Thân thế
Thiền sư Nguyên Thiều (chữ Hán: 元韶, 1648-1728) là một thiền sư người Trung Quốc, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 33, nhưng sang Việt Nam truyền đạo vào nửa cuối thế kỷ XVII. Ông là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Miền Trung đầu tiên, và đã đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong.
Sư nguyên họ Tạ, nhưng không rõ tên thật, sinh ngày 18 tháng 5 năm Mậu Tý (tức 8 tháng 7 năm 1648) ở Trình Hương, thuộc phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Năm Đinh Mùi (1667), lúc 19 tuổi, sư xuất gia học đạo với Hòa thượng Bổn Quả – Khoáng Viên ở chùa Bảo Tự, và được ban pháp danh là Nguyên Thiều, pháp tự là Hoán Bích, pháp hiệu là Thọ Tông (hay Thụ Tông) thuộc phái Lâm Tế đời thứ 33.
Niên hiệu Cảnh Trị thứ ba đời Lê Huyền Tông (năm Ất Tỵ, đời chúa Nguyễn Phúc Tần thứ mười bảy – 1665)(1), Sư đi theo tàu buôn sang An Nam, trú ở Qui Ninh (Bình Định), lập chùa Thập Tháp Di-đà mở trường truyền dạy. Sau, Sư ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung (thuộc huyện Phú Lộc, nay hãy còn), rồi lên Xuân Kinh (Huế) lập chùa Quốc Ân và lập tháp Phổ Đồng.
Sau, Sư lại phụng mệnh chúa Anh Tông (Nguyễn Phúc Trăn 1687-1691) trở về Trung Quốc tìm mời các danh tăng và cung thỉnh pháp tượng pháp khí.
Sư về Quảng Đông mời được Hòa thượng Thạch Liêm và các danh tăng khác, cùng thỉnh được nhiều kinh điển tượng khí đem về. Chúa Nguyễn liền sắc mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ. Sau đó, chúa Nguyễn sắc ban Sư chức Trụ trì chùa Hà Trung.
Tu tập
Thiền sư theo thuyền buôn sang Đại Việt (Việt Nam ngày nay) vào năm Đinh Tỵ (1677), và trú ở tại phủ Quy Ninh (tức Quy Nhơn, thuộc tỉnh Bình Định), rồi lập chùa Thập Tháp Di Đà (nay thuộc khu vực Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) để làm nơi tu và truyền dạy đạo Phật.
Năm 1682, Thiền sư Hương Hải của thiền phái Trúc Lâm dẫn theo khoảng 50 đệ tử bỏ Đàng Trong ra Đàng Ngoài. Ở Thuận Hóa vì thế thiếu tăng sĩ, nên chúa Nguyễn Phúc Tần cho người mời sư từ Quy Ninh ra Thuận Hóa.
Đến Thuận Hóa, sư chọn chân đồi Hòn Thiên (còn gọi là núi Bân), phía trái núi Ngự Bình để dựng chùa Vĩnh Ân (1689, chúa Nguyễn Phúc Trăn cho đổi tên là chùa Quốc Ân) và tháp Phổ Đồng vào khoảng năm 1682-1684.
Tiếp theo (trong khoảng năm 1687-1690), sư được chúa Nguyễn Phúc Trăn cử về Trung Quốc để thỉnh thêm tăng sĩ, kinh Phật giáo, Phật tượng, pháp khí sang Đàng Trong. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp, chúa Nguyễn hỗ trợ cho sư mở Đại giới đàn ở chùa Thiên Mụ (Huế).
Đầu năm 1691, chúa Nguyễn Phúc Trăn mất, con là Nguyễn Phúc Chu lên thay. Năm 1692, sư được chúa Nguyễn cử làm trụ trì chùa Phổ Thành ở làng Hà Trung (nên còn được gọi là chùa Hà Trung; nay thuộc xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Tại đây, sư đã thiết trí một tượng Bồ Tát Quan Âm bằng đá thỉnh từ Trung Quốc.
Giải thích vì sao sư phải rời chùa Quốc Ân, đến làm trụ trì chùa Hà Trung, là một ngôi chùa nhỏ hơn, một số tài liệu đã cho biết: Ngay khi mới lên ngôi (1691), chúa Nguyễn Phúc Chu hãy còn trọng dụng sư Nguyên Thiều như chúa Nguyễn Phúc Trăn đã quý trọng. Nhưng năm 1692, một người Hoa tên A Ban (sau đổi tên là Ngô Lãng) cùng với một số tướng sĩ Chiêm Thành nổi lên chống chúa Nguyễn ở trấn Thuận Thành (đất Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay), khiến chúa phải sai Cai cơ Nguyễn Hữu Cảnh dẫn quân đi đánh dẹp. Qua biến cố này, có thể chúa Nguyễn đã không còn tin ở sự trung thành của người Hoa như trước. Có thể vì vậy, chúa Nguyễn đã cử sư Nguyên Thiều đi làm trụ trì chùa Hà Trung năm 1692.
Đến ở chùa Hà Trung được ít lâu, thì sư vào đất Đồng Nai ẩn tích và hoằng hóa cho những lưu dân người Việt và người Hoa đã đến làm ăn sinh sống ở nơi ấy. Sau đó, sư lập chùa Kim Cang ở ấp Bình Thảo, thuộc dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Giải thích cho việc vào Nam của Sư, sách Lịch sử Phật giáo Đàng Trong có đoạn viết:
Năm Ất Hợi (1695), ở Quảng Ngãi có người lái buôn tên Linh (không rõ họ), tự xưng Linh Vương, tạo chiến thuyền, đúc binh khí, rồi cùng người ở Qui Ninh (tức Quy Nhơn) tên Quảng Phú hợp nhau vào rừng núi đi cướp bóc. Quan quân không dẹp được, khiến chúa sai dinh Quảng Nam, hợp với hai phủ Quảng Ngãi và Quy Ninh đem quân đi đánh… Khi quan quân đến sơn trại thì Linh đã chết, Quảng Phú trốn vào Phú Yên, bị dân thiểu số bắt đem nạp… Chắc chắn là cuộc nổi loạn này cũng đã làm liên lụy đến sư Nguyên Thiều, vì Quảng Phú là người Hoa kiều (giống như A Ban trước đây) ở Quy Ninh, vốn là người đồng hương với Sư, lại nổi lên ở nơi sư lập chùa Thập Tháp Di Đà .
Viên tịch
Một hôm, Sư lâm bệnh, họp môn đồ lại dặn dò mọi việc và truyền bài kệ rằng:
Lặng lẽ gương không bóng
Rỡ rỡ châu chẳng hình
Rõ ràng vật phi vật
Vắng vẻ không chẳng không.
(Tịch tịch kính vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không)
Ngài viết kệ xong ngồi yên lặng thị tịch. Hôm ấy là ngày 19 tháng 10 niên hiệu Bảo Thái thứ mười nhà Lê (1729), thọ tám mươi mốt tuổi. Đệ tử và Tể quan thọ giới đồng xây tháp ở bên đồi nhỏ xóm Thuận Hóa làng Dương Xuân Thượng, làm lễ nhập tháp để hương hỏa tôn thờ.
Tán thán công hạnh
Hoàng đế Hiển Tông ban thụy hiệu là Hạnh Đoan thiền sư và làm bài minh khắc vào bia tán thán đạo đức của Sư:
Bát-nhã ưu ưu
Phạm thất rỡ rỡ
Trăng nước ngao du
Giới luật nghiêm mật.
Lặng lẽ riêng vững
Đứng thẳng đã xong
Quán thân vốn không
Hoằng pháp lợi vật.
Mây từ che khắp
Tuệ nhật chiếu soi
Nhìn Ngài xét Ngài
Thái Sơn cao ngất.
(Ưu ưu bát-nhã
Đường đường phạm thất
Thủy nguyệt ưu du
Giới trì chiến lật.
Trạm tịch cô kiên
Trác lập khả tất
Quán thân bổn không
Hoằng pháp lợi vật.
Biến phú từ vân
Phổ chiếu tuệ nhật
Chiêm chi nghiêm chi
Thái Sơn ngật ngật.)
Sư là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Trung Việt đầu tiên. Những vị đồng tông Lâm Tế ở Trung Hoa sang Việt Nam dưới Sư một đời, như Minh Hoằng Tử Dung, Minh Hải Pháp Bảo, Minh Vật Nhất Tri và các đệ tử của Sư đồng truyền bá tông Lâm Tế ở đây.
Tham khảo
- Sách “Thiền uyển tập anh”, Lê Mạnh Phát, Viện nghiên cứu Phật học, Nhà xuất bản Văn học năm 1990.
- Sách Thiền Sư Việt Nam, Thích Thanh Từ, DL 1999 PL 2543.
- https://vi.wikipedia.org