Cuộc đời và hành trạng
Cố đại lão Hòa thượng Thích Thông Tiến – thế danh là Nguyễn Duy Tiến, sinh năm 1889 tại làng Mai Xá, xã Công Xá, huyện Nam Xương phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ngài là con thứ trong gia đình có truyền thống Nho học, vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ Ngài đã bộc lộ khí chất thông minh, am hiểu nho học, phép tắc nho gia.
Cố đại lão Hòa thượng Thích Thông Tiến
Năm lên 9 tuổi, sẵn có túc duyên, lại được song thân chấp thuận Ngài “xin xuống tóc xuất gia theo học Hòa thượng[1] ở chùa Bảo Khám xã Tế Xuyên trong huyện. Một thời gian sau đó, Ngài theo học, cầu y chỉ từ thầy Tổ đời thứ tư ở chùa Linh Quang (chùa Bà Đá) Hà Nội. Sau đó, Ngài trở về thụ Cụ túc giới với Hòa thượng chùa Bảo Khám. Rồi vâng mệnh ủy thác mà làm trụ trì chùa Khai Sáng Thụy Bản thuộc tỉnh Thái Bình”[2].
Sinh ra trong thời loạn lạc, đất nước nằm trong chế độ thuộc địa nửa phong kiến, rất nhiều các giá trị văn hóa ngoại lai được đưa vào nước ta một cách cưỡng bức, nhận thức được tình thế, Hòa thượng Thông Tiến đã chủ động ý thức, trau dồi ngôn ngữ và văn hóa Pháp. Ngài có thể đọc thông, viết thạo, tham gia tranh biện, đối thoại bằng tiếng Pháp vì vậy đã ảnh hưởng sâu sắc tới môn đồ của Ngài là Hòa thượng Thích Thanh Bích sau này.
Chính nhờ sự am hiểu Phật pháp, tu trì giới luật, tinh thông Nho học lại rất giỏi Pháp văn, những năm 30, 40 của đầu thế kỷ XX, Ngài đã được Thiền gia Pháp chủ Tổ đình Vĩnh Nghiêm Thích Thanh Hanh tín nhiệm, nhiều lần cử đến “đến trường Bác Cổ ở Hà Nội xin phép chép tay Kinh, và Luật”[3]đem về khắc ván, in kinh, hoằng dương Phật pháp tại chốn tổ Trúc Lâm khi chính quyền bảo hộ Pháp ra quyết định cho thỉnh Đại tạng kinh từ Trung Hoa qua Nhật Bản về Việt Nam và lưu trữ tại Viện Viễn Đông Bác Cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Những bản chép tay kinh Phật của Ngài hiện nay còn được lưu giữ tại chốn Tổ Vĩnh Nghiêm. Đây là nguồn tư liệu quý giá đối với lịch sử Phật giáo nước nhà, làm tiền đề cho các nghiên cứu về sau.
Cũng vào khoảng thời gian này, Ngài tham gia dịch kinh, “thừa mệnh kiểm duyệt sách san khắc pháp bảo ở các chùa Vĩnh Nghiêm, Bảo Khám, Linh Quang, Liên Phái…. ở chùa Phổ Quang, Hà Nội đích thân tham gia san khắc pháp bảo, nguyện được lưu thông”[4].
Ngoài ra, Ngài còn cùng với các Tổ sư trí thứ Tổ Tế Xuyên – Bảo Khám, Lương Quang, Bà Đá,… giúp việc chấp tác, thư ký cho Đức Thiền gia Pháp chủ Thích Thanh Hanh – Tổ Vĩnh Nghiêm, làm trị sự, biên tập mẫn cán cho tờ báo Phật giáo “Tiếng chuông sớm” và tham gia đắc lực vào phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc nước ta.
Khoảng năm Bảo Đại thứ 5 (1930) nhờ nhân duyên thù thắng, “tiếp nối sức lực của Hòa thượng Tổ sư và sự anh linh phong thổ nước ta”[5] Ngài trở về chùa Sủi ( Đại Dương Sùng Phúc tự) đảm nhận chức vụ trụ trì.
Tại đây “Ngài liền kê ruộng hương hỏa của bản tự, cùng ruộng mới mua, đất hoang khai phá thành ruộng, tổng cộng được bao nhiêu mẫu, bao nhiêu sào, tại xứ đồng nào thảy số lượng bao nhiêu kính khắc vào đá để lưu truyền lâu dài cho đời sau. Người sau nối dòng trụ trì, có thể tự biết tuy tìm về lai nguyên, đời nối đời trao truyền vĩnh viễn”[6].
Vào thời Lý, Đại Dương Sùng Phúc tự nức tiếng là chốn danh lam cổ tự đẹp nhất vùng, in đậm dấu ấn của Thiền phái Thảo Đường, tuy nhiên theo thời gian cùng những biến thiên của lịch sử xã hội, rất nhiều hạng mục công trình tại chùa bị hư hại nặng nề, trước cảnh chùa bị mai một theo thời gian, Ngài đã phát nguyện bồ đề cho hưng công, trùng tu lại nhiều hạng mục công trình của chùa như tòa Thượng điện, Tam bảo, nhà Tổ,… và cho tạc tượng, đúc chuông, trùng ấn kinh sách, giáo hóa tăng chúng.
Đặc biệt, tại khu nhà Tổ, Ngài cho khắc đôi câu đối, lưu lại dấu tích của Thiền phái Thảo Đường. Đây chính là tiền đề, manh mối cho những nghiên cứu chuyên sâu về dòng thiền Thảo Đường sau này.
Nguyên văn chữ Hán
演派聯方脉引大揚彰祖教
雲門列燭覺華崇福欝心宗
Phiên âm:
Diễn phái liên phương mạch dẫn đại dương chương tổ giáo.
Vân môn liệt chúc giác hoa sùng phúc uất tâm tông.
Dịch nghĩa:
Diễn sinh các tông phải khắp nơi, đạo mạch truyền dẫn (chùa) Đại Dương rực rỡ giáo pháp của Tổ
Các tổ kế truyền tông Vân môn, như đóa hoa giác ngộ (chùa) Sùng Phúc hưng thịnh tâm tông.
Theo tấm bia Phú Thị – Đại Dương Tự Bi 富市-大揚寺碑 mặt A được cử nhân khoa Bính Ngọ Hoàng Thúc Hội soạn và khắc vào ngày lành tháng 8 năm Quý Dậu niên hiệu Bảo Đại thứ 8 (1933) có nội dung ca ngợi về đạo hạnh và công đức của Ngài Thông Tiến sau khi về trụ trì tại chùa Đại Dương Sùng Phúc như sau: “ Nay Ngài Tiến trụ trì ở đây (…) xét những việc Ngài ấy làm cũng đủ để làm rạng rỡ cái đẹp ấy cho đương thời và mai sau vậy (…) Người kia[7] đoạn lục căn[8], tịnh lục trần[9], dứt tuyệt tà dâm, sát sinh, trộm cắp, thân thanh tịnh, miệng ăn chay, ấy là chay miệng ăn, tịnh bụng đói để dứt trừ vật phẩm, là tùy duyên hỷ xả. (…) Công việc của Ngài Tiến, tôi vui mừng điều ấy mà ghi chép lấy, bia đá của Ngài Tiến tôi tán thán mà vui làm, để mà dâng lên chùa”.
Theo chia sẻ của Thượng tọa Thích Thanh Phương trụ trì chùa Sủi cho biết “ khi Hòa thượng Thích Thanh Bích trở về chốn già lam Đại Đương vào khoảng năm 1940 để chuyên tâm tu tập Thiền – Tịnh song tu. Lúc này, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ điều, nhưng với trí nguyện “ trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh”, Hòa thượng Thanh Bích đã cùng Tổ Thiên Phúc vun trồng hoa màu làm lợi tức để khắc ván, in kinh, hoằng dương chánh pháp”.
Những năm 1945, chứng kiến nạn đói hoành hành khắp nơi, đe dọa sinh mệnh của hàng ngàn người trong cả nước, Ngài đã cùng đệ tử của mình là Hòa thượng Thích Thanh Bích, phát tâm bồ đề, nấu cháo tế bần giúp đỡ dân chúng. Hình ảnh Tổ Thiên Phúc với thầy Thanh Bích đẩy xe bò chở kinh sách, lúa gạo đi vân du giúp đỡ dân chúng đã được ghi tạc trong tâm khảm của mỗi người đặc biệt là dân làng Phú Thị.
Mãn duyên, vào năm Canh Tý 1960, Tổ Thiên Phúc lâm bệnh, được đưa về Hội Xá dưỡng bệnh, rồi thị tịch. Ngài trụ thế 71 tuổi đời và 62 tuổi đạo. Hậu sự của Tổ Thiên Phúc do cụ Thanh Bích tổ chức ở chốn Tổ Hội Xá. Tháp mộ của Tổ Thiên Phúc hiện được thờ phụng đặt tại vườn tháp Hội Xá – Sùng Phúc Thiền tự, xã Thắng Lợi, Huyện Thường Tín, Hà Nội.
Hòa thượng Thích Thông Tiến là cột trụ quan trọng trong ngôi nhà Phật pháp. Với đức hy sinh cao cả, Ngài đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để gánh vác những Phật sự lớn lao. Nhờ ý chí bền vững, cùng tâm hồn hỉ xả, Ngài đã khéo dung hòa mọi dị kiến để hòa đồng với mọi tầng lớp trong Tăng giới cũng như hàng cư sĩ để hoàn thành sứ mạng “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh” của một Như Lai sứ giả.
Chú thích:
[1] Hòa thượng Thích Phổ Tụ
[2] Theo văn bia Phú Thị – Đại Dương Tự Bi mặt B được dựng tại đình bia trước tòa Tam bảo.
[3] Theo văn bia Phú Thị – Đại Dương Tự Bi mặt B được dựng tại đình bia trước tòa Tam bảo.
[4] Theo văn bia Phú Thị – Đại Dương Tự Bi mặt B được dựng tại đình bia trước tòa Tam bảo.
[5] Theo văn bia Phú Thị – Đại Dương Tự Bi mặt B được dựng tại đình bia trước tòa Tam bảo.
[6] Theo văn bia Phú Thị – Đại Dương Tự Bi mặt B được dựng tại đình bia trước tòa Tam bảo.
[7] Người kia: Chỉ Ngài Thông Tiến.
[8] Lục căn: ngôn ngữ nhà Phật: lục căn gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
[9] Sáu trần: sáu đối tượng của lục căn: sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần.
Tài liệu tham khảo
- Căn cứ theo tư liệu văn bia Phú Thị – Đại Dương Tự Bi mặt A được soạn năm 1933 và Mặt b được dựng tại đình bia trước tòa Tam bảo.
- Lê Minh Nghĩa, Tổ Thiên Phúc – cố Hòa thượng Thích Thông Tiến với chùa Sủi – Phú Thị – Gia Lâm, Website Chốn Thiêng.
- Tư liệu phỏng vấn Thượng tọa Thích Thanh Phương trụ trì chùa Sủi vào ngày 2/2/2023.