Thầy Thích Thanh Phương – Hoài bão xuất gia và kế hoạch trùng hưng Pháp bảo tại chùa Sủi

Thầy Thích Thanh Phương – Hoài bão xuất gia và kế hoạch trùng hưng Pháp bảo tại chùa Sủi

Thông tin cơ bản

Xuất thân và xuất gia tu hành

Thượng tọa Thích Thanh Phương sinh ngày 16 tháng 3 năm 1972 (Nhâm Tý), thế danh là Bùi Viết Nhượng, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống thuần nông, tại làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Thầy có nhân duyên xuất gia năm 12 tuổi. Trước đó, Thầy đã thường xuyên theo bà nội đi chùa làng Kiên Lao lễ Phật.

Chùa – Tổ đình Kiên Lao thuộc phái Tào Động, xuất phát từ Tổ đình Hòe Nhai – Hà Nội, lan chuyển xuống vùng Sơn Nam hạ.

Thân phụ của Thầy Phương là Đảng viên kỳ cựu, tư tưởng và ứng xử phản ánh tâm thế chính trị xã hội đương thời. Ông không đồng ý, không chấp thuận việc thầy Phương rời gia đình đến tu ở chùa làng.

Thời cuộc và ý thức dần dần được chuyển biến, đến năm 1986, ông mới đồng ý, ký giấy cho Thầy xuất gia, thụ giới đi tu.

Ông nội của TT. Thích Thanh Phương, là một lão nông thuần túy. Trong làng Kiên Lao đương thời có 2 ngôi đền, miếu. Cụ ông làm thủ từ trông nom hương khói, chăm lo việc thờ cúng của làng. Đương thời, dân làng xưng Cụ là “Ông Trùm”. Đời sống tâm linh của Cụ rất sung mãn.

Khi mới 7 – 8 tuổi, Thầy Phương đã bộc lộ tình cảm bẩm sinh, mến mộ chùa cảnh, Tam Bảo. Thầy thường xuyên theo bà nội đi lễ Phật, làm công quả tại chùa làng Kiên Lao.

Tại đây, Thầy đã gần gũi, hầu cận sư Cụ Thích Thanh Khoa – Trụ trì chùa Kiên Lao. Sư Cụ là tiền bối trụ trì trước khi Hòa thượng Thích Thiện Tri về nhận kế thế truyền đăng.

Năm 1980, Sư Cụ trụ trì Thích Thanh Khoa viên tịch. Năm 1982, Tổ đình Kiên Lao đã cung thỉnh Sa môn Thích Thiện Tri về kế thế, trông nom, trụ trì.

Từ năm 1983, Thầy Phương hoàn toàn thoát ly gia đình, vào chùa Kiên Lao tu hành theo cụ Thích Thiện Tri.
Thầy Thích Thanh Phương được Thầy nghiệp sư là Sa môn Thích Thiện Tri cho thụ giới Sa di tại chùa Hoành Nha, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định vào năm 14 tuổi (1985), sau 5 năm đã chấp tác tại chùa Kiên Lao với Sư Tổ Thích Thanh Khoa và sau đó là Thầy nghiệp sư Thích Thiện Tri, thầy thụ Sa di giới do Tổ Trà – Thích Tâm Điện hạ đao thế phát. 

Trước khi 12 tuổi, Thầy Phương đã thoát ly gia đình lên ở hẳn chùa Kiên Lao, chấp tác, tu hành, học nề nếp, phong cách Thiền môn; đồng thời, vẫn tiếp tục học các trường phổ thông cấp I và cấp II tại xã Xuân Kiên.

Năm 1989, được Thầy nghiệp sư cho phép, Thầy Phương lên tu học tại Hà Nội hẳn. Ý thức được vai trò của học vấn thế gian, cần hoàn chỉnh chương trình phổ thông trung học, Thầy đã xin vào học bổ túc văn hóa cấp III tại trường Phổ thông trung học khu Bóng đèn phích nước Rạng Đông – Thanh Xuân – Hà Nội với tư cách là một chú tiểu – Sa di.

Trong thời gian này Thầy tá túc, sinh hoạt, tu hành tại chùa Phúc Khánh – do Đại đức, nay là HT. Thích Thanh Quyết trụ trì ở Ngã Tư Sở – Đống Đa – Hà Nội.

Vừa tham gia học hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa, Thầy vừa đi học thêm Hán – Nôm và Trung văn, vừa luyện thi đại học; rồi thi, trúng tuyển vào Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội.

Dựa trên kết quả học tập, tu hành, sự chín muồi về đạo hạnh, sự đầy đủ về tuổi tác, Thầy Phương trở về chốn Tổ Kiên Lao – Xuân Trường – Nam Định chuẩn bị thụ Đại giới Tỷ khiêu.

Thượng tọa Thích Thanh Phương thụ Đại giới Tỷ khiêu năm 1993, tại đại giới đàn Quế Phương, do Trưởng lão HT. Thích Thuận Đức và Trưởng lão HT. Thích Tâm Thông ở ngôi Hòa thượng Đàn đầu và giáo thụ A Xà Lê.

Từ năm 1990, do nhân duyên, công việc và nhu cầu của bản thân, Thầy Phương thường xuyên qua lại chùa Sủi, cùng các cụ trong ban hộ tự lo đường hướng tu tập, xây dựng kế hoạch tu bổ, làm thủ tục xin công nhận Cụm di tích Đình, Đền, Chùa Sủi được xếp hạng cấp Quốc gia.

Theo bản hoài của Thầy, khi rời chốn Tổ, lên Hà Nội tu học, Thầy chỉ muốn ở lại Hà Nội trong thời gian ngắn, học xong sẽ lập tức trở về làm Phật sự thờ Phật, hầu Thầy, gần gũi quê hương.

Nhưng cơ duyên hội tụ đầy đủ, thấm thoát tới nay đã hơn 30 năm, Thầy đã trụ lại đất Sủi với tất cả tâm linh và đời sống, trở thành người con, người Thầy hướng Đạo của Làng Sủi hôm nay.

Thầy Phương 4

Đảm nhiệm trụ trì chùa Sủi – Đại Dương Sùng Phúc tự

Công việc, học hành, tu Đạo những năm 1990 của Thầy Phương rất đa đoan, bận rộn. Thầy vừa tu học vừa tu hành, vừa là Tăng sinh vừa chấp sự, vừa ôn luyện thi Đại học, vừa tham gia Phật sự tại chùa Sủi, đang bừa bộn, phục hồi, gây dựng, lại vừa đi đi về về chốn Tổ Hội Xá, sam học giải nghi, hầu Thầy, ngưỡng mộ Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích, khi ấy Ngài đã gần 80 tuổi.

Nhân duyên hội tụ, việc Thầy Phương về trụ trì chùa Sủi, ngay từ ban đầu đã có sự giới thiệu, tác thành của Hòa thượng Trưởng Ban trị sự Phật giáo huyện Gia lâm Thích Mật Trọng.

Trong khi dân làng Sủi đang gắng sức tìm sư trụ trì cho chùa Sủi thì cụ Hội Xá đã về trụ trì tại Tổ đình chùa Đậu, sau đó là về trụ trì Tổ đình Hội Xá – Thường Tín – Hà Tây (cũ). Nên Tổ Hội Xá đã tin cậy giới thiệu Thầy Phương với chính quyền làng, xã Phú Thị, về tổ chức trông coi triển khai hoạt động Phật sự tại chùa Sủi. Khi đó Thầy Phương mới ngót 20 tuổi.

Từ 1990 đến 1994, Thầy kiên trì cùng với Phật tử, nhân dân và các cơ quan chức năng, chuẩn bị các điều kiện, thủ tục, hồ sơ, đến năm 1996 thì có quyết định của Ban Trị sự Phật giáo Thành phố Hà Nội bổ nhiệm Thầy về đảm nhiệm trụ trì chùa Sủi – Đại Dương Sùng Phúc tự, xã Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội.

Đại lễ bổ nhiệm trụ trì và phát động trùng tu cụm di tích Lịch sử, Văn hóa, Nghệ thuật Đình, Đền, chùa Sủi, đã được tổ chức trang nghiêm, trọng thể tại Tổ đình, năm 1996.

Xuất thân từ đất Kiên Lao – Xuân Trường – Nam Định, lên Hà Nội tu học, nhận trụ trì chùa Sủi, Thầy Phương được chư Tôn đức, Phật tử, Chính quyền đùm bọc giúp đỡ nên việc học, việc Đạo ngày một tinh tiến, thành tựu. Nhất là sau khi gặp Hòa thượng Hội Xá Thích Thanh Bích, được Trưởng lão quan tâm, lân mẫn, Thầy Phương thường xuyên qua lại chốn Tổ đình Hội Xá gặp gỡ, thị giả, học hỏi, nên việc học, việc tu ngày càng có nhiều sở đắc, thành tựu.

Trong giai đoạn từ năm 1989 đến 1993, Thầy Phương cư trú tại chùa Phúc Khánh, thường xuyên qua lại chùa Đậu, chùa Hội Xá gặp gỡ, thị giả, học hỏi, tham vấn HT. Thích Thanh Bích.

Trong thời gian ở chùa Phúc Khánh, thầy Phương có tham gia khóa học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội hơn 1 năm, học với các nhà quản lý giáo dục, tôn giáo cao cấp.

Như vậy, nhân duyên trực tiếp để thầy Phương về trụ trì chùa Sủi là do sự tác thành đồng thời của nhị vị Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Bích và Thích Mật Trọng, đúng dịp nhân dân và chính quyền làng, xã Phú Thị nhất tâm, dốc lòng tìm sư trụ trì cho chùa Sủi trong thời kỳ phát triển mới.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Phật giáo khóa III, Thầy Phương ngoài việc trụ trì chùa Sủi – Đại Dương Sùng Phúc tự, đã nhận trông coi, trụ trì các ngôi chùa:

  • Chùa Dương Quang – Báo n tự, Gia Lâm – Hà Nội
  • Chùa Vân – Tịnh viện Vân Sơn – Tam Đảo – Vĩnh Phúc
  • Chùa Quả Cảm – Kim Sơn tự, Bắc Ninh
  • Chùa Linh Sơn – Linh Sơn tự, Việt Yên – Bắc Giang
  • Chùa Ngọc – Ngọc Thiền tự, Thạch Thất – Hà Nội

Thượng tọa Thích Thanh Phương là người xuất gia tu hành có nối dòng, nối tiếp và truyền thừa theo truyền thống cổ truyền Nam Định, Bắc bộ.

Trước Thầy có các Tổ, sau Thầy có các đệ tử. Thuở thiếu thời, Thầy Phương đến ở chùa, hầu cận, thị giả sư Tổ tại chùa Kiên Lao là HT. Thích Thanh Khoa.

Tới năm 1982, thầy nghiệp sư Thích Thiện Tri về kế thế trụ trì, nối nghiệp HT. Thích Thanh Khoa tại chùa Kiên Lao, đã trở thành người tiếp tục chỉ bảo, hướng nghiệp cho Thầy Phương kiên trì con đường tu học.

Chùa Kiên Lao thuộc dòng Tào Động, là nơi phát tích sơ kỳ tu học của Thầy Phương. Tại chùa Sủi, Thầy Phương được chịu sự ảnh hưởng của dòng thiền Thảo Đường, tiếp nối về sau là dòng Lâm Tế. Lại có ảnh hưởng của phái Tào Động.

Khi Thầy Phương nhận ảnh hưởng theo pháp tu của Hòa thượng Hội Xá Thích Thanh Bích thì mạch chính là dòng Lâm Tế từ chốn Tổ Tế Xuyên –  Hà Nam.

Thầy Phương

Đảm nhiệm công việc Giáo hội và xã hội

Từ khi thụ Đại giới Tỷ khiêu đến nay, mặc dù Phật sự, tu học, tu hành bận rộn, đa đoan, TT. Thích Thanh Phương vẫn không quản ngại tham gia đảm nhiệm các hoạt động, các chức danh của các tổ chức trong Giáo hội và Xã hội:
Thầy đã đứng ngôi đương vi trụ trì Tổ đình chùa Sủi – Gia Lâm từ năm 1996, trước đó 5 năm đã tham gia Ban dự trù kiến thiết, làm hồ sơ xếp hạng chùa Sủi.

Thầy đã trấn tích khai môn, sơ khởi thành lập và phát triển chùa Vân – Tịnh viện Vân Sơn, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Trải qua gần 15 năm hình thành, xây dựng, phát triển và hoàn thiện, tới nay Tịnh Viện Vân Sơn Tam Đảo đã có tổ chức đạo tràng, Tăng đoàn, cơ sở vật chất, tự viện thờ tự, tu học, sinh hoạt, hành trì khá hoàn thiện. Tịnh Viện Vân Sơn đang là một điểm son, một địa chỉ đỏ của Phật giáo, tôn giáo, tâm linh, du lịch, kinh tế – xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc và miền Bắc nước ta.

Thầy đã không quản ngại lựa chọn linh hoạt, vận dụng giáo luật nhà Phật, độ được hàng chục đệ tử xuất gia, hàng nghìn Phật tử tại gia, đưa vào tổ chức đào tạo và hoạt động trong các đạo tràng; nhận thêm 5 ngọn chùa, đưa các quý Thầy đã có thâm niên, trải nghiệm trông coi trụ trì. Riêng Thượng tọa đảm trách hai nơi giường cột là chùa Sủi và Tịnh Viện Vân Sơn.

Thượng tọa Thích Thanh Phương ngay từ khi đặt chân đến đất Tam Đảo đã được chư Tăng và chính quyền tín nhiệm giao cho đảm trách Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Tam Đảo – Vĩnh Phúc, một huyện có đông đảo cơ sở tự viện, thiền viện lớn, nền tảng Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc.

Thượng tọa là Phó Trưởng BTS GHPGVN huyện Gia Lâm, cùng chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo huyện nhà xây dựng và hoàn thành các chương trình Phật sự.

Với công tác Phật sự cấp thành phố Hà Nội, Thượng tọa tham gia Ban Trị sự và một số Ban chủ chốt. Các hoạt động phong trào về từ thiện – xã hội, ủng hộ đào tạo Tăng Ni… được Thượng tọa tham gia hưởng ứng đầy đủ hiệu quả.

Với xã Phú Thị, quần thể di tích Đình, Đền, chùa Sủi, từ khi đảm nhận trụ trì, Thượng tọa luôn sát cánh cùng Đảng bộ, Chính quyền, Ban quản lý Di tích, các cụ bô lão, lão thành Cách mạng và nhân dân, Phật tử địa phương xây dựng các kế hoạch, hoạt động, tu bổ, đột xuất cũng như thường niên. Đảm bảo cụm Di tích Đình, Đền, chùa Sủi luôn trang nghiêm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và quy định của giáo luật, pháp luật, được các giới các ngành địa phương và chuyên môn tôn trọng, tín nhiệm, uy tín cao.

Thượng tọa Thích Thanh Phương luôn quan tâm sâu sắc sự nghiệp Trùng hưng Pháp bảo chùa Sủi nói chung và Phật pháp nói riêng. Thầy đã tiên phong, mạnh dạn chuẩn bị, thành lập, kiện toàn, phát triển Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi với đường hướng hoạt động rõ ràng, lâu dài; với nhân sự ngày càng được kiện toàn; với cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ, đảm bảo từng bước phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của hệ thống chùa Sủi cũng như đóng góp trong hệ thống Phật giáo quốc gia.

Thượng tọa Thích Thanh Phương, theo học khóa III (1998 – 2002), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, với đề tài luận văn tốt nghiệp là “Tín ngưỡng thờ Tứ Pháp ở châu thổ sông Hồng”.

Thầy Thích Thanh Phương đã học, tốt nghiệp Thạc sĩ tâm lý học năm 2017; năm 2020 chuyển tiếp từ Thạc sĩ lên học Nghiên cứu sinh Tiến sĩ với chương trình nghiên cứu: Vận dụng tri thức, thực hành Thiền để góp phần giải quyết những vấn nạn của xã hội.

Tỷ khiêu Thích Thanh Phương, từ thuở ấu thơ xuất gia tu học, cơ bản là học gia giáo truyền thống với các Cụ, các Thầy ở Nam Định và các Tổ đình thập phương.

Ngoại Vi Chùa Sủi

Kế hoạch Trùng Hưng Pháp Bảo của Thượng tọa Thích Thanh Phương tại chùa Sủi

Ngay từ khi tiếp nhận, trụ trì Tổ đình chùa Sủi – Đại Dương Sùng Phúc tự, Thầy Phương đã ấp ủ và từng bước thực hiện một số công việc, dự án, chương trình nhằm Trùng hưng Di sản Pháp bảo, cơ sở vật chất, nhân sự của Tổ đình chùa Sủi. Các việc đã làm, đang làm và sẽ làm được Thượng tọa xây dựng trong bản đề cương hoạt động Trùng hưng Pháp bảo.

Thầy đã xúc tiến cho thành lập Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi – Đại Dương Sùng Phúc tự làm cơ sở lưu trữ, phát hiện, phổ biến, tạo cơ chế tổ chức nhân sự, kiện toàn cơ chế huy động tịnh tài, tịnh vật để thực hiện các chương trình nghiên cứu và hội thảo khoa học với các đầu việc đang và sẽ tiến hành như sau:

Từng bước triển khai Toàn tập về quần thể di tích đình, đền, chùa Sủi:

  • Khảo cứu, khôi phục di văn Hán Nôm chùa Sủi.
  • Khảo cứu, khôi phục di văn Hán Nôm đình, đền, làng Sủi
  • Nghiên cứu làng Sủi: đất và người
  • Nghiên cứu Chùa Sủi và Nguyên phi Ỷ Lan
  • Nghiên cứu danh nhân làng Sủi
  • Nghiên cứu quần thể di tích đình đền chùa Sủi
  • Nghiên cứu Linh nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan và làng Thổ Lỗi xưa
  • Nghiên cứu và tái hiện sự tích lễ hội Bông Sòng cầu may tại làng Sủi.
  • Tìm hiểu hoạt động bảo tồn di sản của tiền nhân tại chùa Sủi.

Căn cứ trên nền tảng địa bàn hoạt động, công tác, phát tích, trụ trì của TT. Thích Thanh Phương để triển khai các công trình nghiên cứu dư địa chí Phật giáo:

  • Đất và người làng Kiên Lao – Nam Định
  • Chùa Báo n với Phật giáo Việt Nam
  • Lịch sử Phật giáo huyện Gia Lâm
  • Lịch sử Phật giáo huyện Thạch Thất
  • Lịch sử Phật giáo huyện Tam Đảo
  • Lịch sử Phật giáo Tỉnh Nam Định
  • Lịch sử Phật giáo Tỉnh Vĩnh Phúc.

Thầy Phương 5

Triển khai nghiên cứu các công trình về hành trạng, pháp ngữ, Tổ sư, dòng truyền thừa của các chủ đề có liên quan được quan tâm như:

  • Di sản tổ đình Tế Xuyên – Hà Nam
  • Sơn môn Tân Cốc – Nam Định
  • Chùa Cả – Nam Định với Phật giáo Việt Nam
  • Sơn môn Phù Lãng – Bắc Ninh
  • Chốn Tổ Bồ Đề – Hà Nội
  • Hệ phái Tào Động trấn Sơn Nam hạ
  • Linh nhân Hoàng thái hậu Ỷ Lan với Phật giáo Việt Nam
  • Những tư liệu mới về Tam Tổ Lý Triều
  • Hành trạng và pháp ngữ của Tổ Hội – Thích Thanh Bích
  • Hành trạng và pháp ngữ của Tổ Ráng – Thích Phổ Tuệ

Đồng thời, Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo chùa Sủi mở rộng dưới sự chỉ đạo của TT. Thích Thanh Phương từng bước sẽ thực hiện các công trình khôi phục, nghiên cứu, bổ sung về di sản văn hóa Phật giáo như:

  • Di sản Hán Nôm Phật giáo
  • Hoa văn mỹ thuật mộc bản Phật giáo
  • Thực hiện làm mộc bản các bộ Lục: Thánh Đăng lục, Tam Tổ Thực Lục, Kinh Hoa Nghiêm …
  • Nghiên cứu tượng Tổ chùa Việt
  • Sưu tập, nghiên cứu, hệ thống hoành phi, câu đối Hán – Nôm tiêu biểu
  • Khảo cứu, tìm hiểu, hệ thống tháp Tổ – chùa Việt
  • Nghiên cứu, hệ thống tín ngưỡng, tục thờ tứ Pháp ở miền Bắc

Biên tập, biên soạn, biên dịch các sách về Phật học thường thức như:

  • Cẩm nang của người cư sĩ thờ Phật tại gia
  • Phật pháp và các nghi lễ vòng đời người
  • Tam quy, ngũ giới, thập thiện … của người theo đạo Phật
  • Cẩm nang người Phật tử khi tới chùa, hành lễ và giao tiếp

Tổ chức các hoạt động, mở các lớp đào tạo, truyền thông Phật giáo và các tri thức liên quan:

  • Mở trường đào tạo Hán – Nôm với các trình độ khác nhau
  • Mở các lớp giới thiệu, hướng dẫn nghệ thuật Phật giáo: In rập ván khắc, In rập văn bia, Thư pháp, Thiền trà …

Thực hiện số hóa các di sản Phật giáo

  • Kinh sách Hán Nôm
  • Hoành phi, câu đối
  • Văn bia, minh chuông

Làm tủ kinh sách Hán – Nôm ở các chốn Tổ

  • Tủ bảo quản kinh sách
  • Tủ bảo quản di sản, di vật, Pháp khí

Ấn tống kinh điển cúng dàng chốn Tổ, Phật sự

San khắc kinh, làm mộc bản

Xây dựng bảo tàng di sản Phật giáo tại chùa Sủi, tại Tịnh Viện Vân Sơn và các chùa có liên quan./.

(Thực hiện: Cư sĩ Huệ Minh Lê Minh Nghĩa cùng cộng sự)

5/5 (8 bình chọn)
Chia sẻ
Dai Duc Thich Thanh Phuong (8)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)