Chùa Đào Xuyên (Gia Lâm, Hà Nội)

 Chùa Đào Xuyên (Gia Lâm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Chùa Đào Xuyên có tên chữ là Thánh Ân Tự, nằm tại thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội

Lược sử

Mở đầu bài minh khắc trên tấm bia đá dựng tại đây năm Ất Hợi niên hiệu Đức Long thứ 7 triều Lê Thần Tông (1635), nhân dịp chùa Đào Xuyên được tu tạo với công đức nhiều quý tộc họ Trịnh, sư trụ trì Huệ Trung viết:

“Đất Bắc nước Việt
Có chùa Thánh Ân
Nhân bồi nền cũ
Xưa có hình Kim…”

Suy ra chùa được xây khá lâu trước đó dưới triều Mạc với quy mô hình “chữ Kim”, tức không lớn. Lúc đầu chùa chỉ thờ pho tượng Quan Âm Nam Hải, cũng mang phong cách nghệ thuật điêu khắc của thời Mạc.

Tuy nhiên hiện nay vẫn không tìm được tư liệu hoặc hiện vật nào minh chứng cho hoạt động của chùa Đào Xuyên trong thế kỷ 18.

Đến thế kỷ 19 thiền phái Lâm Tế mới được truyền từ chùa Bà Đá về chùa Đào Xuyên. Về việc này văn bia lập năm Bảo Đại 1942 có nói đến hai vị tổ Phổ VănThông Mệnh liên tục truyền pháp suốt 80 năm ở vùng Nam Bắc Ninh. Hàng năm đến ngày 24 tháng Hai âm lịch là giỗ tổ Đào Xuyên thì các chùa cùng dòng Lâm Tế trong vùng đều về chùa để cúng Phật, thỉnh tổ.

Một số nghiên cứu cho rằng Chùa Đào Xuyên vốn là chốn tổ rất sầm uất của phái Lâm Tế ở hai bên bờ sông Đuống (sông Thiên Đức). Theo nghiên cứu Phật học số 1-1991, phái Lâm Tế miền Bắc bắt đầu từ là tổ Chuyết Chuyết (Chuyết Công Viễn Văn) sang Đại Việt năm 1630, vào Đàng Trong trước, rồi năm 1633 ra Thăng Long lưu lại ở chùa Khán Sơn hoằng pháp. Sau đó ngài dời về chùa Phật Tích ở Tiên Du (Bắc Ninh) và cuối cùng, sau khi chúa Trịnh cho trùng tu chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) thì về chùa đó trụ trì cho đến khi viên tịch năm 1644. Tổ Chuyết Công truyền xuống Minh Lương tổ sư, tổ Minh Lương truyền xuống Chân Nguyên tổ sư. Ngài Lân Giác Như Trừng tổ sư (1696-1733) là tổ đầu tiên phái Lâm Tế ở Thăng Long. Đầu thế kỷ 19 pháp tổ họ Trần, húy là Quốc Giảng, tự là Phổ Văn, quê ở Tức Mặc phủ Thiên Trường, dòng dõi Trần Triều (Hưng Đạo Đại Vương) đều trụ trì ở chùa Bà Đá (Hà Nội). Tiếp thu kinh sách một thời gian, ở tuổi 18, sư Quốc Giảng về chùa Đào Xuyên. Gần nửa thế kỷ, sư Quốc Giảng tổ chức thuyết pháp theo kinh sách phái Lâm Tế. Chùa Đào Xuyên tôn làm sư tổ khởi lập sơn môn vùng Nam Đuống, rồi lan ra nhiều chùa cả ở Hưng Yên, Hải Dương. Sư thọ 80 tuổi, viên tịch ngày 9-12 âm lịch. Người được tạc tượng ở nhà tổ, bia có dòng chữ: “Ma Ha Tì Khiêu tự Phổ Văn Nam Vô Trần Húy Giảng Thích Đường Đường thiền sư”. Tiếp theo là sư tổ Hoàng Chính, tự Thông Mệnh quê ở Vạn Phúc (Thanh Trì). Ngài mở trường thuyết pháp trên 30 năm, mất 2-11 Kỷ Tỵ, có xá lị ở tháp Vạn Nhân tại vườn chùa. 

Chùa đã được sửa chữa và trùng tu nhiều lần.

Năm 1910 (Duy Tân 10) chùa đã được xây lại hoàn toàn và in đậm dấu ấn nghệ thuật kiến trúc của thời Nguyễn.

Ngày 09-01-1990 chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Từ năm 1998 đến nay, chùa đã được trùng tu với quy mô lớn và xây thêm các công trình phụ, làm mất đi ít nhiều dáng vẻ cũ.

Thời chiến tranh, chùa còn là nơi tổ chức nhiều cuộc họp của Đảng và là trạm tiếp nhận, phân phối báo Độc lập. Thời kì 1946 – 1954, chùa là cơ quan bí mật của Huyện uỷ Gia Lâm, đào tạo nhiều cán bộ cho cuộc kháng chiến trường kì. Thời kì chống Mỹ cứu nước, chùa là trạm chỉ huy của Bộ Chỉ huy Phòng không không quân.

Chùa Đào Xuyên cùng hệ thống tượng, bia kí, nhà tổ, tháp… cho ta hiểu về văn hoá Thăng Long thế kỉ XVI – XVII. Chùa cũng là nơi phát triển dòng thiền phái Lâm Tếphái Tì Ni Đa Lưu Chi cũng như góp phần xây dựng nền Phật giáo của triều Lý sau này.

Chùa Đào Xuyên đã được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá – Thể Thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật ngày 09/01/1990.

Kiến trúc

Từ đoạn đường đầu thôn Đào Xuyên đi qua cây cầu nhỏ bắc ngang sông Nghĩa Trụ, du khách đã có thể nhìn thấy cổng tam quan hai tầng đồ sộ và bức tường dài. Trước cổng chùa có đôi câu đối, tạm dịch như sau:

“Đất xanh cỏ biếc lan thơm ngát
Vườn mát gió đưa tâm nhẹ thanh”

Du khách đi qua cổng phụ mới xây bên cạnh tam quan theo một lối rộng lát gạch dẫn đến sân trước và sân sau. Trong sân trước nhô lên 5 ngọn tháp mộ của các vị sư trụ trì đã khuất. Tòa tam bảo quay hướng đông-nam và có mặt bằng hình chuôi vồ, bao gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện. Phía bên trái tam bảo là hồ nước, ở giữa có dựng một đài hoa sen (Liên Hoa Đài), sao chép theo kiểu dáng và kích thước của chùa Một Cột (Ba Đình, Hà Nội).

Chùa xây theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” trong một khuôn viên khá lớn và khép kín. Tiền đường rộng 7 gian 2 dĩ, có những mảng trang trí trên kết cấu gỗ bên trong được chạm khắc tinh tế. Nhà bia là một phương đình nằm ở gần lưng thượng điện. Hai bên sân sau có hai hành lang dài, tạo thế bao quanh cùng với nhà Tăng, nhà Mẫu, nhà Tổ. Những diện tích đất còn lại phần nhiều là để trồng cây.

Di vật

Chùa còn giữa được pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn có niên đại thế kỷ 16.

  • Tượng bằng gỗ mít, cao 1,35 m (không kể bệ) ngồi trên bệ sen hình lục giác (nếu kể cả bệ thì cao 2,31 m). Tòa sen cao 0,50m gồm 13 cánh sen chính, 13 cánh sen phụ và 20 cánh cách điệu, bố trí xen kẽ thành 2 lớp trên, dưới.
  • Tượng có 42 tay lớn và 610 tay nhỏ. 42 tay lớn chìa ra phía trước và xung quanh với nhiều động tác, hình dáng khác nhau, tay thì cầm vật báu, tay thì bắt quyết, không tay nào giống tay nào. Còn 610 tay nhỏ thì xếp thành nhiều lớp hai bên sườn và phía sau, xếp vào nhau như những nan quạt, tạo nên một quầng tròn phía sau tượng, như một vòng hào quang tỏa sáng quanh người.
  • Đầu tượng đội mũ tỳ lư, được trang trí những hạt tròn, sơn son thếp vàng óng ánh góp phần làm tăng thêm uy linh và đức độ của Phật Bà Quan Âm.
  • Mặt tượng đầy đặn, đôn hậu, mắt lim dim nhìn xuống như đang tập trung tinh thần vào điều gì đó. Mũi tượng thẳng, má bầu, miệng nhỏ, tai dài đeo hoa, tóc chảy dài ra phía sau. Dáng mặt của tượng là một phụ nữ Việt Nam.
  • Tấm áo cà sa khoác trên người chảy dài xuống hai bên lẫn trong các nếp áo. Những nếp áo mềm mại chạy dài, phủ trên một tấm thân cân xứng thể hiện sức sống từ chính con người, có những nét gần gũi với bóng dáng hiền dịu của các cô gái nông thôn khỏe mạnh.
  • Tượng được tạc ngồi trên một tòa sen do con rồng đội, nổi lên trên mặt biển sóng nhấp nhô. Về mặt thẩm mỹ, điều đó tạo nên sự tương phản giữa cái ác và cái thiện, góp phần làm tăng thêm vẻ nhân hậu, dịu dàng, thiện tâm và sự huyền diệu của Quan Âm. Rồng được thể hiện với bộ mặt dữ tợn, những cánh tay gân guốc với những chiếc móng sắc nhọn, mắt lồi nhìn thao láo ra phía trước, mồm rộng, mũi to căng phồng. Rồng ở đây không phải là hình tượng rồng theo ý nghĩa may mắn hay hoàng gia, mà là mô phỏng Quỷ Diêm Vương, tên thật là Nan Đà Long Vương. Việc đội tòa sen của rồng biểu hiện ma quỷ chết chóc đã quy phục Phật pháp.
  • Trang trí trên bệ tượng là các hình mây lửa, sóng nước,… chính nhờ các trang trí này mà có thể đoán định tượng được tạo tác vào cuối thế kỷ 16.

Ngoài ra còn một số hiện vật

  • Bia cổ “Hưng công chùa Thánh Ân” triều Lê (1635) cho biết người đứng đầu việc trùng tu chùa là bà Vương Phủ Hoàng Thị Nhất, người làng Cống Xuyên, huyện Thượng phúc, phủ Thường Tín (nay thuộc xã Nguyễn Trại, Thường Tín, Hà Nội) 
  • Bia hậu năm 1846 đời vua Thiệu Trị ghi công đức giúp làng của bà Đỗ Thị Y, bia năm 1863 nói về việc tô lại tượng Phật,
  • Một chuông đồng đúc kèm bài minh vào năm Tân Mùi 1871
  • Chùa cũng còn nhiều tượng tạo tác vào thế kỷ 18 – 19.
5/5 (2 bình chọn)

Video

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)