Chùa Mễ Trì Thượng (Thiên Trúc Tự – Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Chùa Mễ Trì Thượng (Thiên Trúc Tự – Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Chùa Mễ Trì Thượng còn được gọi là chùa Tổ Quạ. Tên chữ là Thiên Trúc Tự. Một ngôi chùa nằm giữa lòng thủ đô, tọa lạc tại phố Mễ Trì Thượng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Lược sử


Chùa Mễ Trì Thượng được xây từ cuối thời Lê Sơ đến đầu thời nhà Lê Mạt. Tương truyền có một vị sư pháp danh Quang Lộ Thích Đường, đi qua đây thấy thế đất vùng Mễ Trì đẹp nên xin làng cho lập chùa. Được nhân dân ủng hộ, nhà sư đã tổ chức xây dựng và đặt tên chùa là Thiên Trúc Tự. Bản thân sư Quang Lộ Thích Đường được nhận về làm trụ trì ở đây, ngài vốn tu theo thiền phái Tào Động, dân gian quen gọi là sư Tổ Quạ. Từ đấy cái tên chùa Tổ Quả ra đời.

Nói đến cái tên Mễ Trì ta phải quay ngược thời gian trở về thời Lý, ven bờ đầm trước cổng làng có gò đất trông như con rùa đang bò từ dưới nước lên cạn, thế phong thủy phát đạt. Gò đất này được gọi là Quy Sơn (Núi Rùa). Nơi đây lại có giống gạo tám thơm ngon được chọn để tiến vua, cho nên vua đã đặt tên là làng Mễ Trì (Ao Gạo). Đến đầu thời Nguyễn, Mễ Trì được chia làm hai thôn Thượng và Hạ, thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.

Trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa đã bị hao tổn, xuống cấp, phải trải qua nhiều lần trùng tu, xây dựng mở rộng. Sau một cuộc đại trùng tu năm 2014, đến  giữa năm 2015 phần lớn các công trình chủ yếu đã gần như hoàn thành, chỉ còn vườn tháp mộ và giảng đường đang hoàn thiện. Ngoài cổng tam quan đồ sộ xây hoàn toàn mới, bên cạnh đó những hạng mục khác như nguyệt hồ, phương đình, tam bảo, nhà Tổ và nhà Mẫu đều được tôn tạo và nâng cấp khang trang hơn. Tuy nhiên, các cổ thụ cũng như kiến trúc cơ bản trước kia vẫn được bảo toàn.

Ngày 22-04-1992, chùa Mễ Trì Thượng được Bộ văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc


Ngôi chùa có lối kiên trúc đẹp, khi mới được xây dựng mang đặc điểm thời Lê – Mạc. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo ngày nay mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời nhà Nguyễn với khuôn viên khá rộng rãi có rất nhiều cây cổ thụ và cây cảnh.

Tổng quan chùa có các khu như tam quan, tòa tiền đường, thượng điện, tích thiện am, nhà chung, phủ thờ, hậu đường, sau đó là tháp mộ, giếng tròn, miếu thờ, hai hành lang chạy dọc hai bên sân sau và khu hậu đường. Hành lang 7 gian, kiểu ”đầu hồi bít đốc”, ”vì kèo quá giang”. Ngoài ra, chùa còn có nhà Tổ và nhà Mẫu, gian nhà lá nơi trụ trì giảng dạy Kinh Phật, tháp mộ sư. Chùa xây dụng nhiều khu, tất cả quây lại thành hình chữ quốc, theo lối kiến trúc ”Nội công, ngoại quốc”. Các mảng kiến trúc gỗ của chùa trang trí rất đơn giản, chủ yếu được bào trơn và đóng bén.

Trước kia, chùa tuy không đồ sộ nhưng về tổng thể lại rất hài hòa với cảnh quan bao gồm ao đầm, lũy tre và đồng ruộng xung quanh. Ngày nay, theo thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa, cảnh xưa cũng không còn mà bị thay thế bằng khu dân cư, tòa nhà và đại lộ.

Tam quan

Tòa tam quan có 3 cửa, cao 1 tầng. Sau tam quan ngoại có tam quan nội. Tam quan nội gồm có 2 tầng, 8 mái trụ trên, 16 cột đá làm trụ đỡ tầng mái và xung quanh là hồ nước nhỏ thả cá, đi lên tam quan bằng một cây cầu nhỏ bằng đá.

Chùa Cả

Chùa Cả hay còn gọi là Tam bảo, có 3 tòa tiền đường, thiêu hương, thượng điện gắn với nhau theo kiểu chữ công tạo thành một không gian nội thất chung. Trong kiến trúc của tiền đường và thượng điện chủ yếu là bào trơn, chỉ phần tiếp giáp 2 tòa là có 2 bức cốn chạm tứ linh.

Trong tiền đường, các pho tượng được đặt thành 3 hàng, thờ các tượng Bộ Tam Thế, hệ thống tượng Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo, 8 pho tượng tổ, tượng Quan Âm Tống Tử, tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt được đúc bằng đồng.

Trong thượng điện được bài trí 5 lớp tượng mang đặc trưng của Phật giáo Đại thừa Bắc tông

Nhà Tổ

Nhà Tổ có 11 gian và 8 hàng cột ở trước hiên đỡ mái. Nhà Tổ thờ 9 pho tượng tổ, 3 pho tượng Hậu Khai Sáng Tổ Sư và 3 pho tượng Tiền Khai Sáng Tổ Sư.

Nhà Mẫu

Nhà Mẫu có 7 gian, đặt rất nhiều pho tượng được trang trí tinh xảo. Trang trí trên diềm áo tượng có nhiều nét gần gũi với phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII.

Di vật


Hiện nay chùa có 33 pho tượng Phật, 8 pho tượng Tổ và 5 bức tượng Mẫu. Các tượng Phật được tạo tác với dáng vẻ và đường nét thanh thoát, đáng chú ý là ba pho tượng Tam Thế và bộ Di Đà Tam Tôn. Chỉ một số ít pho tượng cổ xuất thân từ cuối thời Lê thuộc thế kỷ XVIII, còn lại đa phần các bức tượng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Bên cạnh những pho tượng, chùa Mễ Trì Thượng còn lưu giữ một quả chuông cổ đúc năm 1830, vào đời vua Minh Mạng và một đỉnh hương khoảng đầu thời Nguyễn.

Chùa còn có 2 bia đá thời vua Duy Tân đầu thế kỷ XX và một số đồ thờ bằng gỗ như nhang án, 4 bộ cửa võng, 8 bức hoành phi, 12 câu đối.  Mới đây ở bên hữu của sân tiền đường có dựng thêm một tượng đài Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá đứng nhìn ra nguyệt hồ.

Tham khảo


  • https://www.slideshare.net/trongthuy2/luan-van-nghien-cuu-nghe-thuat-kien-truc-chua-me-tri-thuong-hay
  • http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/2017/10/07/chua-me-tri-thuong/
  • http://360.hncity.org/spip.php?article248
5/5 (1 bình chọn)

Nhân vật

Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)