Đình Kiều Mai (Đình Kiều Nhị – Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Đình Kiều Mai (Đình Kiều Nhị – Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô, quận Bắc Từ Liêm là vùng đất kết tinh hài hòa giữa chiều sâu truyền thống và nhịp sống đô thị hiện đại. Từ xưa, vùng đất này vốn thuộc phủ Hoài Đức – nơi có lịch sử lâu đời, giàu truyền thống hiếu học, yêu nước và thấm đẫm tinh thần cộng đồng. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Bắc Từ Liêm vẫn giữ được nhiều di tích cổ kính, những nếp sống văn hóa đặc trưng của làng xã đồng bằng Bắc Bộ. 

Quận có 136 di tích, 35 di sản văn hóa phi vật thể, 26 di tích cách mạng kháng chiến, trong đó, di tích đình Kiều Mai (còn gọi là đình Kiều Nhị) tọa lạc tại thôn Kiều Mai, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là một công trình kiến trúc cổ kính, linh thiêng, độc đáo, đóng vai trò là trung tâm văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư trong vùng, góp phần bảo tồn bản sắc làng cổ giữa lòng đô thị hiện đại. 

Lịch sử và nhân vật

Đình Kiều Mai được xây dựng để thờ Đào Trường – một vị tướng dưới triều vua Hùng thứ 18. Tương truyền ông được giao trấn giữ thành Bạch Hạc, lập nhiều chiến công bảo vệ biên cương. 

Cuốn Hà Nội Danh thắng và Di tích, tập 01, phần 237 Đình Kiều Mai (đình Kiều Nhị) (x. Phú Diễn, h. Từ Liêm) viết về tích này:

Đình thờ thần Bạch Hạc Tam Giang là người có công đánh giặc bảo vệ vương triều Hùng Duệ Vương, hồi đầu Công nguyên. Ông tên là Đào Trường, được phong làm Thổ lệnh thống quốc đại vương, thống lĩnh thành Phong Châu trấn giữ thành Bạch Hạc, chức quốc thống trưởng lệnh đô đại Lạc Long hầu đại tướng quân. Ông đã chỉ huy đội quân Văn Lang đánh tan cuộc xâm lược thứ hai của giặc phương Bắc; rồi dẹp loạn ở Hồng Châu (Hải Dương). Khi từ Hồng Châu trở về ông mất. Nhà vua truyền cho thiên hạ, các sở tại, các nơi hành cung đều lập miếu thờ, cộng lại là 172 nơi và ban cho ông mỹ tự là “Thượng đẳng phúc lệnh”, truyền cho thành Phong Châu, thuộc đất vùng Bạch Hạc Tam Giang, quán Tam lập miếu thờ và đắp tượng thổ lệnh Thạch Khanh tay cắp long đao, đứng trong quán giữa miếu thờ.(1)

Kiến trúc cảnh quan

Đình Kiều Mai có những nét đẹp độc đáo riêng so với những kiến trúc khác hiện còn. Đình nằm trong số ít những kiến trúc cổ Việt Nam quay mặt ra phía hồi, thờ cũng theo chiều dọc. Vết tích của phương đình và tầm cấp đá chạm khắc họa phù rất công phu điêu luyện, vừa là một hiện vật độc đáo hiếm thấy trong kho tàng kiến trúc Việt Nam, vừa độc đáo về mặt tạo hình. Đình Kiều Mai thể hiện vẻ đẹp nguyên vẹn của một ngôi đình cổ có “cây đa, giếng nước, sân đình”.

Đình quay mặt về hướng đông nam với nhiều thành phần kiến trúc tạo thành. Phía trước là giếng đình. Căn cứ vào lớp gạch vỡ lót giếng có thể đoán định giếng được xây dựng vào thời Hậu Lê. Sau giếng Đình là khu vực sân đình. Bên mép sân phía trước đình là hai dãy nhà giải vũ song song quay mặt vào phía trong. Hai dãy nhà giải vũ xây kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, các bộ vì làm kiểu “thượng rường hạ kẻ, quá giang cót trốn”.

Tiếp nối hai hồi của dãy nhà giải vũ là kiến trúc chính của tòa đại đình. Từ sân lên xây bậc tam cấp bằng đá liền khối, hai đầu chạm hoa văn nổi phù, đỉnh đầu chạm 4 đường văn xoắn. Căn cứ vào phong cách tảng kê chân cột và mái chồng diêm có thể đoán định niên đại vào giữa thế kỷ XVIII. Khác với các ngôi đình làng quanh vùng, đại đình Kiều Mai mở cửa đầu hồi theo chiều dọc đình. Tòa đại đình xây kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Các bộ vì của đại đình tất cả đều thi công bằng gỗ tứ thiết hạ mịn. Chân tảng làm kiểu trên tròn dưới vuông. Các cột gỗ tạc kiểu: “Thượng thu hạ thách”; mái làm “Thượng tứ – hạ ngũ”. Ba bức vách hồi ở gian giữa làm theo kiểu: “Thượng chồng rường – hạ kẻ con bảy hiên”. Hai vì gian phía trước được làm theo kiểu “chồng rường, giá chiêng, bẩy hiên”. Đầu hồi phía trước trang trí hình mặt nguyệt, đôi mắt nguyệt tả hình hổ phù, đối xứng bởi dải đắp hai con nghê quay đầu vào sân, dọc theo bờ dải trước kia có trang trí hình long mã.

Hai gian phía trong là hậu cung. Hậu cung nhìn chung kiến trúc khá đặc biệt, còn lưu giữ được nhiều mảng chạm khắc mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII – XIX.

Hiện vật  

Nghệ thuật trang trí trên kiến trúc đình được thể hiện sinh động, độc đáo và có giá trị thẩm mỹ cao. Ngoài ra, trong Đình còn có các di vật quý hiếm như có long ngai, bài vị, sập thờ chân quỳ dạ cá, câu võng sơn son thếp vàng, cuốn ngọc phả ghi chép sự tích thần hoàng làng, hoành phi, câu đối…7 tấm bia hậu (có tấm bia Cảnh Trị nguyên niên), các đạo sắc phong, bệ đá thềm bậc, v.v…

Sự kiện và lễ hội 

Theo truyền thống, ngày 7 tháng Giêng Âm lịch, dân làng Kiều Mai tổ chức lễ thần tại đình Phú Lễ, nơi thờ Lý Nam Đế, Lý Phật Tử và Ả Lã Nàng Đê. Ngày 10 tháng Hai, dân làng Phú Mỹ đến đình Kiều Mai để dâng lễ thờ Thành hoàng Bạch Hạc Tam Giang.

Lễ hội đình làng Kiều Mai là một sự kiện văn hóa đặc sắc, gắn liền với tục kết chạ giữa hai làng Phú Mỹ và Kiều Mai. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tín ngưỡng mà còn là dịp để thắt chặt tình đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau trong đời sống và sản xuất của người xưa. Tục kết chạ giữa Phú Mỹ và Kiều Mai được chính thức hóa vào ngày 10 tháng Tư năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) thông qua bản hương ước. Sau năm 1945, lễ kết chạ được tổ chức trọng thể 5 năm 2 lần. Từ năm 2020, lễ hội quy mô lớn diễn ra 5 năm 1 lần, trong khi các năm còn lại chỉ tổ chức hội lệ nhỏ nhưng vẫn giữ vững giá trị truyền thống.

Xếp hạng

Đình Kiều Mai đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994.

Chú thích

  1. Lưu Minh Trị (chủ biên), Hà Nội Danh thắng và Di tích, tập 1, Nxb Hà Nội, 2011, tr 710.

Tham khảo

  1. Lưu Minh Trị (chủ biên) (2011), Hà Nội Danh thắng và Di tích, tập 1, Nxb Hà Nội
5/5 (1 bình chọn)
Chia sẻ
Checkin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner app chỐn thiÊng 3 (60x90)