Đình Tình Quang (Long Biên – Hà Nội)

Đình Tình Quang (Long Biên – Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Làng Tình Quang, tên Nôm là làng Vịa. Xa xưa, làng có tên là Thượng Xá. tại bia mộ một vị Thái giám là người làng lập năm 1709 vẫn ghi tên “Thượng Xá thôn”. Làng thường được khởi đầu từ việc ngụ cư của một nhóm người trong một dòng họ nào đó. Nên ta thấy các ngôi làng cổ thường có danh xưng dòng họ đi kèm với chữ “Xá/舍” có nghĩa là ở, dừng chân, nghỉ. Ví dụ, Hoàng xá là nơi ở của nhóm người họ Hoàng, v.v. ngoài ra còn có thể chỉ về địa lý trong sự tương quan với một địa danh nào đó làm mốc xác định. Như Thượng xá, Hạ xá, Hội xá, v.v.v. Về tên gọi Tình Quang, theo sắc phong thời Khải Định: Tình Quang có nghĩa ánh sáng sau cơn mưa. Gắn liền với truyền thuyết Công chúa Ngọc Hân trên đường về quê ngoại ở vùng Ninh Hiệp[1], khi tới đây trời bỗng hửng sáng và tạnh ráo nên đã đặt tên làng là Tình Quang (chữ “Tình/晴” có chữ Nhật bên trái, có nghĩa là trời tạnh ráo, không mưa)

Đình Tình Quang cách Trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 15 km về phía Đông – Bắc, tọa lạc tại tổ 3, làng Tình Quang, phường Giang Biên, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội

Lịch sử và nhân vật

Trước năm 1945, thôn Tình Quang thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thôn Tình Quang thuộc xã Giang Biên, huyện Gia Lâm. Từ năm 1961, Gia Lâm là một huyện thuộc về Hà Nội. Tháng 11/2003, quận Long Biên được thành lập, tháng 1/2004 phường Giang Biên tách khỏi huyện Gia Lâm sáp nhập thuộc vào quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Tình Quang là một làng cổ của xứ Kinh Bắc xưa, tên nôm của làng là Vịa hay Vịa Cống. Xưa kia, đây là vùng đất giáp giao phía Bắc (Cổ Loa), phía Nam (Luy Lâu) và phía Tây (Thăng Long). Làng Tình Quang nằm ven sông Thiên Đức (sông Đuống), xưa kia sông ở cách xa làng. Năm 1856, nhà Nguyễn cho nắn dòng sông Thiên Đức từ Du Lâm về phía Nam. Với việc đào nắn sông này làng Tình Quang bị chia thành hai khối, dần dần tách thành hai làng: làng ở bờ Nam lớn hơn gọi là Vịa lớn (chính là làng Tình Quang hiện nay) có đình với chùa, còn làng ở bờ Bắc là Vịa con (nay là làng Cống Thôn xã Yên Viên). Đến nay hai làng này vẫn chung đình, chung chùa nhưng nhưng lại tổ chức lễ hội riêng biệt. Ngôi đình được dựng vào năm 1676 như ghi chép trong tấm bia niên hiệu Vĩnh Trị  (Bính Thìn, 1676) . Năm Vĩnh Khánh thứ hai (Canh Tuất, 1730) trùng tu lần thứ nhất, năm Khải Định thứ chín (Giáp Tý, 1924) trùng tu lần thứ hai, năm 1994[2] được lần thứ ba và gần đây nhất là trùng tu năm 2010.

Đình thờ ba vị thành hoàng là Lý Nam Đế; Đinh Điền – Một vị tuớng quân của nhà Đinh và Lý Chiêu Hoàng – vị vua cuối cùng của nhà Lý.

Cuối năm 541, Lý Bí khởi binh chống nhà Lương, khí thế rất hùng mạnh, thứ sử nhà Lương là Tiêu Tư không chống nổi trốn thoát về nước. Quân của Lý Bí thành công chiếm lấy thành Long Biên. Năm 544, tháng giêng, Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn rằng xã tắc truyền đến muôn đời. Theo truyền thuyết dân gian thì Lý Bí từng đi qua và đóng quân ở làng Tình Quang.

Đinh Điền là một trong số những công thần theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt và là người tận trung với nhà Đinh. Sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, nghi ngờ Lê Hoàn và Dương Thái Hậu có gian tình, ông cùng Nguyễn Bặc và nhiều trung thần của nhà Đinh bỏ quan về ở ẩn để mưu tính đánh Lê Hoàn. Dân gian xem ông cùng Nguyễn Bặc là những biểu tượng của tinh thần hào hiệp, trượng nghĩa và trung thành.

Lý Chiêu Hoàng là vị vua cuối cùng của triều Lý, nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh khi còn nhỏ. Năm 1237, bà bị chồng là Trần Thái Tông phế từ Hoàng Hậu thành Chiêu Thánh Công Chúa, sau đó bà xin đi xuất gia. Tương truyền ngôi chùa bà từng về tu ở chùa làng Tình Quang.

Tuy nhiên, theo nội dung các sắc phong còn lưu tại đình thì chỉ có Lý Nam Đế là vị thần duy nhất được các triều địa phong kiến công nhận[3]. Có thể thấy, ba vị thần hoàng làng đều là những thượng đẳng thần có công lớn với dân chúng phản ánh đúng hiện tượng văn hoá thường thấy chỉ có ở các ngôi đình có niên đại sớm và lịch sử lâu đời.

Kiến trúc cảnh quan

Ngôi đình nằm ở vị trí đầu làng Tình Quang, trên một khuôn viên, rộng, thoáng mát, nhiều cây cối với bố cục hình chữ Đinh, mặt quay theo hướng Đông Bắc. Hướng của đình khá đặc biệt trong quan niệm các di tích truyền thống hướng đều là hướng nam. Chỉ có những trường hợp đặc biệt vì lý do phong thủy, đình mới quay mặt theo hướng khác. Nhưng đó không phải là lý do duy nhất, hướng của đình Tình Quang làm ta liên tưởng tới một hiện tượng ở những khu vực gắn liền với sông nước, lũ lụt… ở vùng châu thổ Bắc bộ như đình làng Chèm hướng đình hướng mặt ra sông để thánh Chèm răn đe thủy quái gây lũ lụt, giữ yên lành cho đồng ruộng, làng xóm. Do nằm ở vị trí liền kề sông nên chắc hẳn đình cũng chịu ảnh hưởng lối tư duy ấy, vì vậy hướng nam đã không còn phù hợp bằng hướng đông bắc. Trước đây, đình vốn nằm trong đê, năm Tự Đức thứ 9 (1856) sông Thiên Đức (Đuống) được cải tạo mở rộng khiến cho làng bị chia làm hai và áp sát sông. Năm 1913, lũ lớn làm vỡ đê bao, phải đắp đê quai (đê phụ) nên ngôi đình có vị trí ngoài đê như chúng ta thấy hiện nay.

Tổng thể mặt bằng ngôi đình hiện nay bao gồm: cổng đình, sân đình, Tả Hữu mạc, Đại đình và Hậu cung. Nguyên bản, ngôi đình có bố cục mặt bằng chữ Nhất, sau đó phần chuôi vồ được nối thêm tạo thành chữ Đinh như hiện thấy.

  • Cổng đình gồm 4 trụ biểu xây rất cao, trên đỉnh 2 trụ chính đắp 2 con lân hướng đầu vào giữa và nhìn xuống, 2 cổng phụ làm dạng chồng diêm 2 tầng 8 mái, thân các trụ đều đắp nổi các câu đối bằng chữ Hán. Qua cổng đình là một sân rộng lát gạch, hai bên có hai dãy phụ, mỗi tòa ba gian, đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói. Đình có kết cấu dạng chữ Đinh, phía ngoài là đại đình, phía trong là hậu cung – nơi đặt ban thờ Thánh. Đình có sàn, nay chỉ còn lỗ mộng trên thân cột. Các bộ vì nóc được làm theo kiểu vì kèo trụ trốn, tì lực trên 6 hàng chân cột.
  • Bình phong hiện nay trước kia là vị trí lăng mộ quan Thái giám bằng đá, có bia tứ trụ ghi chữ: Thái giám Từ. Sau này khi tôn tạo lại tổng thể đình, đã chuyển lăng mộ quan Thái giám và bia tứ trụ sang phía trước sang bên phải tòa Đại đình. Bình phong được xây dựng ở đây với ý nghĩa là để ngăn luồng khí độc ở bên ngoài thổi vào cũng như không để nhìn trực tiếp từ bên ngoài vào ban thờ trong đình. Về hình thức kiến trúc, Bình phong được làm theo kiểu cuốn thư, trang trí đơn giản, đây là một bức bình phong mới được xây dựng và chịu ảnh hưởng của nghệ thuật cổ truyền.
  • Hồ bán nguyệt ban đầu là ao của đình, khoảng năm 2010 trong quá trình tu sửa lại đình, ao đình đã thu hẹp lại thành hồ bán nguyệt như bây giờ. Ao thấp mang ý nghĩa âm, đình xây trên cao mang ý nghĩa dương. Tạo nên sự hòa hợp, âm dương đối đãi, là sự cầu mong hạnh phúc trường tồn cho muôn đời con cháu.
  • Đại đình có mặt bằng hình chữ nhật, với 5 gian và 2 chái lớn, nền lát gạch gạch. Lòng gian giữa rộng 3.5m, các gian bên rộng 3m. Các cột có kích thước khá lớn, được đặt trên những chân tảng đế vuông, mặt tiếp xúc với chân cột có tiết diện tròn, với đường kính khoảng 60cm. Điểm đáng chú ý trong kiến trúc của tòa này, là sự xuất hiện của các đầu dư tại vị trí cột trốn, được tạo tác dưới dạng đầu rồng cách điệu, với đầu bẹt, có đao mác thẳng, mép mỏng, răng nhe ra, trông khá dữ dằn. Đây là những mảng chạm khắc quý hiếm của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 17 vốn là phong cách tạo tác có từ thời Mạc. Ở các vị trí khác, sự tinh tế của nghệ thuật tạo hình được tập trung vào các mô típ văn mây xoắn, phía trên là cặp rồng, các vũ nữ thiên thần đang dang rộng cách tay múa vũ điệu trầm hùng, sâu thẳm gọi mùa bội thu; các hình lân, phượng tạo lối bong kênh và khối tròn, miệng ngậm đuôi rắn, khiến ta liên tưởng tới huyền thoại Ấn Độ đã được cảm nhận với sắc thái mới mang đậm chất dân gian của cư dân nông nghiệp. Những đề tài chạm nổi như hình hai võ sĩ với sức mạnh được cường điệu hoá thể hiện tinh thần thượng võ và những cảnh sinh hoạt dân gian…
  • Hậu cung đình là phần chuôi vồ nối dọc về phía sau, với ba gian, được xây trên nền cao 50cm so với nền đại đình. Phía trước hậu cung là một cửa lớn, dạng thượng song hạ bản, sơn son thếp vàng, với một bên là rồng, vân mây, một bên là đồ án rùa vẽ chìm. Hai bên cửa này có hai cửa nhỏ, là lối ra vào hậu cung.
  • Mái đình được lợp ngói ta, 4 góc mái là 4 đầu đao cong. Chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt/nhật, hai đầu bờ nóc đắp hai đầu kìm, dạng thủy quái – chủ của nguồn nước. Trên các đầu bẩy hiên chạm nổi những hoa văn dạng vân xoắn, mầm măng, lá hóa rồng, phượng, với những đường nét tinh tế, như thể hiện khát vọng truyền đời của cư dân nông nghiệp, đó chính là tinh thần cầu sinh sôi phát triển, cầu được mùa và cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Có thể nói, giá trị nổi bật nhất của di tích đình Tình Quang là phần nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên kiến trúc. Các mảng điêu khắc tập trung nhiều nhất ở tòa Đại đình, trên những bức cốn, nghé, đầu dư và bẩy hiên. Những đề tài trang trí quen thuộc như rồng, lân, phượng, vân xoắn, cụm mây,… không chỉ chuyển tải những mong muốn ước vọng của người dân mà còn góp phần làm cho kiến trúc ngôi đình thêm mềm mại và sống động. GS. Trần Lâm Biền, người có nhiều nghiên cứu về đình Tình Quang nhận xét “Trong nội thành Hà Nội hiện nay, những ngôi đình có niên đại thuộc thế kỷ 17 hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Giữ lại được những nét đẹp như đình Tình Quang thì nội thành Hà Nội không có cái nào hơn.”

Hiện vật

Hiện vật bằng đá: Gồm một tấm bia đá niên hiệu Vĩnh Trị (Bính Thìn, 1676), một bia mộ quan Thái giám họ Từ được làng lập năm 1709 và 1 con chó bằng đá có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII

Hiện vật bằng giấy: Hiện nay, tại đình chỉ còn lưu giữ được một sắc phong Bảo Đại thứ 9 (1934). Đây là sắc phong của triều đình nhà Nguyễn ban tặng cho Vua Lý Nam Đế – một trong ba vị Thành hoàng của làng.

Hiện vật bằng gỗ:

Y môn: Sơn son thếp vàng, treo ở hai cột cái phía sau của tòa Đại đình, chủ yếu trang trí ở phần tiền diện với cánh tạo dạng cửa khám. Phần bo viền dạng cách phướn với đôi rồng trườn thẳng xuống dưới trên nền tảng những vân mây, đầu rồng ngóc lên trên, toả sang cạnh tạo phần ốp bó liền với thân cột. Diềm phía trên trang trí đề tài “lưỡng long chầu nhật”.

Nhang án: Đặt ở gian giữa tòa Đại đình, ngay dưới Y môn. Nhang án, hay còn gọi là khám thờ, hình hộp chữ nhật với hệ thống chân đứng thẳng hơi chếch, tạo dáng thượng thu hạ thách. Nhang án được sơn son thếp vàng, cao 1,4m, dài 2m, rộng 90cm.

Kiệu bát cống: Thường được sử dụng để rước trong dịp lễ hội. Kiệu làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ cầu kỳ với 8 đầu Rồng ngậm ngọc, có niên đại khoảng từ 300 đến 400 năm

Ngoài những hiện vật trên, trong đình còn nhiều đồ thờ cũng làm bằng chất liệu gỗ như: những hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng với nội dung chủ yếu là ca ngợi công đức các vị Thành hoàng làng. Gần như đều là hiện vật mới do nhân dân cung tiến cho đình. Hiện nay, trong đình còn lưu giữ lại nhiều câu đối, đại tự với nội dung ca ngợi công ơn của các vị Thành Hoàng làng như:

       “Vạn Xuân kiến quốc, bát diệp sinh âm, kế thế hoàng gia thiên địa lập.

        Đinh thống huân lao, Ái Châu tiết liệt, thần tâm tướng lược cổ kim truyền”.

Dịch nghĩa:

Dựng nước Vạn Xuân, tám đời sinh phận gái, tiếp nối nghiệp vua giữ đất trời. Công lao với nhà Đinh, tiết liệt đất Ái Châu, tướng giỏi lòng thiêng truyền cổ kim.

               “Tam vị tôn thần nhị nam nhất nữ

                 Song thôn đồng xã vạn cổ thiên thu”

Dịch nghĩa:

                 Ba vị được tôn thần hai nam một nữ

                 Hai thôn cùng một xã lưu mãi ngàn thu.

Cùng một số hoành phi để răn dạy hậu thế: “Tham thiên địa”, “Thiên địa hợp đức”

Lễ hội

Như đã nói ở trên, hai làng Vịa con (Cống Thôn) và Vịa lớn (Tình Quang) dù chung đình chung chùa nhưng lại tổ chức lễ hội riêng biệt. Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng, làng Vịa con (Cống Thôn) từ nhiều năm về trước đã lên đình xin rước Thành Hoàng Làng về đình làng họ thờ và hàng năm tổ chức lễ hội từ ngày 7 đến 12 tháng Giêng. Còn làng Vịa lớn (Tình Quang) sẽ tổ chức lễ hội từ ngày 17 đến 19 tháng 2 âm lịch hằng năm. Đây là dịp để dân làng Tình Quang tưởng nhớ công lao to lớn của Thành hoàng làng.

Trước khi vào hội, Hội đồng Chức sắc và Hương lão bầu ra 36 quan viên vào Hội đồng Chạ để lo việc hội. Các thành viên được bầu vào Hội đồng này thường là người cao tuổi nhưng còn khỏe mạnh (từ 45 – 48 tuổi), đông con cháu, đức độ, uy tín trong làng. Hội đồng Chạ lại tiếp tục bầu ra sáu ông Đám; sáu ông Tống; sáu ông Thường và 18 ông Chạ còn lại. Tiến hành bầu ông Điển (viết văn tế), Hội Phù giá (khiêng kiệu) và nhiều thành phần tham gia nghi lễ khác trong hội.

Sau khi phân công công việc, sáng ngày 17/2 âm lịch, làng tiến hành trình Thánh xin mở hội chính thức vào ngày 18/2 âm lịch. Sang ngày 18, khoảng 7 – 8 giờ làng tiến hành nghi lễ quan trọng nhất – rước nước. Đoàn rước đi đầu là đội hình quốc kỳ, hồng kỳ với 30 học sinh mặc đồng phục áo trắng quần đen. Nối tiếp là 5 lá cờ ngũ sắc và 2 cây đao, 2 cây bát bửu do nam nữ thanh niên trong trang phục áo đỏ, viền vàng, quần đỏ, khăn đỏ. Tiếp sau là ngựa hồng bằng gỗ đặt trên xe kéo, hai bên có tàn đỏ lọng vàng đi theo. Sau đoàn ngựa kéo là 2 thanh niên cũng trang phục áo xanh, viền đỏ, thắt khăn vàng khiêng một chiếc trống lớn, có ông hiệu và lọng đi kèm. Kế tiếp là 5 lá cờ ngũ sắc do 5 cô gái trang phục hồng nhạt, quần đỏ, khăn vàng rước cùng 4 chàng trai áo xanh, quần xanh, khăn vàng rước 4 cây bát bửu. Xe kéo ngựa trắng nối theo sau do 4 nam kéo và 5 nữ hộ giá, tất cả đều mặc áo vàng, thắt khăn đỏ, hai bên che lọng vàng. Tiếp đến là trống trung quân, chiêng, có lọng đen ông hiệu đi kèm. Cách một quãng lại là lá cờ ngũ sắc và hai cây bát bửu. Tiếp theo là chóe đựng nước đặt trên kiệu hình bốn con Rồng, cùng một gáo múc nước bằng đồng do 4 nam thanh niên khỏe mạnh trang phục áo vàng, quần vàng, khăn đỏ khiêng. Bên cạnh có tàn che và ông tự – người được phân công lấy nước đi kèm. Nối tiếp sau là hàng cờ ngũ phương, hai người đánh trống khẩu và kiểng cùng lọng đen ông hiệu. Tâm điểm của đoàn rước là cỗ kiệu bát cống. Kiệu sơn son thiếp vàng, chạm trổ cầu kỳ với 8 đầu Rồng ngậm ngọc. Khiêng kiệu là 8 thanh niên áo vàng, quần vàng, thắt khăn đỏ. Bên cạnh có 8 thanh niên khác đi hộ giá và hai bên là quạt đi theo kiệu. Tiếp theo sau là cờ, trống hậu quân, lọng đen ông hiệu, tĩnh túc, dùi trống, trống khẩu và kiểng. Sau nữa là xe long loan (kiệu xe) có quạt đi kèm do 4 người kéo và 4 người theo sau hộ giá. Tất cả đều là nữ trong trang phục áo hồng, quần đỏ, khăn vàng. Tiếp nữa là đội múa lân, đội tế nam, đội âm nhạc và đội dâng hương theo sau hậu bái. Đi sau cùng là nhân dân trong làng và khách thập phương về làng xem hội. Nhìn tổng thể đám rước chúng ta có thể thấy những màu sắc rực rỡ, âm thanh chiêng trống rộn ràng làm náo động cả một vùng. Không khí của đám rước tuy rộn ràng, vui tươi nhưng lại rất quy củ và không kém phần trang trọng, linh thiêng. Đoàn rước nước xuất phát từ đình đi về bên phải men theo đường đê Vàng đến bến sông sát Cầu Đuống thì dừng lại lên thuyền ra giữa sông lấy nước và sau đó được rước về đình. Chóe nước được khiêng thẳng vào hậu cung, đặt ở vị trí trang trọng ngay giữa gian nhà. Nước này được dùng làm nước thờ cúng ở đình cho tới năm sau lại đi rước nước tiếp. Người dân Tình Quang quan niệm rằng nước để cúng Thánh chính là nguồn tài nguyên quý giá mà con người cần phải biết trân trọng với mong muốn một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi vật sinh sôi nảy nở.

Các trò chơi dân gian trong lễ hội sẽ được chia đồng đều cho cả ba ngày gồm: kéo co, bịt mắt bắt vịt, đập niêu, đấu vật, chơi cờ, chọi gà,…Đây là dịp để những người dân trong và ngoài làng cùng tham gia các trò chơi, xây dựng sự gắn kết giữa các làng. Cũng là dịp để lớp lớp những thế hệ trong làng tụ họp lại cùng ăn uống, trò chuyện, vui chơi. Nhiều gia đình mời bạn bè, người thân ở xa về chơi hội chung vui với gia đình. Buổi trưa ngày 18, các cụ trong làng sẽ được mời ăn cỗ ở trên đình và được trao bằng chứng nhận vào hội người cao tuổi của làng với những cụ năm nay đủ tuổi. Ngay tại ao đình (hiện là hồ bán nguyệt), buổi chiều, diễn ra tiết mục chèo thuyền hát quan họ, đoàn hát quan họ thường được mời ở Bắc Ninh về. Đêm hội chính tùy theo từng năm ban tổ chức lễ hội sẽ bàn bạc mời đoàn chèo, cải lương, múa rối,.. về biểu diễn cho dân làng cùng xem ở sân đình. Hai đêm hội phụ sẽ là những tiết mục văn nghệ do người dân trong làng biểu diễn, gồm những tiết mục cá nhân và tập thể. Để chuẩn bị kỹ những tiết mục này, người dân trong làng đã họp mặt và tập luyện trong nhiều tuần.

Năm nào lễ hội đình chùa Tình Quang cũng tổ chức, tuy nhiên có một số năm với lý do bất khả kháng như dịch bệnh ban tổ chức lễ hội làng đã lược bỏ đi phần hội chỉ tổ chức phần lễ và lược đi cả lễ rước nước. Rước nước là một nghi thức quan trọng đối với nhân dân Tình Quang xuất phát từ truyền thống nông nghiệp lúa nước. Với người nông dân, “Nước” luôn được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu trong quá trình sản xuất, nước cũng là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ban cho con người. Người dân Tình Quang rước nước dâng lên Thánh coi việc phục vụ Thánh là niềm tự hào của họ. Dân làng quan niệm nhiều người tham gia việc Thánh thì nhà đó càng có nhiều lộc

Xếp hạng

Ngày 11-5-1993, khu di tích đình-chùa Tình Quang được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Tài liệu tham khảo

[1] Mẹ Công chúa Ngọc Hân là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền (阮氏玄), là người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thủ đô Hà Nội), là con gái trưởng của ông Nguyễn Đình Giai, nhập cung giữ vị trí Chiêu nghi.

[2] Theo PGS, TS. Bùi Xuân Đính , Làng Tình Quang, Báo Hà Nội Mới

[3] Theo TS. Nguyễn Văn Đoàn (PGĐ BTLSQG), Di tích lịch sử – Kiến trúc Đình Tình Quang (Giang Biên, Long Biên, Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam

Tài liệu tham khảo

  1. TS. Nguyễn Văn Đoàn (PGĐ BTLSQG), Di tích lịch sử – Kiến trúc Đình Tình Quang (Giang Biên, Long Biên, Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam
  2. Lưu Minh Trị, Hà Nội – Danh thắng và di tích (Bộ 2 Tập), Nxb Hà Nội
  3. Cụm di tích đình – chùa Tình Quang, Cổng thông tin điện tử Phường Giang Biên – Quận Long Biên – Thành phố Hà Nội
  4. Lê Quốc Vụ, Đình Tình Quang Kiến Trúc Và Điêu Khắc, Luận văn thạc sĩ Khảo Cổ Học 2015
  5. PGS, TS. Bùi Xuân Đính, Làng Tình Quang, Báo Hà Nội Mới
  6. Bùi Thế Quân, Qua mấy ngôi đình làng ven sông Đuống trên đất Long Biên, Di sản văn hóa vật thể số 2 (43) – 2013
  7. Đào Hải Yến, Khai thông sông Đuống dưới triều Minh Mệnh, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

 

Chấm điểm

Hình ảnh

Chia sẻ
Z5625265237486 3e025d1e2e17931f92a4e666c52a364d

Nội dung chính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *


Banner App ChỐn ThiÊng 3 (60x90)