu, mặt sau là Bản tự nguyên nhân hợp kỷ.

Hiên tòa Tam Bảo thông với nhà Tổ qua một ngách nhỏ, nhà Tổ cũng có kết cấu hình chuôi vồ, với 3 gian 2 dĩ. Trong nhà Tổ là hệ thống tượng thờ như tượng Thái hậu Ỷ Lan, tượng Sư tổ Đạt Ma, tượng Thiền sư Thảo Đường và các tượng tổ khác đều hướng ra sân lớn. Trước đây, trong sân lớn trước nhà Tổ còn có phương đình và tượng Quán Thế Âm Bồ Tát. Nay, đình và tượng đã được di dời về phía trước nhà pháp hội, dựng trên hồ cá nằm ngay phía tay trái lối vào cổng chùa càng làm không gian chùa thêm khang trang, tố hảo. Trước sân nhà Tổ hướng thẳng ra là cây đa đã 600-700 tuổi, cắm rễ và dõi theo dự đổi thay, phát triển của chùa Sủi và cả con người nơi đây.

Bên trái nhà Tổ nối liền với một dãy nhà ngang. Trong cùng có ban thờ Mẫu, phía ngoài là những dãy bàn ghế dài tiếp khách. Xuyên qua dãy nhà ngang này là một khoảng sân nhỏ thông với nhà Pháp hội, nơi tổ chức các Phật sự lớn nhỏ, cũng là nơi để chúng Tăng, Ni, Phật tử tụng kinh, bái Phật hàng ngày.

Di vật

Chùa Sủi lưu giữ được 73 pho tượng cổ, có niên đại tạo tác từ TK 17 đến TK 19. Nhiều tượng mang giá trị thẩm mỹ cao và đậm chất dân gian, mang vẻ đẹp dung dị và tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam trong giai đoạn nền nghệ thuật dân gian phát triển cực thịnh của thế kỷ 17, 18 với phong cách thời Lê, Nguyễn như tượng A Di Đà, tượng Thái hậu Ỷ Lan, tượng Sư tổ Đạt Ma, bộ tượng Tam Thế Phật bằng gỗ phủ sơn, cao 1,2m và các tượng Bồ tát: Quán Thế Âm, Văn Thù, Phổ Hiền, v.v… Đặc biệt là phần trang trí với các mảng chạm rồng tinh tế ở vì kèo.

Trong hệ thống văn bia của cụm di tích có 12 bia đã được Trường Viễn đông Bác cổ Pháp dập, thác bản hiện còn lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Cuối năm 2001, Ban Quản lý di tích của làng cùng các dòng họ đã đóng góp tiền của để dựng nhà bia, đồng thời quy tập các tấm bia nằm trong dân về đây. Hiện tại hệ thống bia đá của cụm di tích có tổng 19 bia: 14 bia đặt tại nhà bia, 3 bia trong chùa và 2 bia ngoài cổng đình.

Chùa còn có một khánh đá cổ từ đời Vĩnh Thịnh thứ 21 (1725) và một quả chuông đồng lớn treo trên lầu tám mái phía tây mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) thời Tây Sơn. Trang trí trên chuông khá độc đáo, khắc nhiều bài ký bằng chữ Hán, miêu tả cảnh đẹp của chùa và ý nghĩa của việc đúc chuông cùng sự phát tâm công đức.

Với số lượng lớn bia đá có niên đại tạo dựng sớm, nội dung từng tấm bia có giá trị khác nhau, cùng hệ thống tượng thờ đa dạng, có số lượng lớn và có niên đại tạo tác từ thế kỷ XVII, XVIII, XIX và XII có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ tiêu biểu cho nền nghệ thuật điêu khắc của Việt Nam trong thời Lê, Nguyễn. Các di vật này là minh chứng, là nguồn sử liệu quan trọng giúp thế hệ hôm nay và mai sau hiểu được công lao to lớn của thế hệ cha ông, học tập và phát huy những giá trị truyền thống, đồng thời, là căn cứ làm sáng tỏ quá trình lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc.

Từ những lý do trên, năm 1989 cụm di tích đình – đền – chùa Sủi được nhà nước ký quyết định công nhận là cụng di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo. 

Lễ hội

Hàng năm, Lễ hội làng Sủi có 3 kỳ lễ, đó là: lễ hội làng Sủi từ ngày 1 đến 3 tháng 3 âm lịch, giỗ Nguyên Phi Ỷ Lan ngày 25 tháng 7 âm lịch và giỗ Tây Vị Đại vương tướng quân Đào Liên Hoa ngày 25 tháng 12 âm lịch. Trong 3 kỳ lễ, làng tập trung mở hội chính vào tháng ba, hai kỳ lễ còn lại, làng chỉ cúng lễ long trọng.

Hội chính được diễn ra trong 3 ngày để tưởng nhớ đến công đức của Nguyên Phi Ỷ Lan và Tướng quân Đào Liên Hoa. Hội có nghi thức đọc Mục Lục để ca ngợi cảnh đẹp, sự trù phú, truyền thống khoa bảng của làng cùng với lễ “Bông Sòng” đặc trưng. Theo thần phả của làng, “Bông” là Nguyễn Bông – quan thái giám theo hầu Nguyên Phi Ỷ Lan, người làng Kính Chủ (nay là thôn Trung Kính Thượng, xã Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội); “Sòng” là sòng phẳng, ngay thẳng. Lễ Bông Sòng mang nội dung giải oan cho Nguyễn Bông.

Diễn biến lễ hội

Ngày 01/03

Buổi sáng, đánh trống khai hội mở cửa đền, cửa đình. Sau đó, lễ Thánh và lễ đọc Mục Lục được tổ chức. Buổi chiều, dân làng và du khách thập phương vào lễ Thánh.

Ngày 02/03

Buổi sáng, diễn ra song song hai lễ tế của đội tế nam và đội tế nữ. Đội tế nam tế lễ tại đình còn đội tế nữ tế lễ tại đền. Buổi chiều, diễn ra lễ tế Thánh của đội tế các địa phương khác tại đình và đền Sủi.

Ngày 03/3 (Chính hội)

Buổi sáng, lễ rước kiệu Nguyên Phi Ỷ Lan được tổ chức rất long trọng. Các vai hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng, đô tùy (người rước kiệu). Người rước kiệu phải là những trai tráng khỏe mạnh đạo đức tốt.  Các vai Chánh sứ, Phó sứ là các cháu thiếu niên, nhi đồng. Tất cả mặc áo gấm, đội khăn đỏ, đi sau các hiệu cờ, hiệu trống. Đoàn rước đi một vòng trên đường lớn rồi quay trở về đền. Khi kiệu đã an vị, đội tế nam và đội tế nữ hành lễ tế Thánh ở đình và đền.

 Buổi chiều, lễ hội Bông Sòng được tổ chức vào hồi 14 giờ. Khi nghe ba hồi hiệu lệnh chiêng, 10 đến 20 thanh niên mặc áo dài, đội khăn xếp hay khăn lượt mang theo trầu cau, rượu, miệng hô “Sòng Bông Sòng”, đi cà kheo từ trong làng lên tới miếu ông Bông đầu làng. Trong số đó có duy nhất một người đi bộ gõ trống con (trống ca trù). Sau đó, cả đoàn quay về đình để vừa chúc rượu các đại diện chánh, phó sứ vừa nhảy múa và hô “Sòng Bông Sòng” trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ. Kết thúc lễ hội là lễ tế hạ hội lúc xế chiều.

Lễ Bông Sòng chỉ được tổ chức ở làng Sủi, đã tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo và sự phong phú, sinh động cho lễ hội làng Sủi.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các trò chơi, các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân tộc như: thi cờ tướng, thi đấu bóng truyền, chọi gà, đập niêu đất, đánh đu tre, biểu diễn múa quạt, hát quan họ, ca trù, thi đọc thơ, thi hát trống quân…

Đồng hành cùng kháng chiến

Trước cách mạng tháng 8/1945, cũng như trong hai cuộc kháng chiến, khu di tích này là nơi tụ họp của các cán bộ cách mạng. Chính dưới gốc cây si có niên đại 600-700 năm đã diễn ra lễ ra mắt Đoàn thanh niên cứu quốc Phú Thị do hai cán bộ lão thành cách mạng (Cao Huy Chính và Nguyễn Xuân Kiện) tổ chức sau cuộc đảo chính Nhật – Pháp 09/03/1945 chừng hai tháng.

Các lớp học bình dân học vụ trước tháng 8/1945 cũng được mở tại đây. Kháng chiến chống Mỹ, khu di tích này đã là nơi che chở nhiều đơn vị bộ đội, nơi sơ tán của Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm, trường đào tạo cán bộ ngành kiểm sát… Đồng chí Hoàng Quốc Việt, một trong những vị khai quốc công thần, với cương vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Tổng Công đoàn, Viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao đã đến đây nhiều lần. Lần đầu tiên là thay mặt Đảng, Chính phủ đến thăm hỏi và động viên những nạn nhân trong trận Mỹ ném bom Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được đưa về đây cứu chữa hồi bệnh viện đa khoa sơ tán về Phú Thị.

Chiến tranh qua đi, hòa bình lặp lại chùa vẫn được sử dụng đúng chức năng là một cơ sở tôn giáo, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của nhân dân Phật tử, đồng hành cùng nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, ngày 16/11/2013 (tức ngày 14 tháng 10 năm Quý Tỵ) chốn linh thiêng cổ tự này đã được gia đình và các cấp chính quyền chọn để tổ chức lễ cầu siêu cho cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn.

Các đời trụ trì

  1. Thiền Sư Đại Điên (thời vua Lý Thánh Tông)
  2. Thiền Sư Huệ Không Nguyễn Văn Quế, Tiến Công lang Tăng, Tăng Thống Ty Tăng Lục (1641?)
  3. Thiền Sư Huệ Lâm Trần Khánh Thuận (?1711?)
  4. Tổ Thiên Phúc, Thiền Sư Thích Thông Tiến (1889-1986) (Thích Thông Tập) (?-1960)
  5. Cố Đại Lão Hòa thượng, Phó Pháp chủ HDCM, Thích Thanh Bích (1913-2013) – chánh đương gia (1940-1960)
  6. Thượng tọa Thích Thanh Phương (1973) – trụ trì (2002- nay)

Chú thích

  • [1] Lê Ngọc Quang, Phật giáo huyện Gia Lâm, lịch sử thực trạng, Luận án tiến sĩ tôn giáo học,tr.70.
  • [2] Bia Cúng dưỡng điền bi, kí hiệu: 3155, lưu tại chùa.
  • [3] Bia Cúng Phật sản bi hiện còn lưu tại chùa.

Tài liệu tham khảo

  1. Lê Mạnh Thát (1337), Thiền uyển tập anh, Nxb Đại học Vạn Hạnh. 
  2. Trần Ngọc Vương, Văn học Việt Nam TK X đến TK XIX – Những vấn đề lý luận về lịch sử, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Lê Ngọc Quang, Phật giáo Việt Nam huyện Gia Lâm: Lịch sử, thực trạng, những vấn đề đặt ra. Luận án Tiến sĩ Tôn giáo học. 
  4. Lê Tắc, An nam chí lược, Nxb Lao động.
  5. Sách Tư liệu lịch sử quê hương Sủi.
  6. Qua các tư liệu, văn bia, hoành phi, câu đối mà chúng tôi khảo được tại Đại Dương Sùng Phúc tự tức chùa Sủi. 
  7. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam quyển 3, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 
  8. Lạp nhật cúng Phật tổ nghi

Tiếng Trung: 大洋崇福寺,又称水寺,属于水庙 – 殿 – 寺庙群的历史文物,位于河内市嘉林区的富士社区。寺庙的历史可以追溯到公元2世纪。寺庙建于丁朝时期,发展到黎朝时期。其独特的建筑风格包括三宝殿和宽阔的长廊。寺庙拥有17至19世纪的73尊古代雕像,展示了越南艺术在繁荣时期的风采。遗址还有19块石碑和具有历史价值的铜钟。自1989年以来,这座独特的建筑和艺术古迹就被承认为历史文物。每年的水寺村庙会于农历3月和7月的某些日子举行,以纪念阮风芸和刀连花将军。

Tiếng Pháp: Le temple Đại Dương Sùng Phúc, aussi connu sous le nom de temple Sủi, fait partie du site historique des temples et pagodes Sủi, situé dans la commune de Phú Thị, district de Gia Lâm, à Hanoï. Le temple a une histoire remontant au IIe siècle (après J.-C.). Construit à l’époque des Đinh, il a prospéré sous la dynastie Lý. Son architecture unique comprend la Tam Bảo et des galeries spacieuses dans une cour étendue. Avec 73 statues datant des XVIIe-XIXe siècles, le temple illustre l’art vietnamien à son apogée. Le site conserve également 19 stèles en pierre et une cloche en bronze de valeur historique, reconnu comme monument architectural et artistique depuis 1989. Chaque année, le festival du village Sủi a lieu en mars et juillet du calendrier lunaire pour honorer Nguyên Phi Ỷ Lan et le général Đào Liên Hoa.

Tiếng Anh: Đại Dương Sùng Phúc Temple, also known as Sủi Temple, is part of the historical complex of shrines and pagodas in Sủi, located in Phú Thị commune, Gia Lâm district, Hanoi. The temple has a history dating back to the 2nd century (AD). Built during the Đinh period, it thrived during the Lý dynasty. Its unique architecture includes the Tam Bảo and spacious galleries within an extensive courtyard. With 73 statues dating from the 17th to 19th centuries, the temple showcases the zenith of Vietnamese art. The site also preserves 19 stone steles and a historically significant bronze bell, recognized as a unique architectural and artistic monument since 1989. The Sủi village festival is held annually in March and July of the lunar calendar, honoring Nguyên Phi Ỷ Lan and General Đào Liên Hoa.

5/5 (11 bình chọn)

Video

Ho So Tac Gia Nguyen Trung
Multimedia
Nguyễn Trung
Vương Minh
Cố vấn nội dung
Vương Minh
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)