Chùa Nhân Trai (Phúc Linh tự – Kiến Thụy, Hải Phòng)

Chùa Nhân Trai (Phúc Linh tự – Kiến Thụy, Hải Phòng)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Chùa Nhân Trai, tên cũ Nhân Thọ Cung tọa lạc trên bãi đất bồi của lưu vực sông Văn Úc, thuộc thôn Nhân Trai (còn gọi là hương Cổ Trai), xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, chỉ cách khu tưởng niệm Vương triều Mạc ở xã Ngũ Đoan vài trăm mét. Chùa có tên chữ Phúc Linh tự, thuộc hệ phái Bắc tông. 

Lịch sử và nhân vật

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định, Phúc Linh tự đến nay đã gần 600 tuổi. Cuốn Chùa cổ Hải Phòng, tập 1 có trích đoạn về nguồn gốc chùa Nhân Trai:

Theo sử sách ghi chép lại: “Công chúa Lý Nam Khang, con vua Lý Nhân Tông trong khi đi kỉnh lý qua vùng này đã dừng chân nghỉ ngơi, nhận thấy dải đất có hình thể đẹp, bà đã cho dựng một am nhỏ lợp bằng cói lác quay về hướng Tây Bắc. Sau đó Thái tử Sam lên ngôi, hiệu là Lý Cao Tông đã xây dựng ngôi am này thành một ngôi chùa nhỏ thờ Phật cho dân ven biển đến lễ bái cầu an, cho gió yên biển lặng”.

Vào cuối năm Tân Sửu 1541 niên hiệu Quảng Hòa, vua Mạc Phúc Hải đã cho trùng tu ngôi chùa này to đẹp hơn, chùa quay hướng Đông Nam nhìn ra biển, đồng thời dựng tượng vua Mạc Thái Tổ cùng 4 tượng đứng chầu vua: Bên hữu đứng đầu là Mạc Đăng Doanh rồi đến Mạc Ngọc Di sắc phong Tú Hoa công chúa, hàng bên tả đứng đầu là Mạc Ngọc sắc phong là Trạng Hoa công chúa, thứ đến là Mạc Huệ sắc phong là Khánh Diêm công chúa.

Bên cạnh đó còn có tượng bà Vũ Thị Ngọc Toàn là vợ của vua Mạc Đăng Dung. Trước kia tượng Bà được đặt sau hậu chùa nhìn về hướng Tây Bắc nơi sinh ra bà ở làng Trà Phương.

Theo tấm bia chữ Hán “Sáng lập minh bi” còn lưu giữ tại chùa cho thấy: Nhất hậu chủ Mạc Đôn Nhượng, tự là Huyền Đức đã đứng ra hưng công tu tạo ngôi chùa Nhân Trai vào năm Kí Mão (1579). ứng vương Mạc Đôn Nhượng – người có công tu tạo chùa là con thứ 7 của vua Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) lên ngôi trị vì từ năm 1530- 1540. 

Chùa Nhân Trai tiếp tục được sửa chữa lại vào đời vua Gia Long 1809, ghi ở xà cửa nhà Tam Bảo, đời Thiệu Trị lục niên 1846 ghi ở đầu bia, đời Thành Thái 1893 ghi ở rường đầu, đời Duy Tân 1910 ghi ở nóc chùa, vào năm Bảo Đại 1934. 

Những năm 1996 – 1998, do bị xuống cấp nặng nề, nhân dân đã quyên góp tiền bạc, sức người vào tu bổ lại chùa.

Sư trụ trì qua các thời kỳ gồm:

  • Thích Tâm Hài mất năm Bính Thân (1776)
  • Thích Tâm Thỉnh mất năm 1781
  • Thích Tâm Chuyên mất năm 1947
  • Dương Thị Cốt mất năm 1956
  • Thích Tâm Ngôn mất năm 1960

Kiến trúc cảnh quan 

Từ xa nhìn lại, chùa Nhân Trai tọa lạc ở khu đất rộng, cách xa khu dân cư, chung quanh là cánh đồng lúa. Chùa đắm trong không khí mát mẻ, tĩnh mịch, cổ kính. Chung quanh chùa, nhiều cây xanh tỏa bóng mát…

Phật điện được bố cục hình chữ đinh, gồm tiền đường 3 gian, chuôi vồ 3 gian. Đây là kiến trúc chùa cổ xưa. Kết cấu nóc mái là khung giá chiêng lớn đứng vững trên bề mặt thân, xà nóc, dui, hoành. Phần chuôi vồ được kết cấu theo các mảng cốn nóc, nối hai đầu cột cái. Từ cột cái với cột quân liên kết qua hệ thống kẻ nách tạo thành nối đi hai bên.

Nơi giáp mối giữa 3 gian bái đường và phần chuôi là sự liên kết giữa hệ thống kẻ góc, kẻ trái và dui gỗ ken dày tạo nên bề dày, độ chắc chắn của công trình. Bên cạnh đó, yếu tố tạo độ bền vững, tính thẩm mỹ của ngôi chùa là bộ khung gỗ gồm: cột cái có đường kính 0,53 m, cột quân có đường kính 0,3m được làm bằng gỗ tứ thiết. Hệ thống xà thượng, xà hạ qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc ban đầu.

Nhà thờ tổ của chùa ở cạnh gian tam bảo, ngăn cách bằng khoảng sân rộng. Nhà thờ tổ có 5 gian hình chữ nhất, là nơi thờ 3 vị sư từng trụ trì tại chùa, 3 cỗ ngai án và bài vị thờ thành hoàng làng được địa phương quy tập về thờ ở đây. Trong vườn chùa còn có tháp, nơi yên nghỉ của các vị sư trụ trì chùa.

Hiện vật

Sau biến cố năm 1592, chùa đã bị phá nát, hiện chỉ còn: tượng đá xanh, 6 thành bậc đá đặt trước nền chùa cũ, gồm 2 thành bậc hình rồng và 4 thành bậc chạm mây xoắn mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVI. Thành bậc rồng dài 152cm, cao 65cm, bệ cao 45cm. Thành bậc chạm mây dài 138cm, cao 50cm (cả bệ). Rồng chạm theo lối cuộn khúc, đầu ngẩng cao với cặp sừng to, mũi sư tử, râu cằm dài, một chân trước bên phải đang nắm lấy râu.

Trong chùa còn hệ thống tượng cổ phong phú, trong đó nhiều tượng  được các nhà khoa học khẳng định có từ thời Mạc. Tượng Phật gồm tượng Tam Thế được bài trí ở vị trí cao nhất thể hiện cho Đức Phật ở 3 thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Pho tượng A Di Đà ở vị trí trung tâm Phật điện, kích thước là 125cm x 50cm x 87cm, được tạc trong tư thế khoanh chân kiết già, lộ bàn chân phải, hai lòng bàn tay đan vào nhau chắp khum trước bụng. Các bệ tượng bằng gỗ được trang trí các viền, bệ hoa dây viền kép, gạch, chấm,cúc mãn khai… biểu tượng cầu mưa cho mùa màng tươi tốt. 

Các pho tượng còn lại trên Phật điện gồm Quán Âm Niêm Hoa, Quán Âm Nam Hải, Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, tượng Tam tòa Thánh Mẫu, tượng Đức Ông. Tượng Vương gồm có 1 pho bằng đá, được đặt ở gian trái toà tiền đường. 

Đáng chú ý có pho tượng được tạc ngồi trên ngai. Đầu tượng đội mũ bình thiên, vành mũ hình tròn, đỉnh mũ hình vuông, phía trước có chạm chữ Vương, áo choàng rộng, có nhiều chi tiết trang trí rồng và hoa sen. Bốn pho tượng đá còn lại đứng chầu, trên nền chùa có 3 pho tượng nữ và 1 pho tượng nam mặc áo cổ tròn.

Xếp hạng

Chùa Nhân Trai được xếp hạng là Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp thành phố.

Tham khảo

  1. Thích Thanh Giác (2017), Chùa cổ Hải Phòng, tập 1, Nxb Hải Phòng.
  2. Thành đoàn Hải Phòng, Chùa Trúc Am, xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, Website Đoàn Thanh niên cộng sản TP Hải Phòng, số ra ngày 07/05/2023.
5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)