Thân thế
Minh Lương thiền sư 明良禪師 không rõ năm sinh năm mất, là thế hệ thứ 35 tông Lâm Tế Đằng Ngoài (Việt Nam). Ông là đệ tử của Hòa thượng Viên Văn Chuyết Chuyết, đệ tử của ông nhiều người biết đến nhất là Hòa thượng Chân Nguyên Tuệ Đăng.
Cơ duyên và hành đạo
Sư ở núi Phù Lãng, nghe Hòa thượng Chuyết Công từ Trung Hoa sang, bác thông kinh sử, thấu triệt Tâm tông, nên Sư tìm đến tham vấn.
Sư hỏi: Khi sanh tử đến phải làm sao trốn tránh?
Chuyết Công đáp: Chọn lấy nơi không sanh tử trốn tránh.
Sư hỏi: Thế nào là nơi không sanh tử?
Chuyết Công đáp: Ở trong sanh tử nhận lấy mới được.
Nghe nói thế Sư vẫn chưa ngộ.
Chuyết Công bảo: Hãy lui đi, đợi chiều sẽ đến.
Sư giữ đúng hẹn, chiều lại vào phương trượng.
Chuyết Công bảo: Đợi sáng mai chúng sẽ vì ngươi minh chứng.
Sư bỗng nhiên tỉnh ngộ, sụp xuống lạy. Chuyết Công hứa khả và truyền tâm ấn cho.
Sau khi đắc pháp, Sư trở về trụ trì chùa Vĩnh Phúc núi Côn Cương ở Phù Lãng để truyền bá chánh pháp.
Viên tịch
Đến khi sắp tịch, Sư truyền pháp cho Thiền sư Chân Nguyên, nói kệ rằng:
Ngọc quý ẩn trong đá
Hoa sen mọc từ bùn
Nên biết chỗ sanh tử
Ngộ vốn thật Bồ-đề.
美玉藏頑石,
蓮花出淤泥。
須知生死處,
悟是即菩提
(Mỹ ngọc tàng ngoan thạch
Liên hoa xuất ứ nê
Tu tri sanh tử xứ
Ngộ thị tức Bồ-đề.)
Trao kệ xong, Sư bảo đệ tử: “Nay ta trở về.” Nói dứt lời, Sư thị tịch. Đệ tử xây tháp ở núi Phù Lãng thờ Sư.
Sau khi được tâm ấn từ thiền sư Minh Lương, Chân Nguyên thụ giới Tì kheo. Một năm sau, Chân Nguyên lập đàn thỉnh ba đức Phật (Phật Thích ca, Di đà, Di lặc) chứng đàn, thụ giới Bồ tát và đốt hai ngón tay nguyện hành hạnh Bồ tát.
Về sau, Chân Nguyên lại được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, là hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm.
Tham khảo
- Sách “Thiền uyển tập anh”, Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học, năm 1990
- Sách “Thiền sư Việt Nam”, Thích Thanh Từ, DL 1999 – PL 2543
- https://www.phattuvietnam.net/huyen-thoai-ve-vi-thien-su-viet-lung-danh-the-ky-17