Thiền sư người Trung Quốc đầu tiên tại Việt Nam
Căn cứ vào văn bia tại chùa Bút Tháp, sách Chuyết Công ngữ lục do Hòa thượng Minh Hành, ghi chép về thầy mình là Chuyết công Hòa thượng như sau:
Chuyết Công họ Lý, tên không rõ[1] (1590-1644), pháp hiệu là Viên Văn, người ta quen gọi ngài là Chuyết Công. Ngài sinh ngày 02/02 năm Canh Dần, niên hiệu Vạn Lịch, đời Minh, tại vùng Tiệm Sơn, Phúc Kiến[2], Trung Hoa. Bố của ngài tên Lý Nhược Lâm, mẹ họ Thái. Thủa thiếu thời ngài tên Tân Liên, lên 5 tuổi thì mẹ mất, lên 7 thì bố mất nốt. Ngài được bà thím họ Trầm nuôi dưỡng. Năm 15 tuổi xuất gia, ban đầu ngài tham thiền với trưởng lão tại chùa Tiệm Sơn, được ít lâu ngài cầu học với Hòa thượng Đà Đà. Tới năm 18 tuổi ngài bắt đầu vân du thuyết pháp.
Ban đầu ngài theo thuyền lái buôn sang bên Chiêm, hoằng pháp khoảng 16 năm, được Quốc vương, và giới quý tộc nước này tán dương nức nở. Vào khoảng năm 1623 ngài về cố quận Phúc Kiến, Trung Quốc. Cũng trong năm này, ngài viễn du tới đất Quảng Nam, xứ Thuận Hóa thuộc Đàng Trong, nước Việt ta, được các chúa Nguyễn tiếp đãi nhiệt thành, ở lại nơi này thuyết pháp khoảng 7-8 năm, cũng trong khoảng thời gian này ngài gặp Tại Tại, và nhận là đệ tử, người sau này sẽ thành Thiền sư Minh Hành. Tới năm 1630, ngài cùng với đệ tử Minh Hành lại viễn du ra Đàng Ngoài, trên đường có ghé thuyết pháp tại chùa Trạch Lâm (Thanh Hóa), rồi sau ra thành Thăng Long, khất thực được vài tháng, ngài và đệ tử được vua Lê, chúa Trịnh, cùng các vương công, quý tộc kính trọng mời về trụ trì chùa Khán Sơn[3] (Thăng Long). Tới năm 1634 ngài tới trụ trì chùa Phật Tích thuộc Bắc Ninh cho tới năm 1642.
Trong giai đoạn này của lịch sử, các vương hầu, khanh tướng, quý tộc, xuất gia đi tu rất nhiều, nên chúa Trịnh Tráng đã cho trùng tu lại Ninh Phúc tự (chùa Bút Tháp), tới năm 1642 trùng tu xong, ngài được chúa Trịnh mời về trụ trì chùa Bút Tháp. Vào ngày 15/07 năm Giáp Thân, 1644, niên hiệu Phúc Thái (triều Lê) ngài viên tịch tại chùa Bút Tháp . Trước khi tịch, ngài truyền y bát cho đệ tử Minh Hành, ủy thác trách nhiệm trụ trì chùa Bút Tháp. Nhục thân của ngài được Thiền sư Minh Hành cất giữ nghiêm cẩn tại nhà thờ Tổ chùa Bút Tháp, đồng thời kêu gọi Phật tử cúng dưỡng vật phẩm để xây dựng tháp Báo Nghiêm để thờ vọng. Khoảng năm 1645-1672, do chiến tranh li loạn, nhục thân của ngài được đưa về cất giữ tại chùa Trạch Lâm ở Thanh Hóa. Sau đó không rõ vào khoảng thời gian nào, nhục thân của ngài lại được đưa trở về tháp Báo Nghiêm tại chùa Bút Tháp. Sau này, có lẽ theo quan niệm “lá rụng về cội”, nhục thân của ngài lại được đưa về nhà thờ Tổ chùa Phật Tích.
Thuyết pháp
Trong quyển 3 sách Chuyết Công ngữ lục có tiêu đề Chuyết Chuyết tổ sư ngữ lục hoặc vấn, đệ của ngài là Minh Hành ghi lại 64 vấn đề mà Chuyết Công đối thoại với ba vị quan chức tước công của nhà Trịnh. Đó là Dũng Lễ công, Trưởng giám Tư lễ Thái Bảo,Tuấn Quận công và Cổn Quận công.
Đầu tiên là những vấn đề do Dũng Lễ công nêu ra và nội dung trả lời của Chuyết Công.
- Dũng Lễ công hỏi rằng: “Trong tam giáo Nho, Đạo, Thích, giáo nào là tôn quí?”.
- Chuyết Công đáp rằng: “Nho giáo có tam cương ngũ thường, úy thiên, trung thứ,… Đạo giáo có tam nguyên ngũ khí, tu tâm luyện tính, vận khí thông thần, Thích giáo có tam qui ngũ giới, minh tâm kiến tính. Với Nho gia, quả dục là chính nhân quân tử; Đạo gia, vận khí là trường sinh bất lão; Thích gia, vô tâm là bất sinh bất diệt (…). Nho như tinh tú, Đạo như mặt trăng, Thích như mặt trời (…). Nho lấy kinh bang tế thế để tề gia trị quốc, bình thiên hạ; Đạo giáo lấy luyện thân để chính khảm ly, trường sinh bất lão; Thích giáo lấy minh tâm để viên quang phổ chiếu, tịch diệt làm vui. Tam giáo đều được sinh ra từ một tâm mà có sai biệt chút ít. Người trí tự nghĩ đều là tốt cả”.
Những câu khác, Dũng Lễ công hỏi chuyện Phật pháp, ngài Trưởng giám Tư lễ Thái Bảo, Tuấn Quận công hỏi Chuyết Công nhiều vấn đề. Hầu hết đều xoay quanh nhân sinh quan, nhân cách con người, phẩm hạnh của kẻ xuất gia.
Cũng có những câu có ý mách qué, xúc phạm, như: “Thiên triều nước lớn không ở, vì cớ gì lại đến nước nhỏ?”, “Cầm thú còn biết ơn bố mẹ, vì cớ gì lại xả bỏ thân ân xuất gia, như vậy chẳng phải là bất hiếu lắm sao?”, “Tu hành sao không ở núi sâu mà lại vào thành thị để giáo hóa đàn bà con gái là như thế nào?”. Ngài Quận công này còn hỏi: “Thích Ca là như thế nào?”… Toàn là những câu dễ gây tự ái cho người bị hỏi hoặc như là sự xúc phạm đối với nhà tu hành Phật giáo. Nhưng bằng sự hiểu biết sâu rộng nhiều lĩnh vực, sự từng trải, và tâm thế của người xuất gia tu hành, Chuyết Công đều bình tĩnh trả lời rành mạch, hòa nhã.
Trưởng giám Cổn Quận công hỏi ngài những nội dung về lai lịch Đức Phật và các vị Bồ tát, về các vị cao tăng Việt Nam như: Tuệ Trung thượng sĩ, Giác Hoàng Điều Ngự, Huyền Quang, Không Lộ, Giác Hải, Đạo Hạnh… , thảy đều được Chuyết Công trả lời trôi chảy, rành mạch.
Chuyết Công ngữ lục không cho chúng ta biết những cuộc trao đổi trên giữa ngài với các vị quan chức diễn ra vào năm nào. Nhưng chắc chắn là khi ngài mới đặt chân lên đất Thăng Long và trước khi Dũng Quận công tôn ngài làm tổ sư và các vị hoàng phi cung tần, quận chúa thành kính, ngưỡng mộ nghe ngài thuyết giảng và quy y đạo Phật. Điều đó chứng tỏ rằng Chuyết Công có vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần thời Lê-Trịnh ở Việt Nam.
Ngoài Chuyết Công ngữ lục, sách Thiền uyển kế đăng lục cũng cho chúng ta biết, Chuyết Công là vị tăng sĩ Trung Hoa đầu tiên truyền thiền phái Lâm Tế vào Việt Nam, đã từng trụ trì và thuyết giảng đạo Phật ở nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở nước ta. Và có thể ngài là vị thiền sư đầu tiên đưa ra cách bài trí tượng trong chùa ở miền Bắc Việt Nam, mô phỏng theo cách bài trí của chùa Trung Hoa Hán truyền mà trước đó chưa có.
Đóng góp của Hòa thượng Chuyết Công
Căn cứ theo Chuyết Công ngữ lục, bước đầu có thể nói rằng:
- Chuyết Công là vị tăng sĩ người Trung Quốc, tuổi trẻ có chí lớn, từng học Nho và có vốn tri thức rộng; sang Việt Nam, đã đặt chân lên vùng Quảng Nam, Thuận Hóa rồi ra kinh đô Thăng Long và vùng Kinh Bắc. Ngài là vị tăng sĩ có uy tín với giới quý tộc, có ảnh hưởng lớn đến giới tăng sĩ và tín đồ Phật tử đương thời. Về mặt xã hội, thế kỷ XVI – XVII, Nho giáo được nhà nước phong kiến Việt Nam quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nên phát triển rất mạnh, vì vậy dấu ấn Nho giáo trong mỗi tăng sĩ Phật giáo Việt Nam là rất rõ. Là người Trung Quốc, nơi phát tích của Nho giáo, lại từng cư trú ở Việt Nam nhiều năm, Chuyết Công cũng không nằm ngoài đặc điểm chung đó. Điều này thể hiện rõ trong nội dung trả lời những câu hỏi của ba vị quan chức nhà Trịnh mà ở phần trên chúng tôi đã dẫn ra.
- Khi trình bày vấn đề, nhằm thuyết phục người đối thoại, Chuyết Công thường dùng phương pháp so sánh. Chẳng hạn như về vấn đề phát đại nguyện, ngài nói: “Có giới mà không nguyện cũng như có xe mà không có người cầm cương”. Về việc thụ trì ngũ giới: “Có qui y mà không thụ giới giống như có nhà mà không có người ở, có nước mà không có vua”. Ngài cũng còn so sánh nội dung của một số khái niệm của Khổng Tử với nội dung của một số khái niệm của Thích Ca Mâu Ni Phật. Trong lập luận, Chuyết Công còn sử dụng thế mạnh của tư duy truyền thống là thiết lập mối quan hệ kéo theo khi trình bày quan điểm của mình. Chẳng hạn, ngài nói: “Không vọng động, động khiến cho thế giới khởi; không rơi vào hư không, rơi vào hư không thì khó cứu được người”…
Cả hai phương pháp trên, chúng ta đều thấy Phật Thích Ca đã sử dụng rất đặc địa trong kinh Tứ thập nhị chương, kinh Pháp cú, kinh Diệu pháp liên hoa,… Đương nhiên, để thực hiện có hiệu quả các phương pháp này, người trình bày phải vừa có thao tác tư duy tốt, vừa phải có kiến thức rộng. Ở Chuyết Công, chúng ta thấy ngài hội đủ cả hai yếu tố này.
- Qua Chuyết Công ngữ lục, ta thấy ở thời kỳ này (thế kỷ XVII) các quan chức triều Lê – Trịnh có nhiều người tỏ ra rất quan tâm đến Phật giáo, đến Phật học, cụ thể là quan tâm tìm hiểu lịch sử đức Phật Thích Ca và các vị Bồ tát, các vị cao tăng; quan tâm đến giáo lý nhà Phật, đến mối quan hệ giữa đạo Phật với các đạo khác, đến tín ngưỡng thờ cúng Phật, Thánh,… Điều đó nói lên rằng, vào thời kỳ này, tín ngưỡng Phật giáo không phải chỉ phát triển ở các làng quê với tín đồ là nông dân, mà trong cả Triều đình, họ cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa Phật giáo, và giáo lý Phật giáo cũng tác động đến họ với mức độ đáng kể. Có hiện tượng này, chắc chắn phải có vai trò rất lớn của Chuyết Công.
- Đọc Chuyết Công ngữ lụccủa Minh Hành, đọc Lý hoặc luận của Mâu Tử và đọc 6 bức thư trao đổi của Lý Miễu với Đạo Cao, Pháp Minh (in lại trong Hoằng minh tập), ta thấy nội dung được đề cập, cách thể hiện, đối tượng trao đổi,… của các văn bản này là tương đối giống nhau, mặc dù thời điểm xuất hiện của chúng cách xa nhau đến hơn 10 thế kỷ. Phải chăng, từ khi đức Phật Thích Ca xuất thế cho đến thế kỷ XVII, phương pháp tư duy, cách thao tác tư duy, cách truyền đạo và hành đạo của Phật giáo là tuân theo một chuẩn mực nhất định. Nếu giả định này là đúng thì Chuyết Công là người có công lớn trong việc duy trì truyền thống tốt đẹp đó đến giữa thế kỷ XVII.
——————————————
Tài liệu tham khảo:
- Văn bia Hiến Thụy am Báo Nghiêm tháp bi ký
- Chuyết Công ngữ lục
- Thiền Uyển kế đăng lục
- Mâu Tử: Lý Hoặc luận
- Hoằng Minh tập
Chú thích:
[1] Trong sách Tang thương ngẫu lục Phạm Đình Hổ có chép Hòa thượng Chuyết Chuyết tên là Thiên Tộ. Ở đây chúng tôi không dám chắc chắn, nên bỏ ngỏ.
[2] Nay là huyện Hải Trừng, thành Chương Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc.
[3] Thuộc phường Ngọc Hà ngày nay