Đền Cửa Ông (đền Cửa Suốt – Cẩm Phả, Quảng Ninh)

Đền Cửa Ông (đền Cửa Suốt – Cẩm Phả, Quảng Ninh)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đền Cửa Ông hay còn gọi là đền Cửa Suốt, là một di tích thời Nhà Trần, có lịch sử hơn 700 năm, tọa lạc trên đỉnh núi cao khoảng 100m, thuộc Khu 9A, phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Thành phố Cẩm Phả cách thành phố Hạ Long khoảng 40 km về phía Đông Bắc, phía Đông giáp với huyện Vân Đồn, phía tây giáp huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long, phía Nam giáp vịnh Bái Tử Long, phía Bắc giáp huyện Ba Chẽ và huyện Tiên Yên.

Đền thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng cùng gia thất nhà Trần và các nhân thần là những dũng tướng tài ba thao lược thời nhà Trần như: Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khánh Dư, Đỗ Khắc Chung, Phạm Ngũ Lão, Lê Phụ Trần,… Đồng thời Đền còn phối thờ Khâm sai Đông Đạo tiết chế Hoàng Cần; thờ Mẫu và Trung Thiên Long Mẫu tại đền Mẫu, thờ Phật và Tuệ trung Thượng Sỹ tại Chùa.

Lịch sử và nhân vật

Đền Cửa Ông đã có từ lâu đời, hiện chưa có thông tin chính xác thời gian xây dựng, ban đầu đền chỉ là một Thảo Am (Am cỏ) dựng dưới gốc cây cổ thụ, bên bờ Cửa Suốt, tục gọi là miếu Đức Ông. Người dân địa phương, thuyền bè xuôi ngược, cùng các quan quân đi lại trong vùng đều cảm nhận được sự linh thiêng của ngôi đền và đã khắc họa đôi câu đối trước cổng:

Miếu Đức Ông là nơi Cửa Suốt

Khách vãng lai thường mộ cúng dâng.

Đầu thế kỷ XX, khi Cảng than Cửa Ông được xây dựng, dân cư trở nên đông đúc hơn thì Đền Cửa Ông mới được xây dựng lại bằng gạch ngói. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, máy bay Mỹ đã ném bom phá hủy khu đền Hạ và đền Trung, trong những năm tiếp theo, đền tiếp tục được tu bổ và tôn tạo.

Vào năm 2014, quy hoạch tổng thể khu di tích Đền Cửa Ông được phê duyệt với diện tích lên tới 18,125ha. Đến năm 2017, đền Trung được nhân dân và chính quyền địa phương đóng góp xây dựng, góp phần tạo cho ngôi đền trở thành một quần thể hoàn chỉnh như hiện nay.

Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng

Đền thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng là con trai thứ ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, một danh tướng có công lớn trong cuộc kháng chiến thứ hai và thứ ba chống quân xâm lược Nguyên Mông, đã được vua Trần Anh Tông phong tước Đại Vương. Ngài cùng nhiều tướng lĩnh nhà Trần có công đánh giặc và trấn ải vùng Đông Bắc.

Sự tích của Trần Quốc Tảng là một sự tích hào hùng được thể hiện qua câu đối treo cạnh pho tượng của Ông:

Bạch Đằng hộ chiến công, lương tướng uy danh Kinh Bắc địa.

Hải Đông lưu linh tích, anh hùng tâm sự đối Nam thiên

Dịch nghĩa:

Giúp chiến thắng Bạch Đằng, tướng giỏi uy danh lừng đất Bắc.

 Để dấu thiêng Đông Hải, anh hùng tâm sự gửi trời Nam.

Trong cuốn Đền Miếu Việt Nam có nói: “Ông đã đánh thắng giặc Nguyên, được phong tước Hưng Nhượng Công. Nhưng do tính tình ương ngạnh, ông đã bị Trần Quốc Tuấn là cha mình đày ra cửa biển Cửa Suốt, làm Suất ti tuần Đại An. Nói là đi đày, song thực ra ông đã là vị trấn thủ giữ gìn bến cảng.”

Theo truyền thuyết dân gian, một hôm, ông ra Cửa Suốt, tự nhiên trời mưa to gió lớn, sấm sét nổ ầm ầm. Ông thấy một phiến đá to bèn ngồi lên, ngay lúc đó sóng nổi cuồn cuộn, nước dâng lên rất cao, nhưng phiến đá tự nổi trên mặt nước. Hưng Nhượng Công hóa thân ở đó vào ngày 16 tháng 8 năm 1311. Một lúc sau mưa gió yên, dân chúng thấy trên phiến đá có một cái mũ đá, liền rước về lập miếu thờ, tâu lên triều đình. Nhà vua phong làm Thượng Đẳng Phúc Thần.

Kiến trúc cảnh quan

Đền Cửa Ông có thế “Tọa sơn hướng hải” (Phía sau là thung lũng, xa hơn là dãy núi chạy dài đến Mông Dương, Phía trước là vịnh Bái Tử Long), hội tụ được các lợi thế về phong thủy: tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, trước mặt có Minh Đường, sau lưng có Huyền Vũ.

Hiện tại đền Cửa Ông gồm ba đền chính: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Cả ba đền được bố trí ở ba vị trí khác nhau, tạo thành một quần thể kiến trúc hình chân vạc trông ra vịnh.  

Tại đền hiện nay có treo hai câu đối:

Thiên trường lục thủy không khâu tụ

Tứ diện thanh sơn nhập họa đồ.

Dịch nghĩa:

Nghìn trùng nước biếc buông dải áo

Bốn phía non xanh tạc họa đồ.

Đền Hạ là nơi nơi thờ Mẫu, gồm đền Mẫu và đền Trung Thiên Long Mẫu. Đền Mẫu xây dựng theo kiểu chữ “nhị” gồm ba gian Bái Đường và ba Gian Hậu Cung. Hậu Cung cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải Phủ), Bái đường, hàng cao nhất chính giữa thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, bên phải thờ Nam Tào, bên trái thờ Bắc Đẩu, Ngũ vị Tôn ông và các quan. Đền Trung Thiên Long Mẫu: Nằm phía trái của đền Mẫu. Chính giữa hàng trên cùng là tượng thờ Trung Thiên Long Mẫu, hàng thứ hai chính giữa thờ Cô Đôi, bên trái thờ Cô Bơ. Ban thờ bên phải thờ Thánh Cậu, ban thờ bên trái thờ Cô bé Cửa Suốt.

Đền Trung được xây dựng từ năm 2016 theo Quy hoạch chi tiết di tích đền Cửa Ông ngày 30/9/2014 với kiến trúc chữ Đinh, gồm ba gian Tiền Đường và một gian Hậu Cung, đây là nơi thờ Khâm sai Đông đạo tiết chế Hoàng Cần và Sơn thần, Thủy thần. Đền Trung nằm ở dãy núi Cẩm Sơn, phía trước là biển Đông.  

Đền Thượng gồm đền Thượng, đền Quan Chánh, đền Quan Châu, chùa và  lăng mộ Trần Quốc tảng. Đền Thượng là nơi thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng và các tướng lĩnh. Ngoài ra còn phối thờ Cửu Thiên Vũ Đế Quốc Phụ Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương cùng gia thất và các tướng lĩnh của Ngài.

Sự kiện và lễ hội

Lễ hội đền Cửa Ông đã có từ lâu đời, sau đó bị gián cách do chiến tranh, sau đó từ năm 1996 lễ hội bắt đầu được khôi phục lại. Ngày nay lễ hội được tổ chức vào ngày 03-04 tháng 02 Âm lịch và nghi lễ vào ngày 03-04 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Đặc biệt với các năm chẵn, lễ hội sẽ được mở rộng với quy mô lớn hơn.

Lễ hội gồm 02 phần: Phần lễ và phần hội,  Lễ rước Đức Ông vi hành, tế lễ, dâng hương hội Đền. Lễ rước kiệu bài vị Trần Quốc Tảng từ đền ra miếu ở xã Trác Chân, tên tục là Vườn Nhãn (theo truyền thuyết là nơi Đức Ông hoá trôi dạt vào…) và quay trở về đền tượng trưng cho cuộc tuần du của Đức Ông.

Tại lễ hội,  diễn ra các trò chơi dân gian: thi chọi gà, thi đấu Cờ người, hát quan họ, thi đua thuyền, thi bịt mắt đánh trống, bịt mắt đập niêu, thi dâng soạn lễ, thi thổi cơm, thi chọi gà, đẩy gậy, kéo co.

Đây là lễ hội truyền thống có giá trị lịch sử, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, đồng thời mang giá trị tâm linh, thể hiện sức mạnh cộng đồng, sự đoàn kết giữa các dân tộc. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lễ hội thu hút du khách trong và ngoài nước tham gia quanh năm.

Ghi nhận những giá trị văn hóa truyền thống của Lễ hội đền Cửa Ông ngày 21/11/2016 Bộ văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành Quyết định số 4036/QĐ- BVHTTDL Công bố là Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Hiện vật

Hiện nay, ở Đền Cửa Ông còn lưu giữ được nhiều pho tượng có niên đại hàng trăm năm. Đặc biệt có 34 pho tượng, có giá trị nghệ thuật cao, được chạm khắc công phu, được tạc với tư thế ngồi trong ngai, khám, long đình.

Ngoài ra đình còn lưu giữ được nhiều thần tích, thần sắc và các bộ hoành phi, câu đối cổ tạo thành kho tư liệu lịch sử quý giá cho các thế hệ con cháu mai sau.

Trong đó có đạo sắc phong cho xã Cẩm Phả, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên, phụng thờ Trung Thiên Long Mẫu tôn thần, ghi ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917) và Bia đá ở đền Hạ dựng vào năm Mậu Tý (1948).

Xếp hạng

Đền Cửa Ông đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hoá cấp Quốc Gia tại Quyết định số 100 -VH/QĐ ngày 21/01/1989 của Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).

Năm 2017 Đền Cửa Ông đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2082/QĐ-TTg ngày 25/12/2017./.

Tham khảo

  1. Vũ Ngọc Khánh (2007), Đền Miếu Việt Nam, Nxb Thanh Niên.
  2. Vương Tuyển (2009), Lễ hội dân gian Việt Nam, Nxb Văn hoá Dân tộc.
  3. Bản thuyết minh về Đền Cửa Ông, Ban tổ chức lễ hội đền Cửa Ông (2017).
Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ
Checkin
Đen Cua Ong Cam Pha Quang Ninh (nguon Gg) (1)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)