Tên gọi
Phước là phước duyên hội ngộ giữa nhân gian – giữa hữu tình và Bồ Tát. Sa là cát là sa thạch, sa bồi, ý nói nhiều như cát hà sa… Hay còn một ẩn nghĩa khác đó là: Phật là phước lồi lên từ cát (Chùa nhặt được pho tượng lồi lên trên cát tại xóm Lý Hòa vào năm 1919).
Vị trí địa lý
Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi nằm giữa đồng cát ở Đông Bắc bán đảo Phương Mai thuộc làng Xương Lý phủ Tuy Phước, nay là thôn Xương Lý, xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn. Tục gọi là chùa Phật Lồi.
Ngôi chùa ngoảnh mặt về hướng Nam. Bên phải chùa là Đầm Thi Nại bắt đầu từ Đông Phù Cát trải dài đến đầu hải cảng Quy Nhơn. Chùa dựa lưng vào hòn núi Cấm cây cối tươi tốt quanh năm. Bên trái chùa là đại dương sớm chiều rì rào sóng vỗ. Chùa được đặt vào nơi cảnh trí hữu tình, lại có sự tích khá ly kỳ nên hàng năm hấp dẫn nhiều du khách đến tham quan cùng phật tử mười phương đến thăm viếng.
Trụ trì
Trụ trì chùa hiện nay là sư thầy Thích Đồng Tín, đời pháp 43 kệ phái Minh Hải Pháp Bảo, đệ tử Hòa thượng Thị Dực Liễu Không chùa Thiên Bình, được Giáo hội tỉnh bổ nhiệm làm trụ trì chùa Phước Sa đầu năm 1999 thể theo nguyện vọng của Ban hộ tự và Phật tử địa phương.
Kiến trúc
Cổng chùa xây gạch, cao khoảng 4m, biển ngạch để ba chữ hiệu chùa bằng Quốc ngữ: Chùa Phước Sa. Qua khỏi cổng tới tượng đài Quan Âm sái thủy. Tượng bằng xi măng cao gần 3m, đứng trên chân đế cao hơn 1m, ở giữa sân, tăng thêm vẻ mỹ quan cho chùa. Sau lưng tượng đài là chánh điện. Chánh điện là một ngôi nhà ngang, ngang 10m, dọc 6m, cao từ nền lên tới trần là 8m, xây gạch lợp ngói, hai mái hai chái, trên nóc đắp lưỡng long tranh châu. Trước chánh điện có hè rộng 2m, cao 5m, trên đúc bằng, trước có chấn thủy, ở giữa chấn thủy đắp ba chữ hiệu chùa bằng Hán tự: 福 沙 寺 – Phước Sa Tự.
Bên trong điện, bệ thờ Phật đặt ở gian giữa. Trên bệ tôn trí bảo tượng Đức Bổn Sư bằng xi măng cao 1m50 kể cả tòa sen. Hai bên tôn trí hai pho tượng Quan Âm và Di Lặc bằng sành đều cao khoảng 40cm từ trong cát lồi lên tại xóm Lý Hòa trong thôn vào năm Kỷ Mùi (1919) và một pho tượng Chuẩn Đề bằng đồng cao khoảng 40cm cũng lồi lên tại gò đất Lý Hòa vào năm Ất Dậu (1945).
Trước bệ, trên hương án có tượng Di Đà cao khoảng 2m đứng giữa hai tượng Hộ Pháp đều cao khoảng 70cm. Tất cả đều bằng xi măng và đều là tượng hàng khá phổ biến trong vài chục năm nay.
Sau Chánh điện là nhà Tổ. Nhà Tổ song song với Chánh điện, kích thước như Chánh điện, xây gạch lợp ngói, đứng trên một chân đế cao hơn Chánh điện mấy phân. Bên trong Chánh điện, bàn thờ Tổ được đặt ở gian giữa. Giữa bàn thờ có long vị Tổ khai sơn là Hòa thượng Như Từ Tâm Đạt: Trụ trì chùa Thiên Bình ở An Nhơn và long vị Đại đức Thị Niệm Thiện Giai là vị trụ trì đầu tiên có long vị thờ tại chùa, có bảo tháp trước chùa.
Tượng Bồ Tát Quan Âm
Kể từ khi bảo tượng Bồ tát Quan Âm xuất hiện ở thôn Xương Lý, đến nay đã 97 năm (1919-2016), chùa Phước Sa khai sơn đến nay đã 73 năm (1943-2016), trải qua bao dâu biển của cuộc đời mà bảo tượng vẫn còn đó và chùa ngày càng nguy nga tráng lệ, dân tình nơi đây: ‘phong ngày càng thuần, tục ngày càng mỹ’. Nhờ vào sự tín ngưỡng và tin tưởng vào sự chở che, phù hộ của phật mà đời sống người dân nơi đây ngày càng phồn thịnh. Tin lành đồn xa về sự linh thiêng cũng như khung cảnh thanh tịnh như tranh vẽ của Phước Sa tự mà thu hút lượng khách thập phương đến viếng ngày càng đông. Du khách đến đây có thể xin tá túc qua đêm tại chùa hoặc cũng có thể ở chung nhà với một số phật tử nơi đây, để trải nghiệm không gian thanh tịnh, lắng nghe sự thuyết giảng và khuyên bảo của sư trụ trì, đồng thời ‘xõa’ hết sự bôn ba nhộn nhịp của cuộc sống hằng ngày, lắng đọng, chìm vào hư không của phật giáo nơi đây.
Tham khảo
https://www.yougovn.com/single-post/2019/05/04/nh%C6%A1n-l%C3%BD-ch%C3%B9a-ph%C6%B0%E1%BB%9Bc-sa
http://binhlongtravel.com/tin-tuc/cam-nang-du-lich/tinh-xa-ngoc-hoa-phuoc-sa-tu-noi-tinh-tam-cho-vung-dat-soi-dong-nhon-ly
https://www.facebook.com/Gdptphuocsa/posts/1729213444033228/