Vị trí địa lý và tên gọi
Chùa Phật Tích, tên chữ là Vạn Phúc tự (Vạn Phúc tự 萬福寺) , nằm ở sườn núi Tiên Du, còn gọi là núi Lạn Kha, thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 37, mặt khắc 10 có ghi chép: “Phật Tích: Tên núi ở địa phận huyện Tiên Du, trên núi có ngôi chùa”. Chùa Phật Tích được xếp hạng Di tích Lịch sử- Văn hóa tại Quyết định số 313/VH-VP, ngày 28 tháng 4 năm 1962 của Bộ Văn hóa và được Thủ tướng chính phủ ký và xếp hạng 62 Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam
Lược sử
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Thái Bình thứ Tư (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc. Nhưng theo “Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh” và truyền thuyết dân gian thì có thể chùa Phật Tích có từ cuối thế kỷ thứ III.
Trong suốt nhiều niên đại của triều Lý – Trần, chùa Phật Tích đều được coi là Quốc tự – Trung tâm Văn hóa Phật Giáo của Đại Việt.
Vào thời nhà Lê, năm Chính Hòa thứ bảy đời vua Lê Hy Tông, năm 1686, chùa được xây dựng lại với quy mô rất lớn, có giá trị nghệ thuật cao và đổi tên là Vạn Phúc tự. Người có công trong việc xây dựng này là Bà Chúa Trần Ngọc Am – đệ nhất cung tần của Chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, khi Bà đã rời phủ Chúa về tu ở chùa này. Đời vua Lê Hiển Tông (1740-1786), một đại yến hội đã được mở ở đây.
Trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp, Chùa Phật Tích đã bị quân Pháp đốt cháy hoàn toàn vào năm 1947, thời điểm đó chùa tồn tại được gần 300 năm.
Theo tài liệu của trường Viễn đông bác cổ Pháp để lại thì khoảng trước năm 1945, kiến trúc sư nổi tiếng của Pháp là Louis Bezacier đã tiến hành trùng tu ngôi chùa Phật tích. Trước khi trùng tu, theo yêu cầu của viện Viễn đông bác cổ, ông đã tiến hành khai quật nền chùa, đã phát hiện ra nền của ngôi tháp thời Lý còn nằm nguyên vẹn dưới lòng chùa, cùng rất nhiều di vật tiêu biểu cho nghệ thuật xây dựng chùa Phật Tích, cũng là nghệ thuật xây dựng đặc sắc thời Lý.
Khi hòa bình lập lại (1954) đến nay, chùa Phật Tích được khôi phục dần. Năm 1959, Bộ Văn hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng A Di Đà bằng đá quý giá
Kiến trúc
Khu thờ chính
Khu thờ chính gồm 7 gian tiền đường dùng để đón tiếp khách, 5 gian bảo thờ Phật, đức A Di Đà và các vị Tam Thế Phật, 8 gian thờ Tổ và 7 gian thờ Thánh Mẫu. Bên phải là miếu thờ để ghi nhận công lao trùng tu và phục dựng chùa của bà Trần Thị Ngọc Am – đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng tu ở chùa này. Bà chẳng những có công lớn trùng tu chùa mà còn bỏ tiền cùng dân 13 thôn dựng đình. Bên trái chùa chính là nhà tổ đệ nhất thờ Chuyết Chuyết Lý Thiên Tộ. Ông mất tại đây năm 1644 thọ 55 tuổi; hiện nay chùa còn giữ được pho tượng của Chuyết Công đã kết hỏa lúc đang ngồi thiền.
Khu thờ mang đậm nét kiến trúc Phật Giáo của thời nhà Lý với thiết kế “nội công ngoại quốc”, mái chùa cong chạm khắc hình mây, hình chạm khắc nổi bật là rồng và hoa sen,…
Ba cấp nền chùa
Ngôi chùa có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi. Các nền hình chữ nhật dài khoảng 60m, rộng khoảng 33m, mặt ngoài bố trí các tảng đá hình khối hộp chữ nhật.
Theo tương truyền, bậc nền thứ nhất là sân chùa với vườn hoa mẫu đơn, nơi xảy ra câu truyện Từ Thức gặp tiên: “…Từ Thức đi xem hội hoa mẫu đơn, gặp Giáng Tiên bị bắt trói vì tội hái trộm hoa. Từ Thức bèn cởi áo xin tha cho tiên nữ. Sau Từ Thức từ quan đi du ngoạn các danh lam thắng cảnh, đến động núi ở cửa biển Thần Phù gặp lại Giáng Tiên…” Do tích này, trước đây chùa Phật Tích mở hội Hoa Mẫu Đơn hàng năm vào ngày mồng bốn tháng giêng để nhân dân xem hoa và các văn nhân thi sĩ bình thơ.
Bậc nền thứ hai là nơi có các kiến trúc cổ ngày nay không còn được thấy. Khi đào xuống nền ngôi chùa này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di vật điêu khắc thời nhà Lý và nền móng của một ngôi tháp gạch hình vuông, mỗi cạnh dài 8,5 m.
Nền thứ ba cao nhất, có Long Trì (Ao Rồng) là một cái ao hình chữ nhật, đã cạn nước.
Vườn Tháp
Vườn Tháp của chùa Phật Tích có hơn 32 ngọn tháp, phần lớn được xây dựng vào thế kỷ XVII – là nơi cất giữ xá lị của các vị sư trụ trì và nhục thân của Thiền sư Chuyết Chuyết. Hầu hết các ngọn tháp đều có tên và niên đại an tháp. Trong đó, ngọn tháp lớn nhất là tháp Phổ Quang. Tháp Phổ Quang là công trình nhằm tưởng nhớ sự hiện diện của tòa tháp cổ cao hơn 40m được vua Lý xây dựng trước kia. Tháp cao hơn 5m, có 14 tầng nhỏ dần lên trên, trên đỉnh tháp treo Đại Hồng Chung – một quả chuông lớn để đánh vào những dịp đặc biệt.
Chùa Phật Tích – Trung tâm Phật giáo thời Lý, Trần
Để trở thành một trung tâm Phật giáo, chùa Phật Tích là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa Phật giáo Đại Việt trong một thời kỳ lịch sử của dân tộc. Theo một số tư liệu lịch sử ghi chép về chùa Phật Tích, thì đây là nơi có vai trò quan trọng trong việc phát triển Phật giáo ở nước ta.
Sách Đại Nam nhất thống chí có ghi: “Chùa Vạn Phúc ở núi Lạn Kha, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, dựng từ thời Lý Thánh Tông; trong chùa có một tượng đá cao 5 thước, to 6 thước. Hàng năm cứ ngày 4 tháng Giêng mở hội xem hoa, nhiều người đến dâng hoa lễ Phật. Đời Xương Phù (1377- 1388) vua Trần Nghệ Tông thi Thái học sinh ở đây; đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) mở đại yến hội” .
Ngay từ thời nhà Lý, chùa Phật Tích được xây dựng và trở thành một trung tâm Phật giáo lớn của dân tộc. Theo tìm hiểu của các nhà nghiên cứu trong sách Hà Bắc ngàn năm văn hiến, tập I : Năm 1071 trong lần du ngoạn tới đây vua Lý đã viết chữ Phật dài 1 trượng 6 thước (5m) sai khắc vào đá để ở chùa trên núi. Năm 1129 dưới triều vua Lý Thần Tông đã khánh thành 84.000 bảo tháp đất nung. Số lượng tháp khổng lồ đó được đem đặt ở nhiều nơi trong nước, nhưng trong truyện kể, Phật Tích đặt 8 vạn tháp. Vì vậy dãy núi ở Phật Tích được mang tên là núi Bát Vạn.
Có thể nói, dưới thời nhà Lý chùa Phật Tích là nơi được xây dựng phát triển mạnh mẽ về cả phương diện quy mô và tầm vóc. Đến thời nhà Trần, chùa Phật Tích thực sự trở thành một một trung tâm Phật giáo ở xứ Bắc, là nơi thu hút được nhiều vị cao tăng tề về đây giảng dạy Phật học cho các môn đồ, đệ tử. Bên cạnh đó, thư viện Lạn Kha là một kho tri thức có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với giới trí thức đương thời nói chung và các vị thiền sư nói riêng. Qua các tư liệu lịch sử còn hạn chế cho thấy, chùa Phật Tích chính là nơi hội tụ Phật giáo nước ta thời Lý, Trần. Bên cạnh đó còn là một địa điểm sinh hoạt văn hóa của tầng lớp vua quan, quý tộc của triều đình vốn cũng là những tín đồ của Phật giáo. Theo như các sách lịch sử ghi chép, chùa Phật Tích là nơi vua quan thưởng đến du ngoạn, tổ chức yến tiệc, thi Thái học sinh (Tiến sĩ).
Chùa Phật Tích với tư cách là một trung tâm Phật giáo đã thu nhận vào mình những tư tưởng Phật học đương thời, đó là các dòng thiền tồn tại trong đời sống tôn giáo xứ Bắc và của cả triều đình lúc bấy giờ. Kho sách trong thư viện Lạn Kha là minh chứng cho sự hội tụ của Phật giáo về chùa Phật Tích. Tiếc rằng, qua sự biến đổi của lịch sử, đến nay không còn rõ những văn bản ghi chép về Phật học và các tri thức khác trong thư viện này. Tuy nhiên, sức mạnh của một trung tâm Phật giáo Phật Tích đối văn hóa xứ Bắc là rất rõ ràng.
Ảnh hưởng của chùa Phật tích với nền văn hóa xứ Bắc
Trung tâm Phật giáo Phật Tích ở xứ Bắc vừa là một nơi tiếp nhận, phát triển đồng thời còn là nơi truyền bá tư tưởng Phật giáo, chính vì thế nó đã có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường văn hóa và đời sống người dân xứ Bắc. Ảnh hưởng của chùa Phật Tích và Phật giáo đến văn hóa xứ Bắc trên hai phương diện là văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể.
Từ phương diện văn hóa phi vật thể, chùa Phật Tích không chỉ là nơi ra đời của các huyền thoại dân gian; các bài ca dao mà còn là nơi khơi nguồn cho tác phẩm văn chương của các nhà thơ của nhiều thế hệ, nổi tiếng là bài thơ Nhật tịch bộ Tiên Du sơn lùng kính của Chu Văn An, hay bài thơ vịnh cảnh chùa Phật Tích trong Ức Trai Thi Tập của Nguyễn Trãi.
Chùa Phật Tích là nơi thu hút Phật tử về lễ Phật, là chỗ dựa cho niềm tin của con người. Phật giáo ở nước ta thời kỳ này không chỉ có Thiền tông, Tịnh độ mà còn cả Mật giáo, cầu xin Phật ban cho những điều tốt đẹp đến con người ở cuộc sống trần gian. Bên cạnh đó, tại chùa Phật Tích là nơi diễn ra sinh hoạt lễ hội thu hút được đông đảo người dân trong vùng về dự. Hàng năm vào ngày 4 tháng Giêng (Âm lịch) chùa tổ chức lễ hội đầu xuân có tên hội Khán hoa mẫu đơn. Lễ hội tại chùa Phật Tích là nơi tề tựu đông đảo phật tử và người dân quanh vùng về dự. Trong những ngày xuân tưng bừng ấy, khách thập phương về đây lễ Phật, hái hoa mẫu đơn, thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng Kinh Bắc hoặc tham dự các trò chơi ngày hội như đấu vật, chơi cờ, đánh đu, hát quan họ… Các nghi thức linh thiêng gắn với huyền thoại và ngôi chùa đã làm cho lễ hội mang những nét văn hóa truyền thống xứ Bắc.
Từ phương diện văn hóa vật thể, chùa Phật Tích là một công trình kiến trúc độc đáo của xứ Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Theo những hàng chữ trên bia Vạn Phúc đại thiên tự bi cho biết: Trên đỉnh núi mở ra một tòa nhà đá, cấp trong điện tự nhiên sáng như ngọn lưu ly, điện ấy đã rộng lại to, sáng sủa lại lớn. Trên thềm bậc đằng trước có bày 10 con thú, phía sau có ao rồng,, gác cao vẽ chim phượng và sao ngưu sao đẩu sáng lấp lánh, lầu rộng và tay rồng với tới trời sao, cung quảng vẽ hoa nhị rồng. Bên cạnh đó, chùa Phật Tích là một nơi có rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đạt đến giá trị nghệ thuật đỉnh cao, trong đó nhiều tác phẩm điêu khắc thời nhà Lý còn được giữ tại chùa cho đến tận ngày nay. Tác giả Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận đã nhận xét: “Những di tích còn lại ngày nay cho thấy nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đời Lý còn mang nhiều ảnh hưởng nghệ thuật Chiêm Thành. Một Nghi Thần Kinnari, thiên nữ đầu người mình chim đang chơi nhạc khí, được đào lên dưới nền chùa Phật Tích tỉnh Bắc Ninh. Những chạm trổ trên đá tìm được trên chùa Phật Tích có những con rồng mình rắn, mũi dài, miệng rộng kiểu thủy quái Makara của mỹ thuật Chiêm Thành và Nam Dương. Những di tích này thuộc đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Ảnh hưởng mỹ thuật Trung Hoa biểu lộ một cách hiển 13 nhiên, nhưng sắc thái riêng biệt Việt Nam của mỹ thuật đời Lý rất là rõ rệt”
Từ những chứng tích văn hóa vật thể sống động cho thấy, chùa Phật Tích là nơi đã để lại dấu ấn văn hóa đậm nét trong không gian văn hóa xứ Bắc, đó là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc bản địa đã biết kết hợp kết hài hòa với các loại hình văn hóa ngoại sinh. Ngôi chùa là tác phẩm nhân tạo độc đáo, đánh dấu quá trình phát triển mạnh mẽ Phật giáo ở nước ta trong giai đoạn lịch sử mà Phật giáo đã đạt đến đỉnh cao của nó.
Lễ hội
Lễ hội chùa Phật Tích hay lễ hội Khán hoa Mẫu đơn thường được tổ chức trong ba ngày, từ mồng 3 đến mồng 5 Tết âm lịch hàng năm, trong đó ngày chính hội là mồng 4. Từ ngày khai hội (mồng 3 tết), rất đông du khách đã kéo về chùa Phật Tích để dâng hương tại những nơi thờ tự, tham gia Pháp hội đại bi cầu Quốc thái dân an.
Tài liệu tham khảo
- Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt, Nxb Thế giới
- Hội thảo khoa học, Chùa Phật Tích trong tiến trình lịch sử.
- Quốc sử quán triều Nguyễn (biên soạn): Đại Nam nhất thống chí, tập V (Phạm Trọng Đềm phiên dịch; Đào Duy Anh hiệu đính). Nxb Khoa học xã hội
- Thanh Phương, Phương Anh: Hà Bắc ngàn năm văn hiến
- Nguyễn Huy Bỉnh, Chùa Phật Tích trong không gian văn hóa xứ Bắc,Viện nghiên cứu phật học phối hợp Trường Đại học Mỹ thuật.
__________________________
Các ngôn ngữ khác
Tiếng Anh (English)
Phat Tich Pagoda, also known as Van Phuc Pagoda, is situated on the slopes of Tien Du Mountain, also known as Lan Kha Mountain, in Phat Tich hamlet, Phat Tich commune, Tien Du district, Bac Ninh province. This pagoda has been classified as a Historical and Cultural Monument since 1962 and is one of Vietnam’s 62 special national monuments.
According to the Complete Annals of Dai Viet, Phat Tich Pagoda was commenced in 1057, but according to folklore, it may have existed since the late 3rd century. Throughout many dynasties of the Ly – Tran period, this pagoda was considered the National Pagoda and the Cultural Center of Buddhism in Dai Viet.
During the Le dynasty, Phat Tich Pagoda was reconstructed in 1686, on a large scale with high artistic value, and renamed Van Phuc Pagoda. During the resistance against French colonialism, Phat Tich Pagoda was burned by the French army in 1947.
Before 1945, French architect Louis Bezacier conducted renovations on the pagoda and discovered the foundation of the Ly-era tower intact beneath the temple, along with many artifacts representing Ly-era architectural art.
Since the establishment of peace in 1954, Phat Tich Pagoda has gradually been restored. In 1959, the Ministry of Culture restored a gemstone statue of Amitabha Buddha and some small pavilions of the pagoda.
The architecture of the pagoda includes the main worship area with 7 front halls, 5 Buddha worship halls, 8 Ancestor worship halls, 7 Mother Goddess worship halls, and many others. The three-tiered foundation of the pagoda is built in the Ly-era architectural style, with terraces leading up the mountainside.
The Pagoda’s Tower Garden has over 32 towers, mostly built in the 17th century, serving as the resting places of resident monks and the remains of Master Chuyet Chuyet.
Phat Tich Pagoda is not only a unique architectural structure but also a significant Buddhist center in the nation’s history, attracting and spreading the ideals of Dai Viet Buddhism. The annual Mau Khan Hoa Festival also draws a large number of tourists and participants.
Tiếng Trung (Chinese)
佛迹寺,又称万福寺,位于天都山的山坡上,也称为兰卡山,在北宁省天都区佛迹村,佛迹乡。自1962年以来,该寺被列为历史文化古迹,并成为越南62个特殊国家纪念碑之一。
根据《大越史记全书》,佛迹寺始建于1057年,但据民间传说,它可能已存在自公元3世纪末。在李-陈时期的许多朝代中,该寺被视为大越的国家寺院和佛教文化中心。
在黎朝时期,佛迹寺于1686年重建,规模宏大,艺术价值高,并更名为万福寺。在抵抗法国殖民统治的斗争中,佛迹寺于1947年被法国军队焚毁。
1945年之前,法国建筑师路易·贝扎西耶对寺庙进行了翻修,并在寺庙下发现了完整的李朝时期塔基,以及许多代表李朝建筑艺术的文物。
自1954年和平建立以来,佛迹寺逐渐恢复。 1959年,文化部修复了一尊阿弥陀佛宝石雕像和一些寺庙的小亭子。
该寺的建筑包括主要的供奉区,有7个前殿,5个佛殿,8个祖殿,7个妈祖殿等等。 该寺的三层基座采用李朝的建筑风格建造,有台阶通向山腰。
佛迹寺不仅是一座独特的建筑结构,还是该国历史上的重要佛教中心,吸引并传播大越佛教的理念。 每年的母师花节也吸引了大量游客和参与者。
Tiếng Pháp (French)
Le pagode de Phat Tich, également connue sous le nom de pagode Van Phuc, est située sur les pentes de la montagne Tien Du, également connue sous le nom de montagne Lan Kha, dans le hameau de Phat Tich, la commune de Phat Tich, le district de Tien Du, province de Bac Ninh. Cette pagode a été classée monument historique et culturel depuis 1962 et est l’un des 62 monuments nationaux spéciaux du Vietnam.
Selon les Annales complètes du Dai Viet, la pagode de Phat Tich a été entamée en 1057, mais selon la légende populaire, elle pourrait exister depuis la fin du IIIe siècle. Tout au long de nombreuses dynasties de la période Ly – Tran, cette pagode était considérée comme la pagode nationale et le centre culturel du bouddhisme au Dai Viet.
Pendant la dynastie des Le, la pagode de Phat Tich a été reconstruite en 1686, sur une grande échelle avec une grande valeur artistique, et renommée pagode Van Phuc. Pendant la résistance contre le colonialisme français, la pagode de Phat Tich a été incendiée par l’armée française en 1947.
Avant 1945, l’architecte français Louis Bezacier a effectué des rénovations sur la pagode et a découvert les fondations de la tour de l’époque Ly intactes sous le temple, ainsi que de nombreux artefacts représentant l’art architectural de l’époque Ly.
Depuis l’établissement de la paix en 1954, la pagode de Phat Tich a été progressivement restaurée. En 1959, le ministère de la Culture a restauré une statue de Bouddha Amitabha en pierres précieuses et quelques petits pavillons de la pagode.
L’architecture de la pagode comprend la principale zone de culte avec 7 halls avant, 5 halls de culte de Bouddha, 8 halls de culte des ancêtres, 7 halls de culte de la Déesse Mère, et bien d’autres. Le socle à trois niveaux de la pagode est construit dans le style architectural de l’époque Ly, avec des terrasses menant à flanc de montagne.
Le jardin de la Tour de la pagode compte plus de 32 tours, principalement construites au XVIIe siècle, servant de lieux de repos aux moines résidents et aux restes du Maître Chuyet Chuyet.
La pagode de Phat Tich n’est pas seulement une structure architecturale unique mais aussi un centre bouddhiste significatif dans l’histoire de la nation, attirant et diffusant les idéaux du bouddhisme Dai Viet. Le festival annuel de Mau Khan Hoa attire également un grand nombre de touristes et de participants.