Hội đền Chính Đa Hòa là một hội lớn, vô cùng phong phú, vui náo nhiệt là niềm tự hào chung, là biểu tượng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ cư dân cả vùng này.
Hội đền Chính Đa Hòa là một sinh hoạt văn hóa tổng hợp bao gồm: rước, các cuộc thi đấu văn hóa thể thao(đấu vật, chọi gà, bơi chải, cầu lông…), các sinh hoạt văn nghệ quần chúng (tuồng, chèo…), có năm tổ chức thi thơ.
Đám rước thần từ sáng sớm, tại 8 ngôi đền ở 8 xã, nhân dân địa phương tập hợp, chuẩn bị rước thành hoàng xã mình đi dự hội đền chính Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Như vậy là có 8 đám rước từ các làng tiến ra, lên đường lớn, hợp với nhau. Mỗi đám rước có những nét chung và những đặc trưng riêng của thành hoàng làng.
Ảnh: Lễ rước kiệu hội đền Đa Hòa (Nguồn: Sưu tầm)
Tám đám rước từ tám ngả tiến ra. Các Thánh gặp nhau chiêng trống vang rền, pháo nổ giòn giã. Do đường xa nên kiệu rước đức Thánh anh cả, Thánh Mễ Sở phải đi nhanh. Lúc này gọi là kiệu bay. Nếu đám rước thành hoàng nào đi trước thì sẽ phải rạt ra một bên nhường đường cho các giai đồ kiêng kiệu thánh Mễ Sở vượt lên trước. Trước khung cảnh hào hùng, người xem hội đông hàng ngàn đứng hai bên bờ đường khi giạt ra, lúc xô vào chắp tay vái lạy, miệng khấn suỵt soạt.
Tùy theo đặc điểm của mỗi vị thành hoàng mà đám rước có đặc trưng riêng. Thành hoàng Mễ Sở tục gọi thánh Pháo, vì vậy suốt dọc đường kiệu rước pháo đốt liên tục. Đám rước của thành hoàng lang Phú Thị có con rồng vàng cuộn khúc lượn theo. Thành hoàng làng Đa Hòa, Thiết Trụ, Nhạn Tháp… là các vị tướng nên đám rước có voi, ngựa tiền hô hậu ủng. Có đám rước có tới hai, ba phường bát âm. Có đám rước cho “con đĩ đánh bồng” vừa đi vừa múa bày trò cho thiên hạ xem. Hai “con đĩ ” là hai thanh niên giả gái má phấn môi son, đầu chịt khăn mỏ quạ, yếm đào đôi vú xổng xểnh, thắt lưng xanh, áo dài vạt đỏ vạt vàng, váy thắm phô cái đít cong. Cả hai vừa nhảy múa vừa ưỡn ẹo hai tay gõ đập hai mặt chiếc trống tròn dài như cái gối, đeo trước bụng.
Sau này đám rước có thêm sư tử, ông địa cũng là trò vui, trẻ con chạy theo reo hò ầm ĩ.
Những ngày lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung các sới vật đông nghịt người xem, không ngớt tiếng trống “cắc, tùm”, tiếng hò reo cổ vũ đấu sĩ.
Múa rồng, có từ 6-8 con rồng. Động tác múa của rồng theo sự điều khiển của người cầm quả cầu và tiếng trống khẩu. Rồng múa vòng quanh, uốn lượn nhịp nhàng. Khi trống đánh chậm thì múa chậm, khi trống đánh nhanh thì múa nhanh, sôi nổi. Rồng múa đơn, múa từng đôi hoặc tất cả rồng các làng đều múa, trình diễn những động tác điêu nghệ của rồng làng mình.
Tham gia vật lão là các cụ già 70-80 tuổi, trong trang phục ngày hội, đầu chít khăn điều, mặc áo xanh, áo vàng, thắt lưng đỏ, vàng biểu diễn các động tác vật tượng trưng. Cuộc biểu diễn này gợi mọi người tưởng nhớ tới công ơn của Chử Đồng Tử – Tiên Dung đã cứu nhiều người khỏi bệnh tật và để chứng tỏ mình hoàn toàn khoẻ mạnh, họ kéo nhau ra sân vật nhau, làm trò cho ông bà xem.
Cuộc đua chải cũng rất hấp dẫn. Sông Hồng tháng xuân nước lặng, mỗi xã một chải, mỗi chải có 10-12 tay chèo dưới sự điều khiển của “ông cốc “. Cũng ở hội đền Đa Hòa còn tổ chức nhiều cuộc thi đấu võ, múa gậy và đánh gậy, thi chọi gà, vui nhất là thi đấu cờ tướng.
Cả sân đền rộng biến thành bàn cờ. Có 32 quân chia làm 2 phe, một phe nam, một phe nữ. Người đóng vai tướng sĩ, quân cờ đều là trai chưa vợ, gái chưa chồng. Đẹp nhất là hai vai tướng ông, tướng bà. Kỳ thủ các nơi về đây đọ tài cao thấp. Sau mỗi tiếng trống hiệu, các quân xe, pháo, mã, tốt xiêm y lộng lẫy, đi lại uyển chuyển. Người dự hội thỏa mãn vui cười.