Giới thiệu
Chùa Quốc Ân (寺恩國) là một trong những ngôi tổ đình danh tiếng và lâu đời bậc nhất tại cố đô Huế. Hiện tại chùa Quốc Ân vẫn còn bảo lưu nhiều dấu ấn văn hóa Phật giáo trong các thời kỳ từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và Huế ngày nay.
Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, do tổ sư Tạ Nguyên Thiều khai sơn vào khoảng những năm 1682-1684 với tên ban đầu là thảo am Vĩnh Ân. Chùa là ngôi Tổ đình đầu tiên của phái thiền Lâm Tế từ Trung Quốc truyền sang.
Lịch sử
Chùa Quốc Ân do Thiền sư Nguyên Thiều khai sáng vào khoảng cuối thế kỷ XVII, mang tên chùa Vĩnh Ân. Nhiều nhà nghiên cứu phỏng định chùa được khai sơn từ năm 1682 đến năm 1684, vào đời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Năm 1684, chúa Nguyễn Phúc Tần đã ban cho ngài Nguyên Thiều một ngân khoản để xây sửa chùa Vĩnh Ân.
Tháp Phổ Đồng cũng được xây vào lúc này, bằng vôi gạch, cao vài ba tầng ở góc đông nam vườn chùa. Tháp Phổ Đồng có thể để thờ những người có công đức với chùa nhưng không còn con cháu; cũng như thờ các bậc tể quan, hoặc các nhà sư, các thầy trong sơn môn mà chưa có quyền xây tháp mộ theo giáo lễ; cho nên mới dùng chữ “Phổ” có nghĩa là chung và “Đồng” có nghĩa là bình đẳng vậy
Vào năm Chính Hòa thứ 10 (1689), ngày 27 tháng 5 năm Kỷ Tỵ, chúa Nghĩa Vương đã cho đổi hiệu chùa là Quốc Ân, ban tấm biển “Sắc tứ Quốc Ân Tự” và sắc lệnh miễn giảm thuế đất ruộng cho chùa. Sau đó, chúa cử ngài Nguyên Thiều về Trung Quốc để thỉnh nhiều kinh, chuông, tượng, pháp khí cho các chùa ở Phú Xuân.
Đến đời chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), chúa đã ban cho chùa bức hoành bốn chữ “Linh Thứu Cao Phong” và hai bức liễn đối có lạc khoản là “Quốc Vương Thiên Túng Đạo Nhân ngự đề”.
Ngài Nguyên Thiều viên tịch vào ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân (1728) vào đời chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú (1725-1738). Ninh Vương đã ban thụy hiệu cho ngài là “Hạnh Đoan Thiền Sư” và viết bài minh khắc vào bia đá dựng tại tháp Thiền sư Hoán Bích Chùa Sắc tứ Hà Trung
Kế tục trụ trì chùa Quốc Ân là ngài Minh Hằng Định Nhiên thuộc đời thứ 34 dòng Lâm Tế. Ngài viên tịch năm 1793, trụ trì chùa 65 năm, trong thời gian này chiến tranh xảy ra nhiều chùa chiền bị hư hỏng, tháp Phổ Đồng bị phá sập.
Đến năm Gia Long thứ tư (1805), công chúa Ngọc Tú (con của chúa Nguyễn Phúc Luân hay Nguyễn Phúc Côn, là cha của Thế Tổ Cao hoàng đế Gia Long) đã bỏ ra ba trăm quan tiền để tái thiết ngôi chùa. Ngài Thiệt Tánh Trí Hải Đại sư và Tế Lịch Chính Văn Đại sư đã đảm nhận việc xây dựng ngôi chùa sau 15 năm đổ nát, và lấy lại số ruộng đất là 9 mẫu 01 sào 2 thước ở làng Thần Phù. Ngài Thiệt Tánh Trí Hải thuộc đời 35 dòng Lâm Tế, viên tịch năm 1805. Ngài Tế Lịch Chính Văn kế tục trụ trì đến lúc viên tịch thì vua Gia Long đưa ngài Tổ Ấn Mật Hoằng, Tăng cang chùa Thiên Mụ sang trụ trì chùa Quốc Ân năm 1817. Ngài Tổ Ấn Mật Hoằng đã tổ chức trùng tu chùa Quốc Ân với vôi, gạch, ngói. Ngài viên tịch vào ngày 10 tháng 10 năm Ất Dậu (1825).
Kế tục ngài Tổ Ấn Mật Hoằng là ngài Tế Chánh Bổn Giác (1761-1851). Ngài Tế Chánh Bổn Giác vừa làm Tăng cang chùa Thiên Mụ vừa trụ trì chùa Quốc Ân. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), ngài Tế Chánh Bổn Giác đã chú tạo một đại hồng chung nặng 662 cân. Dưới thời này, chùa Quốc Ân đã có điện Đại Hùng, tiền đường, lầu chuông, lầu trống, nhà tăng, nhà hậu, nhà khách, kiến trúc theo kiểu chữ “khẩu” truyền thống chùa Huế. Ngài viên tịch vào ngày 15 tháng 12 năm Canh Tuất (1851). Tháp mộ ngài ở vườn chùa.
Ngài Tế Chánh Bổn Giác đã phó pháp cho ngài Tánh Khoát Huệ Cảnh. Ngài Tánh Khoát Huệ Cảnh giao trụ trì chùa cho ngài Liễu Kiến Từ Hòa. Ngài Liễu Kiến Từ Hòa cho xây cổng tam quan và hai am nhỏ ở sân trước chùa thờ Thánh Mẫu và Ngũ Hành. Ngài viên tịch ngày 28 tháng 7 năm Quý Hợi (1863). Tháp mộ ngài ở vườn chùa.
Kế tục ngài Liễu Kiến Từ Hòa là ngài Liễu Triệt Từ Minh. Ngài được bổ làm Tăng cang chùa Giác Hoàng; là người khai sơn chùa Viên Quang năm 1865 (chùa Linh Quang ngày nay). Kế tục là ngài Liễu Chơn Từ Hiếu. Năm 1882, ngài làm Tăng cang chùa Giác Hoàng và trụ trì chùa Quốc Ân. Năm 1883, ngài được bổ làm Tăng cang chùa Thiên Mụ. Ngài đã cho sao chép và khắc lại trên bia đá bài minh của Đại Việt Quốc Vương dựng tại tháp Thiền sư Hoán Bích. Ngài viên tích ngày 9 tháng 5 năm Canh Dần (1890).
Ngài Minh Đức Bửu Tích kế tục trụ trì chùa vừa làm Tăng cang chùa Thiên Mụ. Ngài viên tịch năm Mậu Thân niên hiệu Duy Tân thứ hai (1908). Kế tục là ngài Như Hán Nguyên Cát. Ngài đã cho xây bốn trụ cao trước cổng chùa, thay cổng tam quan bị sập do trận bão năm 1904. Ngài vừa kiêm trụ trì chùa Linh Quang. Ngài viên tịch vào ngày 12/4/1914.
Tiếp theo là ngài Như Thông Đắc Ân và ngài Như Đông Đắc Quang. Ngài Như Đông Đắc Quang cũng vừa làm Tăng cang chùa Thiên Mụ vừa trụ trì chùa Quốc Ân. Năm 1945, ngài đã tổ chức đại trùng tu chùa Quốc Ân. Ngài viên tịch năm 1947.
Kế tục trụ trì chùa là Hòa thượng Huyền Không. Hòa thượng viên tịch ngày 17/01/1983, thọ 77 tuổi, 45 hạ lạp. Hòa thượng Diệu Tánh kế tục trụ trì chùa từ năm 1983. Hòa thượng viên tịch vào ngày 17/01/2020, trụ thế 89 năm, 63 hạ lạp.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Thượng tọa Thích Minh Chơn đương kim Giám tự đã đứng ra tổ chức đại trùng tu ngôi chùa thành ngôi phạm vũ uy nghiêm, tráng lệ.
Kiến trúc
Về mặt kiến trúc hàn lâm (chính thống), chùa Huế mang đậm nét bản sắc văn hoá phương Đông, nhưng dù được xây dựng theo hình gì, cấu trúc chung của một ngôi chùa Huế thường bắt đầu bằng tam quan. Tiếp đó là tiền đường để tiếp khách. Chánh điện là nơi tụng niệm. Hậu tổ – thờ vị khai sơn và các bậc hậu bối. Hai nhà tả – hữu, dành cho việc trọng đại. Trường thất – dành cho vị trụ trì chùa và tăng xá – nơi ở của các thầy. Ngoài ra còn có thiền đường – dành cho thiền hạnh một nơi không thể thiếu dù là chốn tu hành đó là tịnh trù – nhà bếp.
Kiến trúc tòa điện Đại Hùng gồm tiền điện và chính điện. Tòa điện là ngôi nhà rường làm theo mô típ truyền thống được xây dựng theo lối kiến trúc “Trùng thiềm điệp ốc” với tiền điện 5 gian 2 chái và chính điện 3 gian 2 chái kép cùng tọa lạc trên một nền chính, trong đó mái sau của nhà trước và mái trước của nhà sau được nối với nhau bằng một hệ thống trần “Thừa lưu” hạ thấp uốn cong như hình “Mai cua”.
Tiền điện chùa Quốc Ân được trang trí trên mái tiền điện với các đề tài: long chầu mặt hổ phù chính giữa đỉnh mái, bên trong mặt hổ phù thiết trí chữ “vạn”; hai đầu nóc trang trí hồi long. Bờ mái trang trí các ô hộc vuông và chữ nhật xen kẽ nhau, bên trong các ô hộc đắp nổi nhiều đề tài hoa lá. Các đầu mái trang trí các cù giao cách điệu. Các phù điêu trang trí trên tiền điện tại chùa Quốc Ân được làm bằng chất liệu vôi vữa và sơn quét.
Chính điện là bộ khung gỗ truyền thống với 52 cột. Hai chái trong tả, hữu rộng 3,5m, hai chái ngoài rộng 1,2m. Chung quanh được xây tường gạch bao che. Hai chái kép chính điện phía trước được xây tường gạch, trang trí đề tài tùng lộc và ngũ phúc.
Bước vào chính điện, hai bên tả, hữu thiết trị bộ tượng Thập Điện Diêm Vương. Ngay trên gian giữa trang trí bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng bên trong chạm nổi 3 chữ Hán “Quốc Ân tự” và chiếc ấn hình thoi bên trong khắc 2 chữ Hán “Sắc Tứ”. Từ hàng cột nhất gian giữa phía trong chính điện trở về sau chùa được thiết kế một vách ngăn bằng gỗ tạo thành hậu điện và trổ hai lối ra vào chính điện trở với phía sau. Đây là khu vực thờ các vị tổ sư đã khai sơn và trụ trì chùa qua các thời kỳ.
Tả vu, hữu vu: Nối liền chính điện là một khoảng sân rộng, bên tả là nhà tăng, bên hữu là nhà khách. Hai ngôi nhà này được kiến trúc theo kiểu nhà rường 3 gian, 2 chái. Chung quanh nhà được xây tường gạch bao che. Mái nhà tả vu và hữu vu chùa Quốc Ân được lợp bằng ngói liệt, bên trên bờ nóc, bờ quyết trang trí đơn giản.
Nhà linh: Nằm ngay sau sân tòa điện Đại Hùng, được kiến trúc kiểu nhà rường 3 gian 2 chái nằm trên một nền cao 0,75m. Hai bên chái được xây tường và trang trí chữ phúc. Mái nhà linh được lợp bằng ngói mũi hài, chính giữa nóc trang trí chữ Vạn, hai đầu nóc trang trí hồi long cách điệu, bờ mái trang trí cù giao cách điệu.
Mộ tháp chùa Quốc Ân có mật độ dày đặc với 14 ngôi tháp mộ lớn nhỏ phân bố phía sau vườn chùa. Phần lớn tháp mộ chùa Quốc Ân có hình bát giác, chung quanh tháp có xây la thành bao bọc và có cửa để vào; phía trước tháp có dựng bia đá khắc chữ Hán, trên đỉnh tháp trang trí hoa sen. Tháp chủ yếu được xây bằng gạch và vôi vữa, trang trí đơn giản.
Giá trị
Chùa Quốc Ân là một di tích Phật giáo quan trọng, là điểm dừng chân, nơi sống đạo và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật giáo, có đạo hạnh và tài đức. Ngôi chùa xứng đáng là một trong những di tích lịch sử – văn hóa của thành phố Huế. Ngày nay, đến chiêm bái tham quan chùa Quốc Ân, chúng ta như đi vào một bảo tàng thu nhỏ trưng bày thờ tự nhiều tượng khí, pháp khí mang những dấu ấn văn hóa đặc trưng của Phật giáo xứ Đàng Trong nói chung và xứ Thuận Hóa nói riêng.
_____________________
Các ngôn ngữ khác
Tiếng Anh (English)
Quoc An Pagoda is one of the oldest and most venerable temple complexes in Hue, the former imperial capital of Vietnam. It has preserved cultural heritage of Buddhism from the Thuận Hóa period to Phú Xuân and present-day Huế. Belonging to the Northern Zen sect, it was founded around 1682-1684 by master Tạ Nguyên Thiều, initially named Thao Am Vĩnh Ân. Quoc An Pagoda has witnessed significant historical periods and developments, supported and expanded under the Nguyen dynasties. Its architectural structures like the Dai Hung Hall and memorial stupas reflect wealth and reverence for past patriarchs and monks who established and led the pagoda. Today, Quoc An Pagoda serves not only as a spiritual center of Buddhism but also as a historical and cultural landmark attracting visitors and pilgrims alike.
Tiếng Trung (Chinese)
国恩寺是越南旧都 Huế 最古老和最尊崇的寺庙之一。它保留了从顺化时期到富春和今天的佛教文化遗产。国恩寺属于北宗派,大约在1682-1684年由法师 Tạ Nguyên Thiều 创立,最初名为 Thao Am Vĩnh Ân。国恩寺见证了重要的历史时期和在阮朝期间的发展。其建筑结构如大雄宝殿和纪念佛塔反映了对建立和领导寺庙的过去的祖师和僧侣的尊崇和尊敬。今天,国恩寺不仅是佛教的精神中心,也是历史文化的重要地标,吸引着游客和朝圣者。
Tiếng Pháp (French)
La Pagode Quoc An est l’un des complexes de temples les plus anciens et les plus vénérés de Hué, l’ancienne capitale impériale du Vietnam. Elle a préservé l’héritage culturel du bouddhisme depuis l’époque de Thuan Hoa jusqu’à Phu Xuan et à Hué aujourd’hui. Appartenant à la secte Zen du Nord, elle a été fondée vers 1682-1684 par le maître Ta Nguyen Thieu, initialement nommée Thao Am Vinh An. La Pagode Quoc An a été le témoin de périodes historiques significatives et de développements sous les dynasties Nguyen. Ses structures architecturales telles que la salle Dai Hung et les stupas commémoratifs reflètent la richesse et le respect envers les patriarches et moines du passé qui ont établi et dirigé le temple. Aujourd’hui, la Pagode Quoc An sert non seulement de centre spirituel du bouddhisme mais aussi de repère historique et culturel qui attire visiteurs et pèlerins.