Giới thiệu
Chùa Phước An Cần Thơ là ngôi chùa lịch sử lâu đời với hơn 230 năm. Tuy vậy năm 2009 chùa đã di dời về địa điểm mới. Nhưng những tượng Phật cũ và nét kiến trúc vẫn ảnh hưởng rõ rệt của lịch sử lâu đời. Ngoài nét kiến trúc nổi bật và sự linh thiêng, ngôi chùa còn nổi tiếng với hơn 25 năm hốt thuốc Nam chữa bệnh người nghèo. Chùa có cả 1 phòng chẩn bệnh và sân phơi thuốc Nam riêng. Hàng ngày chùa tiếp nhận hơn 100 khách thập phương đến xin thuốc và khám bệnh.
Lịch sử
Năm 1788 chùa được thành lập. Khi ấy khuôn viên chùa có 1 cây trôm khá linh thiêng nên người ta thường gọi đây là chùa Cây Trôm. Năm 1850 theo lời vận động của ông Nguyễn Văn Thừa, nhiều chùa trên địa bàn Cần Thơ đã quyên góp vật tư (Chuông, cột trụ). Tất cả dùng làm rào cản ngăn thuyền giặt Pháp tiến vào sông Trà Nóc. Ngôi chùa cổ Long Quang với lịch sử hơn 200 năm cũng là ngôi chùa hưởng ứng lời kêu gọi đó, tìm hiểu thêm: Chùa Long Quang Cần Thơ. Năm 1884 chùa Phước An trùng tu, sau đó là nhiều lần trùng tu khác nhau theo thời gian. Một phần vì kiến trúc đơn sơ bị hư hỏng theo thời gian, 1 phần vì bom đạn chiến tranh ảnh hưởng. Năm 1945 chùa là nơi trú ẩn và hội họp của các chiến sĩ cách mạng. Năm 2009 chùa phải di dời từ phường Thới Bình, quận Bình Thủy sang phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Khi ấy gần như phải xây dựng toàn bộ ngôi chùa lại từ đầu. Ngày 02/05/2013 chùa chính thức khánh thành chánh điện mới và giữ nguyên đến hiện nay (Tháng 10 năm 2020). Trụ trì hiện nay của chùa Phước An là Ni sư Thích Nữ Từ Tâm.
Kiến trúc
Chùa có nét kiến trúc đậm nét chùa Bắc Tông. Cổng chùa tam quan với bề ngang khá dài. Chất liệu là cửa sắt nối với các trụ bê tông tráng gạch tàu bên ngoài. Bảng hiệu là bảng nhựa xanh với chữ trắng. Ở giữa là tên CHÙA PHƯỚC AN. Bên trái ở trên là dòng chữ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM. Ở dưới ghi lại địa chỉ, số điện thoại của chùa; ngoài ra còn ghi lại năm xây dựng lại chùa Phước An trên mảnh đất mới (Dời chùa đi khi nằm trong quy hoạch sân bay Quốc tế Cần Thơ).
Bên phải chánh điện là điên thờ Phật nhỏ.Đi thẳng vào là dãy phòng ở của các ni sư và phòng khách. Ở khu vực đó có một tượng Phật Di Lặc lớn cao khoảng 3m đặt trên mái nhà. Bên trái là nơi giữ xe. Đi thẳng vào trong tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao khoảng 10m tay cầm bình cam lộ. Xung quanh nhiều cây xanh.
Cạnh bên là những tháp mộ và điện chứa các bình tro cốt của Phật tử gửi tại chùa.Ở giữa điện cất giữ tro cốt có 1 tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát cao bằng người thật. Bên trái là bàn thờ vong linh nam, bên phải là bàn thờ vong linh nữ.
Đi thẳng thêm vào trong nữa là Phòng chẩn trị bệnh. Hai bên có đặt các bức tượng La Hán và trồng khá nhiều cây xanh. Dọc hành lang chánh điện trên lối đi có khắc các bức tranh khá đẹp. Đặc biệt đường vào có đặt nhiều băng ghế đá và cả khu vực giăng võng. Đây là nơi dành cho Phật tử nghỉ tạm để chờ khám bệnh.
Chánh điện có mái tam cấp (3 mái). Màu sắc chủ đạo là vàng, nâu và đỏ. Tuy vậy bảng hiệu là màu xanh dương, chữ trắng. Ở trên có 3 chữ lớn CHÙA PHƯỚC ÂN, ở trên là dòng chữ nhỏ hơn GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM. Trên đỉnh mái là 1 bàn tay nâng hoa sen đặt trên một đài sen. Chánh điện có cổng tam quan (3 cửa). Mỗi cánh cửa gỗ đều đều đề Hán tự bên trên. Không gian bên trong Chánh điện có 2 khu vực là Đại Hùng Bửu Điện và Tổ Điện.
Đại hùng bửu điện có bàn thờ Phật A Di Đà bên dưới và bảng hiệu Đại Hùng Bửu Điện sơn vàng, chữ Hán màu đỏ.Bên trên bảng hiệu có ký hiệu bánh xe Pháp luân, xung quanh là các ký hiệu sen cách điệu. Không gian trần chánh điện có nhiều bức vẽ khác nhau về cuộc đời đức Phật. Tất cả đều được mạ màu vàng bên trên. Ở giữa là bàn thờ tam cấp: tượng A Di Đà cao khoảng 4m ở tư thế ngồi ở bậc cao nhất, bên dưới là tượng Tam Thánh Phật cao khoảng nửa mét, bậc cuối là các tượng Phật nhỏ hơn. Bên trái là tượng Văn Thù Bồ Tát, bên phải là tượng Phổ Hiền Bồ Tát. Hai tượng đều cao bằng người thật với tư thế ngồi trên bệ đá. Hai bên đều có lối đi vào Tổ điện ở sau.
Tổ điện là nơi thờ Tổ Sư Đạt Ma và các vị trụ trì trước đây. Ở giữa là tượng Tổ Sư Đạt Ma cao khoảng 3m bằng đồng. Hai bên là bàn của các vị hòa thượng của chùa. Mỗi bàn đều có đặt hình ảnh và kim bài. Một góc phòng có đặt cả bàn thờ Ngọc Hoàng và Chư Thiên. Một nét đặc trưng đa phần chùa có lịch sử lâu đời trước đây và hiện nay tại miền Tây.
Hoạt động thiện nguyện
Suốt 20 năm qua, chùa Phước An là một địa chỉ tin cậy của đông đảo người bệnh nghèo trong và ngoài thành phố Cần Thơ. Nơi đây hàng ngày đều khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người bệnh. Nhà chùa đã giành một khu riêng cho Phòng Chẩn trị Đông y hoạt động, với diện tích trên 4.000 m2, bao gồm: Phòng khám, phòng chờ cho bệnh nhân, các phòng bốc thuốc, khu bào chế, sân phơi thuốc có 2 sân rộng 2.000m2 được tráng xi măng sạch sẽ, có kho chứa dược liệu rộng 1.500m2 thoáng mát, sạch sẽ, nhà để xe. Bên cạnh đó, nhà chùa còn tổ chức các đội sưu tầm thiện nguyện trồng vài mẫu dược liệu. Thống kê trong năm 2017 phòng thuốc đã khám cho hơn 70.000 lượt bệnh nhân, cấp thuốc miễn phí cho hơn 800.000 thang thuốc, trị giá gần 4 tỷ đồng.Bên cạnh khám chữa bệnh từ thiện, chùa Phước An còn luôn đi đầu trong các công tác xã hội từ thiện khác. Mỗi năm, chùa vận động Phật tử, mạnh thường quân tổ chức vài đợt đi thăm, tặng gạo, nhu yếu phẩm, mùng mền cho người dân nghèo khắp ba miền đất nước.
Tham khảo
- https://mientaycogi.com/chua-phuoc-an-can-tho-6015/
- https://thamhiemmekong.com/thong-tin-du-lich-mien-tay/chua-phuoc-can-tho-noi-kham-benh-dong-y-mien-phi-cho-nguoi-ngheo.html
- https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/tam-guong-sang-tu-chua-phuoc-an