Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc Tự – Thuận Thành, Bắc Ninh)

Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc Tự – Thuận Thành, Bắc Ninh)

Thông tin cơ bản

Vị trí địa lý và tên gọi

Chùa Bút Tháp, tên chữ là Ninh Phúc tự – Được biết đến là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, vẫn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay, cách thủ đô Hà Nội khoảng gần 30km và chùa Dâu 3km. Ngôi chùa nằm kề bên bờ nam Sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. 

Chùa có nhiều tên gọi khác nhau. Tương truyền: thuở xưa từng đàn chim Nhạn thường bay về đậu trên tháp đá Ninh Phúc tự – cảnh thiền đất lành chim đậu và tên chùa Nhạn Tháp, xã Nhạn Tháp cũng được hình thành từ đây. Sau này trên các bi kí thời Lê thế kỉ XVII-XVIII đều ghi là Nhạn Tháp.

Lịch sử hình thành 

Chùa Bút Tháp nằm trên một dải đất có lịch sử lâu đời đặc biệt là nằm trong không gian văn hóa Luy Lâu – trung tâm của Phật giáo trong nhiều thế kỷ.

Tương truyền chùa đã có từ rất lâu đời, không rõ vào thời nào nhưng theo L.Bezacier trong tác phẩm Nghệ thuật Việt Nam (L’artvietnamien) xuất bản năm 1944 lại cho rằng chùa Bút Tháp là nơi tu hành của Trạng nguyên Lý Đạo Tái thời Trần. Hay khi căn cứ vào sách Bắc Ninh phong thổ tạp ký ông cũng đề cập dè dặt rằng: “Có thể nói mà không ngại sai lầm rằng chùa Bút Tháp được xây dựng trước thế kỷ thứ XIV tức là khi nhà sư Huyền Quang tới trụ trì ở đây và đã dựng một số nhà cửa…”

Như vậy, ta có thể biết rằng lịch sử chùa Bút Tháp đã được ghi chép từ thời Trần trước đó và sau đó một khoảng thời gian dài không có tài liệu nào ghi chép về diễn biến của ngôi chùa cho đến sau này khi chùa được vua chúa nhà Lê – Trịnh tu sửa vào đầu thế kỷ XVII.

Năm 1641, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, trong một lần vãng cảnh xã Đình Tổ, thấy chùa xơ xác, tiêu điều, Hoàng hậu hết sức đau lòng về xin chồng (vua Lê Thần Tông) và cha (Chúa Trịnh Tráng), cho phép hoàng gia đứng ra hưng công xây chùa. 

Năm Nhâm Ngọ (1642) niên hiệu Dương Hòa thứ 8, vua Lê Thần Tông xuống sắc cho xây dựng chùa Ninh Phúc. Cuối năm đó xây xong thiêu hương và Thượng điện. 

Năm 1643, Chuyết Chuyết thiền sư đang trụ trì chùa Phật Tích được triều đình thỉnh sang trụ trì và điều hành việc hưng công ngôi cổ tự thôn Nhạn Tháp, sau khi Thiền sư viên tịch, Thiền sư Minh Hành người kế đăng trụ trì tiếp tục chỉ đạo xây dựng chùa Ninh Phúc. 

Năm Bính Tuất (1646) Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và con gái là Lê Thị Ngọc Duyên đã xin tiếp chúa Trịnh Tráng cho hưng công xây chùa, do đó mà năm 1647 việc xây chùa được hoàn tất, quy mô được mở rộng ra rất nhiều. 

Theo tấm bia Trùng tu Ninh Phúc tự khắc vào năm Quý Mão niên hiệu Thành Thái thứ 5 (1903) do Tổng đốc Hoàng Trọng Phu đứng ra hưng công trùng tu chùa chỉ viết: “Đại để là di tích của thánh hiền để lại, kế tiếp đến đời Lê, hoàng hậu, nhà vua trùng hưng, trải đến nay hơn 300 năm rồi”. Như vậy kể từ khi nhà vua, hoàng hậu đứng ra xây dựng quy mô cho đến đầu thế kỉ XX là hơn 300 năm, còn trước đó tuy có thể đã có chùa nhưng chắc còn khá khiêm tốn.

Tấm bia Khánh lưu bi kí(5) niên đại Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714) ghi: “Chùa Ninh Phúc, xã Nhạn Tháp trở thành một chốn thiền lâm đẹp nhất Kinh Bắc, điện vũ nguy nga, tráng lệ”. 

Đến thế kỉ XVII-XVIII, chùa Bút Tháp đã trở thành một ngôi chùa nổi tiếng về quy mô và cảnh đẹp. Được như vậy không thể không kể đến những vị cao tăng từng trụ trì và những người có công xây dựng, như Chuyết Chuyết, Minh Hành, Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc…

Trung tâm Phật giáo Lâm Tế đàng ngoài của Đại Việt. 

Tại vùng Dâu, Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh là cái nôi của Phật giáo xứ ta. Năm 580, Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi người Ấn Độ từ Trung Quốc sang Việt Nam, trụ trì tại chùa Dâu. Tới thế kỷ thứ XIII, dòng thiền Vô Ngôn Thông (Khởi đầu từ chùa Kiến Sơ, huyện Gia Lâm, năm 820), Thiền Thảo Đường khởi từ chùa Trấn Quốc kinh thành Thăng Long năm 1057).

Trải một thời gian dài gần 300 năm Phật giáo Đại Việt sa sút bởi chiến tranh. Đến nửa đầu thế kỷ XVII, Ninh Phúc tự lại là cái nôi cho sự ra đời dòng thiền Lâm Tế ở Đàng Ngoài do Chuyết Công Hòa thượng khởi xướng. Ngài cho khắc in , tàng kinh tại chùa Phật Tích, giảng dạy kinh pháp tại chùa Ninh Phúc, dân chúng đến theo học rất đông. Vào thời điểm đó, giáo lý của Ngài có ảnh hưởng rất nhiều đến triều Lê – Trịnh. 

Chúa Trịnh đánh giá cao giáo lí thiền tông qua nội dung văn bia Phụng lệnh chỉ dựng năm 1646 ở chùa Bút Tháp: “Đạo Phật phù trợ khiến vận nước vững bền”.

Sau khi Ngài viên tịch, sư Minh Hành nhận y bát trở thành Tổ thứ 35 dòng thiền Lâm Tế. Nối pháp Chuyết Công, thiền sư Minh Hành hoạt động hoàng dương giáo pháp của đức Phật rất tích cực và có hiệu quả góp phần làm cho Phật giáo Đại Việt phát triển mạnh mẽ như lời tán thán của bia Ninh Phúc Thiền tự Tam bảo tế tự điền bi: “Đến năm Giáp Thân niên hiệu Phúc Thái thứ 2 (1644), ngài được trao truyền y bát, chủ việc giáo hóa hành đạo, giới luật khổ hạnh uy nghiêm. Đạo cao đức trọng, nói pháp cứu người, đá cũng gật đầu) làm phúc tùy duyên, miệng niệm sen nở. Mở rộng cung Phạm, biến nước Nam cõi Tây Thiên; tướng tốt trang nghiêm, đúc tượng vàng đẹp tựa trăng rằm, sang hèn đều tôn làm giáo chủ, muôn vật cùng được hưởng ơn đức”.

Nam 2009, khi trùng tu tháp Tôn Đức đã phát hiện trong lòng tháp đặt 2 cuốn Kinh bằng đồng do Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và các đệ tử của thiền sư Minh Hành làm năm Vĩnh Thọ 3 (1660). Qua nghiên cứu văn bản cho thấy đây là hai quyển  với nhiều thần chú ngữ trong nhiều bản kinh dùng trong các thời khóa tụng trong hành trì của chư tăng nhằm cầu vãng siêu trong tương quan Thiền – Tinh – Mật của Phật giáo Lâm Tế Đại Việt thế kỉ XVII – XVIII.

Qua những nội dung trên ta thấy rằng vào TK XVII, tại vùng Luy Lâu, đặt biệt chùa Ninh Phúc, Phật giáo Lâm Tế ở đàng ngoài đã phát triển mạnh mẽ, có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong đời sống nhân dân lúc bây giờ và trở thành trung tâm Phật giáo Lâm Tế ở đàng ngoài.

Kiến trúc 

Chùa Bút Tháp là công trình kiến trúc điêu khắc khá đặc sắc của thời Lê Trung Hưng còn bảo lưu khá nguyên vẹn đến ngày nay và mỗi tòa nhà có ý nghĩa vẻ đẹp riêng như sau:

Tam quan

Tam quan chùa Bút Tháp là một nếp nhà nhỏ dài 9m, lòng rộng 5,25m, có kết cấu 3 hàng chân cột, cột cái chống thẳng lên xà nóc giống như Nghi môn đền vua Đinh (Hoa Lư, Ninh Bình) có bẩy ngang, vì chồng rường, gợi lại kiểu nhà dân gian cổ xưa, hầu như không trang trí.. Tam quan hiện nay đã được bưng lại bằng gạch theo kiểu tường hồi bít đốc, để trống gian giữa phía trước và sau làm lối đi vào chùa. Bốn góc của Tam quan đểu bổ trụ vuông có đỉnh kết hình

đèn lổng. Hai bên hồi Tam quan tuy được bít bằng tường gạch nhưng được trổ cửa sổ hình chữ Thọ và cửa sổ hình tròn sắc không.

Gác Chuông

Từ Tam quan đi trên con đường lát gạch rộng 4,4m dài 24m là dẫn đến Gác chuông. Gác chuông chùa Bút Tháp có mặt bằng gần vuông, kích thước 8,65m X 8,20m, kiến trúc theo kiểu chồng diêm hai tầng mái: Tầng dưới xây bao bằng

gạch có 4 cửa lớn ở 4 mặt, hai bên trổ cửa sổ hình chữ Thọ tròn Với kết cấu này, gác chuông chùa Bút Tháp có 8 tầu mái theo kiểu “Tầu đao lá mái”.

Trên tầng hai của Gác chuông có treo quả chuông lớn có chiều cao 152cm, đường kính miệng chuông là 71cm; trên vai chuông có 4 chữ Hán đúc nổi “Ninh Phúc tự chung”. 

Gác chuông từ nên đến nóc cao chừng 8m, nếu tính cả nền và con kìm sẽ cao hơn 9m, là điểm cao đầu tiên mà từ đây hằng ngày tiếng chuông ngân vang xa để xua đi ác ý, gây lại thiện đoan, giúp mọi người giác ngộ.

Tiền đường

Qua Tam quan, Gác chuông, tiếp tục đi trên con đường gạch 15m là tới Tiền đường. Mặt trước Tiền đường có tam cấp (ba bậc cấp) bằng đá tảng xanh nhẵn bóng. Tiền đường là một tòa nhà dài 25m, rộng 10,60m, gồm 5 gian 2 chái, mặt trước có cửa bức bàn, hai đầu hồi và một phần mặt sau đều được nong ván lim kín. Bên trong 32 cột gỗ lim to được đặt trên hòn kê bằng đá xanh, tạo nên bộ khung nhà vững chắc. Cấu trúc của Tiền đường cũng theo

kiểu chồng rường. Nhưng ở hai cánh gà dùng kẻ suốt chứ không dùng bẩy như các gian giữa. Các con rường của vì nóc, cũng như các xà, ngạch đều được bào trơn, vuông vức và soi gờ đơn giản.

Nghệ thuật chạm khắc trang trí ở tòa Tiền đường được tập trung ở các đầu kẻ (bẩy) hiên và những ván bưng ở ngưỡng cửa. Các đầu kẻ đều được chạm nổi rồng và hoa lá cách điệu, nét chạm mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Dọc ngưỡng cửa của 5 gian được chạm nổi để tài tứ quý như: Sen dây, cúc dây … với nét chạm mềm mại, tinh xảo nghệ thuật và cũng mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng.

Tòa Tiền đường rất thoáng đãng, mùa hè nóng bức mở rộng cửa đón gió mát phương Nam, mùa đông cửa che kín gió, ấm mà không bí.

Tại Tiền đường đặt hai pho tượng Hộ pháp rất lớn là Khuyến Thiện và Trừng Ác. Trừng Ác, Khuyến Thiện chính là cốt tủy của đạo Phật. Mà nội hàm của

nó là ngăn ngừa điều xấu, không làm những điều độc ác, dữ dội, để sửa mình làm các việc hiền đức. Đó chính là đạo đức Phật giáo.

Hai đầu hồi của Tiền đường có hai nhà bia nhỏ, tường xây kín ba mặt. Trong mỗi nhà bia đều có một tấm bia lớn bằng đá xanh nguyên khối, đứng trên lưng rùa. Tấm bia ở nhà bên trái đề chữ “Sắc kiến Ninh Phúc tự bi kí” dựng năm 1647. Ở nhà bia bên phải đề “Ninh Phúc thiền tự Tam bảo tê tự điền bi” cũng khắc vào năm đó.

 Tòa Thiêu hương

Tòa Thiêu hương nằm theo chiều dọc, nối Tiền đường và Thượng điện. Nền tòa Thiêu hương cao hơn nền Tiền đường hai bậc cấp nhỏ. Lòng nhà rộng 4,5m, sâu vào trong 5m, bốn phía để trống không có tường bao. Toàn bộ khung nhà Thiêu hương dựa trên bốn cột nhỏ nhắn với hai vì kèo làm theo hình khung vòm cho mái nhà uốn cong, nhưng vẫn dùng lối cấu trúc chồng rường. Để cho bộ khung thêm vững chắc, người ta làm hai bộ vì xà: xà thượng và xà hạ. Khoảng cách giữa hai xà được nong ván chạm rồng-phượng-hoa. Đường nét chạm khắc uốn lượn duyên dáng có phần hơi cầu kỳ, tỉ mỉ; diễn tả đến từng chi tiết, nhưng không bị vụn, rối. Chim phượng là một trong những

tác phẩm chạm lộng đẹp của nghệ thuật nửa đầu thế kỷ XVII.

Bên cạnh có các biển chữ Hán như: “Đê đạo long xương” ở bên trái, “Hoàng đồ củng cố” ở bên phải. Trên phía trước tòa Thiêu hương có bức đại tự do vua ban “Đại hùng bảo điện” được làm năm Nhâm Ngọ (1642), niên hiệu Dương Hòa thứ 8 đời vua Lê Thần Tông. 

Thượng điện

Tòa Thượng điện tiếp nối với nhà Thiêu hương, được xây dựng trên nền đất cao 1,1m so với mặt sân và cao hơn Thiêu hương một bậc, có chiều dài 19m, rộng 10,6m; gồm 5 gian với với 24 cột gỗ lim lớn. Các chân tảng đều được chạm hình cánh sen, 4 góc có 4 cột đá. Lan can đá bao quanh thềm Thượng điện có 26 bức phù điêu chạm có thiết diện hình chữ nhật, được liên kết với nhau qua các trụ đá hình vuông, tạo thành một dải hành lang. Mỗi phiến đá này đều được chạm khắc các đề tài như “phượng vũ kỳ lân”,song ngư hý nguyệt”, “cô lộ sơn lộc”, “tam dương triều nguyệt”, “tứ linh, tứ quý”, “lý ngư hóa long”, “tùng trúc đông thiên” … là các chủ đề sinh hoạt nông thôn đồng bằng Bắc Bộ rất sinh động.

Trong Thượng điện có bộ tượng Tam Thế được làm khá giống nhau, đặt ở ban thờ chính của gian giữa. Nhìn chung, bộ tượng Tam Thế chùa Bút Tháp mang nhiều nét kế thừa phong cách nghệ thuật tạc tượng của giai đoạn trước đó, song có một số điều đáng chú ý là cả ba pho tượng này có nhục khảo cao vừa phải, bộ mặt nhân hậu, đăm chiêu, nhưng vẫn lộ ra tính chất cao sang. 

Hai gian bên của Thượng điện có khá nhiều tượng. Sát tường hai bên là 18 vị La Hán (Arhat), mỗi người một vẻ, vượt 9 cõi tu lên cõi Niết bàn. Phía trước 18 vị La Hán là 4 đệ tử của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. 

Gian bên phải Thượng điện đặt tượng Tuyết Sơn, đối xứng với tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn (quen gọi là Quan Âm nghìn mắt nghìn tay) ở phía bên kia.

Bên trái Thượng điện nổi bật là pho tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn bằng gỗ. Đây là tác phẩm kiệt xuất của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII còn bảo lưu được đến ngày nay. Tượng này đã được xếp hạng là Bảo vật quốc gia. Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay có mặt tương đối phổ biến trong các Phật điện ở Bắc Bộ, nhiều người cho rằng hiện tượng đó có liên quan tới sự phát triển của thương mại biển của nhà Mạc.

Nối toà Thượng điện và Tích Thiện am là một cầu đá dài gồm ba nhịp uốn cong, có ba bậc đá dẫn xuống Tích Thiện am. Mặt cầu lát đá xanh trơn nhẵn. Hai bên cầu cũng có lan can đá như ở toà Thượng điện.

Tích Thiện Am

Tích Thiện am làm quy mô với ba tầng mái chồng diềm, khiến người ta nghĩ tới ba cấp chứng quả của người tu hành theo Tịnh Độ tông. Tầng dưới cùng hình chữ nhật có 5 gian, 2 chái, dài 16,10m, rộng 8,40m. Hai tầng trên có bốn mai thu hẹp dần, tạo thành hình vuông. Kết cấu của tòa nhà theo kiểu chồng diềm với hàng cột giữa cao, to, nâng bổng thêm hai tầng mái trên. Lối kiến trúc nhẹ nhàng này còn được thể hiện ở đầu đao cong vút. Đặc biệt, ở tầng 2 nhà Tích Thiện am còn có các tay ruỗi chống bẩy được chạm khắc tinh tế với  hình thú và mây lá. Căn cứ vào kết cấu kiến trúc và hoa văn trang trí, cho biết tòa nhà xây dựng vào thế kỷ XVIII và đã tu sửa vào thế kỷ XIX.

Ngoài ra còn có nhà Trung là nơi hội họp của dân làng, phủ thờ ( nhà Hậu), thờ những người đã hưng công cúng tiền xây chùa, trong Phủ Thờ hiện bài trí một nhang án rất đẹp, 4 khám thờ và một bia đá, tại 3 gian chính nhà Hậu thờ 3 bà: Ban giữa thờ Hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, 2 bên là tượng công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, và quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ. Và tòa nhà cuối cùng trên trục đường “Thần đạo” nhà tòa hậu đường, ở đây thờ sư tổ Bồ Đề Đạt Ma và các sư trụ trì ở chùa Bút Tháp qua các thời kỳ

Di vật

Tòa Cửu phẩm Liên Hoa

Trong Tích Thiện am ở gian

giữa đặt Cối Kinh “Cửu phẩm Liên  Hoa”, được cho là đẹp nhất Việt Nam. Cối Kinh bằng gỗ, sơn son thếp vàng, hình bát giác cao 7,8m xếp 9 tầng theo kiểu tòa sen. Ngăn cách giữa các tầng là một gờ chạm cánh sen nở xòe ra bốn cánh. Cánh sạn đầu nhọn, khối nổi phồng, thân hơi nhẵn.

Chín tầng gồm: Tháp Cửu phẩm Liên Hoa. Mỗi tầng mang một tích khác nhau

Xem chi tiết ở một bài riêng. 

Tháp Mộ

Chùa Bút Tháp có nhiều tháp mộ của nhiều thế hệ sư trụ trì chùa. Nổi tiếng

nhất là tháp Báo Nghiêm thờ thiền sư Chuyết Chuyết và tháp Tôn Đức nơi đặt xá lị của thiền sư Minh Hành…

Tháp Báo Nghiêm đã trở thành “Biểu tượng” của chùa Bút Tháp và văn hiến Bắc Ninh. Tháp được Minh Hành xây dựng vào năm Đinh Hợi (1647) niên hiệu Phúc Thái năm thứ 5 dưới đời vua Tê Chân Tông để thờ thầy của mình là

thiền sư Chuyết Chuyết. Năm 1876, vua Tự Đức đi tuần thú vùng Kinh Bắc thấy chùa có cây tháp tựa như cây bút khổng lồ đã đặt tên cho chùa là “Tháp Bút” và từ đó chùa có tên là Bút Tháp.

Lễ hội

Lễ hội chùa Bút Tháp là một lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày 23 và 24 tháng 3 âm lịch hàng năm tại chùa Bút Tháp, với các hoạt động đậm nét văn hóa truyền thống, lễ hội góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Các hoạt động trong lễ hội chùa Bút Tháp được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, trang trọng và phù hợp với cuộc sống đương đại. Phần Lễ diễn ra trong khu nội tự với các hoạt động tín ngưỡng như: lễ cúng Phật, lễ dâng hương, lễ cúng đàn trần tế cầu phúc, lễ cúng tổ… Sau khi thực hiện các nghi thức tế lễ, chiêm ngưỡng kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi chùa như: cầu đá, cối xay gạo, tháp bút, pho tượng phật Quan âm nghìn mắt nghìn tay – một bảo vật quý hiếm của Quốc gia, du khách còn được hòa mình trong không gian rộng lớn của phần Hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ như: hát Quan họ trên thuyền rồng; hát chèo cùng nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ quần chúng, các trò chơi dân gian đặc sắc và hoạt động thi đấu TDTT như: Cờ tướng, Tổ tôm điếm, Bóng bàn, Cầu lông… Các hoạt động này không chỉ thu hút nhân dân trong tỉnh, mà còn có sự tham gia, giao lưu của nhiều đoàn văn nghệ, thể thao ở các tỉnh lân cận…

Xếp loại

Chùa Bút Tháp đã được Bộ VH-TT xếp hạng và công nhận là di tích LSVH cấp quốc gia từ ngày 28/4/1962.
Đến năm 2013, được thủ tướng Chính Phủ cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Pho tượng Phật “ Thiên thủ thiên nhãn – Nghìn mắt nghìn tay” được cấp bằng công nhận là bảo vật quốc gia.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thế Đông, Chùa Bút Tháp – Danh lam nổi tiếng đất Việt, Nxb Tôn giáo.
  2. Bùi Văn Tiến, chùa Bút Tháp, Nxb Khoa học xã hội. 
  3. Bia Ninh Phúc Thiền tự Tam bảo tế tự điền bi
  4. Louis Bezacier, Nghệ thuật An Nam, Nxb Mỹ thuật. 

 

5/5 (10 bình chọn)
Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)