Chùa Phước Thành (Chùa Đạo Chim, Chợ Mới, An Giang)

Chùa Phước Thành (Chùa Đạo Chim, Chợ Mới, An Giang)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Cù lao Giêng, tỉnh An Giang không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp sông nước hữu tình, những vườn cây trái sum suê, mà còn nổi bật với hệ thống di tích tín ngưỡng tâm linh phong phú và độc đáo.

Trong số đó, chùa Phước Thành là một công trình tiêu biểu, được xem như tuyệt tác nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.

Tọa lạc tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, chùa Phước Thành không chỉ nổi tiếng về cảnh quan thanh tịnh mà còn vinh dự được ghi nhận Kỷ lục Việt Nam với quần thể tượng Phật Tổ A Di Đà cùng 48 vị Bồ Tát Thánh Chúng lớn nhất cả nước – một kỳ công tâm linh mang giá trị văn hóa, mỹ thuật sâu sắc.

Chùa Phước Thành (chùa Huệ Tài) còn có tên là chùa đạo Chim. Bài viết Chùa Phước Thành điểm du lịch tâm linh đăng trên website Trang thông tin điện tử UBND xã Bình Phước Xuân giải thích nguồn gốc tên gọi này:

Sở dĩ Chùa có tên gọi đạo Chim là vì: theo các cụ tại địa phương vào thập niên 70, Hòa Thượng Thích Bửu Đức sau 9 năm xuất gia ở vùng Bảy Núi trở về quê xã Bình Phước Xuân tu hành, không lâu sau có đôi chim Hồng Hạc từ Bảy núi bay về thu hút hàng ngàn con chim khác đến nên Hòa Thượng chọn nơi đây là điểm dừng chân tu hành và tạo lập Chùa Phước Thành (Chùa đạo Chim 1972).(1)

Lịch sử và nhân vật

Chùa Phước Thành được chính thức khai sơn vào năm 1872 bởi Hòa thượng Thích Bửu Đức, đánh dấu sự ra đời của một ngôi cổ tự mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo trên vùng đất Cù lao Giêng.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa từng nhiều lần bị hư hại bởi thiên tai, chiến tranh tàn phá, nhưng vẫn vững vàng như một biểu tượng tâm linh, lòng kiên định và ý chí dân tộc. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Phước Thành không chỉ là chốn tu hành thanh tịnh mà còn trở thành nơi che chở, bảo vệ các chiến sĩ cách mạng, đóng góp âm thầm mà to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Năm 1973, Thượng Tọa Thích Huệ Tài tiếp nhận, tái lập chùa Phước Thành. 

Tới năm 2005, chùa được đại trùng tu toàn diện trên khuôn viên rộng 4.000m². Công trình được mở rộng và tôn tạo bài bản từ chánh điện, cổng tam quan, sân vườn, cho đến các khu vực phụ trợ. Đồng thời, nhiều hạng mục kiến trúc mới cũng được kiến tạo.

Từ năm 2012, Thượng Tọa Thích Huệ Tài cho khởi công xây dựng tượng phật tổ A Di Đà cao 39m và 48 vị bồ tát, mỗi tượng cao 5m bằng bê tông cốt thép. Cho đến năm 2016, công trình mới hoàn thành và mang lại cho nơi đây vẻ đẹp đặc thù của Phật giáo.

Kiến trúc cảnh quan

Nằm ẩn mình giữa vùng sông nước thơ mộng của Cù lao Giêng, chùa Phước Thành không chỉ là một công trình tôn giáo, mà còn là một tuyệt tác kiến trúc tâm linh mang đậm dấu ấn văn hóa Phật giáo Nam Bộ.

Điểm nhấn đặc biệt trong thiết kế của chùa chính là hai hành lang nối cao vươn từ phía trước, tạo thành một trục không gian hướng tầm mắt du khách ngước nhìn trực diện tượng Phật A Di Đà một cách rõ nét và trọn vẹn nhất.

Khuôn viên của ngôi chùa còn được trang trí kiến trúc cầu kỳ theo phong cách cổ – kim kết hợp, đã tạo nên sự uy nghi, cổ kính cho ngôi chùa.

Dưới chân bức tượng Phật A Di Đà khổng lồ là những biểu tượng thu nhỏ được tạc bằng đá trắng mô phỏng các danh thắng nổi tiếng như Tháp Rùa, chùa Một Cột, Vịnh Hạ Long và hòn Phụ Tử. Sự hiện diện của những biểu tượng này không chỉ thể hiện sự gắn kết văn hóa ba miền, mà còn tạo nên một không gian vừa linh thiêng, vừa gần gũi, thu hút hàng ngàn tín đồ và du khách đến tham quan chiêm bái mỗi năm.

Đứng tại sân chùa, phóng tầm mắt ra xa là khung cảnh thiên nhiên nên thơ, trời xanh ngút ngàn, vườn cây trĩu quả, không gian yên bình đến tĩnh tại. Tất cả như đang kể lại sức sống mãnh liệt và tâm hồn hiền hậu, sâu sắc của người dân xứ Cù Lao – những con người gắn bó với đất, với đạo, và với truyền thống bao đời.

Sự kiện và lễ hội 

Trong các hoạt động tôn giáo tại chùa Phước Thành, nổi bật và được mong đợi nhất chính là lễ hội Kỳ Yên.

Lễ hội được tổ chức định kỳ hàng năm, là dịp để bà con trong làng, cùng du khách thập phương về chùa dâng hương, cầu an, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Phần lễ được tiến hành trang nghiêm với các nghi thức cúng tế truyền thống, tụng kinh và dâng lễ vật lên chư Phật, chư vị tiền hiền hậu hiền.

Sau phần lễ là đến phần hội với các hoạt động văn hóa dân gian: biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian, gian hàng ẩm thực, và các hoạt động giao lưu cộng đồng. 

Lễ hội Kỳ Yên không chỉ là sự kiện tâm linh, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa đời sống tinh thần và đời sống cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa vùng cù lao Giêng và khẳng định vai trò của chùa Phước Thành trong đời sống văn hóa – tôn giáo tại An Giang.

Những hiện vật tiêu biểu tại chùa:​

  • Quần thể tượng Phật A Di Đà và 48 vị Bồ Tát: Tượng Phật A Di Đà cao 39 mét, được xây dựng từ năm 2012 và hoàn thành sau 4 năm. Đây là một trong những tượng Phật cao nhất tại Việt Nam, trở thành biểu tượng tâm linh nổi bật của chùa. Bao quanh tượng Phật là 48 pho tượng Bồ Tát Thánh Chúng, mỗi tượng cao 5 mét.
  • Các mô hình thu nhỏ của những công trình biểu tượng văn hóa Việt Nam như Tháp Rùa, chùa Một Cột, Vịnh Hạ Long và hòn Phụ Tử.
  • Các tượng Phật, Bồ Tát và La Hán dọc theo các hành lang và lối đi trong chùa.

Xếp hạng

Chùa Phước Thành (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào ngày 6/5/2017 với danh hiệu: Quần thể tượng Phật Tổ A Di Đà và 48 vị Bồ Tát Thánh Chúng lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, vào ngày 26/4/2019, Liên đoàn các Hiệp hội UNESCO Việt Nam đã trao chứng nhận cho Hòa thượng Thích Huệ Tài – trụ trì chùa Phước Thành vì những đóng góp trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng cộng đồng.

Chú thích

  1. Ánh Minh, Chùa Phước Thành điểm du lịch tâm linh, Trang thông tin điện tử UBND xã Bình Phước Xuân, website https://binhphuocxuan.chomoi.angiang.gov.vn/index.php/ , ngày 12/10/2023. 

Tham khảo

  1. Ánh Minh (2023), Chùa Phước Thành điểm du lịch tâm linh, Trang thông tin điện tử UBND xã Bình Phước Xuân, website https://binhphuocxuan.chomoi.angiang.gov.vn/index.php/ .
  2. Báo An Giang (2023), Chùa Phước Thành – Ngôi cổ tự đạt kỷ lục Việt Nam, website https://baoangiang.com.vn/ 
  3. Báo An Giang (2023), Kiến trúc độc đáo của chùa Chim ở Cù Lao Giêng, website https://baoangiang.com.vn/ 
5/5 (1 bình chọn)

Hình ảnh

Chia sẻ
Checkin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)