Đền Và (Sơn Tây, Hà Nội)

Đền Và (Sơn Tây, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đền Và ở thôn Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, còn gọi là Đông Cung trong hệ thống tứ cung của xứ Đoài (Bắc Cung thuộc xã Tam Hồng, huyện Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc; Nam Cung thuộc xã Tản Lĩnh, Tây Cung thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội).

Lịch sử và nhân vật

Đền Và là một trong những di tích linh thiêng thờ Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, vị thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử của truyền thuyết dân gian Việt Nam. Tản Viên còn được biết đến với danh xưng Nam Thiên Thần Tổ, là vị tổ của các bách thần. 

Theo truyền thuyết, Tản Viên là một vị thần được thần Thái Bạch Kim Tinh trao tặng chiếc gậy phép có khả năng “đầu sinh, đầu tử”, dùng để cứu giúp nhân dân và thế gian. Một trong những kỳ tích nổi bật của Tản Viên là việc cứu Tiểu Long Thần, con của Long Vương ở biển Nam. Sau khi cứu được Tiểu Long Thần, Long Vương tặng cho Tản Viên cuốn “Thần thư bí pháp truyền” (Sách ước). Nhờ cuốn sách này, Sơn Tinh đã thành công trong việc lấy công chúa Mị Nương, con vua Hùng thứ 18. Thủy Tinh đến sau nên không giành được Mị Nương đã rất tức giận bèn dâng nước lên để đánh Sơn Tinh, nhưng không thể thắng. Sơn Tinh sau khi đại thắng đã mở tiệc ăn mừng và dựng ngôi đền để tưởng niệm chiến công của mình. Chính nơi đây, Đền Và được xây dựng để vinh danh chiến thắng oanh liệt đó. Sau này, Tản Viên tiếp tục hành trình đi khắp nơi để cứu giúp nhân dân. Ở mỗi nơi mà Tản Viên đi qua, nhân dân đều lập đền thờ tưởng nhớ. Vì vậy, quanh núi Ba Vì hiện nay có bốn ngôi đền lớn, được gọi là Tứ Cung, bao gồm: Đền Và (hay Đông Cung), Bắc Cung (ở thôn Thượng Huyện, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc), Nam Cung (ở thôn Yên Quảng, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì), và Tây Cung (Đền Hạ, xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội).

Theo sử sách và căn cứ vào văn bia Vân Già Đông Trấn Cung Ký (雲遮東鎮宮記), dựng vào năm Tự Đức thứ 36 (1883) ở đầu hồi hai bên nhà Tiền tế tại đền, có thể xác định rằng đền Và đã tồn tại từ thời Bắc thuộc lần thứ 3 dưới triều đại nhà Đường. Vào thời điểm đó, đền chỉ là một khu thờ nhỏ nhưng đã rất linh thiêng, được nhân dân tín ngưỡng và thờ phụng. Đền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, phát triển và mở rộng quy mô. Một trong những lần trùng tu quan trọng nhất là vào năm 1884, khi đền được cải tạo lớn. Sự mở rộng này có mối liên hệ chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của tỉnh Sơn Tây trong thời kỳ Pháp thuộc. Sau khi tỉnh Sơn Tây được thành lập vào năm 1831 (Minh Mạng thứ 12), tỉnh lỵ là nơi tập trung đông đúc quan chức, thương gia và cư dân. Khu vực này chỉ cách đền Và khoảng 2 km, nên nhu cầu tín ngưỡng của người dân càng trở nên lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, những người dân và quan chức trong khu vực đã hợp sức xây dựng thêm nhà tiền tế 5 gian, mở rộng quy mô đền. Trước đó, nhà tiền tế chỉ có quy mô nhỏ. Đến nay, nhà tiền tế đã trải qua ba lần trùng tu lớn: một lần vào năm 1829 (Minh Mạng thứ 10), một lần vào năm 1902 (Thành Thái thứ 14), và một lần nữa vào năm 1932 (Bảo Đại thứ 7). Về phần hậu cung, căn cứ vào văn tự chữ Hán khắc ở cột, nhà hậu cung hiện nay được xây dựng vào các năm 1915 – 1919.

Kiến trúc và cảnh quan

Đền Và tọa lạc trên một khu đồi yên tĩnh, rộng khoảng 17.500m², với những cây lim lớn bao quanh mang đến không gian linh thiêng và thanh tịnh. Khuôn viên đền rộng khoảng 2.000m², được bao bọc bởi một bức tường đá ong cao 2,15m. Đền được xây dựng theo lối “nội công ngoại quốc” đặc trưng, bao gồm hai dãy nhà năm gian được thông qua “ống muống”, tạo thành hình chữ “công”. 

  • Nghi môn: gồm ba gian dựng trên nền cao, gian giữa cao 4m80, hai gian bên cao 2m15. Nghi môn có đặc điểm dễ nhận biết là ba hàng chân cột gỗ kê trên những chân tảng đá ong (cột cái cao 4m95, cột quân 3m80). Đây là một nghi môn khá hiếm gặp trong kiến trúc truyền thống Việt Nam, ngoài Nghi môn này, có thể thấy kiến trúc tương tự tại đền Vua Đinh (thế kỷ 17), Đại Thành môn ở Văn Miếu, Tam quan chùa Bút Tháp.
  • Gác trống, Gác chuông: dựng hai bên và ngay sát nghi môn và kiến trúc tương tự nhau với kiểu chồng diêm 8 mái phỏng theo gác trống, gác chuông chùa Thầy và có dáng dấp của Khuê Văn Các trong Quốc Tử Giám. Mặt hướng vào sân đền được trang trí theo chủ đề ngũ phúc bằng hình năm con dơi xoè cánh ôm lấy cửa sổ tròn.
  • Tả mạc, Hữu mạc (hay tả vu, hữu vu): tiếp nối với gác chuông và gác trống xây dựng theo kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái, tường hồi bít đốc, nóc kết cấu “vì kèo quá giang”, mặt trước có cột vuông trên nền tam cấp, mặt trong để trống.
  • Nhà Tiền tế và Hậu cung: nhà Tiền tế hình chữ “nhất” (一), kiến trúc theo lối 5 gian 2 chái chồng rường, giá chiêng; hệ thống cột cái, cột quân bào nhẵn kiểu “thượng thu hạ thách” đặt lên tảng kê chân cột bằng đá. Trên cột là một hệ thống hoành phi, câu đối cổ được chạm khắc tinh xảo. Hậu cung hình chữ “công” (工), toà ngoài kết cấu 3 gian 2 chái lớn (dài 14m10, rộng 8m90). Đường vào hậu cung có một bộ vì lớn, làm theo kiểu thượng ván mê, hạ chồng rường trên xà nách. Bên dưới bộ vì mở ba cửa, hai cửa bên là lối đi vào hậu cung, cửa giữa là cửa thờ. Toà nhà bên trong cũng có kết cấu 3 gian 2 chái nhưng thấp hơn toà ngoài. Hậu cung đặt một khám thờ cao hơn 3m sơn son thếp vàng được chạm trổ cầu kỳ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17. Trong cùng là bài vị của Đức Quốc Mẫu (bà Đinh Thị Điên, mẹ Thánh Tản Viên mà dân gian gọi chệch đi là Bà Đen). Tiếp đến là 3 bài vị của Tam vị Đức Thánh Tản (gồm Thánh Tản Viên và hai người em con chú là Cao Sơn, Quý Minh). Trước khám thờ có hương án bày long ngai bài vị của ba vị, phía trên khám treo bức đại tự “Thượng đẳng tối linh thần” (上等最靈神) niên đại Tự Đức Quý Mùi (1883). Toà ngoài của hậu cung có 4 bức tượng kích thước như người thật đứng nhìn vào nhau, tay cầm vũ khí và khoác áo bào đỏ gọi là “Tứ Thánh” trấn ở bốn cung quanh núi Ba Vì. Ngoài hiên nhà có hai pho tượng quan văn, quan võ ngồi hướng vào nhau. Cách bài trí hậu cung mô phỏng thiết chế triều đình xưa trong con mắt người dân.

Đền Và không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng mà còn là một công trình kiến trúc có giá trị, là điểm đến không thể thiếu trong hành trình văn hóa và tín ngưỡng của người dân Ba Vì nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung. Sự kết hợp giữa nghệ thuật kiến trúc và truyền thuyết lịch sử đã tạo nên một di sản độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Hiện vật

  • 2 bia đá trong đó có một bia niên đại Tự Đức thứ 36 (1883).
  • 3 chuông đồng.
  • 4 tấm biển gỗ.
  • 4 pho tượng kích thước như người thật đứng nhìn vào nhau, tay cầm vũ khí và khoác áo bào đỏ gọi là “Tứ Thánh” trấn ở bốn cung quanh núi Ba Vì. Ngoài hiên nhà có hai pho tượng quan văn, quan võ ngồi hướng vào nhau.
  • 1 khám thờ cao hơn 3m sơn son thếp vàng được chạm trổ cầu kỳ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17.
  • 1 bức đại tự “Thượng đẳng tối linh thần” (上等最靈神) niên đại Tự Đức Quý Mùi (1883).
  • 5 bản thần tích “Tản Viên Sơn Thánh”.
  • 18 đạo “sắc phong” của các đời vua, trong đó, có 17 bản chính có dấu ấn.
  • 47 đôi câu đối được chạm khắc, viết trên vách cột, trên gỗ.
  • 18 bức hoành phi viết trên gỗ hoặc đá. Nơi đây còn có 2 bia đá, 3 chuông đồng, 4 tấm biển gỗ.

Sự kiện và lễ hội

Hàng năm, Đền Và tổ chức hai lễ hội lớn, thu hút đông đảo người dân tham gia: hội mùa Xuân vào rằm tháng Giêng (từ ngày 13 đến 15 âm lịch) và hội mùa Thu vào rằm tháng Chín (từ ngày 14 đến 15 âm lịch). Mỗi lễ hội đều có những nghi thức đặc trưng, thể hiện sự tôn kính đối với Đức Thánh Tản Viên.

Lễ hội mùa Xuân bắt đầu bằng nghi lễ rước long ngai và bài vị của “Tam vị Đức Thánh Tản” từ đền Và qua sông Hồng, đến tả ngạn tại đền Dội, xã Vĩnh Linh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là nơi theo truyền thuyết, Đức Thánh Tản Viên đã từng tắm và tế lễ. Sau khi tái hiện lại sự tích này, đoàn rước trở lại đền Và, mang theo niềm tôn kính và cầu mong sự bình an cho năm mới.

Còn trong lễ hội mùa Thu, nghi thức chính là đánh bắt cá trên sông Tích, chọn ra 99 con cá trắng to, sau đó chế biến thành các món để dâng lên Thánh. Nghi lễ này bắt nguồn từ một truyền thuyết về Thánh Tản Viên, người đã dạy dân làng cách kéo vó để bắt cá. Sau khi bắt được 100 con cá, ngài phóng sinh một con cá trê có mang. Lạ kỳ thay, con cá này sinh ra 9 con cá con, tất cả đều hóa đá và đầu chầu về hướng đền Và, thể hiện sự linh thiêng của vị thần.

Cả hai lễ hội không chỉ là dịp để bày tỏ lòng thành kính đối với Đức Thánh Tản Viên, mà còn là những hoạt động quan trọng giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống của cộng đồng.

Xếp hạng

Đền Và đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1964.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Chí Bền; Trần Lâm Biền; Bùi Khởi Giang; Nguyễn Minh San; Đỗ Lai Thúy; Phạm Vũ Dũng; Võ Hoàng Lan; Nguyễn Thanh Nghị (2000), Kho tàng lễ hội truyền thống Việt Nam. Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật Hà Nội, Nxb Văn hoá dân tộc.
  2. Đền Và – một di tích kiến trúc độc đáo của Hà Tây.
Chấm điểm
Chia sẻ
Checkin
Đền Và

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)