Đình Tây Đằng (Nam Cung – Ba Vì, Hà Nội)

Đình Tây Đằng (Nam Cung – Ba Vì, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đình Tây Đằng còn có tên gọi là Nam Cung thuộc Kẻ Đằng, phủ Quảng Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc địa bàn thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.

Vùng đất Ba Vì nằm ở phía Tây Bắc, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km, sở hữu địa hình đa dạng gồm núi đồi, trung du và đồng bằng. Vùng đất này nằm giữa hai con sông Hồng và sông Đà, gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh – Thuỷ Tinh, một câu chuyện thần thoại nổi tiếng trong văn hóa dân gian Việt Nam.

Đình Tây Đằng là một trong những ngôi đình tiêu biểu, với kiến trúc nghệ thuật độc đáo của xứ Đoài. Đồng thời cũng là một trong những ngôi đình thời Mạc hiếm hoi còn nguyên vẹn, giữ gìn được giá trị lịch sử qua nhiều thế kỷ.

Đình thờ Thần Tản Viên – Sơn Tinh, vị anh hùng khai sơn, trị thủy từ thuở sơ khai của đất nước, được tôn vinh và mãi lưu truyền trong lòng người Việt. Bên cạnh đó, Đình Tây Đằng còn thờ hai vị tướng quân Cao Sơn và Quý Minh, là những tướng lĩnh của Tản Viên Sơn Thánh.

Lịch sử và nhân vật

Cho đến nay, năm xây dựng chính xác của Đình Tây Đằng vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, căn cứ qua phong cách kiến trúc và điêu khắc đặc trưng, ngôi đình này mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc của thế kỷ XVI.

Đây được coi là một minh chứng tiêu biểu cho quá trình Việt hóa nền kiến trúc và điêu khắc trong thời kỳ nhà Mạc (1527- 1677). Các công trình đình đương thời không chỉ góp phần hoàn thiện cơ cấu làng xã mà còn thể hiện rõ dấu ấn văn hóa và phong cách đặc trưng của người Việt. Những đề tài trang trí, điêu khắc tại đình làng, với sự tinh xảo và sáng tạo, đã phản ánh sâu sắc tinh thần và giá trị văn hóa của cộng đồng địa phương trong thời kỳ này.

Đình Tây Đằng không chỉ nổi bật với giá trị lịch sử và kiến trúc mà còn được người dân địa phương ca ngợi qua câu ca dao truyền miệng:

Đông Viên, Quang Húc, đình Chàng,
Tuy to nhưng chẳng đẹp bằng đình Tây.

Câu ca dao này thể hiện sự tự hào của người dân Tây Đằng về ngôi đình của làng mình, khẳng định vẻ đẹp và giá trị vượt trội hơn so với các ngôi đình khác trong vùng. Dù các đình như Đông Viên, Quang Húc hay đình Chàng đều lớn và uy nghi, nhưng với người dân, Đình Tây Đằng vẫn là niềm tự hào, là biểu tượng của kiến trúc, văn hóa và linh hồn làng quê, được trân trọng qua bao thế hệ.

Đình Tây Đằng đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần trùng tu lớn nhất là vào thời Hồng Đức nhà Lê (1460 – 1497), lần trùng tu gần đây nhất là vào năm 2002-2004.

Thần Tản Viên Sơn Thánh

Tản Viên Sơn Thánh (chữ Hán: 傘圓山聖, 304 TCN – ?), hay còn được biết đến với tên gọi Sơn Tinh (山精), là một nhân vật huyền thoại nổi bật trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ông là dòng dõi vua Lạc Long Quân, con rể của vua Hùng thứ 18, và có tên thật là Nguyễn Tuấn. Tản Viên Sơn Thánh được tôn thờ như một vị thần bảo vệ núi rừng, với sức mạnh phi thường và sự uy linh đặc biệt trong văn hóa Việt Nam.

Theo truyền thuyết, ông là vị thần cai quản dãy núi Ba Vì, hay còn gọi là núi Tản Viên, Núi Tản Viên: Chữ Hán Tán 傘, còn có âm Nôm đọc là Tản, Viên: 圓 có nghĩa là Tròn. Tản Viên: tròn như cái tán, như cái dù, đây là một trong những ngọn núi linh thiêng nhất ở miền Bắc. Núi Tản Viên còn được nhắc đến trong cuốn “Dấu tích kinh thành”: “Núi Tản Viên có hình cái tán, cao gần 1.300 mét gọi là núi Ba Vì (vì có 3 tầng cao chót vót), nằm trên địa phận huyện Ba Vì ngày nay. Trông xa như có hai cánh phượng hai bên nên còn gọi là núi Cánh Phượng hoặc Phượng Hoàng Sơn”.

Tản Viên Sơn Thánh được coi là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, tạo thành bộ tứ thánh bất tử (Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Đổng Thiên Vương Huyền Thiên đại Thánh (Thánh Gióng), và Thánh Mẫu Liễu Hạnh), những hình tượng gắn liền với những truyền thuyết, giá trị văn hóa và tín ngưỡng sâu sắc của người Việt.

Theo Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên có chép: “Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Hựu Thánh Vương. Năm thứ tư, gia phong hai chữ Khuông Quốc, lại gia phong hai chữ Hiển Ứng”.

Lại thêm một bản chép ở cuốn Lĩnh Nam Chích Quái rằng: “Năm Trùng Hưng thứ nhất (Dịch giả: tức năm 1285, đời vua Trần Nhân Tông) được sắc phong làm Hữu Thành Vương, năm thứ 4 thêm sắc phong Khuông Quốc Vương. Đến đời Hưng Long thứ 21 (Dịch giả: tức năm 1313 đời vua Trần Anh Tông) lại được sắc phong làm Hiển Ứng Vương”.

Ngài là người anh hùng trong truyền thuyết “Sơn Tinh – Thủy Tinh”, đã chiến thắng Thủy Tinh, bảo vệ dân làng khỏi thảm họa lũ lụt. Ngài dạy dân chúng cách chế ngự thiên nhiên, xây đê phòng chống lũ, trồng trọt và phát triển nền nông nghiệp, đồng thời cũng là người dẫn đầu trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi. Với những công lao to lớn của mình, ngài được nhân dân cả nước tôn thờ là Đệ Nhất Phúc Thần. Các đình làng ở huyện Ba Vì và vùng đất xứ Đoài xưa đều suy tôn ngài làm Thành Hoàng làng, nơi người dân thờ cúng, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn.

Với niềm tôn kính, cho đến nay, còn rất nhiều đình, đền thờ đức Tản Viên Sơn Thánh trong vùng: Đình Thụy Phiêu, tại thôn Thụy Phiêu, xã Thụy An, huyện Ba Vì; Đình Tây Đằng, xã Tây Đằng, huyện Ba Vì; Đình Mông Phụ, xã Đường Lâm, TX Sơn Tây; Đình Phú Hữu, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì v.v..

Kiến trúc cảnh quan

Đình Tây Đằng tọa lạc ngay trong khu dân cư, bên cạnh con đường Đông Hưng, với mặt tiền hướng về phía Nam, hơi nghiêng về hướng Tây, nhìn ra đền Đức Thánh Tản trên đỉnh núi Ba Vì.

Kiến trúc của đình bao gồm các hạng mục chính như: Cổng, Nghi Môn, Đại Đình, Tả Mạc, và Hữu Mạc, tạo thành một tổng thể hài hòa, uy nghi. Sân đình được lát gạch đỏ sạch sẽ, xung quanh trồng nhiều cây cối, mang lại không gian thoáng đãng, mát mẻ cho khu vực thờ tự. Đặc biệt, ở phía đầu hồi bên phải của đình là một giếng cổ được xây bằng đá ong, là nguồn nước linh thiêng gắn liền với đời sống của người dân nơi đây.

Cổng

Cổng Đình Tây Đằng được thiết kế với hai trụ cột hình vuông cao trên 2 mét, cấu trúc kiểu lồng đèn đơn giản, không trang trí hoa văn. Các trụ này được xây dựng với bề mặt trơn nhẵn, và nối liền với dãy tường bao quanh ngôi đình, góp phần tạo nên một tổng thể hài hòa, thống nhất trong khuôn viên.

Khi bước qua cổng, vào sân đình, sẽ thấy một hồ nước có hình bán nguyệt, bên trong được thả sen. Hồ sen trong chùa không chỉ mang vẻ đẹp thanh thoát, mát mẻ mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc trong tín ngưỡng và văn hóa Phật giáo.

Nghi Môn

Phía sân trước toà Đại Đình, có một kiến trúc đặc biệt được xây dựng với bốn trụ đứng độc lập, không có tường bao, mang kiểu dáng Nghi Môn truyền thống.

Hai trụ giữa có kích thước lớn, cao khoảng 4 mét, với đế trụ được thiết kế thắt lại theo hình dáng cổ bồng, thân trụ được khắc những dòng chữ Hán trên cả bốn mặt. Phần mái trụ có cấu trúc lồng đèn, được trang trí với các hình ảnh tứ linh (Long, Lân, Ly, Quy, Phượng) đầy sinh động, phía trên ô lồng đèn là hình tượng hổ phủ, một biểu tượng xuất hiện nhiều trong trang trí kiến trúc ở Việt Nam. Đặc biệt, trên đỉnh mỗi trụ là hình bốn con chim phượng, đầu cúi xuống và đuôi vểnh lên trời tỏa ra các hướng, tạo thành hình dáng giống như quả giành, tượng trưng cho sự phồn thịnh và may mắn.

Còn hai trụ ở hai bên có chiều cao khoảng 3m, phần ô lồng đèn trổ ô vuông ở giữa để trơn không có hoa văn, trên đỉnh mỗi trụ được đắp tượng nghê chầu, thân nghê được gắn từ các mảnh gốm xanh.

Sau Nghi Môn là một khoảng sân rộng, nơi tổ chức lễ hội vào dịp Xuân về hoặc những ngày cúng tế.

Đại Đình

Đình Tây Đằng có bố cục mặt bằng dạng chữ Nhất  (一), gồm ba gian, hai chái lớn, có hàng hiên bao quanh. Nền Đại Đình xây cao hơn sân khoảng 60cm – khoảng tương ứng với bậc tam cấp.

Ở Tây Đằng, kiến trúc tòa Đại Đình là điểm nhấn tiêu biểu, hệ thống cột cái có kích thước lớn, nâng toàn bộ nóc mái ngôi đình. Các cột đều được làm kiểu “thượng thu hạ thách”, đứng trên chân tảng bằng đá xanh theo kiểu thức âm – dương, trên tròn dưới vuông. Hệ khung đỡ mái của đình tì lực lên sáu hàng cột gỗ, với tổng số 48 cột lớn, nhỏ. Chu vi cột cái 750cm, cột quân 500cm, cột hiên 280cm. Trên các cấu kiện gỗ của tòa đại đình đều có các đề tài trang trí rồng, lân, nghê, hoa lá, vân xoắn…

Kết cấu khung chịu lực bằng gỗ, được hình thành qua liên kết các bộ vì. Tương ứng với các gian là bốn bộ vì chính đỡ mái, được thiết kế thống nhất theo kiểu “giá chiêng”, hầu hết các cấu kiện đều được làm bằng gỗ mít. Trên bộ vì vẫn còn giữ được lá đề, trang trí hai mặt đề tài tiên, rồng, phượng. Trong kiến trúc thời Mạc, cột trụ hai bên lá đề thường được chạm khắc tinh xảo các đề tài thần tiên, con người và linh vật, muông thú.

Điểm đặc biệt trong kiến trúc đình Tây Đằng và các ngôi đình cùng niên đại thời Mạc (thế kỷ XVI), như Đình Thanh Lũng (Ba Vì), là còn có thêm bộ phận cánh gà đỡ dưới dạ các xà dọc (tai cột). Cấu kiện này bao gồm hai thân gỗ, có đặc điểm dài ở trên, ngắn ở dưới, một số cánh gà còn có hai đấu vuông thót đáy kê ở giữa, với thân ván dày, bên dưới còn được chạm khắc tỉ mỉ các đề tài rồng, cá chép hóa rồng. Hình tượng các vị tiên được trang trí trên đấu củng mang phong cách thời Mạc với niên đại gần 500 năm tuổi.

Gian giữa của Đại Đình được bài trí với các sập thờ, hương án và những đồ thờ tự, khu vực này được đặt tại vị trí trung tâm, giữa hai cột cái và cột quân, đây là không gian thờ phụng Thành Hoàng Tản Viên – Sơn Tinh.

Gian thờ được trang hoàng với cửa võng được chạm lộng tinh xảo, sơn thếp vàng với họa tiết tứ linh, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống. Ngoài ra còn trang trí y môn, lọng che, cùng với hai giàn bát bửu và đôi hạc chầu uy nghi, tạo nên một không gian thờ tự trang trọng, linh thiêng, tôn vinh bậc thần linh và những giá trị tín ngưỡng sâu sắc.

Các mảng chạm khắc trang trí trên kết cấu gỗ của đình Tây Đằng, như tại đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, đấu, ván nong, ván lá đề, con rường, vì nóc… được tạo tác qua kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh, chạm nổi, chạm thủng tạo nên những tuyệt tác điêu khắc đặc biệt và nổi bật.

Đình Tây Đằng sở hữu một bộ mái đặc trưng với bốn mái xoè rộng, phần mái chiếm khoảng 2/3 chiều cao của toàn bộ ngôi đình. Mái lợp ngói mũi hài, tạo thành một tổng thể kiến trúc hài hòa và uy nghi, đây là đặc trưng của phong cách kiến trúc truyền thống đình làng Việt.

Các đường bờ nóc và bờ dải được trang trí tinh xảo với hoa chanh, điểm xuyết hai con kìm ở hai đầu bờ nóc, trong khi bờ chảy đặt tượng con sô. Các đầu đao và đầu mái guột uốn cong hình rồng, tượng trưng cho sức mạnh và quyền uy của bậc thần linh.

Tả/Hữu Mạc  

Hai dãy nhà Tả và Hữu nằm ở hai bên và quay hướng nhìn vào toà Đại Đình, được xây dựng vào năm Canh Thân (1860). Đây là nơi tiếp khách, chuẩn bị đồ lễ trước khi chính thức ra sân làm lễ.

Với kiến trúc lầu chuông, gồm hai tầng với tám mái, chia thành ba gian hai chái, bộ khung mái được xây dựng theo kiểu chồng diêm. Cả hai dãy nhà Tả và Hữu đều có hệ thống cột gỗ chắc chắn, được sắp xếp từ hiên ra vào bên trong, không chỉ chống đỡ, chịu lực cho mái nhà, còn góp phần tạo nên vẻ đẹp mộc mạc, truyền thống cho ngôi đình.

Lầu chuông là một gian được nối từ phần mái lên, phần này cũng lợp mái mũi hài, các đầu đao hình rồng uốn cong, phần khu đĩ được trang trí hình hổ phù, ở hai góc mái có hình hai con kìm.

Sự kiện và lễ hội

Lễ hội Đình Tây Đằng là một trong những lễ hội lớn và lâu đời ở vùng Xứ Đoài, được tổ chức định kỳ cứ 5 năm sẽ mở hội lớn một lần. Lễ hội diễn ra trong suốt 5 ngày, từ mùng 10 đến hết ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đêm mùng 9 sang ngày 10, lễ khai hội được tổ chức với việc mở cửa đình, và vào lúc 12 giờ đêm, từ ngày 14 sang ngày 15, cửa đình sẽ được đóng lại, kết thúc lễ hội.

Lễ Rước kiệu đón Lễ diễn ra từ chiều mùng 10 đến hết ngày 14, thu hút đông đảo người dân tham gia. Trong đoàn rước, có tới 200 người tham gia kiệu rước Thánh Tản Viên, mang ngài đi chu du khắp làng, vui chơi và tuần thú. Phần hội diễn ra sôi động với các hoạt động văn nghệ, hát chèo, quan họ, chọi gà, vật, ném còn và nhiều trò chơi dân gian đặc sắc.

Lễ hội truyền thống Đình Tây Đằng không chỉ là dịp để cộng đồng vui chơi, mà còn là một nghi lễ thấm đẫm tinh thần nông nghiệp. Đây là thời điểm người dân cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống nhân dân an khang, thịnh vượng, và đất đai màu mỡ.

Xếp hạng

Đình Tây Đằng không chỉ nổi bật với vẻ đẹp kiến trúc và không gian, mà còn lưu giữ nhiều di sản mỹ thuật từ thời nhà Mạc, kết hợp cả di vật văn hóa vật thể và phi vật thể, và là biểu tượng quan trọng của Xứ Đoài. Đình còn là trung tâm văn hóa của cộng đồng địa phương, đồng thời là “bảo tàng sống” về nghệ thuật dân gian, cung cấp nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc.

Với những giá trị về văn hóa, Đình Tây Đằng đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9-12-2013.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Lâm Biền (2017), Đình Làng Việt, Nxb Hồng Đức
  2. Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân (2021), Mỹ thuật thời Mạc, Nxb Mỹ Thuật.
  3. Đinh Thị Lam, Nguyễn Thị Hòa, Bùi Thị Cẩm Tú (2020), Phát triển du lịch tâm linh ở Ba Vì, Hà Nội, Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
  4. Văn Quảng (2009), Văn hoá tâm linh Thăng Long Hà Nội, Nxb Lao Động.
  5. Giang Quân, Phan Tất Liêm (2004), Dấu tích kinh thành, Nxb Hà Nội.
  6. Lưu Minh Trị (2004), Danh thắng, di tích và lễ hội truyền thống Việt Nam (tập II), Nxb Hà Nội.
  7. Một số di tích tiêu biểu ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật (2016).
Chấm điểm
Chia sẻ
Đinh Tay Đang Ba Vi Ha Noi (nguon Gg)

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)