Đền Lừ (Lư Giang từ – Hoàng Mai, Hà Nội)

Đền Lừ (Lư Giang từ – Hoàng Mai, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đền Lừ, tên chữ là Lư Giang từ ở thôn Lừ (xóm Bến), nay thuộc thôn Thanh Mai, làng Hoàng Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Hoàng Mai là một làng cổ của cư dân Việt xưa. Trước đây, Hoàng Mai cùng với Tương Mai, Mai Động và một số làng phụ cận hợp thành vùng Kẻ Mơ (Cổ Mai) nổi tiếng ở kinh thành Thăng Long. Những năm đầu công nguyên, trai tráng Kẻ Mơ đã cùng với đô tướng Tam Trinh tham gia cuộc khởi nghĩa chống giặc Đông Hán do Hai Bà Trưng phát động và giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Cuối thế kỷ thứ XIV, danh tướng Trần Khát Chân có các tùy tướng Phạm Tổ Thu và Phạm Ngưu Tất trợ giúp đã chiến thắng giặc Chiêm Thành. Vua Chiêm là Chế Bồng Nga bị giết, cuộc tấn công của Chiêm bị đập tan, ông đã được nhà vua phong tặng đất ở vùng cổ Mai và lập thái ấp ở đây. Hai gia tướng của Trần Khát Chân được tin cậy đã về khu thái ấp này cai quản, tổ chức việc sản xuất nông nghiệp, khai thác thuỷ sản ở khu vực ven sông Lừ.

Lược sử

Tương truyền, năm 1389, dưới thời Trần, Thượng tướng Trần Khát Chân đã cho xây dựng đền Vua thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) tại khu thái ấp của ngài ở Hoàng Mai. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là một nhà quân sự lỗi lạc, văn võ song toàn và giàu lòng yêu nước, thương dân. Ông là người có đóng góp to lớn trong ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Ông là tác giả bài Hịch tướng sĩ và hai tác phẩm nổi tiếng về quân sự: Binh thư yếu lượcVạn kiếp Tông bí truyền thư. Tư tưởng khoan thư sức dân để làm kê bền gốc, sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước của ông luôn là bài học đúng đắn cho các thế hệ sau noi theo.

Mười năm sau, Thượng tướng Trần Khát Chân thất bại trong việc ám sát Hồ Quý Ly, Ngài và các tướng của mình bị giết hại. Lúc này, dân làng xây dựng thêm đền Lừ chung cổng ngõ, sân vườn với đền Vua để thờ hai vị tướng của Trần Khát Chân là Phạm Ngưu TấtPhạm Tổ Thu. Tức là ngôi đền này có thể được xây dựng vào thế kỷ XIV.

Đến thời Lê trung hưng, tín ngưỡng phát triển và mở rộng cùng sự xuất hiện của công chúa Liễu Hạnh và tục thờ mẫu cũng được phối thờ tại đền Lừ. Liễu Hạnh và vị nữ thần được thờ phổ biến trong các đền chùa Việt Nam. Mẫu Liễu Hạnh được coi là một trong “Tứ bất tử” của thần điện Việt Nam. Bên cạnh đó, đền “thờ cả Thủy Tinh công chúa thuộc dòng dõi tướng Hoàng Đình Ái là bà Hoàng Thị Chung sống ở đầu thế kỷ XVIII có công giúp dân làng và dân trong vùng bị bão lụt nên sau được thờ ở Hoàng Mai và Mơ Táo để nhờ công đức Bà cùng với Mẫu Thủy.”[1]

Từ sau 1954, đền Vua bị bỏ, đồ thờ ở đền Vua được rước sang đền Lừ. Từ đó, đền Lừ thờ vọng Đức Thánh Trần.

Kiến trúc

Đền Lư Giang ngày nay có quy mô kiến trúc khá lớn gồm nhiều nếp nhà kê tiếp nhau, xung quanh đền được bao quanh bằng một vành đai cây xanh, cạnh đó là dòng sông cổ đã từng nổi tiếng với truyền thuyết Kim Ngưu gắn liền với phủ Tây Hồ.

Các kiến trúc chính của khu đền gồm 3 tòa chính, theo hướng Đông Nam phía trước có hồ sen hình bán nguyệt và một sân gạch vuông khá rộng. Tòa Tiền Tế gồm 3 gian 2 chái làm theo kiểu 2 tầng 8 mái với các góc đao cong. Bờ nóc được trang trí đôi rồng chầu mặt trời và hai đầu kìm hướng vào giữa, đầu đao được đắp các đôi rồng ở tư thế vươn cao về nóc mái đắp các mảnh men sứ trắng hoa lam trên toàn bộ thân. Phần khung gỗ của tòa Tiền Tế có 3 vì đều làm theo dạng cột trốn quá giang. Các tầng mái trên làm kiểu con mê đỡ trực tiếp các con hoành, trên đó trang trí các mô típ tứ quý, mai lão, cúc và rồng chầu, đáng chú ý hơn cả là cách chạm hổ phù trên hai cốn hồi.

Tiếp sau tòa Tiền Tế là một lớp ngang gồm 3 gian 2 chái với các bộ vì kết cấu “chồng giường giá chiêng”, tường hồi bít đốc không trang trí bào trơn sợi chỉ nhẹ nhàng. Nếp nhà thứ ba có lòng hẹp với ba gian giữa, được tôn cao làm tầng lầu 4 mái, các bộ vì cũng có dạng thức như Tiền Tế, trên các cốn có trạm trang trí văn mây hoa lá và long mã. Tại đây, gian giữa có xây gạch trên đó đặt ngai thờ và các đồ thờ tự. Bài trí thờ tự đền Lừ được thể hiện khá trang nghiêm theo quy tắc truyền thống thường thấy ở các ngôi đền cổ ở nước ta. Các vị thần được tọa lạc tập trung ở hai nếp nhà trong cùng ở vị trí trung tâm nhất. Các pho tượng đều được sắp đặt trang trọng trong khám thờ gỗ sơn son thếp vàng được chạm khắc trang trí khá cầu kỳ. Tính từ ngoài vào có các tượng Ông Hoàng (Hoàng Mười, Hoàng Bảy), Tam toà Quan lớn, vua cha Ngọc Hoàng và hai vị Dượng Nhiên, Dượng Cảnh, Sơn Trang, Tam toà Thánh Mẫu và Thuỷ Tinh Công chúa.

Nhìn chung các pho tượng ở đền Lừ có kích thước nhỏ, khuôn mặt tròn đôn hậu, y phục đẹp mang màu sắc tín ngưỡng truyền thống.

Hiện vật

Hiện nay, đền Lừ còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị: Ba đạo sắc phong thời Nguyễn phong cho Mẫu Liễu Hạnh, hai quả chuông đồng thời Nguyễn, ba bộ long ngai bài vị, 8 khám thờ gỗ sơn son thếp vàng, 7 bức hoành phi, 8 đôi câu đối gỗ cổ sơn thếp. Bốn tấm bia đá trong đó có hai tấm thời Lê và tấm bia thời Nguyễn.

Quan trọng và đáng chú ý là tấm bia Dịch Lư kiều bi ký (bia ghi về cầu Trạm Lư) do đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh trạng nguyên khoa Đinh Sửu Nguyễn Khắc Nhu soạn vào ngày 5 năm Phúc Thái thứ 4 (1646), bia có kích thước lớn đứng trên lưng rùa, bia hai mặt, mặt trước trang trí rồng chầu, mặt sau chạm lưỡng long chầu nguyệt, hoa dây. Trong lịch sử, làng Hoàng Mai có Trạm Lư – một dịch trạm lớn nằm trên đường thiên lý vào các tỉnh phía nam. Căn cứ theo tấm bia kể trên thì ngay lúc bấy giờ “cầu Dịch Lư là một di tích cổ nổi tiếng nó làm cổ áo cho sông Long Giang và chặn lấy thành vàng, làm giải lưng cho hồ Ngưu mà dẫn làn nước ngọc, thực là nơi thắng cảnh bậc nhất của nước Việt, thực là nơi đại đô hội của đất Trường An từ xưa đến nay”[2]. Do những biến đổi, thăng trầm của lịch sử, cầu Trạm Lư bị hư hỏng, mùa xuân tháng 2 năm Phúc Thái thứ 2 (1644) dân làng Hoàng Mai đã đứng ra đóng góp tiền của để làm lại cầu. Tháng 11 năm Phúc Thái thứ 3 (1645) thì hoàn thành. Năm 1646, dân làng Hoàng Mai tạc tấm bia đá lớn dựng trong đền Lư Giang bên cầu để ghi lại sự kiện trên và biểu dương công đức của những người tham gia đóng góp.

Lễ hội

Ca dao có câu:

Thứ nhất hội phủ Tây Hồ

Thứ nhì hội phủ đền Lừ Thanh Mai

Qua đó, ta có thể phần nào hiểu được giá trị lịch sử, văn hóa của lễ hội này.

Hội đền Lừ tổ chức từ 19 đến 22 tháng tám Âm lịch. Từ 6h sáng tiến hành tế lễ. Sau đó đoàn rước với đội sư tử, bát âm, võ sinh, bát bửu, lộ bộ, sênh tiền, tế nam, dâng hương nữ, thanh đồng, quan viên, chức sắc… Trai thanh gái lịch rước kiệu long đình (có ngai Trần Hưng Đạo) kiệu phò giá (có ngai Mẫu Thủy Tinh) và kiệu võng (có đồ thờ tượng trưng Liễu Hạnh). Đoàn rước đi từ đền Lừ qua đình Hoàng Mai theo đường Trương Định, Bạch Mai, Phố Huế, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng qua Hàng Đào, Hàng Ngang tới đình An Phú số 6 Hàng Mã thì nghỉ nửa giờ thụ lộc. Sau đó rước mã gồm kiệu, voi, ngựa…có bánh xe kéo để nhập cùng đoàn. Đám rước rẽ lối Hàng Chiếu theo đê sông Hồng về đền Lừ. Đến quãng sông trước đền Hai Bà Trưng thì dừng lấy nước trong để cúng thánh quanh năm. Đường rước đi về khoảng 14 cây số. Tối 21 tháng tám hóa mã bên sông Lừ…

Xếp hạng

Với những giá trị lịch sử, văn hóa kể trên, đền đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 921/QĐ-BT ngày 20/7/1994.

Chú thích

[1] Quốc Văn, 36 Đình – Đền – Chùa Hà Nội, Nxb Thanh Niên, 2010, tr. 68 – 69.

[2] TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2010, tr. 386.

Tài liệu tham khảo

  1. Hội Đền Lừ – Hội to nhất nhì Thăng Long, Cổng thông tin điện tử quận Hoàng Mai – TP Hà Nội, ngày 26/3/2012:

http://hoangmai.hanoi.gov.vn/le-hoi-truyen-thong/-/view_content/445746-hoi-den-lu-hoi-to-nhat-nhi-thang-long.html

  1. TS Nguyễn Doãn Tuân (Chủ biên), 2010, Di tích lịch sử văn hóa quận Hoàng Mai, Nxb Văn hóa – Thông tin.
  2. Quốc Văn (2010), 36 Đình – Đền – Chùa Hà Nội, Nxb Thanh Niên.

 

5/5 (2 bình chọn)
Chia sẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)