Giới thiệu chung
Cụm di tích Đình, Chùa Hương Thể tọa lạc tại số 121 phố Kim Ngưu, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Cụm di tích bao gồm Đình Hương Thể, Chùa Hương Thể, Đình Lạc Trung.
Đình Hương Thể còn gọi là Đình Lạc Trung A, để phân biệt với Đình Lạc Trung hay còn gọi là Đình Lạc Trung B. Cả hai đình đều thờ một Thành hoàng làng.
Chùa Hương Thể có tên chữ là Hương Thể tự. Ngôi chùa được xây dựng sau Đình Hương Thể và tọa lạc bên phải đình.
Lược sử
Đình Hương Thể – Đình Lạc Trung
Đình Hương Thể được xây dựng từ lâu đời, không có tài liệu nào nói về năm xây dựng cụ thể của Đình. Đình có cảnh quan thiên nhiên đẹp. Đình được tôn tạo lại năm 1952 và đến năm 2006 được trùng tu hoàn chỉnh như hiện nay.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, để có nơi học hành khai thông dân trí, gian ngoài Đình Hương Thể và Đình Lạc Trung còn được sử dụng làm trường dạy hết bậc tiểu học. Năm 1954, hậu cung đình là nơi cất súng đạn do lính ngụy ở đồn Bến Phà đen đào ngũ giao súng lại cho ta.
Năm 1992, dân làng đã phục dựng lại ngôi Đình Lạc Trung để có nơi thờ cúng. Năm 1997, công trình đài tưởng niệm liệt sĩ phường được khởi công xây dựng tại khuôn viên đình. Năm 2004, quy hoạch lại tổng thể di tích Đình Lạc Trung và kiến trúc được giữ nguyên hiện trạng đến nay.
Chùa Hương Thể
Chùa Hương Thể được nhân dân và các phật tử hai làng Hương Thể và Trung Trí thuộc tổng Thanh Nhàn huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông cũ, nay là phường Thanh Lương quận Hai Bà Trưng xây dựng nên, có niên đại vài trăm năm.
Từ năm 2003 đến nay, Chùa đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích và góp phần phục vụ tín ngưỡng tâm linh của nhân dân.
Kiến trúc – Lễ hội
Đình Hương Thể – Đình Lạc Trung
Đình Lạc Trung có kiến trúc mặt bằng hình chữ “đinh”. Gian trong cùng gọi là cung cấm, nơi đặt ngai thờ; bên phải là văn chỉ họ trịnh; bên trái đình có nhà Tào Xá. Đình được xây dựng từ lâu và trùng tu nhiều lần. Trước đây phía trước đình là hồ sen rộng và cây đa cổ thụ. Sau này, hồ sen phía trước đình bị san lấp để xây dựng khu di dân đường Trần Khát Chân. Trong kháng chiến chống Pháp, Đình Lạc Trung bị bom đạn tàn phá.
Đình Hương Thể và Đình Lạc Trung không chỉ là nơi thờ Thành hoàng, tế lễ, mà còn là nơi giao lưu, học tập, hội họp của nhân dân. Ngày nay sự hiện diện của hai ngôi đình đã góp phần tạo nên những truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương. Hàng năm vào hai dịp Xuân – Thu nhị kỳ ngày 12 tháng 2 và 12 tháng 8 (âm lịch) dân làng lại tổ chức mở hội dâng hương tế lễ, rước kiệu để tỏ lòng thành kính với vị thành hoàng làng đã có công giúp nước, giúp dân. Qua đó, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thêm hiểu về truyền thống ông cha.
Chùa Hương Thể
Chùa Hương Thể được xây dựng theo lối chữ “đinh” (chuôi vồ). Trước cửa chùa trước đây là một đầm sen lớn, bên trái ngôi chùa xưa có một giếng chùa nay được cải tạo là một vườn cây của nhà chùa.
Trong chùa được thiết kế gồm Tam Bảo, nơi thờ Đức Ông và Tứ Phủ. Tôn trí tượng Phật được xếp theo thứ gồm 5 hàng. Hàng trên cùng có 3 pho tượng Tam Thế Phật, pho tượng Phật A Di Đà và pho tượng Phật Di Lặc. Tục truyền đây là 3 pho tượng đẹp có niên đại hàng trăm năm. Hàng thứ 2 gồm có các pho tượng Đức Quan Âm, pho tượng Phổ Hiền Bồ Tát. Hàng thứ 3 gồm các pho tượng thờ các vị Phật, hàng thứ 5 gồm có tòa Cửu Long và các vị Thánh văn. Bên phải chùa thờ Đức Chúa Ông. Đây cũng là pho tượng có từ lâu đời và được đánh giá cao về mỹ thuật. Bên trái trong chùa thờ Mẫu gồm có các pho tượng Tam tòa Thánh Mẫu và các vị Thánh. Trong khuôn viên chùa còn có nhà thờ Tổ, gồm có pho tượng Phật tổ và các sư ni đã viên tịch.
Chùa Hương Thể là di tích chưa được xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiểm kê di tích của Thành phố.
Di vật
Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ 01 quả chuông được xác định có từ đời vua Thành Thái (năm 1893).
Thành tựu
Đình Hương Thể và Đình Lạc Trung được xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật.
Tham khảo
- http://thanhluong.haibatrung.hanoi.gov.vn/di-tich-lich-su/-/asset_publisher/UByp2W88WPKe/content/di-tich-lich-su-phuong-thanh-luong