Tương truyền, Tổ Hội Xá – Đại Trưởng lão HT. Thích Thanh Bích (1912 – 2013), xuất gia tu hành từ nhỏ, sau khi thụ Đại giới Tỷ – khiêu tại giới đàn chùa Bút Tháp (1935), Ngài về thờ Phật hầu Thầy là Tổ Thiên Phúc – Luật Sư HT. Thích Thông Tiến tại chùa Sủi – Đại Dương Sùng Phúc tự ở xã Phú Thụy – Gia Lâm – Hà Nội.
Trải qua những thập niên 30 – 40 – 50 của thế kỷ XX, thời kỳ chiến tranh, cách mạng, loạn lạc, kháng chiến, chùa Sủi trở lên phế tích, điêu tàn. Tổ Hội ở tuổi tráng niên một lòng cầu đạo thờ Phật hầu Thầy.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã đến những ngày tháng sau kháng chiến 1954 – 1960. Thời gian này, ở địa bàn chùa Sủi không khí chính trị – xã hội khá sôi động, nóng bỏng: Vận động cải cách ruộng đất, sửa sai, xây dựng tổ đổi công và tiến lên hợp tác xã toàn xã.
Kiên trì bám chùa thờ Phật, gần dân, Tổ Hội Xá không từ nan việc gì, nhẫn nại tham gia hợp tác xã, được hợp tác xã cử làm thư ký – kế toán đội sản xuất, dùng tri thức, khả năng tính toán của mình giúp quản lý hợp tác xã kiểu mới. Hằng ngày Tổ ra đồng đi làm cùng các xã viên, ghi chép công xá, đảm bảo chấm công bình bầu và chia hoa lợi. Xong việc trở về chùa, Ngài lại kinh sách, chuông mõ, giữ gìn đạo hạnh. Sinh hoạt cực kỳ đạm bạc, cơm cháo, rau rệu, cỏ rầy,… lần hồi qua ngày, đoạn tháng.
Nhiều chuyện thị phi nọ kia, nhiều chuyện kỳ thị đơm đặt chẳng làm cho Tổ nao lòng. Ngài kiên trì bám trụ tại chùa Sủi cho tới những năm 1960 thì rời về chùa Đậu – Đại Thành Tự ở Thường Tín – Hà Đông …
(Ảnh: phatgiao.org.vn)
Vào đầu những năm 1990, TT. Thích Thanh Phương bây giờ, khi đó còn là tân Tỷ khiêu – Tăng sinh, tại Hà Nội, được chư Tăng, được Tổ Hội tạo dựng “Tăng thượng duyên”, may mắn lớn về đứng ngôi trụ trì trông nom chùa Sủi. Trong suốt quá trình gây dựng tu tập tại chùa Sủi, Thầy Phương không lúc nào không nghĩ tới bậc tiền bối của mình là Tổ Hội Xá.
Cuối những năm 2010, Thầy Phương mở rộng hoằng pháp, khai thiên phá thạch, trùng tu sáng lập Tịnh viện Vân Sơn trên non cao Tam Đảo. Sơ khởi, Thầy Phương nương vào công hạnh của nhị vị Tổ Sư: Tổ Ráng và Tổ Hội, để thực hiện đại nguyện này.
Khoảng đầu năm 2009, sau khi thỉnh được Tổ Hội Xá lên chứng minh lễ động thổ tại Tịnh viện Vân Sơn, Thầy Phương lại may mắn thỉnh được Tổ Hội Xá về chùa Sủi thăm quan, tịnh tu trong vài ngày. Vào một buổi chiều, được tin Tổ Hội đang ở chùa Sủi, chư vị bô lão, hội người cao tuổi Phú Thị đã đến vấn an, hỏi thăm, đỉnh lễ, trò chuyện Tổ Hội.
Tổ Hội thong thả, chống cây “gậy vạn dặm” từ phương trượng men tường đi lên nhà Tổ. Tuy đã gần trăm tuổi, với vóc dáng rất nhỏ bé, Tổ Hội ngồi tự tại trên cỗ tràng kỷ giữa nhà Tổ, tiếp chuyện các vị bô lão. Sau màn chào hỏi, vấn an, chúc tụng, Tổ thong thả, nhấn nhá kể rằng:
Hơn 50 năm trước, tôi trụ tại chùa Sủi cùng dân làng giữ chùa thờ Phật, tham gia sản xuất, làm hợp tác xã, vui đáo để, mà cũng có nhiều chuyện hiểu lầm đáng tiếc. Hằng ngày đi làm đồng, chấm công, bình bầu, cho điểm từ làm tổ đổi công, tiến lên hợp tác xã. Rồi họp hành, thi đua… sân đình, sân chùa Sủi nhộn nhịp vui vẻ. Tôi (Sư ông Thanh Bích) do biết chữ, biết tính toán nên được công cử làm thư ký, kế toán cho tổ sản xuất, hằng ngày giao tiếp làm việc với các xã viên.
Mọi người ai cũng hăng hái làm việc, với tôi công việc nhà chùa: dầu đèn, thờ cúng, kinh kệ… cũng chỉ được tranh thủ làm ngoài giờ sản xuất, ngày Rằm Mùng Một cũng có đôi ba Phật tử thành tín tới giúp đỡ. Thi thoảng có điều kiện thì đồ xôi đóng oản cúng Phật, còn lại thì chỉ thành tâm lễ bái.
(Ảnh: Sưu tầm)
Thời đó nhà chùa có nuôi được một con chó khá to, lông vàng nhạt. Ở cảnh hiu quạnh, vắng vẻ, nhất là những đêm hôm khuya khoắt, con chó càng tỏ ra lanh lợi, khôn ngoan, giúp tôi biết được mà đề phòng, cảnh báo những kẻ gian giảo định xâm phạm chùa cảnh. Con chó thuở ấy khôn ngoan lắm, trung thành lắm, cứ tôi đi vắng thì nó tìm chỗ nào kín đáo, trắc trở mà nằm để tránh bị sát hại, khi tôi về chùa nó lại quanh quẩn, quấn quýt, chân tình lắm. Có lẽ giai đoạn đó đối với tôi thì con chó vừa là bạn, vừa là trợ thủ, vừa là tri kỷ, thật là quý hóa…
Nghe Hòa thượng kể về con chó hơn 50 năm trước, ai nấy nghe rồi cũng bồi hồi, xúc động như câu chuyện vừa mới hôm qua. Tổ Hội nói chuyện chùa Sủi hơn 50 năm trước, thế mà nhân tình thế sự Ngài chả buồn nhắc lại, lại cứ suy tư về một con chó…
Tổ dừng lời, trầm ngâm chốc lát. Bỗng nhiên từ ngoài hiên nhà Tổ một con chó già với hai bầu vú quệt đất lững thững đi vào, gắng trèo qua bậu cửa bức bàn vào nhà Tổ, len đến trước Tổ Hội khẽ liếm chân rồi ngước cặp mắt lèm nhèm, ngước lên nhìn Tổ Hội, chăm chú như gặp lại người cũ từ năm xưa.
Tổ Hội không chút ngạc nhiên, thong thả cúi xuống vuốt nhẹ đầu con chó già như thân như quen, thường nhật, rồi thong thả cất tiếng:
Con chó ở chùa Sủi hơn 50 năm trước, rất khôn ngoan, rất đáng nhớ, rất có công với Phật, với Tổ. Nay gặp con chó này, hình bóng của hơn 50 năm trước lại hiện về con chó năm nay. Con chó này cũng rất khôn ngoan, rất đáng nhớ, rất có công với Phật, với Tổ.
Nói đoạn, Tổ Hội vỗ nhè nhẹ đầu con chó già, rồi đẩy nhẹ con chó ra phía ngoài cửa và bảo: Thôi, ra ngoài mà làm gì cho đàn con mày, để cho Cụ tiếp khách.
Con chó già lại lê bầu vú quét đất, gắng trèo qua bậc cửa bức bàn đi ra hiên rồi thong thả dẫn bầy con xuống khu nhà dưới.
Bóng chiều đã ngả, bên ngoài lắc rắc mưa, bóng Tổ Hội gần một trăm tuổi in đậm trên vách nhà Tổ, dõi theo bóng con chó già. Chư vị khách nghe xong câu chuyện, đều cảm thấy hơi hụt hẫng, bâng khuâng.
Câu chuyện về hai con chó nơi chùa Sủi cách nhau hơn 50 năm, được Tổ Hội tái hiện, xúc động kể lại, Ngài mô tả có điều gì sao xuyến chăng!./.
(Huệ Minh – Hải Đăng)