Vị trí
Bộ Tam Thế ở đây có ba pho, được làm khá giống nhau, đặt ở ban thờ chính của gian giữa toà Thượng điện.
Kiến trúc
Pho tượng ở giữa
Pho tượng đang trong tư thế thiền định, kết ấn tam muội (samâdhi) với hai tay chồng ngửa lên nhau đặt trên lòng đùi. Tóc trên đầu kết hình xoắn ốc, mặt bầu, mi cong, mũi thẳng. Mắt tượng nhìn xuống, miệng ngậm, tai chảy dài và lớn, có đeo hoa tai hình bông sen nở, cổ có một ngấn.
Tượng mặc áo cà sa trùm qua vai và tay, tạo thành nhiều lớp chảy qua lòng đùi xuống thành bệ. Phần áo ngoài để hở ở giữa ngực, lộ ra “anh lạc” và một phần áo trong. Anh lạc là những hạt cườm tròn kết quanh cổ rồi buông xuống kết thành hai hình quả trám. Giữa hai hình quả trám này có hai bông cúc mãn khai, phía trên nó là một bông hoa nở. Phía dưới cũng kết hình mây cuộn cũng với hai hình tròn, có lẽ là tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Tượng thắt ngang lưng một hầu bao kết hình “con do”, ngồi ở tư thế “bán kiết già” để lộ bàn chân phải trên đùi trái.
Đài sen đỡ tượng gồm có bốn lớp cánh sen ngửa và một lớp úp. Các cánh sen được kết xít lại với nhau, đầu các cánh sen đều múp và nhô hẳn ra ngoài. Ở ba lớp cánh sen giữa có những hình trang trí. Hình trang trí ở đây là hai đường gờ từ hai phía bên cánh sen chạy lên rồi cuộn tròn lại ở giữa để đỡ một hạt tròn nổi ở phía trên và một nửa bông cúc mãn khai ở phía dưới. Từ bông cúc có ba vân xoắn bay ra và ôm kín chung quanh. Những vân xoắn này phát ra những hạt tròn va đao mác.
Bệ đỡ đài sen được làm theo lối bệ sumeru có bốn cấp, bình diện vuông. Cấp trên cùng được trang trí bằng các cánh sen, những bông cúc mãn khai và rồng, mây. Hình thức rồng ở đây cũng giống với rồng trên bệ tượng Quan âm Nghìn mắt nghìn tay.
Cấp thứ hai được làm thót hẳn vào và chỉ có phần trang trí ở giữa với con rồng nằm trong chiếc lá đề. Dáng con rồng này có những nét dữ tợn. Ở bốn góc có bốn con quỷ nhỏ. Quỷ có dáng người, mặt dữ tợn, hai ria dài rẽ chéo sang hai bên, ngực xệ, bụng nở, đóng khố, đang trong tư thế ngồi xổm, hai chân dạng ra, hai tay giơ lên cùng với đầu đội lấy bệ sen phía trên.
Cấp thứ ba của bệ được chia thành các ô trang trí hình chữ nhật, trong các ô trang trí này có chạm những bông cúc, bông sen mãn khai ở thế nhìn nghiêng và nhìn thẳng. Mặt trên của cấp này có một hàng cánh sen kép.
Cấp thứ tư chỉ trang trí ở mặt trước, chia thành ba ô: ô ở giữa chạm chín vân xoắn hình dấu hỏi trên sóng nước. Toàn bộ mảng chạm này được đặt trong một khuôn nửa hình tròn, ở hai bên được trang trí bằng hình lân đang trong tư thế bò vào giữa và được bổ trợ bằng một vài vân xoắn.
Phía sau tượng có một vành hào quang. Hiện tượng có vành hào quang phía sau tượng Tam Thế như ở chùa này là rất hiếm trong mỹ thuật cổ ở nước ta, hình thức tương tự mới chỉ được phát hiện ở chùa Đồng Dương (Tứ Lãng, Tứ Kì, Hải Hưng). Vành hào quang ở đây được làm thành hình giống như nửa chiếc thuyền dựng đứng. Mũi của vành hào quang ở phía trên đầu tượng, trên đó có chạm một con chim có hai đầu hình mặt người đang trong tư thế lao thẳng xuống. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chim hai đầu này là biểu tượng của Phật pháp vĩnh cửu, cho nên nó được đặt ở vị trí cao hơn đầu Phật. Loại chim này có tên là Cọng Mạng, còn gọi là Mạng Mạng hay Sanh Sanh, người ta cho rằng ở vũng Hy-mã-lạp-sơn (Himalaya) thường có loại chim này.
Pho tượng này có những kích thước như sau:
- Tính từ mặt đài sen đến đỉnh đầu : 114 cm
- Từ đỉnh đầu đến cằm : 42 cm
- Khoảng cách hai đỉnh tai : 30 cm
- Rộng ngang vai : 60 cm
- Rộng hai cùi tay : 70 cm
- Rộng hai đầu gối : 98 cm
- Chiều dày (trước, sau) đầu tượng : 31 cm
- Chiều dày ngực : 30 cm
- Chiều dày từ gối ra hông : 59 cm
- Từ đỉnh vành hào quang đến chân bệ tượng : 870 cm
- Chiều ngang vành hào quang (chỗ rộng nhất) : 111 cm
Pho tượng bên trái
Hình thức và kích thước giống với pho ở giữa. Tay đặt ở tư thế thuyết pháp với tay phải đặt trên đùi phải, tay trái giơ ngửa ra phía trước, ngón cái gập vào ngón út và ngón đeo nhẫn, ngón trỏ và ngón giữa đưa cao lên gần sát mũi. Ống tay áo buông tư cánh tay trái xuống, chảy trên lòng đùi.
Đài sen cũng có bốn lớp, trên mỗi cánh sen có hai đường gân có móc chụm lại ở đầu hình dấu hỏi ôm lấy một bông cúc mãn khai ở giữa. Phía dưới có ba hàng hạt tròn chạy xuống. Bệ đặt tượng có hình thức giống với bệ đặt pho tượng giữa, ở phần thót vào có các vân dấu hỏi trang trí ở hai bên mép, ở chính giữa có một khung hình lá sòi, phía dưới có hình sóng nước với các vân dấu hỏi nổi lên tạo thành sóng cuộn đầu.
Cấp dưới cùng của bệ tượng được chia thành ba ô trang trí với ô ở giữa có khung hình lá sòi. Phía dưới và phía trên các ô trang trí này cứng đều trang trí hoa văn: sáu đường cong goi nhau tạo thành hình sóng nước ở phía dưới và phía trên chạm cách điệu hình “tam sơn” dưới dạng giống như những cánh sen, trong đó ngọn ở giữa cao hơn, phía trên toả ra hai vân xoắn. Ở mặt trái của bệ chạm một lớp sóng cuộn đầu, chặn hai đầu lớp sóng này là hai hình sừng, làm nền cho bài ngọn sóng bạc đầu này là lá sen.
Pho tượng bên phải
Cũng giống như hai pho tượng kể trên, chỉ có một vài chi tiết khác ở phần trang trí, ở thế tay kết ấn và trang trí trên bệ. Ngoài các trang trí tương tự như ở hai pho tượng kia, trong pho tượng này, ở phần ngực, bên cạnh các hạt tròn nhỏ đan hình quả trám còn có ba hình tròn khác. Trên bệ tượng, ở mặt bên phải được trang trí hình một nửa bông cúc mãn khai bồng bềnh trên sóng nước, ở hai bên bông hoa nhô lên hai chiếc sừng, hai chiếc sừng này có hình thức giống như đã được trang trí ở bệ đặt pho tượng bên trái.
Cả ba pho tượng này có nhục kháo cao vừa phải, bộ mặt nhân hậu, đăm chiêu, nhưng vẫn lộ ra tính chất kiêu kì, cao sang. Khối mặt tượng hơi lồi, môi thu nhỏ lại và dày lên, cằm được tạo một đường chìm bên mép cùng một đường chìm phía dưới cằm khiến cho cằm nổi thành khối. Hiện tượng này tạo cho mặt tượng trở lên uy nghiêm, cao sang, xa cách, đẹp nhưng ít vẻ gần gũi. Tai tượng đeo hoa tai, đây là một hiện tượng ít có trong tạo hình tượng Phật Việt Nam. Hiện tượng đó khiến ta suy nghĩ rằng phải chăng đó là dấu ấn thể hiện sự tham gia của tầng lớp quí tộc vào chùa.
Tham khảo
- Sách Chùa Bút Tháp – Tác giả: Bùi Văn Tiến