Thiền sư Như Trừng Lân Giác (1696-1733)

Thiền sư Như Trừng Lân Giác (1696-1733)

Thông tin cơ bản

Sơ lược về hành trạng

Căn cứ vào cuốn Cứu Sinh Trịnh Thánh Tổ Sư Tích, Kế Đăng Lục và Cúng Sư Nghi,… cho biết: Sư họ Trịnh tên Thập (còn có tên là Linh), quê ở Sóc Sơn, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá. Sinh giờ Dậu ngày 5 tháng 5 năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hoà thứ 17 (1696), là con trai thứ 11 của Tấn Quang Vương Trịnh Bính (1670 – 1703), mẹ là Thị nội cung tần thượng văn Nguyễn quý thị, hiệu Diệu Bính. Do thân phụ Ngài mộng thấy một cụ già mặc áo xanh đưa cho một đứa trẻ, liền vui mừng nhận lấy liền đặt tên là Trịnh Thập (Thập là nhặt được). Khi sinh ra trên trán nhô lên như cái sừng mà có hiệu là Lân Giác (Sừng con tê giác). Khi vừa lên 7 tuổi thân phụ qua đời, thì được anh trai trưởng là Trịnh Cương (1686 – 1729) nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành. Là người có khí độ rộng lớn, tinh thông kinh thi, kinh dịch, và đặc biệt ưa thích giảng đọc Hiếu kinh. Được Vua Lê Hy Tông (1663 – 1716) gả công chúa thứ tư cho làm vợ.

Tuy ở nơi vinh hoa phú quý, lại được vua Lê chúa Trịnh đặc biệt ân sủng phong làm Thân Quận Công, giữ chức Phó tướng, nhưng Ngài chán ghét tục tình, thường than thở rằng: “Một nhà no ấm ngàn nhà oán, nửa kiếp công danh muôn kiếp lầm”. Nhận thức cuộc đời giả tạm vô thường: “Kiếp phúc sinh được bao nhiêu năm, nghĩ đến vinh hoa phú quý khác gì lao ngục. Xem vàng ngọc như gạch ngói, nhìn lại thế gian thật giống như việc trong giấc mộng.” Do vậy mà Ngài ăn chay, mặc áo thô, quyết chí xuất gia.

Bấy giờ có Hoà thượng tên là Hương nghe phong nhã của Ngài rất lấy làm coi trọng, liền tặng Ngài một cuốn Hiếu sinh lục, Ngài liền đọc duyệt có chỗ giác ngộ. Chính cuốn sách này đã ảnh hưởng đến tư tưởng Bồ tát đạo của Ngài, là tiền đề soạn Cứu sinh thập nguyện sau này. Ngài cũng dùng sách này dâng cho chúa Trịnh Cương, vì muốn nhà Chúa y theo sách này mà phù vua trị quốc an dân. Cho nên trong thời gian chúa Trịnh Cương nhiếp chính được coi là thời kỳ thái bình thịnh trị của Bắc Hà.

Trong nhà tuy đầy đủ cao lương mỹ vị, mà trong bếp không giết hại loài vật, trong ao thì trồng sen. Trước khi xuất gia, Ngài có cho xây dựng chùa Hộ Quốc ở phường Yên Xá. Cho đúc tượng Quốc sư Minh Không thờ tại chùa Chúc Thánh Phả Lại (Đức Long  – Quế Võ – Bắc Ninh).

Năm Bính Ngọ (1726), Ngài quyết định xuất gia, lên chùa Long Động, núi Yên Tử, đảnh lễ Hoà thượng Chân Nguyên (1647 – 1726) cầu xin tế độ. Bấy giờ, Ngài Chân Nguyên đã 80 tuổi, vừa thấy Ngài liền nói: “Duyên xưa gặp lại, sao đến muộn vậy?” Ngài đáp: “Thầy trò gặp gỡ, đến thời mới gặp”. Tổ nói: “Trung hưng Phật Pháp sau này, phải dựa vào một mình ngươi”. Đến giờ Tý, ngày 11 tháng 5 năm Bính Ngọ được Tổ truyền tâm ấn đặt pháp danh là Như Như, “Chỗ sở đắc của ta là Như vậy, chỗ sở đắc của ông là Như vậy, nên đặt tên là Như Như”. Lại đem tám chữ tông chỉ của thiền Lâm Tế mà khai mở và trao cho một đoá hoa sen.

Sau khi đắc pháp, Ngài trở về kinh đô Thăng Long dâng biểu nói rõ căn nguyên của việc xuất gia nhưng chúa Trịnh Cương không cho phép. Vì căn cứ theo luật Phật, người trong hàng quan chức triều đình không được phép tự ý xuất gia. Nếu xuất gia phải được triều đình cho phép. Để tỏ rõ quyết tâm, Ngài tự bẻ đai ngọc, treo mũ từ quan, tự cạo đầu mặc áo nâu. Khiến chúa Trịnh nổi cơn thịnh nộ. Sau được bà Quốc Tể phu nhân (Bà nội) xin giúp cho mới được Chúa cho phép. Ngài lại dâng tấu xin phép xây chùa tại bản doanh. Nhân thấy một bông sen hoá sinh ứng với điềm tâm tông của Phật tổ, liền đặt tên chùa là Liên Tông, viện là Ly Trần.

Ban đầu, Ngài diễn âm mười giới của người xuất gia, kế đến diễn âm năm giới của người tại gia, nghiên cứu tinh thông Tam tạng. Cho khắc ván Chư kinh nhật tụng và Tỳ ni nhật dụng lục làm nền tảng căn bản cho người xuất gia.

Mùa Hạ an cư năm Mậu Thân (1728), Ngài chích máu viết Cứu sinh vương thập nguyện để làm phương châm tu hành Bồ tát đạo. Ngài còn đến hoằng đạo ở núi Phật Tích, chùa Vạn Phúc, nhận được cà sa của Tổ sư, liền dựng am Huy Khiêm ở dưới mạch núi bên chùa làm chỗ tu hành (vì lúc này chùa Phật Tích do chư Ni trụ trì).

Nhân đến nũi Lãm Sơn, tìm thấy dấu tích cũ của tổ Minh Không, Ngài đã cho phục dựng đặt tên là Hàm Long.

Ngày Rằm tháng 2 năm Nhâm Tý niên hiệu Long Đức năm Đầu (1733), Ngài từ chùa Phật Tích trở về, ngồi ngay ngắn, xoay mặt về phía Tây nói kệ, niệm Phật mà hoá, thọ 37 tuổi. Đệ tử xây tháp Cứu Sinh ở chùa Liên Tông và Hàm Long để phụng thờ xá lợi.

Sinh thời Ngài độ được các đệ tử là Tỷ khiêu Tính Ngạn (trụ trì chùa Hàm Long), Tỷ khiêu Tính Tuyền (khai sơn chùa Tam Huyền), Tỷ khiêu Tính Uyên, Tỷ khiêu Tính Hoạt, Tỷ khiêu Tính Khích, Tỷ khiêu Tính Ngu, Tỷ khiêu Tính Kiêu, Tỷ khiêu Tính Lục, Tỷ khiêu Tính Dược (Viên Dung Hoà thượng, khai sơn chùa Hội Xá), Tỷ khiêu Tính Nhai, Tỷ khiêu Tính Hoằng, Tỷ khiêu Tính Chúc,…

Những di sản để lại

Kiến tạo chùa chiền, nuôi độ đệ tử.

Chỉ có trong vòng bảy năm ngắn ngủi nhưng Ngài đã cho xây dựng ba đại danh lam, đến nay đều trở thành di tích Quốc gia là chùa Liên Phái (Bạch Mai – Hà Nội), chùa Hộ Quốc (Thanh Lương – Hà Nội), chùa Hàm Long Bắc Ninh. Những ngôi chùa này ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật văn hoá lịch sử, nó còn là trung tâm đào tạo Tăng tài, khắc ván in kinh và trở thành Đại tổ đình lớn của Phật giáo Việt Nam.

Trong danh sách có ghi lại phương danh 12 đệ tử đắc pháp. Trong đó phải kể đến Thiền sư Tính Ngạn là Trưởng tử, kế thừa tông phong trụ trì chùa Hàm Long, truyền xuống đời thứ ba là Vũ Hoa Hải Phác Tổ Sư, đời thứ tư là Tịch Dự Chính Trí, đời thứ năm là Chính Tâm Đại Sư, đời thứ sáu là Chân Không Phổ Toán Đại Sư, đời thứ bảy là Pháp sư Thông Vinh,…

Thứ hai phải kể đến Ngài Bảo Sơn Tính Dược kế đăng trụ trì chùa Liên Phái, khai sơn Tổ đình Sùng Phúc Hội Xá, được vua Lê sắc phong là Viên Dung Hoà Thượng, truyền xuống đời thứ ba là Từ Phong Hải Quýnh, đời thứ tư là Chân Như Tịch Thị, đời thứ năm là Chiếu Kế, đời thứ sáu là Phổ Tính Thanh Hinh, đời thứ bảy là Phúc Điển An Thiền, đời thứ tám là Thiền sư Thông Bính, đời thứ chín là Thiền sư Thanh Duyên, đời thứ mười…, đời thứ mười một Hoà thượng Thanh Dụng, đời thứ mười hai Hoà thượng Thanh Tuệ. Hiện nay là Hoà thượng Thích Gia Quang.

Thứ ba phải kể đến Thiền sư Tính Tuyền (1674 – 1744) – Đỗ Đa Hoà thượng. Ngài được Tổ Lân Giác Thượng Sĩ truyền tâm ấn và vâng mệnh sang Trung Quốc tham cầu Phật pháp. Sau đó đến núi Đỉnh Hồ Sơn tham học, khi trở về mang theo hơn 300 bộ kinh sách, để ở chùa Càn An, khai sơn chùa Tam Huyền,…

Tóm lại từ những đệ tử xuất chúng của Tổ Như Trừng đã sản sinh rất nhiều bậc cao Tăng phát triển sơn môn Liên Phái khắp Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hoá, Ninh Bình, đến nay có vài trăm ngôi chùa thuộc sơn môn Liên Phái đang tồn tại và phát triển.

Đặt nền tảng cho thiền phái Lâm Tế ở đất Thăng Long

Thiền phái Lâm Tế do Tổ Chuyết Công (1590 – 1644) truyền đến miền Bắc nước ta khoảng năm 1634. Được sự trợ giúp của Dũng Lễ Công Trịnh Khải và Vương Phủ Lão Cung Tần Trần Thị Ngọc Am mà kết nối được với vua Lê chúa Trịnh, và xây dựng cơ sở hoằng đạo tại Phật Tích tỉnh Bắc Ninh. Đệ tử Minh Hành kế tiếp trụ trì, còn Ngài Minh Lương thì trụ trì chùa Vĩnh Phúc Côn Cương. Sang đến thế hệ thứ ba là Thiền sư Chân Nguyên lại trụ trì chùa Long Động ở Yên Tử mà chưa có ngôi chùa nào ở Thăng Long Hà Nội cả. Cho nên khi Ngài Lân Giác đến ra mắt Thiền sư Chân Nguyên thì Thiền sư có phó chúc: “Sự hưng thịnh của Phật Tổ phải nhờ cậy vào một mình ông”. Câu nói này có nhiều hàm ý:

1. Lúc này Tổ Chân Nguyên đã 80 tuổi, các đệ tử lớn là Như Hiện, Như Cảm đều đã làm chủ một phương ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh,… nhưng chưa có người hoằng hoá ở Thăng Long nên việc giao phó cho Ngài Như Trừng với hy vọng tông phong được truyền hoá ở đất Thăng Long.

2. Ngài Như Trừng xuất thân là quý tộc “con Vua cháu Chúa” nên có ảnh hưởng lớn đến tầng lớp quý tộc đương thời và triều đình sẽ ủng hộ Phật pháp, đây là cơ duyên lớn không khác gì thời Phật hoàng Trần Nhân Tông.

3. Ngài Như Trừng vốn là Quận công có gia sản lớn có thể cải gia vi tự xây dựng một đạo tràng lớn tu tập, khắc ván in Kinh, hoằng Pháp độ sinh sẽ rất thuận lợi,…

Bằng tuệ nhãn của Tổ Chân Nguyên và sự gánh vác trọng trách của Ngài Như Trừng đã đặt nền tảng cho sự hưng thịnh phát triển của tông Lâm Tế ở đất Thăng Long Hà Nội cho đến ngày nay.

Tiên phong trong việc xiển dương Giới luật bằng quốc ngữ

Với trọng trách là người kế thừa tông phong của Tổ Chân Nguyên, muốn Phật Pháp hưng thịnh thì phải dựa vào kỷ cương giới luật. Ngài từng than rằng: “Nay đang thời mạt pháp, thế đạo suy vi, Đạo lớn phai mờ, giới luật đã không còn nghe thấy”. Một mặt Ngài sai đệ tử là Tính Tuyền học theo hạnh của Tổ Thuỷ Nguyệt tông Tào Động, vãng Bắc cầu Pháp để khuông phù tệ đoan, một mặt cho diễn âm Sa di thập giới theo thể thơ Lục bát cho dễ thuộc dễ hiểu. Tác phẩm này viết ngay cho sau khi Ngài Tổ Chân Nguyên viên tịch hai tháng. Mở đầu bằng câu: “Như Như vâng giáo Chân Nguyên, diễn dương Luật tạng lưu truyền lâu xa…”. Ngoài ra còn diễn âm năm giới cho người tại gia làm khuôn phép tu học.

Hai tác phẩm này đến nay vẫn còn được lưu truyền học tập. Ngài còn diễn âm 24 chương Uy nghi, tác phẩm này hiện không còn, chỉ thấy nhắc đến trong Uy nghi quốc ngữ có câu: “Như Như Tổ diễn đã lâu, Như Thị Tổ lại nối sau để truyền”. Bên cạnh đó còn cho khắc in cuốn Tỳ ni nhật dụng lục, là những kệ chú sử dụng hàng ngày của người xuất gia. Y cứ vào cuốn Tỳ ni nhật dụng của Luật sư Độc Thể và được bổ sung thêm nội dung về giới tướng của Sa di, Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni, Bồ tát giới và một số vài khai thị của các Thiền sư,…

Có thể nói Ngài là người đi tiên phong trong việc xiển dương Giới luật bằng quốc ngữ thời bấy giờ.

Là người đi đầu trong việc soạn khoa cúng Tổ.

Khoa cúng Tổ là một sản phẩm khoa nghi đặc biệt của Phật giáo miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi chưa tìm thấy khoa cúng Tổ nào có niên đại sớm hơn khoa cúng Tôn sư của Ngài Như Trừng soạn để cúng Thầy mình là Thiền sư Chân Nguyên. Theo lời tựa thì Ngài soạn khoa này khi Tổ Chân Nguyên còn tại thế khoảng tháng 8 năm Bảo Thái thứ 7 (1726). Sau khi soạn xong đã dâng lên để Tổ Chân Nguyên xem. Và nói kệ ấn chứng rằng: “Pháp tính bản không. Ngôn từ tương tịch. Năng sở song vong. Như như chứng Phật”.

Về kết cấu khoa nghi gồm có:

  1. Hương tán
  2. Chí tâm tán lễ
  3. Kệ tán
  4. Cung Thuỷ Văn
  5. Cung Hương Văn
  6. Phụng Thỉnh Văn
  7. Ba đường biệt thỉnh (Hành trạng)
  8. Thỉnh Gia tiên Tôn sư
  9. Thỉnh môn đồ Pháp quyến
  10. Kệ an toạ
  11. Phụng Hiến
  12. Tuyên sớ
  13. Phụng tống, lễ tạ.

Cho đến nay việc soạn khoa cúng Tổ của các chùa, các Tổ đình đều theo thể thức nói trên. Có thể nói Ngài đã đi tiên phong trong việc soạn bia ký, khoa cúng Tôn sư và đã ấn định thể thức cho đến ngày nay.

Phát mười Đại nguyện

Đối với Bồ tát đạo trong Phật giáo Đại thừa rất coi trọng việc phát Đại nguyện. Từ Tứ hoằng thệ nguyện trên nền tảng Tứ đế mà phát nguyện, lấy đó để làm mục tiêu phương hướng tu hành cho đến khi thành Phật. Như Bồ tát Pháp Tạng phát 48 đại nguyện, Phật Dược Sư 12 đại nguyện, Bồ tát Quán Âm 12 đại nguyện, Bồ tát Phổ Hiền 10 đại nguyện. Cho nên Ngài cũng phát 10 đại nguyện.

  1. Đèn pháp nối mãi, hưng long đạo tổ.
  2. Vãng sinh Tây phương, thành Cứu Sinh Bồ tát
  3. Nơi tháp miếu dùng phương tiện cứu bệnh khổ chúng sinh
  4. Trừ ác quỷ ác mộng nhiễu hại chúng sinh
  5. Trì tụng mười đại nguyện trừ mọi bệnh khổ, hoạn nạn.
  6. Xưng danh hiệu của con, trừ được bệnh tật tai ương.
  7. Chuộc mạng phóng sinh để báo ơn gia hộ
  8. Cầu phúc tránh hoạ, ứng mộng chỉ bầy.
  9. Phân thân vô số, hiện sức thần thông cứu độ chúng sinh cho đến khi thành Phật.
  10. Trụ tâm đại từ bi, nương vào Bát Nhã Ba La Mật chứng quả Vô thượng Bồ Đề.

Hội tập bộ Bát Nhã

Tâm Kinh Bát Nhã là bộ Kinh trọng yếu của Phật giáo Đại thừa nói chung và Thiền tông nói riêng. Ngài Như Trừng nhân đọc các bản chú giải của tiền nhân mà buồn vui lẫn lộn. Mừng vì chỗ sở đắc hợp với tâm tông, buồn vì hậu học khó lòng thấu triệt cho nên Ngài đã đem sáu bản chú giải của Ngài Đại Điên, Vô Cấu, Hám Sơn, La Phù, Hoằng Minh và Tuệ Thắng hội tập biên soạn lại thành một quyển gọi là Bát Nhã hội biên, cũng như biển lớn chứa hết nước của muôn sông, chỉ uống một hớp là đủ vị của muôn dòng vậy.

Ngoài ra, Ngài còn sưu tầm các pháp số Phật học trong Tam tạng kinh điển để soạn bộ Thuỷ sám, Pháp Số Giản Yếu để giúp cho người đọc, đặc biệt người giảng kinh này được thông suốt không mất thời gian tra cứu.

Các trước thuật để lại

  1. Tịnh Quang tháp ký, soạn năm 1727 (Đinh Mùi)
  2. Cúng sư nghi, soạn năm 1726 (Bính Ngọ, niên hiệu Bảo Thái thứ 7, gồm Bài tựa, khoa cúng Tổ Chân Nguyên và Sớ cúng sinh nhật 26/9 và sớ cúng huý nhật 28/10)
  3. Cứu sinh vương Bồ tát thập đại nguyện, soạn năm 1728
  4. Ngũ giới quốc âm.
  5. Thập giới quốc âm (viết năm Bính Ngọ, ngày 15 tháng 12 niên hiệu Bảo Thái thứ 7 – 1726)
  6. Uy nghi quốc âm.
  7. Bát nhã ba la mật đa tâm kinh chú giải hội biên, soạn năm 1732
  8. Thuỷ sám tăng bổ bị giản pháp số.
  9. Tỳ ni nhật dụng lục.
  10. Chư kinh nhật tụng.

Hiện nay mới chỉ sưu tầm được những tác phẩm nêu trên.

Kết luận

Tóm lại, cuộc đời của Tổ Như Trừng Lân Giác tuy ngắn ngủi có 37 tuổi, xuất gia hành đạo 6 năm, nhưng đã để lại một di sản vô cùng lớn lao, phát triển hoằng dương dòng Thiền Lâm Tế Thăng Long hưng thịnh cho đến ngày nay. Những tác phẩm Ngài để lại vẫn còn nguyên giá trị, vẫn được Tăng Ni Phật tử ngày nay nghiên cứu học tập.

Phụ lục

Phụ lục 1: CUNG LỤC CỨU SINH TRỊNH THÁNH TỔ THỰC LỤC (1696 – 1732) Sa môn: Thích Tiến Đạt dịch

Trịnh Hòa thượng húy Như Như, Thích Trừng Trừng, hiệu Lân Giác, người ở Sóc Sơn – Vĩnh Phúc (Thanh Hóa), họ Trịnh tên húy là Thập, là con trai thứ 11 của Tham tể Tấn Quảng Vương Trịnh Bính (1670 – 1703) triều Lê. Ban đầu thân phụ ngài ban đêm mộng thấy một cụ già mặc áo xanh đưa cho một đứa trẻ, liền vui mừng nhận lấy. Mẹ ngài họ Vũ sau đó liền có thai, đủ tháng mà sinh nhằm giờ Dậu ngày mồng 5 tháng 5 năm Bính Tý, niên hiệu Chính Hòa thứ 17 (1696), trên trán nhô lên như cái sừng (nên sau có hiệu là Lân Giác) tướng mạo kỳ vĩ không ai sánh kịp. Năm lên 7 tuổi thì thân phụ qua đời, nhờ Nhân Thánh Vương nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành, dung mạo tráng vĩ, khí độ rộng lớn, giảng đọc Hiếu Kinh, càng tinh thông Kinh Thi, Kinh Dịch. Vua Hy Tông nhà Lê (1663 -–1716) nghe thấy thế đem công chúa thứ tư gả cho làm vợ.

Hòa thượng tuy thân ở nơi vinh hoa ân sủng, mà lòng chán tục tình, thường thở dài than rằng: “Một nhà no ấm ngàn nhà oán, nửa đời công danh, trăm đời tội lỗi, kiếp phù sinh được bao nhiêu năm, nghĩ đến vinh hoa không khác gì lao ngục, xem vàng ngọc như gạch ngói, nhìn lại thế gian thật giống như việc trong giấc mộng”. Do vậy mà ngài ăn chay mặc áo thô quyết chí xuất gia (đến chỗ lâu dài). Bấy giờ có Hương Hòa Thượng nghe tiếng phong nhã của ngài, rất lấy làm coi trọng, liền tặng cho một cuốn Hiếu Sinh Lục, Hòa thượng liền đọc có chỗ giác ngộ, bèn dâng lên chúa thượng (tức Trịnh Cương) cũng vì muốn chúa thượng được khai ngộ. Trong nhà tuy đầy đủ cao lương mỹ vị mà trong bếp không giết hại loài vật, trong ao thì trồng sen, gặp tuần tế lễ thì giao cho kẻ đồ tể làm thay.

Hòa thượng khi chưa xuất gia ở phường Yên Xá, khai sáng chùa Hộ Quốc, lại cho đúc tượng ngài Minh Không đứng một pho, rước về an trí tại chùa Chúc Thánh ở núi Phả Lại để phụng thờ.

Năm Bính Ngọ (1726) định xin xuất gia lên chùa Long Động núi Yên Tử, đỉnh lễ Trúc lâm Tuệ Đăng Chính Giác Hòa thượng (Chân Nguyên Hòa thượng) cầu xin tế độ. Hai Hòa thượng dùng lời hỏi đáp liền đốn ngộ, trong lòng biết đó là pháp khí, liền chọn giờ Canh Tý ngày 11 tháng 5 thụ ký cho gọi là Như Như, đem hết tám chữ mở toang, gồm cả một đóa hoa sen. Vừa thấm sữa pháp, liền biết rất ngọt. Rồi sau đó bái biệt, trở về Kinh đô Thăng Long quỳ tâu căn nguyên của việc thế phát xuất gia, Chúa thượng chưa có ý cho phép. Hòa thượng cương quyết từ biệt, bẻ đai ngọc treo mũ từ quan, tự mặc áo nâu, cạo đầu, Chúa thượng nổi cơn thịnh nộ lôi đình, lớn tiếng quát mắng, Hòa thượng vẫn một niềm vui vẻ. Bà Quốc Tể phu nhân nói rằng: “Đây là phép tu thân, chẳng những trên làm Chúa thượng giận dữ, ta cũng vì đó mà sợ hãi”. Hòa thượng thưa rằng: “Cháu bình sinh, chí nguyện ở chỗ quên mình (vì đạo) nên xem sự sống chết của thân tứ đại này như bỏ đi chiếc giày rách vậy”. Thế rồi Chúa thượng sai quan hầu đưa về bản doanh. Hòa thượng lại dâng tấu từ quân ngũ cùng sổ sách xã dân. Chúa thượng nhận tấu, lại ban cho mỗi năm xuân hạ hơn ba trăm xâu tiền, và bảy trăm bát gạo để cung cấp cho nhu yếu. Hòa thượng tự nghĩ không có công lao mà cũng được nhận bổng lộc, bèn cầu thỉnh cho phép xây chùa tại bản cung (cải cung điện làm chùa). Bấy giờ có một bông hoa sen hóa sinh ứng với điềm Tâm tông Phật Tổ, nhân đó đặt tên chùa là Liên Tông, lại gọi là Ly Trần viện. Ban đầu Ngài diễn Âm mười giới của người xuất gia để biểu thị tâm niệm dứt ác làm lành. Kế đến diễn Âm năm giới của người tại gia, làm rõ luân lý nhân nghĩa lễ trí tín. Tìm hiểu giáo pháp đều rất sâu xa tường tận.

Mùa Hạ an cư năm Mậu Thân (1728) Ngài hướng mặt về phương Tây phát mười đại nguyện cứu vớt chúng sinh, chích máu để viết, rồi tụng trì đến khi hóa độ công đức viên mãn, thật là Cứu Sinh Bồ tát. Người đương thời nghe danh của Ngài thảy đều tôn kính. Đệ tử đến cầu học ngày càng đông.

Ngài lại đến chùa Vạn Phúc, núi Phật Tích, huyện Tiên Du, nhận được dấu tích Ca Sa pháp của Tổ sư, liền dựng một am tranh phía dưới mạch núi bên chùa. Bởi am ấy tọa Phúc Đức hướng Diên Niên, đất ấy hợp với quẻ Khiêm nên gọi tên là Huy Khiêm Am. Lại đề một bài thơ đại lược nói rằng: “Ta yêu cái gì? Ta chỉ yêu thích sự khiêm cung, chỗ sâu mầu chính là am này, chính là vị này, chính là đất núi Khiêm này”.

Hòa thượng một mực lấy Kim Cương làm tâm, cho nên lưu lại nhục thân bất hoại.

Ngày Rằm tháng 2 năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức (1732) năm đầu, Hòa thượng từ chùa Phật Tích trở về, ngồi ngay ngắn xoay mặt về hướng Tây, rồi nằm nghiêng về hông bên phải mà hóa. Môn nhân đệ tử tâu lên Chúa thượng. Chúa thượng thương xót cho phép được phụng thờ. Lại được bà Thái phi đem tiền cho Từ mẫu và môn đồ của Ngài xây tháp để an trí xá lợi ở hai chùa Liên Tông và Hàm Long (chép đủ ở trong Biệt lục). Vào ngày tốt tháng Năm năm đó được Chúa thượng sắc ban cho là Cao Thiền Viên Giác Hòa Thượng.

Nay chùa Hàm Long có tháp đá, Cứu Sinh chú khắc ván lưu truyền (tục gọi là bùa trừ trùng tang) rất có linh nghiệm, xa gần đỉnh lễ dâng hương qua lại không ngớt. Công đức của Tổ như thế, dấu thiêng chẳng mờ. Nay nhân trùng tu chùa cảnh lược dẫn viết khắc vào đá để truyền lại mãi cho đời sau vậy.

Phụ lục 2: Cứu Sinh Thập Nguyện

Niên hiệu Long Đức năm thứ 2 triều Lê môn nhân đệ tử có soạn bài tựa Thực lục về Hòa thượng như sau: Hòa thượng khi sinh thời tướng mạo khác người, tâm hình khác tục. Khi trưởng thành thì thông minh vượt chúng, khí độ hơn người. Thân tuy ở phủ tía vinh hoa, tâm buộc ở cảnh Ba La Mật. Nhân đó biến Bản Doanh làm Phạm Vũ, gọi là Ly Trần. Được Tổ Sư thụ ký ở chùa Long Động. Tổ truyền tâm ấn Bát nhã, đem hết Tám chữ mở toang, lại cho một đóa Hoa Sen, ngài nhận được tâm tông yếu chỉ, đốn ngộ tu hành, phát tâm Vô thượng Bồ Đề, cầu đạo Bồ Đề Vô thượng. Tinh thông tam giáo cửu lưu, thâu suốt lục thông tứ trí. Nguyện sâu như bể, muôn kiếp chẳng nghĩ bàn. Độ lượng lớn như núi, mãi mãi không ngăn ngại. Diễn âm năm giới cho người đời để biểu thị năm lẽ luân thường. Giải mười giới cho người xuất gia để nêu cao mười điều thiện. Thương xót chúng sinh nơi đường khổ, tu mười nguyện công tròn. Mở bày cửa pháp phương tiện, trải sáu năm quả mãn.

Đệ tử: Tỷ Khiêu Tính Ngạn, Tỷ Khiêu Tính Tuyêền, Tỷ Khiêu Tính Uyên, Tỷ Khiêu Tính Hoạt, Tỷ Khiêu Tính Khích, Tỷ Khiêu Tính Ngu, Tỷ Khiêu Tính Kiêu, Tỷ Khiêu Tính Lục, Viên Dung Hòa thượng Tính Dược Thiền Sư, Tỷ Khiêu Tính Nhai, Tỷ Khiêu Tính Hoằng, Tỷ Khiêu Tính Chúc Thiền Sư đồng soạn.

Cung kính chép lại ngày 15/9 năm Tân Dậu, năm Khải Định thứ 6.

CỨU SINH THẬP NGUYỆN

Bấy giờ Như Như chích máu chí thành, hướng về phương Tây bạch rằng:

Sa Bà Giáo Chủ, Thiết Hóa Độ Sinh, Thiên Bách Ức Hóa Thân Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tây Phương Giáo Chủ, Tịnh Độ Giáo Hoàng, Hoằng Nguyện Độ Sinh, Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
Mười Phương Tận Hư Không Khắp Pháp Giới Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai Hết Thảy Chư Phật Vô Thượng Tôn.
Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát
Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát
Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát
Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát.

Ngửa mong dủ mắt Chính giác, mở cửa Bản nguyện, rộng tâm Đại Bi, nhiếp hóa đệ tử, khiến Như Như chỗ phát nguyện này, đều được quả mãn, rốt ráo thành tựu, chính đẳng Bồ Đề:

– Thứ nhất con nguyện: Tu trì hạnh mãn, Hóa độ công tròn, được người trao truyền đèn pháp nối mãi, cầm đuốc tuệ lớn, đốt cờ tà kiến, Tông phong truyền xa, hưng long đạo Tổ, mười phương cõi Phật hẳn đã trang nghiêm, sáu nẻo hữu tình thảy đều lợi ích. Viên mãn nguyện này mới chứng Vô Vi (Niết Bàn).

– Thứ hai con nguyện: Tu trì hạnh mãn, Hóa độ công tròn, khéo vào Niết Bàn, pháp thân thanh tịnh, nhổ các gốc khổ, lấp các nguồn ác, dứt dòng sinh tử xoay vần, vào biển trí tuệ rộng lớn, trong ao bẩy báu hóa sinh trong hoa sen, thấy Phật A Di Đà thân sắc vàng ròng, được Phật A Di Đà thụ ký pháp Vô Sinh Nhẫn, được tám món tự tại, đủ sáu pháp thần thông, rõ ràng thân con thanh tịnh chứng quả thường lạc, sau đó không bỏ chúng sinh, trở lại độ chúng hữu tình, ứng thân làm Cứu Sinh Bồ tát, khéo hiểu được ngôn ngữ phương tục của chúng sinh. Phàm các thiện tín ở cõi nước mười phương, đều vâng theo sự chỉ dậy. Khi chuộc mạng để phóng sinh, con liền phân thân đến tận chỗ đó đặc biệt vì chúng sinh quy y Tam Bảo, sám trừ nghiệp chướng, diễn nói pháp màu khiến chúng sinh kia được chỗ yên ổn, hết thân xấu xí này, liền được thân người, tương lai cùng vào Bồ Đề, cùng viên thành chủng trí. Viên mãn nguyện này mới chứng Vô Vi.

– Thứ ba con nguyện: Tu trì hạnh mãn, Hóa độ công tròn, vào nhà Như Lai, hành Bồ tát đạo, ở nơi tháp miếu của con, an trí bình Quân Trì, đời đời nối tiếp nhau rót nước trong sạch, phàm là cõi này phương khác, hết thảy hữu tình, trong thân bốn đại không điều hòa, đến nỗi sinh ra bệnh khổ, lục thân quyến thuộc, đến trước tháp con, nhờ tín hương kia, thay bầy tâm sự, xin nước pháp của con, một chút đem về, nấu cơm nấu thuốc, cho người bệnh uống ăn; trừ kẻ bất tín và người mạng hết, còn các bệnh khổ khác thảy đều cảm ứng liền được yên ổn. Khiến hữu tình kia sinh lòng tin trong sạch. Viên mãn nguyện này rồi mới chứng Vô Vi.

– Thứ tư con nguyện: Tu trì hạnh mãn, Hóa độ công tròn, vào nhà Như Lai, hành Bồ tát đạo, phàm hết thảy hữu tình ở cõi này phương khác, trong bị ác quỷ nắm giữ, ma oan xâm nhiễm, dời giường thổi lửa, dòm nhà kêu xà, cho đến chim thú rắn trùng, hiện điềm quái dị, ác mộng tướng xấu, các thứ không tốt lành. Mà hữu tình kia đến trước tháp miếu của con, thỉnh xin nước pháp của con và lấy nhành dương, được rồi đem về, hướng đến chỗ xấu ác đó, lớn tiếng quát nạt mà chú nguyện rằng:

Nước Đại thừa này
Nhánh từ Tào Khê
Tròn sạch nhất chân
Quét sạch uế khí.

Hoặc chú 7 biến, hoặc chú 21 biến, vừa chú nguyện vừa vẩy nước. Chú nguyện xong rồi, nước pháp còn lại, rửa vào chỗ đầu cành dương chi kia, gài lên mái nhà, phàm có chỗ đau thảy đều đoạn trừ, khiến hữu tình kia sinh lòng tin trong sạch. Mãn nguyện này rồi, mới chứng Vô Vi.

– Thứ năm con nguyện: Tu trì hạnh mãn, Hóa độ công tròn, vào nhà Như Lai, hành Bồ Tát đạo, phàm hết thảy hữu tình ở cõi này phương khác, sinh lòng tin chân thật quy y Tam Bảo, ở chỗ thanh tịnh, thiết lập tòa cao, thờ phụng cúng dàng, ở giữa để một bình Quân Trì nhỏ, đựng đầy nước trong sạch, hoặc nước mưa hứng giữa trời, sớm tối thắp hương, trì tụng kinh Kim Cương, hoặc tụng kinh Viên Giác, hoặc tụng Tâm Kinh Bát Nhã, và tụng mười đại nguyện của con hàng ngày lấy làm thường khóa. Mà hữu tình này, thường gặp yêu tinh lệ quỷ, quỷ thần bất chính, hoặc máu thịt nội thương, phong hàn ngoại cảm, đến nỗi sinh ra bệnh hoạn, khổ sở, sợ hãi. Các hữu tình ấy, hoặc các tín thuộc đốt hương tín lễ, hướng vào bình Quân Trì, xưng danh hiệu con một trăm tám lượt, sau đó chú nguyện rằng:

Nước trí Như Như
Biển pháp lắng trong
Thiên Hoàng chảy xuống
Trong Thái Cực sinh
Ứng chân soi vật
Theo vật hiện hình
Mênh mang tự tại
Sáng sạch linh thông
Đủ tám công đức
Ra từ Bình Vàng.

Chú đủ 7 biến, lấy bát sạch để dưới, nghiêng đổ nước pháp trong bình quân trì ra, không kể nhiều ít. Nếu trị quỷ phá, mà không có cành dương chi, cho phép lấy cành đào, vừa chú vừa vẩy như nói trong nguyện thứ tư ở trên. Nếu trị bệnh tật thì dùng nước ấy nấu cơm, sắc thuốc như nguyện thứ ba đã nói ở trên, trừ kẻ bất tín và người mệnh đã hết, các bệnh tật khác thảy đều cảm ứng lập tức yên vui. Khiến hữu tình kia sinh lòng tin trong sạch, mãn nguyện này rồi, mới chứng Vô Vi.

– Thứ sáu con nguyện: Tu trì hạnh mãn, Hóa độ công tròn, vào nhà Như Lai, hành Bồ tát đạo, phàm hết thảy hữu tình ở cõi này phương khác, hoặc khí huyết không điều hòa, hoặc quỷ thần nhiễu hại, mà hữu tình kia trong nhà không có thờ Phật, hướng đến tháp miếu của con, đường đi cách trở xa xôi, chẳng tiện đến thắp hương, khó xin được nước pháp. Nhưng hữu tình kia nghe được đại nguyện của con, sinh lòng tin chân thật, thì ở trong nhà mình, bầy tòa thanh tịnh, đem tâm hướng về con, hoặc tụng bản nguyện của con, hoặc xướng danh hiệu con, chỗ bị bệnh trầm kha, liền được khỏe mạnh, mãn nguyện này rồi, mới chứng Vô Vi.

– Thứ bảy con nguyện: Tu trì hạnh mãn, Hóa độ công tròn, vào nhà Như Lai, hành Bồ tát đạo. Nếu các hữu tình lễ cầu tiêu tai bảo vệ điều phúc, hoàn nguyện thú tội, hoặc trong nhà thiết lập hương án, hoặc đến trước tháp miếu con, phàm có cúng dàng cho con, ắt phải chuộc mạng phóng sinh, y theo lời nguyện của con mới có sự báo ứng. Nếu có ai muốn phúc báo về sau, cho phép mua phóng sinh vô lượng chúng sinh, miệng niệm danh hiệu con, tay mở lồng cũi. Trừ dê, lợn, ngan, vịt, gà, những loài quyết định chết do sát nghiệp, các loài còn lại hết thảy đều cho phép phóng sinh. Nếu trái lời con, nhất định không có linh nghiệm. Mãn nguyện này rồi, mới chứng Vô Vi.

– Thứ tám con nguyện: Tu trì hạnh mãn, Hóa độ công tròn, vào nhà Như Lai, hành Bồ tát đạo, phàm hết thảy hữu tình ở cõi này phương khác, muốn biết được tai họa lúc nó sắp tới, muốn dự biết phúc tốt khi nó chưa hình thành, gặp nguy khốn mà muốn chỉ cho con đường sống, lúc bệnh trầm kha mà muốn trao cho phương thuốc bất tử. Các hữu tình ấy, nên tắm gội giặt dũ y phục, giữ trai giới trong sạch, hoặc đến trước tháp miếu của con, hoặc ở riêng trong tịnh thất, xưng niệm danh hiệu con, cầu cảm ứng trong mộng, con liền ứng theo chỗ ước nguyện ấy gá vào trong lúc ngủ, hoặc hiện hình nghi của Bồ tát, hoặc hiện pháp tướng Sa môn, giải nói rõ ràng, hiển bày uy thần khiến hữu tình kia sinh lòng tin trong sạch. Mãn nguyện này rồi, mới chứng Vô Vi.

– Thứ chín con nguyện: Tu trì hạnh mãn, Hóa độ công tròn, vào nhà Như Lai, hành Bồ tát đạo, đi đến vô số thế giới, tiếp nhận vô số Phật pháp, tự tại biến hiện thân hình, phát ra âm thanh rộng lớn biến khắp, trong khoảng sát na thâm nhập vô lượng môn Tam muội, hiển bày vô biên sức thần thông, tùy căn cơ cứu vớt chúng sinh, ứng theo tâm niệm mà cứu người. Người nguy khiến cho an, người chết khiến cho sống. Phàm việc lợi ích, không việc gì không làm, trải muôn kiếp về sau thường không thoái chuyển, mệt mỏi. Mãn nguyện này rồi, mới chứng Vô Vi.

– Thứ mười con nguyện: Tu trì hạnh mãn, Hóa độ công tròn, vào nhà Như Lai, hành Bồ tát đạo, bước lên địa vị không thoái, chuyển vô tận pháp luân, trụ tâm đại từ bi, có sức đại kiên cố, đi khắp pháp giới, độ khắp quần sinh, y vào Bát Nhã Ba La Mật Đa, chứng được Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác, trăm báu trang nghiêm, ba thân viên mãn, thường trụ tại nơi chân thường an lạc tự tại thanh tịnh, tiêu giao ở quê hương không sinh, không già, không bệnh, không chết, qua lại tự do, đi về không ngại.

Kính nguyện: Đức Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đức Đạo Sư A Di Đà Như Lai, mười phương ba đời đấng Vô Thượng Tôn, bốn vị Bồ Tát Đại Trí, Đại Hạnh, Đại Bi, Đại Lực và mười phương cõi nước Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát, cùng đưa tay dắt dìu, bình đẳng trao cho pháp duyên, dùng sức đại từ bi xót thương tiếp nhận. Đại từ đại bi thương xót hộ niệm khiến cho Như Như con được như sở nguyện, độ thoát chúng sinh, cứu kính viên thành, mãn nguyện Bồ Đề.

Phụ lục 3: Đối thoại thiền nhân dịp lần đầu gặp tổ Chân Nguyên

Một hôm, Sư dâng sớ xin xả tục xuất gia, được nhà vua chấp thuận. Ngày ấy, Sư đi thẳng đến huyện Đông Triều lên chùa Long Động trên núi Yên Tử đảnh lễ Thiền sư Chân Nguyên Chánh Giác xuất gia. 

Chánh Giác bảo: “Duyên xưa gặp gỡ, vì sao đến chậm vậy?”
Sư thưa: “Thầy trò hội hiệp thời tiết đến thì gặp”.
Chánh Giác bảo: “Trùng hưng Phật Tổ sau này là trông cậy ở ngươi”.

Từ đây, Sư ngày đêm nghiên cứu Tam tạng đều được thấu suốt.

Phụ lục 4: Kệ viên tịch

Năm 37 tuổi, bỗng một hôm Sư bảo đại chúng rằng: Giờ quy tịch ta sắp đến. Ta được pháp nơi Hòa thượng Chân Nguyên, sẽ trao lại cho các ngươi, hãy nghe kệ đây:

Vốn từ không gốc
Từ không mà đến
Lại từ không mà đi
Ta vốn không đến đi
Tử sanh làm gì lụy.

(Bản tùng vô bản
Tùng vô vi lai
Hoàn tùng vô vi khứ
Ngã bản vô lai khứ
Tử sanh hà tằng lụy.)

(本從無本,
從無爲來。
還從無爲去,
我本無來去。
死生何曾纍。)

Sư lại bảo: Thân khổ tứ đại này đâu thể giữ lâu.

Nói xong, Sư ngồi an nhiên thị tịch, thọ 37 tuổi. Năm ấy nhằm niên hiệu Long Đức thứ hai (1733).

Khi ngài viên tịch, các đệ tử sơn môn cũng cho dựng toà tháp Cứu Sinh bằng đá xanh ở đây. Quy mô và kích cỡ ở tháp Cứu Sinh tại chùa Hàm Long cũng rất lớn, so với các toà tháp bằng đá thì tháp Cứu Sinh này chỉ chịu xếp sau tháp Tôn Đức ở chùa Bút Tháp huyện Thuận Thành, Bắc Ninh mà thôi. Ngoài chùa Liên Pháichùa Hàm Long ra, Tổ Như Trừng còn khai hoá chùa Hộ Quốc, nay thuộc phường Thanh Lương quận Hai Bà Trưng. Hiện trong khu nhà tổ của chùa Liên Phái còn tạc tượng Tổ Cứu Sinh. Trên Tam bảo và trong nhà Tổ còn có một số câu đối ghi lại sự tích Tổ Như Trừng xây chùa thờ Phật.

Tham khảo

  • Tham luận Tổ Như Trừng Lân Giác và di sản để lại – Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Hội thảo Tổ Như Trừng Lân Giác và sơn môn Liên Phái trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, 2023
  • Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 2) – Nguyễn Lang – Nhà xuất bản Văn Học, 1992.
  • Thiền uyển tập anh – Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học – Nhà xuất bản Văn học, 1990
  • Thiền sư Việt Nam – Thích Thanh Từ, DL 1999 – PL 2543
5/5 (2 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Tổ Như Trừng Lân Giác (2)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)